PHẦN A: ĐẶT VẤN ĐỀ
I. Lý do chọn vấn đề
Trong xã hội công nghiệp hoá hiện đại hoá hiện nay, cùng với nhịp đập hối hả của cuộc sống, con người cũng bận rộn hơn, gấp gáp hơn. Trong sự bận rộn và gấp gáp ấy, đôi khi vô tình chúng ta bỏ lại phía sau sự yêu thương, chia sẻ của mình đối với những người khác trong gia đình, xã hội. Hay nói cách khác, đây chính là sự vô tâm không để ý đến những người xung quanh. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần hiểu rằng cho dù ở thời đại nào thì yêu thương và chia sẻ vẫn là điều cần thiết để giúp con người vượt qua nỗi đau của cuộc sống là sợi dây nhân ái gắn bó người với người, nhà với nhà và quan trọng hơn nó gắn kết toàn xã hội.
Mỗi đứa trẻ được sinh ra mang theo bao ước mơ và hy vọng của cha mẹ. Một trong những ước mơ lớn nhất mà bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng mong chờ ở đứa con của mình trong tương lai đó là bé sẽ trở thành một người tốt, có đạo đức, và trước hết là có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà anh chị em, biết yêu thương mọi người. Tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ lớn lên đều tuyệt vời như mơ ước của cha mẹ. Không ít trong số đó trở thành những kẻ lệch lạc về chuẩn mực đạo đức và khi đó cha mẹ lại là những nạn nhân đầu tiên, tiếp theo là cộng đồng, xã hội.
Cũng như ước mơ của các bậc phụ huynh, chúng tôi - những giáo viên mầm non cũng luôn mong muốn những học trò thân yêu của mình lớn lên sẽ trở thành một người tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Do đó ngay từ tuổi mầm non không chỉ trau dồi cho trẻ những kiến thức cơ bản về cuộc sống xung quanh mà điều quan trọng nhất đó là giáo dục trẻ về đạo đức làm người. Vì vậy dạy cho trẻ biết cách yêu thương từ nhỏ sẽ là những bước nền tảng để trẻ trở thành người có nhân cách tốt trong tương lai.
Trong thực tế ở trường mầm non việc dạy trẻ một số kỹ năng sống như biết yêu thương thực sự chưa được chú trọng phần lớn chỉ tích hợp nội dung này trong tiết học kể chuyện, thơ (với những câu chuyện bài thơ có nội dung phù hợp) hoặc xử lí một vài tình huống xảy ra khi trẻ tranh giành đồ chơi, đánh bạn. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của phụ huynh. Phụ huynh quan tâm nhiều đến việc con đến trường học được bài hát, bài thơ, chữ gì hay số mấy... chứ chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục kĩ năng cho trẻ. Người giáo viên đôi khi bị cuốn theo đòi hỏi, nhu cầu của phụ huynh, bên cạnh đó cũng có nhiều cô giáo chưa thấy được việc dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ sẽ góp phần quan trọng trong giáo dục hình thành nhân cách trẻ, hơn nữa việc dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ là một lĩnh vực rất mới không có nhiều tài liệu để tham khảo đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian công sức để nghiên cứu tìm ra các biện pháp phù hợp và phải có sự phối hợp đồng bộ giữa phụ huynh và nhà trường.
