Nước mắt của biển
Theo Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) về thực trạng rác thải nhựa đại dương, hiện rác thải nhựa đã xuất hiện ở cả những vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của trái đất như vùng băng Bắc Cực và trong các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana. Báo cáo này được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu riêng về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các đại dương, đa đạng sinh học và sinh thái biển.
Cũng theo báo cáo này, mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương.
Các nghiên cứu cho thấy, rác thải nhựa trong đại dương có nguồn gốc từ đất liền, bị cuốn theo những dòng chảy từ các đô thị, do tràn cống, xả rác, chất thải từ các hoạt động công nghiệp và xây dựng...
Ô nhiễm nhựa trên đại dương cũng bắt nguồn từ ngành đánh bắt cá, các hoạt động hàng hải và nuôi trồng thủy sản. Dưới tác động của bức xạ tia cực tím, gió, dòng chảy và các yếu tố tự nhiên khác, nhựa bị phân hủy thành các hạt nhỏ được gọi là hạt vi nhựa hoặc nano nhựa. Kích thước nhỏ khiến chúng dễ dàng bị các sinh vật biển vô tình ăn phải.
Ô nhiễm nhựa đại dương đã tác động đến sự sống của các loài sinh vật biển như rùa biển, cá voi, chim biển, cá, rạn san hô và vô số loài sinh vật biển và môi trường sống khác.
Trên thực tế, các nhà khoa học ước tính rằng hơn một nửa số rùa biển trên thế giới và gần như mọi loài chim biển trên Trái đất đã ăn nhựa trong suốt cuộc đời của chúng. Ô nhiễm nhựa cũng ảnh hưởng đến cảnh quan của những bãi biển đẹp trên toàn thế giới, ngay cả ở những vùng xa xôi như đảo san hô Midway.
Báo cáo của WWF cho biết, 88% các loài sinh vật biển mà tổ chức này nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm nhựa rất nghiêm trọng. Ít nhất có 2.144 loài phải sống trong môi trường ô nhiễm nhựa. Báo cáo cũng dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khiến lượng rác thải nhựa trên đại dương tăng gấp 4 lần. Hiện mỗi năm có khoảng 14 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương.
Một trong những lý do khiến ô nhiễm nhựa vẫn là một vấn đề nan giải đơn giản bởi, rác thải nhựa bị phân hủy thành những hạt nhựa nhỏ hơn gọi là hạt vi nhựa mà được xác định là nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam, với hơn 3.260 km đường bờ biển (chưa kể bờ các đảo) trải dài theo hướng Bắc –Nam, trung bình cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Dọc bờ biển còn có 114 cửa sông, trung bình 20 km có một cửa sông và hơn 50 vịnh, đầm phá. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, song cũng luôn tiềm ẩn ô nhiễm rác thải.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy.
Điều này, khiến Việt Nam trở thành một trong năm nước gây ô nhiễm nhựa đại dương hàng đầu trên thế giới. Tổ chức này đã đề xuất Việt Nam cần giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa thông qua sự kết hợp giữa các công cụ chính sách và cơ chế tài khóa.
Cần có những giải pháp mang tính toàn cầu
Tại Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, diễn ra vào tháng 5/2022 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng, khẳng định: “Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này”.
Tuy nhiên, điều đáng nói đây là vấn đề quốc tế, nên cần phải có cách tiếp cận quốc tế. Trong khi đó, những nỗ lực của các quốc gia và các khu vực trong thời gian qua chưa đủ để giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Nguyên nhân là do các công cụ quốc tế để giải quyết rác thải nhựa bao gồm phạm vi chưa đủ đối với các nguồn chính gây ô nhiễm nhựa, miễn trừ và thiếu các tiêu chuẩn thực thi…Điều này để lại hạn chế cho mỗi quốc gia vì hệ thống pháp luật, hoàn cảnh và năng lực môi trường khác nhau.
Ngoài ra sự hợp tác thiếu hiệu quả và sự tham gia không đầy đủ của các quốc gia vào các sáng kiến khu vực và quốc tế. Điều này sẽ để lại những lỗ hổng trong các nỗ lực toàn cầu và khu vực đối với việc giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương, và thực tế rằng ô nhiễm nhựa đại dương là một vấn đề xuyên biên giới. Đó còn chưa kể đến thiếu cơ chế báo cáo, giám sát và đánh giá chung về ô nhiễm nhựa…
Do vậy, một thỏa thuận chung toàn cầu nhằm giải quyết những vấn đề trên đã được Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đề xướng. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, hiện Việt Nam đã hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Đồng thời, Việt Nam cũng đã và đang ngày càng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường nói chung và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa dùng một lần nói riêng thông qua các hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Bắt đầu từ chính sách
Giống với các nước trên thế giới, hình thức tái chế sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhưng khả năng kiểm soát ô nhiễm thứ cấp còn hạn chế. Việt Nam hiện đang có nhiều chính sách khuyến khích nhằm đẩy mạnh việc tái sử dụng và tạo ra các vật liệu thay thế nhựa có nguồn gốc sinh học hoặc có thể phân hủy sinh học.
Đối với vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản chính sách về bảo vệ môi trường. Điển hình như việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa.
Xác định rõ, biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Với nhận thức trên, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030; triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Gần đây nhất, Việt Nam đã tham gia Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam và đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương…
Và trong lộ trình hướng tới mục tiêu áp đặt lệnh cấm lưu thông các sản phẩm ống hút nhựa, túi nhựa khó phân hủy sinh học và hộp đựng thực phẩm tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 liên quan đến quản lý chất thải nhựa cũng đã có những quy định rõ bắt đầu từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ ngừng sản xuất cũng như nhập khẩu túi nhựa không phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày dưới 50 µm phục vụ tiêu dùng trong nước. Nghị định cũng yêu cầu giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm SUP khác, cho đến khi tất cả bị cấm vào năm 2031.
Tiếp theo, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ 25/8/2022. Dù chưa áp dụng xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn. Nhưng với việc ban hành Nghị định sẽ góp phần nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân nhằm thay đổi hành vi, lối sống và thói quen tiêu dùng của người dân.
Và trong tháng 6/2022, Chính phủ Việt Nam cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Điều này không những sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường đồng thời còn biến rác thải nhựa thành những nguồn tài nguyên quý giá quay trở lại phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.