Những hoạt động và lớp học online phù hợp, hấp dẫn có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ trong thời gian giãn cách này. Những kiến thức và gợi ý trong bài viết này sẽ giúp ba mẹ đồng hành cùng con một cách thoải mái và hiệu quả.
Thời gian này, nếu ba mẹ thường xuyên cảm thấy căng thẳng, lo lắng, bối rối và thiếu sự hỗ trợ từ các nguồn lực quen thuộc của mình, thì trẻ cũng trải qua những cảm xúc tương tự như vậy, với những biểu hiện, hành vi khác nhau. Những cảm xúc tiêu cực ở trẻ xuất hiện do thời gian ở nhà lâu ngày, bị hạn chế vui chơi, vận động ngoài trời và đặc biệt là ngắt các giao tiếp kết nối với thầy cô, bạn bè. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động học tập online của trẻ khi năm học mới đã bắt đầu.
Bài viết này sẽ chia sẻ cùng ba mẹ những mẹo nuôi dạy con đơn giản, cùng các hoạt động được hướng dẫn cụ thể giúp trẻ cảm thấy an tâm, lạc quan, học được cách quản lý cảm xúc; đồng thời vẫn có thể tiếp tục học hỏi và duy trì những kết nối lành mạnh với bạn bè. Hầu hết các hoạt động được giới thiệu phù hợp với trẻ từ 3-8 tuổi.
Kết nối với cha mẹ là quan trọng nhất
Điều quan trọng nhất ba mẹ cần nhớ là trẻ thường tìm đến người lớn để được hướng dẫn cách phản ứng với những cảm xúc căng thẳng. Trẻ có thể bám dính ba mẹ hơn, có nhu cầu ở gần ba mẹ và thường xuyên hỏi xem ba mẹ ở đâu khi không nhìn thấy ba mẹ trong tầm mắt của mình.
Ba mẹ hãy dành thời gian để thực sự trò chuyện với trẻ về cảm xúc của chúng, nỗi sợ hãi của chúng, điều làm chúng bối rối hay những khó khăn mà chúng phải trải qua và giúp trẻ vượt qua bằng các hoạt động thư giãn, vui vẻ. Điều này có thể tạo cho trẻ cảm giác thoải mái và giúp giảm bớt lo lắng để tham gia hoạt động học tập online tự tin, hiệu quả hơn.
Thạc sĩ
Nguyễn Thúy Uyên Phương
Chuỗi bài viết chủ đề “Đồng hành cùng con học online hiệu quả" trong tháng 8 của Go Kids Việt Nam được thực hiện với sự cộng tác của Thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương, Founder, CEO của TOMATO Education và FAROS Education & Consulting; Chủ tịch của The Caterpies (Center for Early Childhood Education) và Nhà sáng lập của Design for Change Vietnam. Bài viết này được tổng hợp từ những chia sẻ của Ths Nguyễn Thuý Uyên Phương và tài liệu hướng dẫn của tổ chức UNICEF.
Viết nhật ký biết ơn mỗi ngày
Ba mẹ hãy giúp trẻ chú ý quan sát và tìm kiếm những điều tích cực, lạc quan, tử tế xảy ra xung quanh chúng và bày tỏ lòng biết ơn của mình. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thực hành bày tỏ lòng biết ơn giúp chúng ta hạnh phúc hơn.
Hoạt động viết ra những điều mình cảm thấy biết ơn mỗi ngày còn là cơ hội học viết lách tuyệt vời hỗ trợ việc học tập của trẻ để rèn luyện tập viết, kiểm soát lỗi chính tả và học các cấu trúc câu.
Từ những điều biết ơn nho nhỏ, trẻ sẽ được nuôi dưỡng cảm giác hạnh phúc và tinh thần lạc quan để trang bị kỹ năng tự vượt qua thử thách và cảm xúc tiêu cực. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Ba mẹ có thể cùng con viết nhật ký biết ơn hàng ngày. Hãy chuẩn bị một cuốn sổ, bút chì và sáp màu (để trẻ vẽ nếu muốn) rồi dành ra 15 phút mỗi ngày ngồi xuống cùng trẻ để chia sẻ và ghi lại vào cuốn sổ những điều khiến mình cảm thấy biết ơn. Ba mẹ có thể tham khảo một số mẫu mở đầu dưới đây để gợi ý cho con.
Con cảm thấy biết ơn (tên một người) vì….
Con cảm thấy vui vì hôm nay được…..
Con đã đối xử tử tế với….
Con đã giúp đỡ….
Điều tuyệt vời nhất trong ngày của con là…
Điều khiến con cười vui nhất trong ngày là…
Con cảm thấy may mắn vì…
Xây một nơi trú ẩn yên tĩnh và êm dịu
Trong những thời khắc khó khăn và căng thẳng, một nơi trú ẩn riêng tư có thể xoa dịu cảm xúc tiêu cực và giúp chúng ta thư thái hơn rất nhiều. Trẻ cũng rất cần có một nơi như vậy. Ba mẹ không cần tốn quá nhiều thời gian và công sức cũng có thể tạo ra một không gian thư giãn giúp trẻ tự bình tĩnh lại hoặc đơn giản là được thoải mái làm điều mình thích chỉ đơn giản bằng cách phủ một tấm chăn lên ghế hay bàn để trẻ chui vào.
Hãy cùng trẻ trang hoàng cho nơi trú ẩn này bằng những chiếc gối êm ái, những người bạn thú bông dễ thương, cuốn sách trẻ yêu thích và chút âm nhạc du dương. Vậy là trẻ đã có một nơi chốn dễ chịu tuyệt vời và của riêng mình.
Một góc trú ẩn nho nhỏ mang đến cho trẻ sự riêng tư, cảm giác thư giãn và bình an rất cần thiết với trẻ, đặc biệt là trong thời gian giãn cách này. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Duy trì vận động thể chất
Nhu cầu vận động của trẻ ở độ tuổi 3-8 là rất cao. Trẻ ở trong nhà thời gian dài nên không thể vận động đủ thời lượng và chất lượng dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển thể chất và cả sức khoẻ tinh thần của trẻ. Để khắc phục điều này, ba mẹ nên cùng con tập các bài tập thể dục phù hợp với độ tuổi của trẻ đều đặn hàng ngày vào những khung giờ cố định như buổi sáng hoặc buổi chiều.
Đặc biệt, một câu lạc bộ thể chất online dành cho trẻ với các bài tập đa dạng được hướng dẫn bởi các HLV giàu kinh nghiệm cũng là gợi ý tốt để ba mẹ tham khảo. Hình thức lớp học thể chất trực tuyến vừa giúp ba mẹ lựa chọn được bài tập theo từng độ tuổi của con, vừa giúp trẻ đạt được hiệu quả tập luyện tối ưu và đảm bảo an toàn khi tập luyện với sự hướng dẫn của các HLV.
Với việc duy trì 4 hoạt động này mỗi ngày, ba mẹ có thể đồng hành và giúp đỡ trẻ rất nhiều trong việc nuôi dưỡng tinh thần tích cực để luôn tràn đầy năng lượng và niềm vui khi học tập online trong thời gian dài sắp tới.