Vậy làm thế nào để có thể định hướng và giáo dục các bé biết yêu thương, chia sẻ với bạn bè và người thân? Để trả lời câu hỏi này, tôi luôn mày mò, ứng dụng các biện pháp, hình thức, tổ chức các hoạt động giúp trẻ trong lớp tôi có cơ hội được thể hiện sự yêu thương, chia sẻ tới cô giáo, bạn bè và mọi người xung quanh. Đây cũng chính là lí do tôi đã chọn đề tài ‘‘
Một số kinh nghiệm dạy trẻ 4-5 tuổi biết yêu thương chia sẻ”
II. Khảo sát thực tế
Nội dung khảo sát |
Đạt |
Chưa đạt |
Số lượng |
Tỉ lệ % |
số lượng |
Tỉ lệ |
1. Yêu thương người thân trong gia đình. |
15 |
47 % |
17 |
53 % |
2. Quan tâm đến bạn bè |
18 |
56 % |
14 |
44 % |
3. Quan tâm chia sẻ các bạn nhỏ bất hạnh |
13 |
41% |
19 |
59 % |
4. Yêu thương quan tâm người lao động. |
16 |
50 % |
16 |
50 % |
5. Yêu thiên nhiên cây cối động vật. |
14 |
44 % |
18 |
56 % |
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. NỘI DUNG LÝ LUẬN
Mỗi chúng ta đều biết rằng mục tiêu chung của giáo dục mầm non là phát triển tất cả khả năng của trẻ, phải hình thành cho trẻ cơ sở ban đầu về nhân cách con người đặc biệt là dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ, làm tiền đề cho sự phát triển tốt hơn trong những giai đoạn tiếp theo. Trăn trở với mục tiêu chung của giáo dục mầm non, là người giáo viên mầm non tôi nguyện góp sức một phần bé nhỏ của mình vào việc giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ ở lứa tuổi mẫu giáo nhằm góp phần hình thành nhân cách ban đầu cho trẻ.
Nhân cách của trẻ không phải ngẫu nhiên mà có. Nó được hình thành trên cơ sở của giáo dục, giáo viên mầm non là những “người mẹ thứ hai” của trẻ, hằng ngày gần gủi với trẻ sẽ giáo dục, uốn nắn để trẻ có những tiền đề nhân cách đầu tiên của con người.
Tuy nhiên, mỗi một đứa trẻ ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của riêng mình. Bất kể là cô giáo hay bố mẹ đều không có đặc quyền chi phối và hạn chế hành vi của chúng, vì vậy việc áp dụng các biện pháp giáo dục phù hợp với mục tiêu giảng dạy đòi hỏi phải có sự linh hoạt và mềm dẻo phù hợp với khả năng cũng như hứng thú của trẻ. Đó là cốt lõi trong giáo dục cho trẻ có được nền tảng đạo đức của nhân cách con người tương lai.
II. THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ
Năm học 2019 – 2020 tôi được nhà trường phân công dạy lớp mẫu giáo nhỡ B2 (4 -5 tuổi). Tổng số học sinh là 32 cháu trong đó có 18 học sinh nữ và 14 học sinh nam. Phòng học được trang bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ.Tuy nhiên trong quá trình thực hiện tôi cũng không tránh khỏi những điều kiện khó khăn cũng như thuận lợi, cụ thể như sau:
1.Thuận lợi
-Trường đầu tư kết nối Internet nên việc cập nhật thông tin, tìm kiếm tài liệu qua mạng rất dễ dàng thuận tiện, nhanh chóng.
- 100% trẻ trong lớp tôi đều đã học qua lớp mẫu giáo bé nên có nền nếp học tập.
- Ban phụ huynh lớp tích cực phối hợp với giáo viên lớp tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan dã ngoại, các hoạt động ngày lễ ngày hội.
- Được nhà trường quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ về chuyên môn, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đầy đủ đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc học tập của trẻ.
2. Khó khăn
- Lớp có một số trẻ quá hiếu động như bé:Tiến Đức, Hoàng Khang, Toàn Quang... khả năng tập trung chú ý chưa cao hay nghịch ngợm. Bên cạnh đó, lớp lại có một số bé khá nhút nhát, thể trạng yếu không thích tham gia các hoạt động tập thể như bé Thiên Hùng, Vy Anh.
- Một số trẻ chưa mạnh dạn thể hiện tình cảm của mình cho các bạn và mọi người xung quanh.
