Mỗi trẻ em là một thực thể, có cá tính riêng biệt. Với trình độ nhận thức, tư duy khác nhau, mỗi trẻ trở nên độc đáo với sở trường thiên phú.
Do vậy, dạy trẻ ở trường Tiểu học, người giáo viên không thể cố gắng đưa các em vào một khuôn mẫu cho sẵn, không thể ép buộc các em học theo cách định dạng nhằm đạt được kết quả như nhau.
Trẻ em thường yêu thích trò chơi do chúng lựa chọn và tự phân nhóm, tự đề ra cách chơi. Vì vậy để việc giáo dục mang tính hiệu quả cao, người giáo viên cần xâu chuỗi lõi nội dung chương trình môn học và tiến hành bài dạy thông qua dự án, trò chơi học tập, sắm vai, diễn kịch, múa rối... Với niềm say mê, tự khám phá từ các bài học, trẻ rút ra kiến thức để vận dụng trong cuộc sống, mỗi trẻ sẽ giới thiệu được nhiều kết quả bất ngờ, nhiều phương cách không chỉ bằng trí tuệ mà bằng cả ngôn ngữ hình thể lẫn nhịp đập trái tim dâng trào cảm xúc. Dẫn dắt học sinh vào bài học, khám phá kiến thức không chỉ từ giáo viên, có thể gợi ý, định hướng một vài học sinh trong lớp đặt vấn đề, giới thiệu tình huống để lôi cuốn các bạn tập trung chú ý và cùng làm việc.
Việc tổ chức học tập sáng tạo cho học sinh có thể ở trong lớp hay ngoài trời, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và nội dung bài dạy. Một không gian thoáng đãng, tràn đầy nắng gió, an toàn cho sức khỏe hay phòng lớp có số lượng học sinh vừa phải sẽ khởi đầu cho tiết học hay. Với tất cả bài học, hãy nhờ các em cùng chuẩn bị nội dung và đồ dùng học tập, người giáo viên hãy chuẩn bị nhiều hoạt động phù hợp và hệ thống câu hỏi đa dạng, thích ứng với từng đối tượng học sinh. Trẻ sẽ thu nhận vững chắc kiến thức mới nếu được tập trung chú ý, rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết dựa trên vốn sống thực tế đã có và học bằng thị giác, thính giác, xúc giác, vận động trí óc và chân tay.
Việc tổ chức nhóm thảo luận cũng là một phần quan trọng của bài học nhằm giúp học sinh phát huy năng lực trí tuệ tập thể. Không khí học tập trở nên hứng khởi khi phần thảo luận được phân chia đều trong nhóm. Mỗi em phải thể hiện quan điểm cá nhân độc lập với bài học hoặc suy luận của bạn trong nhóm, bạn cùng lớp. Trong lúc trao đổi ý kiến, mục tiêu bài học được hình thành, tư duy sáng tạo được phát triển, khả năng ghi nhớ và ngôn ngữ diễn đạt có điều kiện nâng cao.
Sau tổ chức làm việc nhóm phải cần chú ý đến sản phẩm cá nhân. Đây là kết quà học tập của từng học sinh. Mỗi em biết tận dụng thế mạnh của mình để giải quyết các yêu cầu bài học, bài luyện tập cũng như đề kiểm tra. Dựa trên khả năng tiềm ẩn, trẻ đã học một cách sáng tạo, khi có thể giải thích, vận dụng một kiến thức mới đã học bằng tranh vẽ, xếp hình, sơ đồ mạng và có thể tự sáng tác bài vè, bài thơ ngắn chứa chan tình cảm hay khúc nhạc rap sôi động... Âm nhạc có thể mang lại sự phấn chấn tinh thần học tập. Một số thể loại âm nhạc dân gian được dùng để diễn đạt nội dung bài học còn có hiệu quả cao trong cách tác động trí não: giúp trẻ hiểu sâu và nhớ lâu.
Hãy nhìn nhận từng khả năng nơi trẻ để có cách đánh giá chính xác, nhất là những trẻ có khó khăn về tiếp nhận, xử lý thông tin. Hãy gợi mở giúp học sinh tìm ra con đường học tập cho chính mình, dù mất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức đi qua đoạn đường vòng nhưng có cơ hội nảy sinh ý tưởng mới, rút ra phương cách giải quyết lạ mà các bạn khác phải khâm phục, tán đồng. Chính kết quả làm việc của nhóm hay cá nhân được trưng bày trong lớp đã minh chứng cho cách học tập đạt hiệu quả và sáng tạo.
Lúc đó, việc học đối với các em sẽ trở nên hào hứng, mỗi em đều có thể tự tin rằng mình cũng thông minh và cho rằng học cũng như chơi, nhẹ nhàng mà hiệu quả, có thói quen nghĩ ra nhiều cách mới, linh hoạt và hấp dẫn hơn. Từ việc yêu thích học tập, trẻ sẽ tập trung chú ý trong khi học. Khả năng chú ý cao là cánh cửa của tri thức, tiềm năng cần có của một người năng động, thành tài trong tương lai.
Từ nhận thức việc học sáng tạo sẽ giúp trẻ thay đổi quan niệm học tập, kết quả học tập ở mỗi kỳ thi không thể đánh giá toàn diện cũng như không thể hiện hết sự thông minh, linh hoạt, sáng tạo của một đứa trẻ; Vstar School đã chú trọng việc dạy và học theo lõi kiến thức ở các môn học bằng sơ đồ tư duy dưới dạng tổng quát đến cụ thể từng bài. Trẻ sẽ tự mình khái quát và chi tiết kiến thức trên từng chương ôn tập. Hiểu trẻ theo cách nhìn, cách nghĩ của trẻ. Tạo điều kiện cho trẻ được học và làm theo cách riêng của mình, miễn đạt hiệu quả cùng lời động viên đúng lúc đã thổi bùng nơi trẻ cảm xúc khao khát thành công, chiến thắng bản thân, tự tin không chỉ trong môi trường học tập mà còn trong sinh hoạt nơi gia đình và xã hội.
Theo Kỹ năng sư phạm