Những cột mốc phát triển xã hội rất quan trọng vì nó chuẩn bị cho một đứa trẻ để nhận biết cảm xúc cá nhân, hiểu cảm xúc và nhu cầu của người khác, tương tác với người khác theo cách tôn trọng và chấp nhận được. Cho dù trẻ của bạn hướng ngoại hay nhút nhát, xã hội hóa là một phần quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ.
TS Heather Wittenberg, nhà tâm lý học chuyên về phát triển trẻ em cho rằng “Sự phát triển xã hội của một trẻ nhỏ gắn liền với rất nhiều lĩnh vực khác nhau”. “Đặc biệt, việc biết đi đã kích hoạt một loạt các cột mốc khác. Và vì hầu hết trẻ em đều bắt đầu tập đi quanh mốc 1 tuổi, đây là lúc các bố mẹ thực sự thấy một số cột mốc xã hội lớn xuất hiện ở trẻ”. Dưới đây là các cột mốc phát triển xã hội của trẻ.
MỘT TUỔI
Ở tuổi này, bạn sẽ nhận thấy em bé của bạn có thể:
Các giao tiếp cơ bản. TS. GS tâm lý học Maria Kalpidou trường Đại học Assumption ở Worcester, Massachusetts cho biết, những trẻ một tuổi chủ yếu sẽ chỉ tay và phát ra âm thể hiện ý định của mình. Điều quan trọng khi tương tác với trẻ là thừa nhận những gì trẻ đang nhìn theo và đang chỉ vào những điều thú vị xung quanh trẻ.
Nhận biết người quen. Khi trẻ nhìn thấy ông bà, người giữ trẻ, bác sĩ nhi khoa và những người thân khác trong gia đình, trẻ sẽ bắt đầu chào đón họ bằng một nụ cười (hoặc khóc, tùy theo tâm trạng của trẻ!). Theo TS Wittenberg “Nếu trẻ không chú ý đến bất kỳ ai xung quanh mình, đây chắc chắn là một dấu hiệu cần xem xét”. “Bạn muốn trẻ nhận thức được về những gì – những ai ở xung quanh trẻ, ngay cả khi là trẻ khóc khi có ai đó bước vào phòng ngoài bố và mẹ”
Tương tác với bạn. Nếu trẻ đưa đồ chơi cho bạn, điều này cho thấy sự sẵn sàng và khả năng tham gia với người khác. Điều này cũng tạo nên tiền đề để học về chơi luân phiên, tuy nhiên đừng hi vọng quá nhiều vào việc chia sẻ lúc này. TS Wittenberg nói “Chơi tương tác có qua có lại là rất quan trọng” (VD chơi ú òa, chơi lăn bóng qua lại,..). “Bố mẹ có thể muốn trẻ độc lập nhưng phải được chốt trong các tình huống xã hội thích hợp.”
HAI TUỔI
Ở tuổi này, trẻ gắn kết hơn với những người xung quanh nhưng vẫn thích chơi với bố và mẹ hơn. Tuổi này, trẻ có thể:
Bắt đầu xã hội hóa. Trẻ thường tham gia chơi song song ở tuổi này; điều này có nghĩa là trẻ chơi bên cạnh nhau thay vì chơi với nhau. Theo TS Wittenberg “Trong giai đoạn này trẻ không có nhiều tương tác với trẻ khác nhưng điều quan trọng là vẫn cần cho trẻ thời gian chơi với trẻ khác”.
Bảo vệ lãnh thổ. Đây là độ tuổi trẻ bắt đầu chiến đấu để giữ đồ chơi và tuyên bố “Đây là của con!”. Tất nhiên chia sẻ là điều rất khó khăn ở độ tuổi này, trẻ 2 tuổi chưa thể nhìn được quan điểm của trẻ khác. TS Kalpidou cho biết “Những hành vi xã hội của trẻ phản ánh tư duy ái kỉ và hành vi của trẻ được dẫn dắt bởi ham muốn của mình”. Hình mẫu về chia sẻ và luân phiên theo lượt với người bạn đời của bạn sẽ giúp trẻ học được hành vi xã hội quan trọng này.
Mở rộng quan hệ với người khác. Thể hiện sự quan tâm tới người khác là một phần quan trọng của xã hội hóa, và trẻ sẽ bắt đầu tìm kiếm các tương tác ngoài bố mẹ. Cho dù đó là chơi với ông bà hay vẫy tay chào nhân viên thu ngân ở siêu thị, đứa trẻ đang học cách vui vẻ với người khác. Mặc dù một số trẻ không thể hiện ra ngoài với người khác, đừng vội dán nhãn cho trẻ là “nhút nhát”. TS Wittenberg giải thích: “Cha mẹ thường coi nhút nhát như một điều tiêu cực, nhưng điều đó là bình thường với những trẻ mà không nhanh nhẹn chào đón người mà trẻ không biết hoặc không gặp gỡ thường xuyên”. “Hãy cho trẻ thời gian để điều chỉnh với các tình huống mới và theo sự dẫn dắt của trẻ.”