- Khả năng phân biệt về nhận thức, quan tâm đến mọi người ở một số cháu lớp tôi rất kém, trẻ chỉ biết ích lợi của bản thân mà không để ý đến mọi người xung quanh.
- Hoàn cảnh và sự quan tâm của phụ huynh đối với con giữa các phụ huynh trong lớp không đồng đều. Một số bậc phụ huynh còn quá chú trọng đến việc làm kinh tế ít quan tâm nên không có nhiều thời gian dành cho con.
- Nhiều phụ huynh còn nhầm lẫn giữa sự yêu thương và bao bọc. Đôi khi yêu con quá mà ‘‘che chắn” con quá kĩ.
III. NHỮNG BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Biện pháp 1 . Giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ thông qua hoạt động học
Những nội dung tích hợp trên lớp đôi khi còn hời hợt chưa có tác dụng khơi gợi cảm xúc và kích thích mong muốn được thực hiện ở trẻ. Chính vì vậy tôi đã nghiên cứu tài liệu sưu tầm và thiết kế một số giáo án nhằm dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ.
Giáo án 1: Tình yêu thương đối với cây cối, thiên nhiên (Tiến hành trong 20 phút)
* Mục tiêu:
- Bước đầu nhận được các biểu hiện của tình yêu thương và ý nghĩa của tình yêu thương.
- Biết yêu thương những người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, mọi người xung quanh; biết sống gần gũi với thiên nhiên và yêu quý thiên nhiên.
* Chuẩn bị:
- Bài hát "Cả nhà thương nhau". Clip truyện : "Cây cũng biết đau".
* Tiến hành:
Ổn định: Cho trẻ hát "Cả nhà thương nhau"
- Hỏi trẻ: Bài hát nói lên điều gì?
- Trò chuyện với trẻ về tình cảm giữa những người thân trong gia đình trẻ.
- Hoạt động 1: Giáo viên kể chuyện cho trẻ nghe hoặc cho trẻ xem Clip
Truyện cây cũng biết đau:
Hỏi trẻ: + Câu chuyện nói đến tình yêu thương của ai với ai?
+ Bạn Hưng thể hiện tình yêu thương với cây con như thế nào?
Hoạt động 2:
- Cho trẻ về nhóm quan sát, thảo luận về cách thể hiện tình yêu với cây cối, thiên nhiên
- Đại diện các nhóm trình bày. Lớp trao đổi, thảo luận chung.
Gửi đến trẻ thông điệp
: Con người không những cần phải yêu thương người thân trong gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh, mà còn phải yêu thương yêu thiên nhiên và cả thế giới xung quanh. (Hình ảnh 1)
Tình yêu thương đó cần phải được thể hiện ra bằng thái độ, lời nói, việc làm, hành động phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.
Giáo án 2 : Hành động yêu thương ( Tiến hành trong 20 phút)
* Mục tiêu:
- Trẻ nhận thức được tầm quan trọng của giá trị yêu thương, biết cách yêu thương bản thân, chia sẻ niềm vui với mọi người
* Chuẩn bị:
- Phim truyện “Tết đoàn viên”. - Đàn organ ghi âm bài hát: “Sắp đến tết rồi”.
Tiến hành:
Ổn định: Cho trẻ hát bài ‘Sắp đến tết rồi”.
Hoạt động 1 :
Thảo luận về 2 thông điệp: Yêu thương là quan tâm, chia sẻ thể hiện bằng lời nói.
- Con cảm thấy thế nào khi nói lời yêu thương với mọi người?
- Mọi người khi nhận được lời yêu thương từ con cảm thấy thế nào?
- Yêu thương đích thực làm mình cảm thấy an toàn.
Hoạt động 2:
Cho trẻ xem phim “ Tết đoàn viên”
* Trò chuyện và đàm thoại:
- Vào ngày vui, ngày tết mọi người mong muốn điều gì?
- Ngày tết không được đón tết cùng con cháu ông bà cảm thấy như thế nào?
