Cha mẹ nào cũng muốn con mình được thành công và hạnh phúc. Ở một số thời điểm, cha mẹ thường băn khoăn rằng liệu con mình có vui vẻ và đang làm những gì được kỳ vọng ở đúng lứa tuổi của bé. Trẻ em đa phần đôi khi sẽ có những hành vi sai trái hoặc không thích hợp, nhưng những việc như vậy rồi sẽ chấm dứt. Thỉnh thoảng hành vi của trẻ bất thường hoặc có vẻ khác với những đứa trẻ cùng trang lứa. Trẻ có thể buồn bã hoặc có những hành vi khác với những gì trẻ làm trong trước đó. Những thay đổi này có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột. Đây là dấu hiệu của việc con bạn cần được quan tâm và giúp đỡ.
Hành vi và cảm nhận của trẻ
Nói chung, trẻ em và thanh thiếu niên có khả năng phát triển tốt khi được:
- Chơi những hoạt động vui chơi giải trí
- Ở cùng những thành viên trong gia đình
- Bên cạnh bạn bè và những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi
Mọi đứa trẻ đều đôi lúc cảm thấy buồn, giận dữ, sợ hãi hoặc khó chịu, đặc biệt là khi chúng thấy sự việc không như ý muốn. Không phải tất cả trẻ em đều phản ứng theo một cách giống nhau với cùng một sự việc. Một số trẻ muốn chia sẻ nhiều về những điều khiến các em buồn. Số khác lại kìm nén cảm xúc nội tâm nhiều hơn. Hầu hết trẻ em thể hiện cảm xúc trong cách hành xử của mình; hành vi của trẻ cho bạn biết trẻ đang cảm thấy như thế nào. Điều quan trọng là bạn phải cố gắng hiểu ý nghĩa của những hành vi. Nếu bạn nhận thấy trẻ đang buồn hay tức giận một thời gian dài, đây là lúc trẻ cần sự giúp đỡ của bạn nhất.
Một số trẻ đối phó với sự căng thẳng hoặc những điều gây buồn phiền hay sợ hãi tốt hơn các trẻ khác. Sự ủng hộ và thấu hiểu mà trẻ nhận được từ những người xung quanh cực kỳ quan trọng trong việc giúp trẻ đối mặt với những vấn đề này.
Trẻ có thể có vấn đề về hành vi và cảm xúc tại những thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Những vấn đề này xảy ra thường xuyên hơn so với hầu hết mọi người có thể nghĩ. Trẻ có nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng nhiều nhất khi ở giữa tuổi mười hai và mười sáu, tuy nhiên, nguy cơ này có thể xảy ra trước đó. Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào.
Những vấn đề cần chú ý đến
Vấn đề về hành vi
Các vấn đề về hành vi của trẻ mà thường nhìn thấy dễ dàng bao gồm thường xuyên gây gổ và bắt nạt trẻ khác, từ chối hợp tác hay làm những gì được yêu cầu, và có những hành động thô bạo với động vật khi ở độ tuổi đủ để hiểu không được làm điều này.
Vấn đề về cảm xúc
Vấn đề về những cảm xúc thường không dễ thấy như vấn đề với hành vi. Vấn đề này bao gồm thường xuyên nóng lòng (hoặc lo lắng), trầm cảm, ám ảnh (liên tục sợ hãi một điều đặc biệt ví dụ như nhện, hay kẻ trộm) và rối loạn ăn uống như ăn vô độ và chán ăn do tâm lý, tinh thần.
Vấn đề về tư duy
Vấn đề này ít gặp hơn và ảnh hưởng đến chỉ khoảng một trên một trăm người. Nó thường không xảy ra cho đến cuối tuổi vị thành niên. Những vấn đề này bao gồm các bệnh như tâm thần phân liệt.
Hành vi được hình thành từ gì, các vấn đề về cảm xúc hay suy nghĩ?
Có rất nhiều vấn đề có thể liên quan, ví dụ như:
- Các vấn đề học tập hoặc ở trường học
- Các vấn đề về bạn bè, bị cô lập hoặc không hòa đồng với cộng đồng
- Lạm dụng tình dục, sức khỏe, tình cảm hoặc bị lạnh nhạt thường xuyên
- Bị mất hoặc xa cách những người thân thiết
- Bị bệnh nặng hoặc chấn thương thể chất
- Gia đình tan vỡ, chia rẽ hoặc li hôn
- Không tham gia vào các hoạt động, không đến trường, hoặc bị thất nghiệp
- Kiểu suy nghĩ quá đơn giản hoặc cầu toàn
Các bậc phụ huynh nên chú ý
Thông thường một vấn đề sẽ cho thấy trẻ đang buồn hoặc có những khó khăn với việc đối phó, thích ứng với người khác, hay quan tâm, thích thú với những gì mình đang làm. Điều quan trọng là phải lưu ý tới tất cả thay đổi quan trọng trong mô hình hoạt động thông thường ở trẻ. Trẻ có thể có các biểu hiện nội tâm ( ví dụ như thu mình lại ) hoặc bên ngoài ( ví dụ như hiếu chiến ) .
