Phương Pháp Giáo Dục Montessori Là Gì?
Phương pháp Montessori được đặt theo tên của người sáng lập – Tiến sĩ người Ý Maria Montessori (1870- 1952). Bà là vị nữ tiến sĩ Y học đầu tiên trong lịch sử của nước Ý. Ngoài ra, bà còn là tiến sĩ Tâm lý học, Tiến sĩ giáo dục học và Tiến sỹ nhân loại học.
Montessori là phương pháp trẻ học tập thông qua các giáo cụ trực quan. Trẻ được học tập trong môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở và đề cao sự phát triển của trẻ.
Montessori là phương pháp được tạo ra để giáo dục trẻ trong các trường học. Tuy nhiên, hiện tại ba mẹ hoàn toàn có thể áp dụng tinh thần Montessori để dạy con tại nhà.
Điểm nổi bật của phương pháp Montessori là gì? Chính là chấp nhận cá tính riêng biệt của trẻ. Đề cao tính tự lập, tự do có kỷ luật của trẻ. Tôn trọng sự phát triển tự nhiên, cũng như trang bị đầy đủ cho trẻ các kỹ năng cơ bản cần thiết.
Dù là ở trường học hay ở nhà, trẻ luôn được khuyến khích phát triển năng khiếu tự nhiên. Không phải tuân theo một khuôn mẫu sẵn có nào. Bởi vì trẻ chỉ có thể học tập và phát triển tốt nhất khi được tự do hoạt động.
Trẻ thỏa sức sáng tạo và khám phá mọi sự vật, hiện tượng. Qua đó dần hình thành tư duy logic, phát huy khả năng sáng tạo, phát triển toàn diện. Trẻ biết cách xử lý linh hoạt mọi tình huống một cách khéo léo.
Đọc thêm:
Ưu – Nhược Điểm Phương Pháp Giáo Dục Sớm Montessori: Góc Nhìn Thực Tế
Chương trình Montessori Có Những Gì? Bé Học Montessori Như Thế Nào
Đặc Trưng Chính Của Phương Pháp Giáo Dục Montessori
Trẻ Tự Chọn Hoạt Động
Với phương pháp Montessori, trẻ được tự do lựa chọn hoạt động mà mình yêu thích. Đề cao tính tập trung và cá nhân của trẻ. Có nghĩa là không có giáo trình chung, hay đánh giá chung giữa các trẻ với nhau. Trẻ tự học tập thông qua học cụ và hoạt động yêu thích của riêng mình. Thời gian học tập phù hợp nhịp độ phát triển riêng của mình.
Trong lớp học Montessori hay tại nhà, các giáo cụ sẽ được sắp xếp trật tự, ngăn nắp. Đến giờ hoạt động, mỗi trẻ sẽ tự chọn một bộ giáo cụ, chọn cho mình một góc phòng. Trẻ sẽ say sưa với hoạt động của riêng mình mà không bị làm phiền, ngắt quãng trong lúc “làm việc”.
Đây là điểm khác biệt của Montessori. Đề cao sự tập trung tối đa ở trẻ. Giúp xây dựng cho trẻ tinh thần và khả năng tự học hỏi để thu nhận kiến thức chắc chắn, ghi nhớ lâu.
Montessori cần ba mẹ hiểu rõ phương pháp mới có thể áp dụng được. Dạy con theo phương pháp Mon là hành trình dài hơi, cần đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên tham khảo phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman: có thể áp dụng sớm nhất, hiệu quả với bé và không chiếm quá nhiều thời gian của ba mẹ.
Thông tin chi tiết về: Phương Pháp Glenn Doman.
Học Tập Thông Qua Giáo Cụ
Khi quan sát quá trình học tập của trẻ, Montessori nhận ra: Trẻ bị hấp dẫn bởi các vật dụng và chất liệu giúp kích thích sự cảm nhận của các giác quan. Do đó, bà đã phát triển những đồ vật đặc biệt để giúp tạo ra môi trường đa dạng cho trẻ học tập.
Các đồ vật trong phương pháp Montessori được gọi là học cụ, giáo cụ chứ không phải đồ chơi. Số lượng giáo cụ Montessori rất nhiều, phong phú, chi tiết và khá cầu kỳ. Mục đích là để giới thiệu cho trẻ đa dạng các lĩnh vực từ địa lý, toán học, nghệ thuật,… Mỗi giáo cụ là một bài học. Trẻ sẽ tự mày mò, khám phá và tìm ra các bài học từ giáo cụ đó.