- Biết ông bà buồn, bé và bố mẹ đã làm gì?
- Khi về quê ăn tết, tâm trạng ông bà như thế nào?
- Con cảm thấy thế nào khi giúp cho người khác được vui?
- Ở lớp có những ngày nào mà các con cảm thấy vui và muốn chia sẻ cùng cô giáo và các bạn nhất? ( Ngày sinh nhật)
* Kết quả đạt được
Phát huy và rèn luyện cho trẻ kỹ năng yêu thương chia sẻ, hạn chế tính ích kỷ, hẹp hòi. Biết nhường nhị bạn bé, không trêu trọc, đùa nghịch bạn, đánh bạn. Biết quan tâm đến quan tâm đến người khác và mong muốn được giúp đỡ mọi người. 100% trẻ đều rất yêu mến cô giáo và bạn bè, thích được đi học, yêu trường, yêu lớp .
2. Biện pháp 2: Dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ thông qua các hoạt động ngoại khóa
a. Dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ thông qua hoạt động tham quan dã ngoại
Có thể nói các hoạt động ngoại khóa đặc biệt là việc tổ chức hiệu quả các ngày hội ngày lễ cho trẻ là một hình thức giáo dục hiệu quả và sinh động nhất, giúp trẻ được trải nghiệm các cảm xúc tích cực. Thông qua đó trẻ được học và chia sẻ các kĩ năng sống với cô giáo, bạn bè và cha mẹ .Lớp tôi đã tổ chức thành công khi cho trẻ đi tham quan dã ngoại tại công viên Yên Sở. Qua những chuyến đi thực tế như vậy giúp cho trẻ có cơ hội được trải nghiệm thực tế, được thực hành kỹ năng sống... điều này rất quan trọng trẻ sẽ rút ra được những kinh nghiệm sống, biết quan tâm yêu thương chia sẻ tới mọi người mọi vật.Tôi đặc biệt chú ý đến các ngày lễ hội: Ngày Tết Trung Thu, 20/11, Noel, Tết Nguyên Đán với ngày hội chợ quê và liên hoan bé khỏe bé ngoan, ngày 8/3, sinh nhật tháng của trẻ, với mỗi ngày hội chúng tôi cố gắng sử dụng một hình thức tổ chức riêng nhằm lôi cuốn hấp dẫn trẻ tích cực tham gia hoạt động.
* Kết quả: 100% trẻ thích thú tham gia, có nhiều cơ hội trải nghiệm, giao lưu và chia sẻ những, kinh nghiệm sống cho bạn”
b. Dạy trẻ biết yêu thương quan tâm đến những người lao động
Không chỉ dạy trẻ biết yêu thương những người thân trong gia đình, cô giáo và bạn bè chúng tôi luôn dạy các con lòng biết ơn, biết yêu quí những người lao động xung quanh bé như bác bảo vệ, bác làm vườn, bác đầu bếp, bác lao công...
* Kết quả đạt được: Trẻ hiểu được công việc vất vả nhưng vô cùng có ích của người lao động. Từ đó trẻ thêm yêu quý và kính trọng các cô các bác hơn. Trẻ có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường, giữ gìn đồ dùng đồ chơi... là góp phần chia sẻ, làm vơi đi nỗi vất vả cho các cô các bác.
