Khi dịch bệnh đang bước vào giai đoạn “cao điểm”, việc chăm sóc sức khỏe và chú ý đến chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch COVID-19 sẽ là một trong những bí quyết giúp bạn tăng cường sức đề kháng để chống chọi với đại dịch.
Việc xây dựng và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất là lời khuyên quen thuộc để giúp chúng ta sống khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, với sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19, có thể bạn đã và đang quan tâm nhiều hơn đến các biện pháp y tế, phòng ngừa lây nhiễm… mà vô tình bỏ qua việc tăng sức đề kháng lâu dài bằng cách “đầu tư” cho chế độ dinh dưỡng. Vì vậy, để giúp hệ miễn dịch “lợi hại” hơn trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, bạn có thể tham khảo bí quyết dinh dưỡng vô cùng hữu ích được tổng hợp trong bài viết sau.
Chế độ ăn uống và lối sống như thế nào giúp tăng cường sức khỏe trong mùa dịch?
Ở thời điểm này, các nhà khoa học nghi ngờ rằng tình trạng viêm có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19. Vì vậy, giải pháp liên quan đến chế độ ăn chống viêm có thể hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại căn bệnh này hay không đang được đặt ra và cần được nghiên cứu thêm.
Trong đó, chế độ ăn Địa Trung Hải đang được xem xét và cân nhắc áp dụng nhiều nhất. Vì đây là chế độ ăn lành mạnh, khuyến khích bạn nhiều rau, trái cây, các loại đậu, dầu ô liu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, thịt, cá, thực phẩm tươi…
Song song đó, những lời khuyên cụ thể về chế độ dinh dưỡng sau đây có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nếu bạn áp dụng và duy trì lâu dài:
- Bạn nên ăn thực phẩm tươi (rau, củ, quả, thịt, cá, trứng…) và tự nấu tại nhà. Tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, thức ăn nhanh, đồ chiên dầu mỡ và có nhiều gia vị như muối hoặc đường.
- Ăn một lượng vừa phải chất béo hoặc dầu. Bạn nên chọn sử dụng dầu thực vật (dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu hướng dương…) để cơ thể hấp thu chất béo không bão hòa thay vì chất béo bão hòa.
- Nên chọn thịt trắng và cá thay vì thịt đỏ để tránh hấp thu nhiều chất béo.
- Khi nấu và chế biến thức ăn, bạn nên hạn chế cho nhiều muối hoặc các loại gia vị có hàm lượng natri cao (ví dụ như nước tương, nước mắm…)
- Uống 8 – 10 cốc nước lọc mỗi ngày, có thể bổ sung thêm nước trái cây nhưng cần hạn chế đồ uống không lành mạnh như rượu, bia, cà phê, đồ uống có gas…
- Cần hạn chế tối đa việc đặt mua đồ ăn uống bên ngoài để giảm nguy cơ tiếp xúc với nhiều người và giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh.
Lưu ý rằng chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch COVID-19 rất quan trọng nên đây không phải là lúc bạn nên ăn kiêng. Bởi vì việc giảm calo trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ ảnh hưởng hoặc thậm chí là làm suy yếu hệ miễn dịch. Lời khuyên bạn nên nhớ là hãy ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ, protein và chất chống oxy hóa mà cơ thể cần để chống chọi tốt hơn với virus gây bệnh.
5 chất và vitamin cần thiết mà chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch COVID-19 của bạn cần có
Nếu quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch COVID-19, bạn có thể nhận thấy hiện nay vẫn chưa có đủ dữ liệu chứng minh cho việc ăn uống như thế nào để chống lại dịch bệnh tốt nhất. Thế nhưng, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến nghị về một số chất, khoáng chất và vitamin bạn nên bổ sung trong mùa dịch để tăng sức đề kháng.
1. Vitamin D
Dựa trên nghiên cứu thì không có nhiều bằng chứng cho thấy vitamin D có khả năng phòng chống bệnh COVID-19. Thế nhưng các chuyên gia vẫn khuyến khích bạn nên cung cấp đủ nguồn vitamin D cho cơ thể vì đây là loại vitamin có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch.
Đặc biệt là trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh, hầu hết chúng ta chỉ làm việc và sinh hoạt ở trong nhà khiến cơ thể thường xuyên thiếu vitamin D. Vì vậy, một số bác sĩ đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này và dùng trang mạng xã hội cá nhân để kêu gọi và khuyến nghị mọi người ra ngoài phơi nắng.
