Sau khi tiêm vaccine COVID-19, cơ thể có thể đối mặt với một số phản ứng như sốt, đau nhức, nổi mẩn, mệt mỏi... Cần có một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng.
Cần biết: Bộ Y tế hướng dẫn tự theo dõi sức khoẻ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19
SKĐS - Người đi tiêm chủng vắc xin COVID-19, nếu thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó, nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy... cần liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng các bệnh viện
Thông tin tư vấn của ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên (Thành viên Hội Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam). Nếu bạn quan tâm về những vấn đề khác liên quan, xin vui lòng xem chuyên đề "Hướng dẫn, giải đáp về tiêm vaccine COVID-19" ở
Xem thêm =>
https://suckhoedoisong.vn/chu-de/huon...
Dinh dưỡng có vai trò rất lớn khi tham gia vào việc sản sinh kháng thể sau tiêm vaccine từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Vậy sau tiêm vaccine phòng COVID-19, nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe?
Sau tiêm có thể có phản ứng sốt, đây là phản ứng thường gặp của hệ miễn dịch sau khi tiêm vaccine. Khi bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19, cơ thể dễ mất nước, do đó việc bù nước là điều tối quan trọng.
Cách tính lượng nước bù cần theo cân nặng của mỗi người. Nhu cầu nước cơ bản của người trưởng thành là 35 - 40ml/kg/ngày. Đối với người lớn tuổi lượng nước hàng ngày từ 30 - 35ml/kg/ngày. Ưu tiên uống nước ấm, uống từ từ từng ngụm. Nếu có cảm giác ớn lạnh có thể pha nước gừng ấm, vì gừng có tính nóng nên rất hữu ích trong việc làm ấm cơ thể.
Nước gừng ấm tốt cho người bị sốt sau tiêm vaccine .
Sau khi tiêm vaccine COVID-19 nên ăn gì?
Để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống miễn dịch sau khi tiêm chủng, đặc biệt là khi có tình trạng sốt sau tiêm vaccine COVID-19 nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và kháng viêm. Có thể lựa chọn các loại thực phẩm như:
Cá: Cá có đặc tính chống viêm và rất giàu chất béo omega-3 giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
Gà: Thịt gà là một nguồn thực phẩm giàu protein và có đặc tính chống viêm. Ngoài ra, thịt gà rất thích hợp cho những người bị đái tháo đường và tăng huyết áp. Có thể ăn 2-3 lần/tuần sau khi tiêm phòng.
Trứng: Trứng là nguồn cung cấp protein dồi dào và chứa các axit amin thiết yếu giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
Lưu ý bổ sung thêm các loại thực phẩm nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe như: bánh mì nguyên hạt, yến mạch, gạo lứt, ngô… Bổ sung rau vào bữa trưa và bữa tối, kết hợp thêm trái cây vào bữa sáng và những bữa ăn nhẹ hàng ngày.
Nạp vitamin để sớm hồi phục sau tiêm vaccine COVID-19
Bổ sung thêm vi chất rất quan trọng đối với cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch của cơ thể. Những vi chất được xác định là thiết yếu trong quá trình phát triển và hoạt động của các tế bào miễn dịch bao gồm vitamin C, vitamin D, A, E, B6, kẽm, selenium, sắt và chất đạm (gồm axit amin Glutamine). Các nhóm chất này hoạt động như chất chống ôxy hóa để bảo vệ tế bào khỏe mạnh và hỗ trợ việc phát triển cũng như các hoạt động của tế bào miễn dịch và sản sinh kháng thể. Thiếu một trong các chất dinh dưỡng này có thể thay đổi hệ miễn dịch.
Vitamin A có nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm, hoa quả màu vàng, đỏ như gấc, đu đủ, xoài, rau ngót, rau dền cơm…; thực phẩm từ động vật như gan gà, gan lợn, gan bò...
Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ôliu và các loại rau có lá màu xanh đậm.
Vitamin C có nhiều trong rau ngót, rau mùi tàu, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, hành hoa… Trong các loại quả như bưởi, đủ đủ, quýt, cam, chanh…
Bổ sung vi chất giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Vitamin D có nhiều gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản, sữa…
Vitamin nhóm B có nhiều trong cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, vừng, mầm lúa mì, tim, gan.
Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, bầu dục lợn, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng…
Thịt, cá, tôm, sò, sữa, trứng, ngao, hàu… là những thực phẩm giàu kẽm.
Ăn nhiều rau xanh và trái cây
Những thực phẩm như rau xanh, nghệ, tỏi, hành tây có nhiều dưỡng chất, đồng thời cũng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Nên ăn nhiều trái cây tươi hay uống nước trái cây giàu vitamin C, A (như cam, dâu, táo, chanh …). Có thể uống nước lá tía tô, ăn cháo với tía tô rất hiệu quả với phản ứng sốt sau tiêm vaccine COVID-19.
Chế độ ăn giàu chất xơ thực vật với đa dạng trái cây, rau xanh, hạt nguyên cám và rau củ cũng góp phần hỗ trợ sự phát triển và duy trì hệ vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Hệ lợi khuẩn đường ruột được chứng minh giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ miễn dịch của cơ thể. Theo khuyến nghị về rau xanh và hoa quả chín, thì lượng rau xanh hàng ngày từ 200-300g/người/ngày, quả chín từ 100-200g/người/ngày.
Khi bị sốt sau tiêm vaccine nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.
Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, không nên bỏ bữa, nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt băm, đậu xanh... hay thay thế bằng một ly sữa và chia nhỏ bữa ăn. Không vì bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19 mà chán ăn, bỏ ăn, cần cố gắng duy trì chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Sau tiêm vaccine phòng COVID -19, cần duy trì giấc ngủ khỏe khoảng 7-8 giờ/đêm. Việc mất ngủ có thể kích thích stress, tiết các chất gây ức chế hệ miễn dịch như cortisol.
Bên cạnh đó, nên tập các bài tập thể dục nhẹ khoảng 30 phút/ngày giúp hỗ trợ tuần hoàn máu trong cơ thể giúp giảm các tác dụng phụ của vaccine. Kiêng các hoạt động mạnh ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm vaccine.