c. Dạy trẻ biết yêu thương quan tâm chăm sóc cây cối và các con vật nuôi
Trẻ lớp tôi đa phần nhà ở diện tích còn hạn chế, ở trọ, nên ít có dịp tiếp xúc tìm hiểu khám phá thiên nhiên, chính vì vậy chúng tôi đã tạo cho các bé một góc thiên nhiên xanh với rất nhiều nguyên vật liệu mở giúp các bé được thực hành kĩ năng gieo hạt chăm sóc cây, qua đó giáo dục cho các bé tình yêu thiên nhiên, biết quan tâm bảo vệ môi trường, và đặc biệt qua hoạt động này các bé học được kỹ năng chia sẻ với bạn bè, biết trân trọng thành quả lao động của mình và của bạn. Chính vì vậy khi tham gia các hoạt động ngoài trời trẻ lớp tôi cũng rất quan tâm đến vườn rau của trường, những thay đổi dù nhỏ thôi của luống rau bắp cải, luống hành tỏi... trẻ cũng phát hiện ra, nhìn những cây bắp cải bị sâu ăn xơ xác lá các bé xót xa vô cùng quên đi nỗi sợ hãi cùng nhau tìm bắt bằng hết những con sâu “hung ác”. Bé Quang Vũ còn hỏi tôi “Cô ơi ! Cây rau bắp cải bị sâu ăn thế này có đau không ạ, nó có sống được nữa không?”. Câu hỏi ngây thơ của bé cho thấy bé đã biết quan tâm và yêu thiên nhiên cây cối biết nhường nào.
Không chỉ dạy bé biết yêu quí chăm sóc và bảo vệ cây cối chúng tôi còn tạo cơ hội để các bé chăm sóc, chơi đùa với các con vật nuôi gần gũi. Chính vì vậy, khi thực hiện chủ đề thế giới động vật tôi cho các em được tiếp xúc trực tiếp với một số con vật nuôi gần gũi hiền lành như: chim cảnh, con thỏ, con cua con cá.... qua những giờ hoạt động khám phá môi trường xung quanh hoặc giờ hoạt động ngoài trời. Bởi thông qua việc chăm sóc con vật sẽ giúp các bé phát triển lòng yêu thương, sự chia sẻ trong cách sống với những người quanh mình
* Kết quả đạt được
- 100% trẻ thích thú khi được tự mình chăm sóc chăm sóc cây trồng vật nuôi quanh bé.
3. Biện pháp 3: Dạy trẻ biết yêu thương mọi người xung quanh
a. Dạy trẻ biết yêu thương những người thân trong gia đình
Nuôi dưỡng lòng yêu thương cho trẻ là một công việc hết sức thú vị và đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết. Cũng tương tự như khi ta xin được một hạt giống quý nào đó rồi mang về trồng trên mảnh đất trước nhà. Mỗi ngày, ta tưới nước giữ ẩm cho chỗ đất gieo hạt, rồi một ngày nào đó hạt sẽ nảy mầm phát triển thành cây cho ta trái ngọt lành.
Ví dụ : Ngày 20/10- ngày phụ nữ Việt Nam
Trước ngày tổ chức lễ hội chúng tôi cùng trẻ trò chuyện về ý nghĩa ngày hội sau đó dạy trẻ vẽ tranh chân dung bà và mẹ của mình làm bưu thiếp chúc mừng, giúp trẻ ghi lại cảm xúc, lời chúc của trẻ dành cho bà và mẹ. Cùng trẻ trang trí bưu thiếp để chúc bà và mẹ với lời đề từ ấn tượng:
“Con chúc mẹ của con luôn xinh đẹp và trẻ mãi” hay
“Con chúc bà luôn khoẻ mạnh Các bé đã cùng nhau làm những bông hoa hồng bằng giấy kết thành một lẵng hoa thật đẹp, những chiếc thiệp xinh xinh để tặng mẹ và cắt dán hoa để treo trang trí trước cửa lớp.
* Kết quả: 100% trẻ biết yêu quý những người thân trong gia đình, luôn muốn quan tâm chia sẻ những niềm vui, những việc làm tốt...để cho ông bà bố mẹ và những người thân của mình được vui vẻ.
b. Dạy trẻ biết yêu thương quan tâm đến bạn bè
Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, bạn bè là một trong những người quan trọng nhất trong cuộc sống của một đứa trẻ. Nhiều tính cách trẻ em được hình thành bởi tình bạn mà trẻ có được trong suốt cuộc đời mình. Trên thực tế, trẻ em cũng có thể hình thành tình bạn cả tích cực và tiêu cực.
