Tiến sĩ Lisa Fries, Chuyên gia về hành vi ăn uống cho trẻ tại Viện Khoa học Sức khỏe Nestlé, Thụy Sỹ cho biết, trẻ em khi được tập thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ sẽ lớn lên khỏe mạnh hơn. Cách bố mẹ cho con ăn đóng vai trò quan trọng hình thành thói quen ăn uống của trẻ. Vì vậy, từ khi còn nhỏ, phụ huynh có thể giúp bé hình thành cách ăn uống lành mạnh với các bí quyết dưới đây.
Trong bữa ăn, cần tạo không gian thoải mái, ấm cúng. Ba mẹ cũng có thể cho trẻ tự chọn món ăn trên bàn hoặc đóng vai trò hướng dẫn con chọn các thực phẩm giúp cân bằng dinh dưỡng.
Đôi khi, điều ba mẹ nghĩ chưa hẳn sẽ đúng với điều trẻ muốn, nhất là trong việc ăn uống. Thực tế, trẻ biết khi nào no hoặc đói nên ba mẹ đừng quá cố gắng để con ăn thật nhiều. Ba mẹ hãy ân cần hướng dẫn, để con tự quyết định về lượng thức ăn mà con có thể tiêu thụ. Những sai lầm trong việc cho trẻ ăn mà phụ huynh có thể mắc phải là quá thúc ép, nuông chiều quá mức hoặc quản lý quá nghiêm ngặt. Lúc này, trải nghiệm ăn uống không còn thú vị mà khiến trẻ cảm thấy khó khăn nhiều hơn.
Tạo áp lực để ép con ăn có thể dẫn đến nhiều hậu quả không tốt cho thói quen ăn uống sau này. Nếu thấy no, con sẽ nhận biết được các dấu hiệu từ bao tử, tránh việc ăn quá nhiều khiến đầy bụng. Tình trạng này nếu xảy ra thường xuyên, khi lớn lên trẻ sẽ né tránh, ám ảnh với các món ăn mà bố mẹ ép buộc lúc nhỏ. Tuy vậy, cũng sẽ có trường hợp, trẻ con sẽ ăn nhiều hơn mức hàng ngày, việc này rất bình thường, ở các bữa ăn sau trẻ sẽ tự giảm lượng thức ăn để phù hợp với nhu cầu bản thân.
Dạ dày của trẻ 2-6 tuổi chỉ bằng 1/3 người lớn, thời gian tiêu hóa chậm hơn; đặc biệt là đối với các chất béo, đường, muối. Vì vậy, hãy cung cấp thực phẩm đa dạng, giàu dinh dưỡng và bổ sung thêm đủ lượng nước, sữa cho bé.
Ưu tiên những thực phẩm: giàu sắt (thịt bò, heo, lòng đỏ trứng), canxi (sữa, trứng, phô mai), chất béo omega-3 (cá thu, lươn, cá hồi, cá chép), lợi khuẩn (thực phẩm chứa những lợi khuẩn được chứng minh lâm sàng tốt như LAB4 hay Bifidus).
Với rau, củ, quả, chọn những loại theo mùa để đảm bảo hàm lượng vi chất cao nhất, dễ mua và giá thành không quá đắt. Để đảm bảo lưu giữ dưỡng chất tốt nhất trong trường hợp bận rộn, không thể đi chợ mỗi ngày, có thể chọn mua theo nhóm thực phẩm. Rau, củ quả và thịt bò, heo nên chuẩn bị 3 ngày một lần; trứng, sữa, phô mai, sữa chua có thể trữ 2 tuần; cá, thịt gà, hải sản mua 2 ngày một lần, mỗi lần một lượng vừa đủ cho bữa ăn.
Để lựa chọn được thực phẩm tươi ngon, giàu dinh dưỡng, có thể áp dụng 3 bước đánh giá: nhìn - ngửi - chạm. Ví dụ, với cá tươi, khi nhìn thấy mắt cá trong và sáng, ít đục, mang cá hồng hoặc đỏ; ngửi không thấy mùi hôi khó chịu, mùi vẫn còn mới; chạm vào không thấy nhớt như khi bị ươn, nhấn vào phần thịt dọc theo người cá vẫn có độ đàn hồi tốt.
Trong các dịp đặc biệt như lễ, Tết, sinh nhật... ba mẹ không nên ngăn cấm, mà hãy hạn chế lượng bánh kẹo, đồ ngọt. Trẻ sẽ tự nhận thấy rằng bánh kẹo là món chỉ có trong các dịp đặc biệt, không phải là thức ăn bổ dưỡng hàng ngày.
Nghiên cứu cho thấy trẻ lớn lên sẽ có xu hướng thích ăn những thực phẩm mà trẻ bị cấm cản lúc còn nhỏ, vì trẻ dễ bị thu hút và tò mò hơn khi trẻ chưa bao giờ được thử.
Phụ huynh có thể tham khảo bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Bộ Y tế để cho trẻ ăn đúng với nhu cầu và độ tuổi. Sau khi kết thúc bữa ăn, nếu trẻ còn thấy đói thì vẫn có thể khuyến khích con ăn thêm.
