Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định vắc xin COVID-19 an toàn và tiêm vắc xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng và tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định vắc xin COVID-19 an toàn và tiêm vắc xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng và tử vong. Giống như bất kỳ loại vắc xin nào, vắc xin COVID-19 có thể gây ra các phản ứng phụ, hầu hết đều ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và tự biến mất trong vài ngày. Khả năng xảy ra bất kỳ phản ứng phụ nào sau khi tiêm là khác nhau tùy từng loại vắc xin. Các phản ứng phụ điển hình bao gồm: Đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh và tiêu chảy. Các phản ứng phụ ít gặp hơn được báo cáo đối với một số vắc xin COVID-19 bao gồm các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phản vệ; tuy nhiên, phản ứng này cực kỳ hiếm gặp.
Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong trong vòng một vài phút. Theo cơ quan quản lý dược Anh, tỷ lệ sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 dao động từ 2/1.000.000 - 26/1.000.000 người tùy loại vắc xin. Các triệu chứng của sốc phản vệ thường xảy ra trong vòng 15 - 30 phút hoặc vài giờ sau khi tiêm.
Chẩn đoán sốc phản vệ chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng gồm:
- Hô hấp: Cổ họng nghẹn, khó thở, thở khò khè, khàn giọng, khó nuốt, chảy nước dãi, nghẹt mũi, hắt hơi.
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng.
- Tim mạch: Chóng mặt, ngất xỉu, nhịp tim nhanh bất thường, hạ huyết áp bất thường, mạch yếu, da tái nhợt hoặc đỏ bừng.
- Da: Nổi mề đay toàn thân, mẩn đỏ lan rộng gây ngứa, viêm kết mạc hoặc sưng mắt, môi, lưỡi, miệng, mặt hay tứ chi.
- Thần kinh: Kích động, co giật, thay đổi trạng thái tâm lý đột ngột, lo sợ.
- Khác: Tiết nhiều dịch từ mắt, mũi hoặc miệng, đi tiểu không tự chủ.
Dự phòng sốc phản vệ:
- Đối với người đi tiêm vắc xin COVID-19:
+ Cần hợp tác tốt với nhân viên y tế, trả lời đúng và trung thực các câu hỏi của nhân viên y tế.
+ Trao đổi với bác sĩ về tình hình sức khỏe cũng như việc sử dụng thuốc của mình.
+ Ở lại theo dõi sau khi tiêm 30 phút tại điểm tiêm chủng.
+ Đến ngay Trạm Y tế phường hoặc cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng.
- Đối với cơ sở tiêm chủng, nhân viên y tế:
+ Khai thác kỹ tiền sử dị ứng thuốc, dị nguyên của người được tiêm vắc xin COVID-19.
+ Hỏi người được tiêm vắc xin các câu hỏi theo bảng khám sàng lọc.
+ Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men và trang thiết bị cấp cứu sốc phản vệ cần thiết theo quy định của Bộ Y tế.
Nếu có biểu hiện sốc phản vệ sau khi tiêm mũi đầu của vắc xin phòng COVID-19 thì không nên tiêm mũi thứ hai loại vắc xin đó.
Tiêm vắc xin COVID-19 là một trong những biện pháp quan trọng để phòng tránh và đẩy lùi đại dịch COVID-19. Hãy tiêm vắc xin khi đến lượt!
Nguồn: Theo thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017,
Website: vietnamese.cdc.gov