Vì vậy, trẻ phải học hỏi không chỉ làm thế nào để có bạn bè trong suốt thời thơ ấu mà còn làm thế nào để hình thành tình bạn tích cực với các bạn đồng trang lứa của mình. Là cô giáo những người gần gũi trẻ nhất, có một số cách để chúng ta có thể giúp các bé yêu của mình có được tình bạn tích cực, biết yêu thương chia sẻ với bạn bè. Ngày qua ngày, các bé lớp tôi đã có thêm nhiều tình bạn đẹp trong sáng thánh thiện. Tình bạn đẹp làm các con tự tin hơn, đoàn kết và thân thiện với tất cả mọi người, mỗi ngày đến lớp với bé là một ngày vui.
* Kết quả: Trẻ yêu quý bạn bè, tôn trong bạn, chơi đoàn kết với bạn, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ bạn
c. Dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ với những người có khó khăn hơn mình
Các bé em của lớp tôi may mắn đều được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của ông bà cha mẹ, các bé không thể biết và hình dung ra ở ngoài kia vẫn còn có những bạn nhỏ mà ngay từ khi chào đời đã trót mang một niềm bất hạnh, đó là những bạn bị khuyết tật, các bé sơ sinh bị bỏ rơi, và vẫn còn có những cụ già cô đơn không nơi nương tựa phải nhờ tới bàn tay nuôi dưỡng của cộng đồng, xã hội. Chúng tôi thấy rằng cần phải dạy các bé biết mở rộng lòng mình để yêu thương, quan tâm chia sẻ với những người bất hạnh để khi lớn lên các bé trở thành những con người có tấm lòng nhân hậu. Chúng tôi đã kết hợp cùng nhà trường và phụ huynh tổ chức cho các con được tham gia rất nhiều các hoạt động từ thiện, ủng hộ quần áo cũ, đồ chơi cũ ...
* Kết quả: Trẻ thương bạn và sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn của các bạn minh chứng là 100% trẻ và phụ huynh ủng hộ rất nhiều đồ dùng, đồ chơi gửi cho các bạn nghèo khổ.
4.Biện pháp 4: Phối hợp với phụ huynh
“
Con cái chúng ta như một thân cây, chúng hút nước hằng ngày để lớn lên. Nhưng câu hỏi đặt ra là chúng hút nước từ đâu? Chính là từ cha mẹ. Cha mẹ phải là biển hồ cho con trẻ, phải là biển yêu thương để con trẻ có thể dựa vào nó mà lớn lên từng ngày. Chúng cần phải được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu và được an toàn trong vòng tay của mẹ cha.”
Đúng vậy, yêu thương trước hết phải bắt nguồn từ gia đình. Trẻ biết yêu thương sẽ giúp định hình nhân cách. Nhân cách của trẻ không phải ngẫu nhiên mà có, nó được hình thành trên cơ sở của giáo dục, mà trong đó giáo dục gia đình là những bước đi đầu tiên, quan trọng. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần là người bạn đồng hành cùng chí hướng để việc chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả. Giáo viên cần phối hợp với phụ huynh, giúp phụ huynh nắm được phương pháp giáo dục của nhà trường, thông qua đó phụ huynh sẽ hiểu rõ những hoạt động của trẻ ở lớp và có thể tham gia đánh giá sự phát triển của trẻ.
Xác định được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường ngay từ đầu năm học khi mới đón trẻ vào lớp chúng tôi luôn tiếp xúc phụ huynh với một thái độ tích cực thân thiện và chia sẻ, trao đổi cụ thể với phụ huynh về chế độ sinh hoạt của trẻ ở trường, nắm bắt kịp thời những thông tin về đặc điểm tâm lý tính cách của cá nhân trẻ.Bên cạnh đó chúng tôi cũng liên lạc thường xuyên với gia đình trẻ (qua trao đổi trực tiếp, bảng tuyên truyền, nhật ký bé yêu, sổ bé chăm ngoan, điện thoại) để tìm hiểu sinh hoạt của trẻ ở gia đình, thông tin cho cha mẹ biết tình hình của trẻ ở lớp, những thay đổi của trẻ để kịp thời có biện pháp giáo dục phù hợp.