Để ước lượng mức thực phẩm đúng với nhu cầu của trẻ, ba mẹ cần có kỹ năng: thấy - hiểu, đáp ứng ngay.
- Thấy và hiểu: Quan sát các cử chỉ của trẻ liên quan đến nhu cầu thức ăn. Ví dụ như lời nói, hành động chứa đựng ý nghĩa về việc no, đói, hứng thú hoặc hết hứng thú.
- Đáp ứng ngay: Việc đọc được ý nghĩa của các cử chỉ sẽ giúp ba mẹ đáp ứng nhu cầu ăn uống của con, mà việc đáp ứng này càng thực hiện sớm thì trẻ sẽ càng hài lòng và ngoan hơn. Ngược lại, nếu trì hoãn đáp ứng, trẻ sẽ tìm cách đưa ra tín hiệu mạnh hơn, thậm chí có sự kháng cự xảy ra.
Ví dụ, trẻ quay đầu nhiều hơn 3 lần hoặc kết hợp ít nhất 2 cách từ chối như ngậm miệng, nhè thức ăn, quay đầu, lấy tay đẩy ra... thì ba mẹ có thể hiểu rằng cần tạm thời ngưng lượt đút đó, làm động tác bỏ muỗng vào chén và múc muỗng mới sau đó 3-5 phút.
Hoặc khi trẻ không hứng thú vui chơi như khi vừa bắt đầu trò chơi thì có thể là dấu hiệu của việc muốn ăn gì đó. Ba mẹ nên chuẩn bị sẵn một vài món ăn nhẹ như trứng luộc, bánh lạt, phô mai, sữa chua... Lúc này, được ăn sẽ làm trẻ cảm thấy thích thú vì ba mẹ hiểu được nhu cầu của mình.
Khi bắt đầu giới thiệu thực phẩm mới, ba mẹ hãy kiên nhẫn khuyến khích, động viên để thuyết phục con tự tin nếm thử.
Nghiên cứu gần nhất cho thấy trẻ sẽ từ chối nếm thử thực phẩm mới nếu không có sự động viên từ ba mẹ. Thay vì nói dối về món ăn, hãy nhẹ nhàng khuyến khích trẻ như: cải xanh rất tốt, con ăn thử với mẹ nhé.
Nếu trẻ phản ứng khó chịu khi ăn thử món mới thì ba mẹ cũng đừng nản lòng vì đây là hành vi hết sức tự nhiên khi vị giác chưa quen và chấp nhận nó. Lặp lại là phương pháp được khuyên khi trẻ từ chối món mới. Đến lần thứ 10-12 mà trẻ vẫn không chịu, ba mẹ nên đợi thêm 2 tuần rồi mới đưa món ấy vào thực đơn. Trong nghiên cứu vị giác, 2 tuần là thời gian trung bình có thể giúp trẻ lấy lại trải nghiệm mới.
Bữa ăn với đầy đủ thành viên trong gia đình nên được thực hiện càng thường xuyên càng tốt. Trẻ con học rất nhanh bằng việc quan sát các thành viên trong gia đình, nên ba mẹ chính là tấm gương gần nhất và thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ. Bắt đầu với việc giới thiệu các nhóm thực phẩm, dinh dưỡng đúng với độ tuổi của con. Bằng cách này, ba mẹ sẽ hiểu được nhu cầu và sở thích để con được phát triển khỏe mạnh với những gì tốt nhất.
Có thể đoán được thói quen ăn uống của trẻ bằng cách quan sát hành vi của bố mẹ trong bàn ăn. Nghiên cứu cho thấy học ăn theo bố mẹ là phương pháp thành công nhất để thuyết phục trẻ ăn uống ngon miệng hơn.
Thức ăn luôn hấp dẫn, nhưng đừng dùng chúng để làm phần thưởng cho con như: "Nếu con ăn hết chỗ rau này, mẹ sẽ thưởng con một cây kem". Về lâu về dài, việc này sẽ làm trẻ có thói quen xấu mỗi khi được cho ăn rau xanh.
Tiến sĩ Lisa Fries đưa ra lời khuyên, mọi thực phẩm đều có những giá trị riêng. Dùng thức ăn làm phần thưởng sẽ khiến con lầm tưởng dinh dưỡng và giá trị của các món ăn.
Dùng đồ chơi hay dắt trẻ đi khắp nơi để dỗ ăn cũng có tác dụng tiêu cực, khiến bé đưa ra các tín hiệu về nhu cầu đói, no không rõ ràng, bé dễ phân tâm bởi tiếng ồn, xe cộ, đèn chiếu thay vì tập trung vào việc nhai và hành vi ăn uống.
Ngoài ra, việc xem TV, điện thoại khi ăn cũng làm trẻ giảm tập trung, hứng thú vào thức ăn. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ 0-18 tháng tuổi cần tránh tiếp xúc màn hình TV, điện tử; 18-24 tháng tuổi có thể xem các chương trình giáo dục nhưng có sự tham gia, giám sát của cha mẹ. Kết thúc việc xem TV, điện thoại ít nhất một giờ trước bữa ăn, giờ ngủ.