Tính cách của một đứa trẻ do môi trường và sự giáo dục quyết định. Tuy mỗi trẻ đều có những cá tính khác nhau, nhưng tất cả đều cần được dạy dỗ để biết tôn trọng người khác. Từ lúc chào đời, trẻ đã biết được làm thế nào để khiến cho mọi người đáp ứng yêu cầu của mình, đây cũng chính là bản năng của mỗi người. Nhiệm vụ của bố mẹ ở đây chính là dạy con biết được làm thế nào để có thể nhờ vả người khác một cách tôn trọng nhất.
Bạn phải nhớ rằng: trẻ không phải là bạn của mình
Bố mẹ phải nhớ rằng trẻ là con của bạn chứ không phải bạn bè của mình. Vai trò của bạn là hướng dẫn trẻ làm thế nào để thích nghi với xã hội, điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn dạy trẻ cách cư xử với người khác nữa chứ không chỉ với riêng bố mẹ. Một ngày nào đó khi trẻ lớn lên, tình cảm giữa bạn với trẻ sẽ khắng khít và gần gũi hơn. Nhưng nếu trẻ đang còn nhỏ, nhiệm vụ của bạn ở cương vị bố mẹ là giáo dục, hướng dẫn và đặt giới hạn cho trẻ.
Thể hiện sự tôn trọng với người khác
Đôi khi người lớn chúng ta lại nhầm lẫn giữa sự tôn trọng và nỗi sợ, rồi dùng điều ấy như một cách khiến trẻ nghe lời. Nếu như bạn nghe con mình nói rằng “con rất nghe lời bố/mẹ của con vì bố/mẹ sẽ đánh đòn nếu con làm gì đó sai” thì có thể bạn cần điều chỉnh cách dạy con của mình một chút vì trẻ đang sợ bạn chứ không phải là tôn trọng bạn. Bạn cũng có thể thấy các trẻ khi đi học thường rất nghe lời thầy cô giáo vì sợ bị đánh. Điều đó cũng không phải là tôn trọng mà là sợ hãi.
Bên cạnh đó, thay vì dạy trẻ sợ hãi, bạn nên bắt đầu lắng nghe ý kiến của trẻ. Thật khó để có thể kiên nhẫn nghe trẻ nói hết, khi mà trẻ mới chỉ 2 tuổi hoặc hơn. Tuy nhiên, lắng nghe luôn chính là phương pháp nuôi dạy con hiệu quả nhất. Khi lắng nghe, bạn nên cúi xuống hoặc ngồi xuống ngang bằng với trẻ, nhìn vào mắt trẻ để thể hiện rằng: “Ừ, bố/mẹ đang lắng nghe con đây”. Việc bạn biết lắng nghe sẽ là tấm gương dạy trẻ biết cách lắng nghe người khác.
Dạy con những kỹ năng tương tác xã hội cơ bản
Việc dạy trẻ những kỹ năng xã hội cơ bản nghe có vẻ lỗi thời nhưng việc trẻ biết nói “làm ơn” hay “cám ơn” thực sự quan trọng, nhất là khi trẻ trò chuyện cùng người lớn, thầy cô và phỏng vấn xin việc sau này. Khi trẻ biết nói “xin lỗi” hay “cám ơn” cũng là lúc trẻ biết đồng cảm, tôn trọng và biết ơn việc làm của người khác mang đến cho mình.
Hãy tôn trọng trẻ
Khi thấy trẻ vô lễ hoặc không tôn trọng người khác, bố mẹ cần phải sửa chữa hành vi của trẻ ngay lập tức, tất nhiên là với thái độ hết sức tôn trọng con.