Muốn tìm hiểu về giáo cụ Montessori, ba mẹ có thể dạo một vòng trên Shopmeviet.vn. Có rất nhiều sản phẩm chuẩn Mon theo từng độ tuổi của trẻ trên đó. Nếu ba mẹ chưa có kinh nghiệm chọn giáo cụ, hãy nhắn tin cho team Mẹ Việt TẠI ĐÂY. Team Mẹ Việt sẽ giúp ba mẹ hiểu rõ ý nghĩa của từng giáo cụ. Và tư vấn cho ba mẹ giáo cụ phù hợp nhất cho bé.
Lớp Học Trộn Độ Tuổi
Khác với các lớp học truyền thống, trẻ sẽ học mỗi lớp theo độ tuổi. Lớp học Montessori sẽ phân theo từng nhóm tuổi: lớp dành cho bé 0-3 tuổi, lớp dành cho 3-6 tuổi. Trong một lớp sẽ có các độ tuổi khác nhau.
Điều này có 2 lợi ích. Một là các anh chị lớn hơn sẽ hỗ trợ các em nhỏ tốt hơn. Con sẽ có trách nhiệm, tốt bụng, biết quan tâm chăm sóc, giúp đỡ người khác. Các em nhỏ sẽ học hỏi từ các anh chị, gắn bó với các anh chị. Nhờ đó phát triển sớm cả về nhận thức và kỹ năng xã hội. Biết yêu thương và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp.
Hai là, các giáo viên sẽ có thời gian dài gắn bó, thấu hiểu được trẻ và hành trình phát triển của trẻ. Từ đó, hỗ trợ tốt hơn cho quá trình học tập, rèn luyện. Trẻ cũng quen môi trường và cô giáo nên sẽ an tâm, tin tưởng và bộc lộ năng khiếu của mình.
Môi Trường Trật Tự – Ngăn Nắp – Hài Hòa
Môi trường học tập của Montessori được đặc biệt thiết kế phù hợp với vóc dáng bé nhỏ của trẻ. Giáo cụ đặt ở vị trí vừa tầm tay để trẻ có thể tự lấy và tự cất gọn lại sau khi khám phá xong. Lớp học được bố trí theo trật tự nhất định, màu sắc hài hòa. Không những tạo cho trẻ không gian tốt nhất. Mà còn vì yêu cầu chính của phương pháp Montessori là tính trật tự, ngăn nắp.
Tìm hiểu thêm:
Dạy Con Theo Phương Pháp Montessori Tại Nhà – Hạnh Phúc Cho Cả Bé Và Ba Mẹ
Nguyên Tắc Của Phương Pháp Giáo Dục Montessori
Tôn Trọng, Không Áp Đặt Trẻ
Điều này được thể hiện thông qua việc lấy trẻ làm trung tâm. Trẻ được tự do lựa chọn chủ đề trẻ muốn khám phá. Phát triển các năng lực bản thân theo nhịp độ riêng. Không bị so sánh với ai, không bị thúc ép bởi giáo viên hay ba mẹ.
Ba Mẹ, Giáo Viên Là Người Hỗ Trợ, Hướng Dẫn Trẻ
Giáo viên, ba mẹ chỉ là người theo dõi trẻ, đóng vai trò quan sát, lắng nghe. Từ đó thấu hiểu trẻ để có thể định hướng, giới thiệu, hướng dẫn trẻ tự lựa chọn. Tuyệt đối không can thiệp vào quá trình học hỏi của trẻ bằng cách dạy trẻ làm cái này cái kia. Hay quy định hoạt động, thời gian trẻ khám phá giáo cụ.
Tránh tương tác với trẻ theo hướng phán xét đúng sai. Nói cách khác, cần chấp nhận trẻ có thể sai, trẻ học từ lỗi sai sẽ tốt hơn là luôn đúng. Ban đầu trẻ sẽ tiếp nhận kiến thức một cách bản năng sẽ tự nhiên, dễ dàng. Dần dà trẻ sẽ học được cách tiếp thu thông tin một cách có ý thức.
Không can thiệp vào việc học nhưng không có nghĩa là bỏ mặc trẻ ba mẹ nhé. Luôn quan sát để hỗ trợ tối đa khả năng tự phát triển của mỗi trẻ.
Phương châm giáo dục của Montessori chính là: Học trẻ để dạy trẻ tốt hơn. Hãy luôn tìm hiểu trẻ muốn học được điều gì sau mỗi hành động. Ba mẹ và giáo viên sẽ hiểu hơn về thế giới của trẻ, cách trẻ đang phát triển. Từ đó, đưa ra những định hướng chuẩn xác dựa trên nhu cầu của trẻ. Phát triển đúng nhu cầu trẻ sẽ phát triển nhanh chóng thế mạnh của mình.
Trong phương pháp Montessori không có hệ thống thi đua. Giáo viên sẽ ghi chép quá trình học tập hàng ngày của trẻ dựa trên thái độ, hành vi, kiến thức. Và quan trọng hơn trẻ cảm thấy hạnh phúc khi được đến trường học. Và được tự do khám phá thế giới theo cách của mình.