Các dấu hiệu bất thường ở trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo
- Không tập nói hoặc không nói chuyện sau khi đã được học nói
- Làm tổn thương chính mình hoặc người khác, ví dụ như cắn, đánh hoặc tỏ ra hung hăng khi chơi với người khác
- Chậm tiếp thu trong việc học kỹ năng mới, ví dụ như dạy đi vệ sinh
- Thay đổi cân nặng…, không phát triển và không tăng cân, hoặc tụt cân
- Quá thân thiện với mọi người, cư xử với người lạ như người thân
- Không quan tâm tới mọi người, hành động như thể không có ai ở đó
- Dường như không gắn kết với cha mẹ hoặc người chăm sóc
- Lặp đi lặp lại một số trò chơi hoặc hành động
Các dấu hiệu bất thường ở trẻ em trong lứa tuổi tiểu học
- Liên tục khóc lóc và bám víu
- Sợ hãi, lo lắng quá mức về việc bị bỏ lại một mình
- Gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, như liên tục gặp ác mộng
- Hiếu động thái quá, liên tục có những hành động vượt quá chơi đùa thông thường
- Cười và khóc một cách khó giải thích
- Làm bẩn hoặc làm ướt quần
- Thường xuyên không nghe lời hoặc gây hấn với người và vật nuôi
- Sợ sệt như là không thể thực hiện các hoạt động thông thường
- Mơ màng quá nhiều gây ảnh hưởng đến các hoạt động thông thường
- Tính tình thường xuyên nổi giận
- Đối xử thô bạo với vật nuôi
- Phá hủy hoặc đốt cháy tài sản
- Khép mình với mọi người và các hoạt động thông thường
Dấu hiệu bất thường ở trẻ em lứa tuổi tiểu học trở lên và thanh thiếu niên:
- Khép mình với gia đình, bạn bè và các hoạt động xã hội
- Có sự thay đổi rõ rệt trong kết quả học tập hoặc sự chuyên cần ở trường
- Lạm dụng rượu và/hoặc ma túy
- Thay đổi trong giấc ngủ và/hoặc thói quen ăn uống
- Bận tâm nhiều về trọng lượng hoặc vẻ bề ngoài
- Buồn bực, lo lắng, chán nản, khổ sở và cáu bẳn
- Suy nghĩ về cái chết, bày tỏ về việc không muốn sống hoặc tốt hơn là chết
- Thường xuyên bột phát sự tức giận
- Dấu hiệu của hành vi hành xác như tự cắt cứa, làm đau cơ thể mình
Nếu con của bạn có bất kỳ dấu hiệu nào như trên, hoặc nếu bạn đang lo lắng về hành vi hoặc cảm xúc khác của trẻ dù chưa được mô tả ở trên, hãy nói chuyện và xin lời khuyên từ những chuyên gia làm việc với /về trẻ em và thanh thiếu niên. Bước đầu tiên, hãy nói chuyện với bác sĩ địa phương, hoặc Dịch vụ sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên ở gần nhất. Sự hỗ trợ sớm thường có thể ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng hơn sau này.
Những điều phụ huynh có thể làm
- Gắn kết với trẻ. Có kiến thức và chú tâm đến những thay đổi về hành vi và cảm nhận của con mình.
- Dành thời gian hàng ngày với con mình là rất quan trọng.
- Khuyến khích con kể về những gì xảy ra trong cuộc sống.
- Quan tâm tích cực đến những gì con bạn thích và những gì trẻ làm ở trường.
- Làm gương cho trẻ về cách hành xử thích hợp trong chính các mối quan hệ của mình với người khác.
- Dành thời gian để cùng trẻ tham gia các hoạt động gia đình để cùng nhau có các khoảng thời gian vui vẻ.
- Cố gắng không kéo trẻ vào những vấn đề của người lớn
- Không so sánh con mình với những đứa trẻ khác.
- Chú ý đến những việc con bạn làm tốt và nói về điều đó với trẻ.
- Khuyến khích trẻ kết bạn.
- Để con biết rằng bạn yêu bé bằng nhiều cách nhất bạn có thể - chắc chắn rằng bé cảm thấy đáng yêu và được yêu.
- Sức khỏe tâm thần của con bạn cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của trẻ.