Hiện nay, hầu hết học sinh trên cả nước đều được nghỉ học để tránh dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (2019-nCoV hay nCoV). Thế nên, việc làm thế nào để bảo vệ con hiệu quả trước sự tấn công của coronavirus vẫn là mối bận tâm của không ít phụ huynh.
Trong những ngày này, bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới hay bệnh viêm phổi cấp Vũ Hán đang là “tâm bão” trên hầu hết các phương tiện truyền thông. Trong bài viết này, Hello Bacsi mách bạn các bí quyết giúp để bảo vệ trẻ khỏi nCoV khi con nghỉ học hiệu quả. Mời bạn cùng tham khảo.
Nguyên nhân lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp Vũ Hán và triệu chứng
Việc nhiễm phải chủng coronavirus mới (2019-nCoV hay nCoV) là nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cấp hay còn gọi là bệnh viêm phổi lạ Vũ Hán. Virus này có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Người nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán sẽ có các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường như sốt nhẹ, ho, hắt xì, chảy nước mũi, chân tay yếu, ho cùng một số triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, hệ thần kinh và nhãn khoa. Nguy hiểm hơn là người bị nhiễm nCoV có nguy cơ bị viêm phổi cấp, suy thận, thậm chí là tử vong.
Trẻ em, người già, người có các bệnh mạn tính là các đối tượng có thể dễ dàng lây nhiễm virus gây bệnh thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với người mang mầm bệnh hay chỉ cần chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus gây bệnh rồi chạm tay lên mắt, mũi, miệng…
Một số chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra rằng nếu trẻ em nhiễm bệnh, bệnh có thể tiến triển rất nhanh, thời gian ủ bệnh có thể không cần mất đến 14 ngày như người lớn mà thậm chí ngắn hơn rất nhiều.
Trước tình hình này, hầu hết các cơ sở giáo dục trên lãnh thổ Việt Nam đã tạm cho trẻ nghỉ học trong khoảng từ 1 – 2 tuần để phòng chống lây nhiễm chủng virus này cho trẻ. Tuy vậy, cha mẹ vẫn cần đặc biệt chú ý và trang bị cho trẻ lớp bảo vệ tối ưu trước nguy cơ lây nhiễm ngày càng gia tăng của virus corona kể cả khi ở nhà.
Bí quyết bảo vệ trẻ nhỏ không bị lây nhiễm coronavirus khi con nghỉ học ở nhà
Trong khi cho trẻ ở nhà để tránh tình trạng lây nhiễm chủng virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp trong cộng đồng, các bậc cha mẹ nên tuân thủ các quy tắc sau đây để bảo vệ con tốt hơn:
1. Đảm bảo trẻ rửa tay đúng cách, đúng thời điểm
Thời điểm này, các bậc cha mẹ nên chú ý đến việc rửa tay của trẻ hơn bao giờ hết. Bạn nên dạy trẻ rửa tay đúng cách với xà phòng, nước rửa tay hoặc nước rửa tay khô sạch khuẩn thường xuyên và hạn chế đưa tay chạm mặt.
Đặc biệt trong mùa dịch hiện nay, cần nhắc nhở và cho trẻ thuộc lòng các thời điểm cần phải rửa tay như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chạm vào những đồ vật không sạch sẽ hoặc khi ra ngoài về.
Với trẻ nhỏ, bạn cần đảm bảo trẻ không mút tay, ngoáy mũi, dụi mắt, không để trẻ chạm vào bề mặt ở nơi công cộng (tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, thành ghế…).
2. Cho trẻ uống đủ nước
Cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm (nếu ở vùng có khí hậu lạnh) nhằm giữ ấm, làm ẩm cho cổ họng và niêm mạc đường hô hấp.
Nhiều chuyên gia y tế đã khuyến cáo virus có thể xâm nhập vào cơ thể nếu như cổ họng bị khô chỉ trong vòng 10 phút.
3. Thực hiện dinh dưỡng hợp lý nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ
Trong thời điểm này, việc tăng cường tiêu thụ những thực phẩm có lợi cho sức khỏe như thực phẩm giàu protein, các loại rau củ tươi sạch giàu vitamin và khoáng chất… cần được chú trọng hơn cả. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng dụng một số thực phẩm/gia vị chứa hoạt chất đặc biệt giúp tăng miễn dịch như tỏi, gừng, hành, nghệ, sả… Những gia vị này kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích thích các cytokine, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch.
Mẹ hãy chọn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tươi sạch cho trẻ dùng. Song song với đó, bạn có thể cho trẻ dùng tăng lượng sữa và bổ sung thêm các sản phẩm từ sữa như sữa chua.
Ngoài ra, cần thực hiện quy tắc ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ ăn chế biến sẵn bán ở các quầy hàng, không ăn những thức ăn lạ.
4. Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc và hoạt động thể chất phù hợp
Tuy trẻ nghỉ học tại nhà nhưng bạn cũng nên đảm bảo trẻ đi ngủ và thức dậy đúng giờ, ngủ trưa đầy đủ. Bạn cần tránh để trẻ xem ti vi hay chơi game trong thời gian dài, cần thúc đẩy trẻ thực hiện các hoạt động thể chất như: nhảy dây, lắc vòng, đạp xe, đi bộ lên xuống cầu thang trong nhà, chơi trốn tìm…
5. Đảm bảo môi trường trong gia đình được sạch sẽ
Trong thời gian trẻ nghỉ học ở nhà để tránh dịch, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh, bạn nên yêu cầu tất cả các thành viên trong gia đình nghiêm túc thực hiện các điều sau:
– Khi ho hay hắt hơi cần che miệng, mũi hoàn toàn bằng khăn giấy rồi bỏ ngay vào thùng rác có nắp đậy và rửa tay với xà phòng sạch khuẩn trong ít nhất 20 giây.
– Khi đi ở ngoài về cần rửa tay ngay, thay quần áo sạch trước khi tiếp xúc với trẻ.
– Không ôm hôn trẻ, không dùng chung đồ ăn và dụng cụ ăn uống với trẻ, tuyệt đối không thổi thức ăn cho trẻ. Nếu muốn làm mát thức ăn trước khi cho trẻ ăn, mọi người nên múc thức ăn ra chén bát chờ cho nguội bớt và dùng dụng cụ đậy lại để tránh côn trùng xâm nhập.
– Không dùng chung đồ dùng cá nhân như: khăn mặt, bàn chải, ly nước đánh răng. Giặt khăn mặt thường xuyên và giữ khăn luôn khô sạch, phơi khăn chỗ thoáng mát, có ánh nắng mặt trời, tránh treo khăn nơi ẩm thấp và tối.
– Các thành viên trong gia đình cần súc miệng bằng nước muối trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy, trước và sau khi đến chỗ đông người về để nâng cao nhận thức về phòng ngừa dịch bệnh.
– Cần tránh đưa trẻ đến chỗ đông người như siêu thị, rạp chiếu phim, công viên… Bạn nên cho trẻ đeo khẩu trang đúng cách mỗi khi ra ngoài, rửa tay và thay quần áo, giày dép ngay sau khi về, bỏ khẩu trang vào thùng rác.
– Nên mở cửa các phòng để không khí được lưu thông, mở cửa 2 – 3 lần trong ngày, mỗi lần từ 30 – 60 phút. Nếu có điều kiện, bạn nên mua máy lọc không khí cho gia đình sử dụng.
– Vệ sinh sàn nhà sạch sẽ bằng nước lau nhà hoặc dung dịch khử trùng có chứa chất khử trùng clo kết hợp với vệ sinh các bề mặt trong nhà bằng dung dịch sát khuẩn phù hợp.
– Các thiết bị điện tử như điện thoại di động, iPad, remote và đồ chơi của trẻ cần được được làm sạch và khử trùng hằng ngày.
– Nếu trong gia đình có thành viên nghi ngờ hoặc đã được xác nhận bị nhiễm bệnh, cần khử trùng các vật dụng và phòng ở mà người bệnh đã sử dụng. Ngoài ra, bạn nên lau nhà bằng dung dịch khử trùng chứa chất khử clo từ 4 – 10 lần/ngày.
Phải làm gì nếu trẻ tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc người bị nghi ngờ nhiễm bệnh?
Nếu nghi ngờ trẻ có tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc nghi bị nhiễm bệnh hay người trở về từ vùng có dịch, bạn cần chủ động cách ly, cho trẻ đeo khẩu trang và theo dõi trẻ trong 14 ngày tại nhà. Nếu trong thời gian theo dõi, trẻ có các biểu hiện như ho, sốt, chảy nước mũi, cần đưa đến các cơ sở y tế để khám và chẩn đoán.