Việc dạy con mà vẫn phải tỏ ra tôn trọng con nghe có vẻ kì lạ nhưng bạn nên nhớ rằng la mắng không phải là cách tốt nhất để dạy dỗ trẻ. Nếu để những biểu hiện giận dữ đó tác động, bạn sẽ khó mà dạy dỗ trẻ hiệu quả được. Thay vào đó, bạn có thể tìm một không gian riêng và thẳng thắn nói chuyện với trẻ, bạn không cần phải quát tháo và khiến trẻ xấu hổ. Việc bạn đưa con ra một chỗ riêng tư và nói cho con biết việc mình làm là sai với thái độ hết sức cứng rắn sẽ khiến trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn, nếu cần bạn cũng có thể cho con biết trẻ sẽ phải bị phạt những gì nếu vi phạm những lỗi trên một lần nữa.
Hãy khen ngợi con một cách cụ thể khi trẻ tỏ ra tôn trọng người khác
Bố mẹ có thể khen ngợi mỗi khi trẻ có những hành vi tốt, nhưng thay vì chỉ nói đơn giản “tốt”, “ngoan”, bạn có thể nói chi tiết hơn rằng: “Con biết đứng xếp hàng mua bánh là ngoan lắm”. Khi bạn khen ngợi một cách rõ ràng, trẻ sẽ dần ý thức về hành vi tốt và cảm thấy bố mẹ đánh giá cao những nỗ lực của mình.
Nếu đã đề ra những hành vi “nên làm” cho trẻ nhưng vẫn lo trẻ không thực hiện đúng, bạn có thể đặt ra những yêu cầu cho trẻ. Ví dụ như khi gia đình sắp đi ăn, bạn có thể nói với trẻ là bạn muốn trẻ ngoan ngoãn, không quấy khóc, không vòi vĩnh và phải lễ phép với người lớn.
Việc dạy trẻ trước không chỉ giới hạn hành vi của trẻ mà trong một vài trường hợp giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn nếu trẻ làm đúng những gì bố mẹ dặn. Trẻ sẽ biết được trong trường hợp đó thì trẻ phải làm gì và nếu trẻ không làm đúng như những gì bạn đề ra thì sẽ bị phạt. Nếu như kết thúc buổi đi chơi bên ngoài đó và trẻ rất nghe lời, bạn có thề khen thưởng trẻ, nhưng nếu trẻ không nghe lời, bạn hãy cứ thực hiện hình phạt mà ban đầu bạn đã nói với trẻ.
Đừng nghĩ rằng trẻ xúc phạm bạn khi trẻ tỏ ra thiếu tôn trọng
Một trong những sai lầm lớn nhất của bố mẹ là cảm thấy trẻ đang “chĩa mũi dùi” vào mình mỗi khi trẻ tỏ ra chống đối hay thiếu tôn trọng. Thực ra, những đứa trẻ khác cũng có thể cư xử giống hệt vậy với bố mẹ của chúng. Khi đó, bố mẹ nên ứng xử với hành vi của con càng khách quan càng tốt. Khi bạn không tìm được cách hiệu quả nhất để xử lý với hành vi của trẻ, bạn có thể cảm thấy bất lực và hoảng loạn. Khi bố mẹ cảm thấy bất lực, bạn cũng xu hướng làm quá mọi thứ lên hay tảng lờ hết tất cả mọi việc và xem như trẻ chưa làm gì sai hết. Cho dù bạn phản ứng lại với trẻ bằng cách nào trong 2 cách trên thì chúng cũng không giúp ích gì trong việc giúp trẻ biết tôn trọng người khác hơn.
Dạy con biết tôn trọng người khác là một việc hết sức khó khăn đối với bố mẹ. Bạn có thể từng nghe rằng dạy trẻ bằng cách khiến chúng sợ người lớn thì mới là tôn trọng, nhưng có lẽ bạn cũng biết được ảnh hưởng của bạo lực và áp đặt lên tinh thần của trẻ con. Hãy thay đổi cách dạy con của mình nếu bạn muốn đem đến cho con những gì tốt nhất, để trẻ có thể trở thành một người biết tôn trọng thực sự, chứ không phải vì sợ người khác.