Hoạt động này vừa giúp cơ thể nhận đủ vitamin D vừa giúp bạn cảm thấy đỡ bí bách khó chịu do ở trong nhà quá lâu. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là chỉ nên phơi nắng hoặc tập thể dục ở sân nhà, ban công hoặc sân thượng để tránh vi phạm quy định giãn cách.
Về hàm lượng vitamin D cần bổ sung cho cơ thể thì con số này rơi vào khoảng 2000 IU/ngày. Ngoài ra, bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ nếu nghi ngờ mình thiếu vitamin D, vì lúc này bạn có thể cần bổ sung nhiều hơn mức trên.
2. Vitamin C
Tương tự như vitamin D, hiện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh vitamin C có lợi cho việc chống lại bệnh COVID-19. Tuy nhiên, vitamin C vẫn luôn là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Chính vì vậy mà các chuyên gia vẫn khuyến cáo mọi người nên bổ sung vitamin C thông qua việc ăn nhiều trái cây và rau củ quả.
Nếu bạn muốn bổ sung vitamin C bằng viên uống thì nên chú ý đến hàm lượng vừa đủ là 200 – 2.000 mg/ngày. Đồng thời, hãy cẩn trọng khi cơ thể dung nạp quá nhiều vitamin C, trên 5000 mg một ngày, vì dư lượng này sẽ gây ra một số phản ứng phụ về đường tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn.
3. Kẽm
Kẽm là chất đóng một vai trò quan trọng đối với sự hoạt động của các tế bào miễn dịch. Một số chuyên gia còn khuyến khích nên bổ sung 30 – 50 mg kẽm mỗi ngày để giúp kiểm soát bộ gen RNA của virus, bao gồm cả virus Corona chủng mới. Gợi ý một số thực phẩm giàu kẽm bạn có thể bổ sung là các loại hạt, các loại đậu, thịt, trứng, sữa, động vật có vỏ (nghêu, sò…).
4. Cá và dầu cá
Cá và dầu cá chất lượng cao chứa omega-3 có khả năng chống viêm. Đồng thời, việc thường xuyên ăn cá có thể góp phần giảm nguy cơ tử vong do nhiều nguyên nhân. Thế nhưng, hiện nay vẫn chưa rõ liệu việc tiêu thụ cá và dầu cá có giúp cơ thể chống lại các triệu chứng do bệnh COVID-19 gây ra hay không. Mặc dù vậy thì bạn cũng không nên bỏ qua nguồn dinh dưỡng này trong mùa dịch vì ăn cá và dầu cá luôn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
5. Chất xơ có lợi cho đường tiêu hóa
Virus gây ra bệnh COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp và cả đường tiêu hóa. Các triệu chứng tiềm ẩn bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy. Đó là lý do mà chất xơ với một loại cụ thể là prebiotic sẽ cần được thêm vào chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch COVID-19 bùng phát.
Chất xơ cũng như prebiotic có khả năng thúc đẩy hệ vi sinh vật phát triển khỏe mạnh, cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột và duy trì chức năng “xây dựng” hàng rào bảo vệ đường ruột. Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất xơ giúp làm giảm tỷ lệ vi khuẩn di chuyển qua đường ruột. Từ đó hỗ trợ giảm đi tình trạng nhiễm trùng và tăng cường hệ miễn dịch.
Hiện vẫn chưa có cơ sở dữ liệu cho biết việc tiêu thụ chất xơ có chống lại các triệu chứng của COVID-19 hay không. Tuy nhiên, bạn vẫn nên duy trì việc ăn thực phẩm giàu chất xơ với khoảng 25 – 38 g chất xơ đã được khuyến nghị cho mỗi ngày để nhận được lợi ích từ nguồn dinh dưỡng này. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau, trái cây, các loại đậu, hạt, quả hạch và ngũ cốc.
Nhìn chung, chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch COVID-19 gần như không khác nhiều so với chế độ ăn lành mạnh thông thường. Tuy nhiên, việc ăn uống như thế nào để chống lại dịch bệnh vẫn chưa có minh chứng khoa học cụ thể. Vì vậy, bạn chỉ nên ăn uống đủ chất chứ không nên áp dụng một cách mù quáng theo bất cứ tin đồn nào trên mạng về việc ăn thực phẩm chống virus gây bệnh COVID-19 nhé!