Năm 1945, Chiến tranh Thế giới thứ II bước vào giai đoạn cuối. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ở châu Á, ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và quân đội của Tưởng Giới Thạch sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lăm le dựa vào Đồng minh hòng khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật âm mưu thay thầy đổi chủ, chống lại cách mạng.
Cách mạng nước ta đứng trước tình thế phải một mình đối phó với nhiều lực lượng trong và ngoài nước. Khí thế cách mạng của quần chúng ngày càng dâng cao. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời.
Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.
Từ ngày 14 đến 18-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu… Ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre… Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, đến nay, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Việt Nam đã trở thành một quốc gia có chế độ chính trị độc lập, có chủ quyền lãnh thổ và tự quyết định con đường phát triển của mình. Thể chế, hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện và có bước phát triển; dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy. Công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước ta trong 35 năm qua. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, không ngừng nâng cao. Văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, dân tộc, khoa học, đại chúng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành nguồn lực phát triển đất nước. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Quốc phòng và an ninh được đảm bảo. Công tác đối ngoại đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa… Nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.
Kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021) thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945- 2/9/2021) trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại; đề cao lòng tự hào dân tộc, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để góp phần phát huy giá trị, truyền thống của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong 76 năm qua, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về bối cảnh lịch sử, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Hai là, tuyên truyền khẳng định sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và sáng suốt của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta từ khi thành lập nước cho đến nay. Trong đó nhấn mạnh những thành quả to lớn mà Đảng và Nhân dân ta đã đạt được trong 76 năm xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Ba là, công tác tuyên truyền về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 phải bảo đảm đúng định hướng, hiệu quả. Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với các hoạt động thiết thực, cụ thể, các nội dung tuyên truyền cần cổ vũ, động viên, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với đất nước, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.