Làm cha mẹ thì giai đoạn chuẩn bị cho con đi học đều có những lo lắng nhất định. Một số cha mẹ thường dạy trẻ học chữ, học số trước khi trẻ vào lớp một, nhằm giúp trẻ học trước các bài học và dễ dàng khi đến lớp.
Thực ra điều trẻ cần chính là những kỹ năng và sự chuẩn bị tốt về tâm lý và dinh dưỡng để giúp trẻ tự tin hơn, cảm thấy dễ dàng hơn khi đón nhận một môi trường mới. Khi có những kỹ năng này, tự trẻ sẽ có cách để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Điều trẻ cần được chuẩn bị trước khi đến trường chính là tâm lý, kỹ năng và dinh dưỡng - Ảnh minh họa: Internet
Việc trang bị những kĩ năng này không phải cần chờ đến lớp 1 mà ngay trước khi trẻ đi nhà trẻ cha mẹ cần chuẩn bị và tập luyện cho trẻ. Sau đây là những bước cha mẹ cần chuẩn bị để trẻ sẵn sàng cho ngày đầu tiên đến trường
Chuẩn bị tâm lý cho trẻ đến trường
Đến trường đồng nghĩa với việc trẻ phải xa cha mẹ và phải đối mặt với những điều không quen thuộc. Do đó, trẻ phát triển sự lo lắng là điều dễ hiểu, từ đó hình thành tâm lý, sợ trường, ngại lớp.
Một trong những phương pháp thú vị được Tiến sĩ Pletter giới thiệu để giúp trẻ giảm thiểu sự lo lắng về những thứ không chắc chắn, đó là giúp trẻ biến sự nỗi lo thành điều tò mò, hào hứng.
Thay vì nói trực tiếp đến trường lớp cô giáo, bạn hãy kể và cho bé tham gia vào các hoạt động vui chơi mà trẻ sẽ gặp khi đến lớp, ví dụ cầu tuột, bập bênh, …
Hãy biến nỗi lo sợ của trẻ khi đến trường thành tinh thần hào hứng, tò mò khám phá - Ảnh minh họa: Internet
Môi trường mẫu giáo thường nhộn nhịp với nhiều hoạt động của các bạn nhỏ khác. Trẻ cần làm quen với những sự nhộn nhịp gần giống trẻ sẽ tăng tỷ lệ niềm vui thích với sự tiếp nhận môi trường mới.
Do đó, việc dẫn bé đến các khu có nhiều hoạt động vui và nhộn nhịp như nhà sách, khu vui chơi… trước 2 tuần sẽ giúp bé cảm nhận không khí có nhiều bạn nhỏ và sự nhộn nhịp nơi đây.
Cho trẻ biết những kỹ năng cơ bản ở trường
Giáo sư Hutchings, Đại học Bangor, từng chia sẻ: Phần lớn thời gian đầu ở lớp trẻ sẽ khó hòa nhập vào các hoạt động chung cùng cô và các bạn. Lí giải là vì khi ở nhà trẻ thường sẽ nhận hướng dẫn từ 1 phía của cha hoặc mẹ. Nhưng khi ở lớp, hoạt động mà trẻ nhìn thấy đến từ nhiều người khiến trẻ bối rối hơn khi phải xác định cần làm theo ai, cho đến khi trẻ thực sự quen thuộc với môi trường này.
Tùy vào mỗi bé mà thời gian quen là khác nhau, nên bạn cũng đừng quá lo lắng khi trẻ có biểu hiện khó hòa nhập, ngồi 1 mình hoặc ít tương tác. Cho trẻ học trước những kỹ năng cơ bản ở trường sẽ giúp trẻ hòa nhập với môi trường được tốt hơn, rút ngắn thời gian làm quen.
Kỹ năng hòa nhập
Trẻ cần có thời gian nhất định để hòa nhập với trường lớp - Ảnh minh họa: Internet
Làm quen với những kỹ năng hòa nhập với hoạt động của lớp trước ít nhất 1 tuần. Kỹ năng này đơn giản để giúp bé hiểu được những hiệu lệnh, hướng dẫn cơ bản từ cô. Ví dụ: Vỗ tay, ngồi xuống, đứng dậy…
Bố mẹ có thể ngồi với bé thành vòng tròn để kể 1 câu chuyện, trò chuyện với bé, để bé quen với việc ngồi yên, lắng nghe.
Kỹ năng chăm sóc bản thân
Đây là kỹ năng khá bao quát, bao gồm nhiều yếu tố. Tuy nhiên đối với các bé ở độ tuổi này thì bố mẹ nên tập trung vào một số vấn đề cơ bản. Đơn cử như việc nói ra nhu cầu của mình. Tâm lý chung là bé sẽ lo sợ, ngại ngùng trước nơi đông người lạ.