Học Đi Đôi Với Hành
Ứng dụng những điều đã được học vào thực tiễn là cách tốt nhất giúp trẻ thực sự hiểu bài học. Trẻ có có xu hướng bắt chước những hoạt động mà mình quan sát được. Mục tiêu của Montessori là chỉ ra cho trẻ cách thức thực hiện. Ba mẹ, giáo viên có thể làm mẫu cho con xem, sau đó con sẽ tự mình thực hiện lại. Người lớn hạn chế hướng dẫn kiểu cầm tay chỉ việc mà cho phép trẻ tự mình tư duy thực hiện nhiệm vụ.
Phương pháp Montessori còn được quan tâm rèn luyện những kỹ năng thực tế. Cụ thể như: rót nước, tự mặc và cởi quần áo, để giày đúng nơi quy định, ăn uống lành mạnh,… Không chỉ đảm bảo trẻ có khả năng tự phục vụ bản thân mà còn có óc quan sát, biết giữ gìn môi trường chung. Trẻ sẽ được tham gia dọn dẹp, giữ vệ sinh lớp học sạch đẹp, tưới cây, quét bụi,…
Trẻ còn được trang bị các thói quen giao tiếp, ứng xử khéo léo. Ví dụ như xếp hàng đợi đến lượt, biết lắng nghe, quan tâm người khác. Biết cách khen ngợi, cổ vũ, động viên hay đưa ra những nhận xét tích cực, có tính xây dựng.
Những kỹ năng này sẽ giúp trẻ tự tin, chủ động và sẵn sàng cho cuộc sống tương lai.
Môi Trường Thân Thiện, Không Phần Thưởng Hay Trừng Phạt
Theo quan điểm truyền thống, giáo dục sẽ gắn liền với trao thưởng khi trẻ làm tốt. Và trừng phạt như đánh đòn, la mắng, so sánh với trẻ khác khi con làm sai.
Tuy nhiên, giáo dục trẻ theo phương pháp Montessori lại không được phép tồn tại 2 yếu tố này.
Khen ngợi có thể làm cho trẻ ỷ lại và không tiếp tục nỗ lực cố gắng. Các năng lực của trẻ không được rèn luyện, mài giũa thì sẽ không có cơ hội tỏa sáng. Nếu có, phần thường nên là những cái ôm trìu mến, cái xoa đầu tin tưởng với con.
Ngược lại, cũng đừng làm quá lên khi trẻ phạm sai lầm. Đơn giản trẻ vẫn đang trong quá trình học hỏi, con mắc lỗi là chuyện bình thường. Trừng phạt chỉ thêm làm trẻ nhút nhát, sợ hãi, không nỗ lực cố gắng. Thay vào đó, hãy giải thích và hướng cho trẻ cách làm đúng để thực hiện nhiệm vụ. Cách này vừa giúp trẻ hiểu chuyện vừa bồi dưỡng cho trẻ lòng tự tin.
Tôn Trọng Sự Tập Trung Của Trẻ
Đây là lỗi mà rất nhiều ba mẹ thường vô tình mắc phải. Khi thấy trẻ đang say mê chơi món đồ nào đó, ba mẹ không nên xen vào, làm ngắt quãng mạch suy nghĩ của trẻ. Trừ phi có một lý do đặc biệt bắt buộc phải thực hiện. Trẻ tập trung cao độ sẽ liên tục tư duy tự tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề của mình.
Hòa Mình Với Thiên Nhiên
Thiên nhiên là nguồn cảm hứng bất tận cho trẻ. Trẻ thu nhận được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế. Do đó, những buổi học, buổi dạo chơi ngoài trời với khí trời trong lành tốt hơn cho sự phát triển của trẻ. Vì thế, nhiều trường Montessori thường tổ chức các lớp học dã ngoại, hòa mình cùng thiên nhiên. Nhiều ba mẹ cũng rất chịu khó đưa con đi dạo, đi đây đi đó để con gần gũi với thiên nhiên.
Kết Luận
Như vậy là ba mẹ đã hiểu phương pháp giáo dục Montessori là gì, đặc điểm nổi bật so với các phương pháp khác. Nếu như ba mẹ đang tìm kiếm một phương pháp giáo dục sớm phát triển toàn diện cho bé. Ba mẹ hãy tiếp tục theo dõi series về phương pháp giáo dục sớm Montessori trên blog Mẹ Việt. Ba mẹ sẽ tìm thấy nhiều gợi ý giáo dục sớm cho trẻ tại nhà theo Montessori. Hay tư vấn chọn trường Mon cho bé. Và dù lựa chọn hình thức nào, ba mẹ trước tiên hãy là người hiểu rõ phương pháp để hỗ trợ con tốt nhất nhé!