BA TUỔI
Trẻ ở độ tuổi đến trường mầm non, nơi trẻ sẽ có những người bạn khác để giao lưu và có cơ hội kết bạn. Ở tuổi này, bố mẹ sẽ nhận thấy trẻ có thể:
Tìm kiếm người khác. Chơi kết hợp bắt đầu ở tuổi này, vì vậy trẻ sẽ bắt đầu tìm kiếm những trẻ khác. Theo TS Wittenberg “Điều quan trọng ở giai đoạn này là cho trẻ nhiều cơ hội được dành thời gian với bạn”. Tuy nhiên trẻ sẽ cần giúp đỡ để điều hướng các tình huống xã hội này. Mặc dù trẻ hiểu được một số quy tắc về hành vi và an toàn, hãy nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng về việc chia sẻ và luân phiên.
Dùng trí tưởng tượng. Mặc quần áo hóa trang, chơi giả vờ và các hoạt động sáng tạo khác sẽ là một phần hoạt động chơi ở trẻ. TS Kalpidou chia sẻ “Trẻ cũng sẽ kết bạn dựa trên lợi ích chung”. Khái niệm về chia sẻ cũng vẫn có thể còn có khó khăn với trẻ ở tuổi này, nhưng đây cũng là lúc trẻ có thể hiểu được về sự thỏa hiệp và tôn trọng lẫn nhau. TS Kalpidou nói thêm “Trẻ em ở độ tuổi này thường giải quyết xung đột với bạn bè để duy trì hoạt động chơi và thể hiện những hành vi tích cực với nhau hơn”.
Bắt đầu hiểu cảm xúc. Trẻ vẫn học tốt nhất là từ bố mẹ, vì thế bố mẹ hãy chỉ ra cho trẻ những cảm xúc khác nhau (hạnh phúc, buồn, sợ hãi) khi xem tivi hoặc đọc sách. Điều này giúp trẻ nhận thức rõ hơn về cảm xúc của chính mình cũng như của người khác. Trẻ cũng sẽ bắt đầu thể hiện sự đồng cảm bằng cách đưa ra những cái ôm, hôn khi cần thiết.
BỐN TUỔI
Khi ở trường mẫu giáo, trẻ sẽ sớm học được về những sợi dây giao tiếp với những người bạn mới. Trẻ ở tuổi này có thể:
Thể hiện sự quan tâm đến việc là một phần của nhóm. Trẻ thích chơi với người khác và tương tác với bạn bè nhiều hơn. Các chuyên gia nói rằng đây là độ tuổi tốt để đăng ký cho trẻ tham gia một đội thể thao, VD như đội bóng đá. TS Wittenberg gợi ý “Hãy chọn những hoạt động không có quá nhiều quy tắc hoặc những điều hạn chế”. “Nếu không nó có thể phá hỏng trải nghiệm của trẻ và trẻ sẽ không bao giờ muốn chơi lại”.
Chia sẻ và hợp tác nhiều hơn với người khác. Vẫn sẽ có những cuộc tranh cãi về đồ chơi, nhưng trẻ có thể hiểu khái niệm chia sẻ và chờ đến lượt mình. TS Kalpidou nói rằng “Sự nhận thức ngày càng tăng về tâm trí người khác cho phép trẻ em phát triển kỹ năng đàm phán, giải quyết xung đột bằng lời nói, theo dõi trạng thái cảm xúc của nhóm và điều chỉnh hành vi của trẻ khác.”
Thể hiện tình cảm qua cơ thể. Bây giờ đứa trẻ bé bỏng của bố mẹ sẽ dành nhiều cái ôm và hôn hơn cho bố mẹ, thể hiện tình cảm với gia đình và bạn bè, đặc biệt khi trẻ thấy mọi người không ổn. Theo TS Kalpidou “Trẻ ở độ tuổi này tham gia vào các hành vi xã hội nhiều hơn, chẳng hạn như chia sẻ hay bày tỏ sự cảm thông.”
Phát huy tính độc lập nhiều hơn. Điều khó khăn trong cách nuôi dạy con cái là bố mẹ muốn con mình tự lập hơn, nhưng trẻ lại thường chọn những lúc không ổn để làm mọi thứ theo cách của mình, VD trẻ khăng khăng đòi tự mặc quần áo khi bố mẹ đang bị muộn làm, hoặc trẻ muốn giúp bố mẹ cất đồ chơi (nhưng ở sai chỗ). Tuy nhiên tự tin và thoải mái trong khả năng của mình chính là một phần quan trọng của việc xã hội hóa thành công, đặc biệt là khi trẻ lớn lên.