Hãy dạy bé những kỹ năng cơ bản để chăm sóc bản thân và biết cách nói ra nhu cầu của mình - Ảnh minh họa: Internet
Do đó, từ lúc nhỏ ở nhà bạn có thể dẫn bé đến bồn tiểu để giúp bé thiết lập thói quen đi vệ sinh. Sau đó bạn có thể bắt đầu thường xuyên hỏi bé “Con muốn đi tiểu không?” và để bé trả lời. Lặp lại thường xuyên để bé biết nói lên nhu cầu của mình, tương tự như việc uống nước, lấy đồ vật, …
Kỹ năng chơi với bạn bè mới
Hãy giúp bé học cách chào và nói tên mình trước để bắt đầu câu chuyện với các bạn xung quanh. Bạn có thể tập trước ở nhà bằng trò chơi nhập vai, hỏi bé tên gì và hướng dẫn bé trả lời và hỏi lại mẹ, nhờ đó bé có phản xạ là người mở đầu hoặc ít nhất là không ngại ngùng trong cuộc trò chuyện với mọi người.
Hãy dạy con biết chia sẻ và vui chơi cùng bạn bè - Ảnh minh họa: Internet
Thêm vào đó, cha mẹ có thể dạy trẻ biết nói và chia sẻ với các bạn những gì, có thể thông qua những hình ảnh hoặc thẻ chữ với cấu trúc như: Tôi có thể chia sẽ cảm giác của tôi, tôi có thể chia sẻ ý kiến của tôi... Trẻ con sẽ quen dần với điều gì trẻ sẽ cùng các bạn trên lớp cùng chia sẻ. Điều này cũng giúp trẻ hòa đồng tốt hơn.
Chuẩn bị những thay đổi về dinh dưỡng
Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho những thay đổi về hành vi ăn uống cũng như hiểu về nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt khi trẻ ở độ tuổi từ 3 - 6 tuổi.
Về hành vi ăn uống, trẻ ở độ tuổi này sẽ phát triển dần về khẩu phần và biết lựa chọn loại thức ăn trẻ ăn. Do đó, việc giới thiệu những loại thức ăn lành mạnh có thể giúp trẻ phát triển hành vi ăn uống lành mạnh sau này. Đồng ý là việc bổ sung các bữa dặm cho con ở trường sẽ cần ưu tiên sự tiện lợi, gọn gàng và vệ sinh.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ không chú ý hoặc cho trẻ dùng các loại bánh kẹo, nước ngọt hoặc thức ăn nhanh không lành mạnh có thể làm trẻ thích và luôn đòi ăn những loại thực phẩm này về sau. Các loại thực phẩm dinh dưỡng như sữa hộp pha sẵn, các loại bánh ngũ cốc, trái cây… nên là sự lựa chọn của bố mẹ vì đảm bảo được vấn đề dinh dưỡng và cả tiện lợi.
Cha mẹ cũng đừng quên chuẩn bị bữa ăn phụ tại trường cho con để bổ sung dinh dưỡng - Ảnh minh họa: Internet
Nhu cầu năng lượng của trẻ cũng gia tăng do các hoạt động trên lớp. Cha mẹ nên hiểu về lịch biểu về ăn uống của trẻ ở trường để biết chuẩn bị thêm cho trẻ những thức ăn nhẹ khi trẻ tan học. Ví dụ: Trẻ có thể dùng bữa trưa ở trường lúc 11 giờ 30 phút và bữa xế tầm 15 giờ và tan học lúc 16 giờ.
Năng lượng của trẻ có thể xuống và làm trẻ đói nếu bữa chiều nằm khoảng 17 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút. Bạn có thể cho trẻ uống 1 hộp sữa hoặc ăn 1 - 2 phần thức ăn gọn nhẹ, tiện lợi trước bữa chiều 60 phút để duy trì năng lượng trẻ ổn định. Trẻ quá đói trước bữa chiều có thể bị mệt và biếng ăn ở bữa chiều.
Nếu trẻ phải học thêm năng khiếu từ 45 - 60 phút sau giờ học, trẻ cần ăn gì đó nhẹ trong 15 phút sau giờ học trên lớp trước khi vào giờ học năng khiếu. Sau giờ học năng khiếu, nên cho bé ăn nhẹ hoặc uống gì đó trong lúc trên xe về nhà. Bữa tối của trẻ nên sớm hơn 19 giờ tối.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh