Không phải số lượng mà chất lượng bữa ăn mới là điều cần thiết giúp bé cưng khỏe mạnh. Vậy, chế độ dinh dưỡng cho bé như thế nào mới chuẩn? Cùng tham khảo ngay mẹ nhé!
Không phải cứ cho trẻ ăn càng nhiều, bé càng khỏe mạnh. Điều quan trọng là làm sao bổ sung cho bé đủ những dưỡng chất thiết yếu. Có như vậy, bé mới phát triển toàn diện cả về cân nặng, chiều cao và sức khỏe. Tham khảo ngay những lưu ý dinh dưỡng cho bé để con yêu luôn mạnh khỏe, mẹ nhé!
Dinh dưỡng cho bé: Đa dạng các nhóm chất!
Để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ, bữa ăn cần đầy đủ các nhóm chất và đa dạng các loại thực phẩm
–
Chất đạm: Thường có trong các loại đậu, trứng, cá, gà, các loại thịt, sữa, sữa chua và phô mai, bổ sung chất đạm giúp bé xây dựng cơ thể khỏe khoắn và mạnh mẽ.
–
Vitamin và khoáng chất: Việc cho con “ăn lệch” 1 nhóm thực phẩm như thịt, cá, “ngó lơ” rau xanh sẽ làm cơ thể thiếu hụt một lượng lớn vitamin và khoáng chất cùng một lượng chất xơ dồi dào. Bé thiếu chất, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng không thể hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, từ đó ảnh hưởng sức khỏe.
Mẹ nên ưu tiên chọn những loại rau quả nhiều màu sắc. Các loại rau như: bông cải xanh, đậu xanh, cà rốt, khoai lang, cà chua, cải bó xôi và dưa leo nguyên vỏ và các loại trái cây như đào, mơ, lê và táo rất tốt cho sức khoẻ bé.
–
Tinh bột: Không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, cơm, nui, ngũ cốc… còn giúp cơ thể bổ sung một lượng chất xơ dồi dào.
–
Chất béo: Cần thiết cho sự phát triển não của trẻ, chất béo chưa bão hoà có nhiều trong cá, trái bơ, dầu ôliu, hạt cải…
–
Chất lỏng: Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mẹ nên cho bé uống 1,5 -2 lít nước ngày, bao gồm cả hàm lượng nước canh, nước ép và lượng nước trong các loại hoa quả.
Tránh xa những món gây hại
Dù bé tỏ vẻ yêu thích, nhưng trên thực tế, cơ thể trẻ nhỏ không thích ứng được với những thực phẩm quá nhiều muối, đường, bột ngọt và chất caffein. Vì vậy, mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều bánh ngọt, khoai tây chiên, các loại nước ngọt hay thậm chí nước ép trái cây bán sẵn, bởi hàm lượng đường trong các loại nước ép này cũng khá cao. Khi cho trẻ uống nước trái cây, mẹ nên pha thêm nước theo tỷ lệ 50-50. Trẻ từ 1-6 tuổi có thể uống tối đa 150ml nước trái cây pha. Với bé từ 7-18 tuổi uống tối đa 240-360ml mỗi ngày.
Thức ăn nhanh và đồ ăn vặt như khoai tây chiên, bánh quy, bánh ngọt, sôcôla, kẹo mứt… ít chất xơ và dưỡng chất nhưng lại nhiều đường và chất béo có hại cũng bị liệt vào “danh sách cấm”. Thay vào đó, mẹ nên cho bé ăn trái cây tươi. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên làm gương cho bé, cắt giảm một số thói quen ăn uống không lành mạnh.
Bé đã ăn đủ no?
Mỗi đứa trẻ đều có sự phát triển của riêng mình. Đừng đánh đồng bé con của mình với nhóc tỳ nhà hàng xóm. Kể cả với cùng một bé, nhu cầu ăn uống mỗi ngày cũng có thể khác nhau do sự vận động trong ngày của bé. Đừng ép hay nài nỉ trẻ ăn thêm, như vậy sẽ phản tác dụng.
Theo nghiên cứu, não bộ chỉ nhận tín hiệu no khi thức ăn đã chuyển vào dạ dày được 20 phút. Dạ dày của trẻ cũng xác định cơn đói dựa trên lượng thức ăn trẻ tiêu thụ cùng vào thời điểm ngày hôm trước. Điều này có nghĩa, nếu tối qua trẻ ăn nhiều, tối nay trẻ cũng thèm ăn nhiều như vậy.
Nếu bé có xu hướng ăn quá nhiều, mẹ có thể thử “phanh” bé lại bằng những cách sau:
– Chia khẩu phần ăn thành 2: Sau khi bé ăn xong được 10 phút, tiếp tục đưa bé phần ăn còn lại. Cách này sẽ giúp não bộ có đủ thời gian xử lý thông tin no đói chính xác.
– Cho trẻ ăn theo thứ tự ưu tiên của chuỗi thực phẩm: Bắt đầu với những món nhiều dinh dưỡng như các loại thịt, rau củ, sau đó mới đến các món tinh bột như nui, bánh mì, khoai tây… Khi mẹ dọn tất cả ra cùng lúc, trẻ có xu hướng lựa chọn ăn nhiều các món tinh bột ít dưỡng chất trước và tiếp tục ăn cố những món còn lại. Kết quả, bé ăn quá nhiều nhưng dưỡng chất nạp vào lại không đáng kể.
Ngoài duy trì một chế độ dinh dưỡng cho bé đúng chuẩn, mẹ cũng nên khuyến khích bé thường xuyên vận động. Hạn chế không cho nhiều thời gian xem tivi, điện thoại và máy tính bảng. Thay vào đó, khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời.