Thói quen rửa tay đúng cách sẽ giúp sức khỏe tổng thể của bạn được cải thiện đáng kể. Điều này cũng thật sự cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh do coronavirus vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Để ngăn ngừa lây nhiễm virus corona, các bác sĩ và chuyên gia y tế khuyến khích người dân cần thường xuyên thực hành các thao tác rửa tay với nước sát khuẩn.
Khi nói đến các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng do virus – đặc biệt là những bệnh lây lan qua đường hô hấp (do ho và hắt hơi), rửa tay luôn là phương pháp được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, giữa lúc bệnh viêm phổi cấp do coronavirus (covid-19) gây ra đang có những diễn biến phức tạp, thói quen rửa tay đúng cách càng được các quan chức y tế, kể cả WHO khuyến khích người dân thực hiện để kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm bệnh.
Nghiên cứu mới của Viện Công nghệ Massachusetts tại Cambrige (nước Anh) được tiến hành để tìm ra bằng chứng khẳng định tầm quan trọng của thói quen rửa tay đúng cách trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, nghiên cứu này sử dụng mô hình dịch tễ học và mô phỏng dữ liệu để xác định xem việc rửa tay và vệ sinh cá nhân đúng cách có thể tạo ra ảnh hưởng đến tốc độ lây truyền mầm bệnh hay không.
30% người không có thói quen rửa tay
Các nhà nghiên cứu bắt đầu thu thập dữ liệu và cho biết hiện đang có một số lượng lớn người không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Tỷ lệ này chiếm khoảng 30% số người tham gia khảo sát. 70% người còn lại có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh. Trong số những người có thói quen rửa tay, chỉ có 50% người thực hành đúng cách.
Theo Medical News Today, các chuyên gia công tác tại trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cho biết, rửa tay đúng cách không chỉ là rửa với nước. Nó còn bao gồm các thực hành như thoa xà phòng, chà xát lòng bàn tay, mu bàn tay, giữa các ngón tay và dưới móng tay.
Theo đó, mỗi người nên rửa tay với xà phòng trong ít nhất 20 giây trước khi rửa tay với nước rồi lau khô tay bằng khăn sạch. 20 giây là khoảng thời gian tối thiểu để bạn tiêu diệt vi khuẩn, virus đang bám dính trên da tay.
Tuy nhiên, theo giáo sư Nicilaides (thành viên trong tổ nghiên cứu), rất nhiều người không bao giờ rửa tay với xà phòng và dành dưới 15 giây khi rửa tay. Những người này cũng thường xuyên mắc phải các bệnh lý do nhiễm khuẩn hơn so với nhóm người rửa tay đúng quy trình.
Thực hành thói quen rửa tay đúng cách có thể làm chậm sự lây lan của mầm bệnh
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu có sẵn về các chuyến bay trên toàn cầu. Cụ thể, họ xem xét thời gian bay, khoảng cách bay và ước tính lượng thời gian hành khách có mặt ở sân bay.
Dựa trên các dữ liệu phân tích được về cách mọi người tương tác với người khác và môi trường xung quanh (điều này đồng nghĩa với khả năng tiếp xúc với mầm bệnh), nghiên cứu đã mô phỏng nên các mô hình lây nhiễm.
Theo đó, các nhà nghiên cứu xác định chính xác 120 sân bay là đầu mối chính trong quá trình lây lan của các tác nhân truyền nhiễm. Tuy nhiên, đó không phải là những sân bay có lưu lượng hành khách cao nhất. Ví dụ, các sân bay ở Tokyo (Nhật), Honolulu và Hawai (Mỹ) nằm trong số 120 sân bay có khả năng lây truyền bệnh do những địa điểm này cung cấp các chuyến bay đến nhiều sân bay lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng không có lưu lượng hành khách tổng thể cao nhất.
Những sân bay này cũng là điểm trung chuyển một số lượng khách đáng kể đến từ các nước nằm ở bán cầu Đông và Tây. Khi những yếu tố này kết hợp với nhau, chúng làm cho sân bay trở thành nhân tố chính trong quá trình lây lan của các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh do covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng cho dù bạn hay có mặt ở sân bay nhưng bạn rửa tay thường xuyên và đúng cách, bạn sẽ làm chậm đáng kể tốc độ lây lan mầm bệnh.
Cụ thể, nếu 60% (thay vì 20% như thời điểm tiến hành nghiên cứu) số hành khách có đôi tay sạch sẽ, nó có thể làm chậm đến 70% tỷ lệ lây nhiễm của các yếu tố gây nhiễm trùng. Thậm chí, nếu tỷ lệ người rửa tay đúng cách và thường xuyên tăng lên 70% thì tỷ lệ làm chậm sự lây nhiễm có thể tăng đến 94%.
Giáo sư Nicolaides cho biết, việc tăng cường ý thức xây dựng thói quen rửa tay đúng cách trong cộng đồng là việc làm thách thức ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, điều thuận lợi hơn là hiện nay chúng ta có sự hỗ trợ của các phương pháp tiếp cận mới như mạng xã hội, truyền thông và giáo dục.