Trong buổi họp đầu năm chúng tôi trao đổi thống nhất với phụ huynh về một số biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ. Phụ huynh là những người đầu tiên chia sẻ những mong muốn nguyện vọng của mình khi gửi con ở trường mầm non, còn chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc giáo dục trẻ, giải đáp những băn khoăn thắc mắc của phụ huynh. Chúng tôi đã chia sẻ với phụ huynh: có được tình yêu thương trong gia đình, khi ra ngoài xã hội trẻ cũng sẽ học được cách yêu thương những người xung quanh, biết quan tâm và chia sẻ. Yêu thương chính là động lực để các con vững vàng hơn trên bước đường đời, có yêu thương để mọi sai lầm được sữa chữa, có yêu thương để có được điểm tựa tinh thần vững chắc. Hãy yêu thương để con cái chúng ta cũng biết yêu thương.
* Kết quả đạt được: 100% trẻ có tâm tý thoải mái tự tin tích cực khi tham gia vào hoạt động. Trẻ thích đến trường đến lớp, yêu quý cô giáo và bạn bè.
IV. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:
Với những biện pháp được đề ra, qua 5 tháng thực hiện ( tháng 9 - 10 -11 - 12 /2019 đến tháng 1- 2/ 2020 ) dạy trẻ kĩ năng ‘‘yêu thương chia sẻ” tôi thấy học sinh của lớp tôi có những thay đổi rõ rệt, giờ đây các bé đều rất vui vẻ tự tin khi đến lớp, thân thiết nhau hơn, không những thế các bé còn biết quan tâm chia sẻ với cô giáo và bạn bè, người thân, biết chia sẻ yêu thương với các cô bác trong trường, biết cảm thông chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh, biết yêu thương chăm sóc các con vật nuôi và cây cối thiên nhiên
Nội dung khảo sát đạt số tỉ lệ%
Nội dung khảo sát |
Đạt |
Chưa đạt |
Số lượng |
Tỉ lệ % |
số lượng |
Tỉ lệ
% |
1. Yêu thương người thân trong gia đình. |
32 |
100% |
0 |
|
2. Quan tâm đến bạn bè |
31 |
97 % |
1 |
3% |
3. Quan tâm chia sẻ các bạn nhỏ bất hạnh |
29 |
91 % |
3 |
9% |
4. Yêu thương quan tâm người lao động. |
31 |
97 % |
1 |
3% |
5. Yêu thiên nhiên cây cối động vật. |
32 |
100% |
0 |
|
C. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I. KẾT LUẬN
Con người sống không thể thiếu tình yêu thương với nhau và với thế giới xung quanh. Tình yêu thương giữa con người với con người được biểu hiện thông qua những lới nói ân cần, dịu dàng; qua ánh mắt, nụ cười chỉ thân thiện; qua những hành động, việc làm quan tâm, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn ... Tình yêu với thế giới xung quanh thể hiện ở việc con người sống gần gũi với thiên nhiên và biết giữ gìn, bảo vệ môi trường xung quanh.
Tình yêu thương giúp cho cuộc sống ấm áp hơn; giúp con người thêm yêu cuộc sống và có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta cần biết yêu thương những người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè và mọi người; biết yêu quý và bảo vệ các loài vật, cỏ cây, hoa lá, ... và môi trường xung quanh.
Thông qua việc áp dụng ‘‘
Một số kinh nghiệm dạy trẻ 4-5 biết yêu thương chia sẻ” tôi thấy các con lớp tôi đã lớn khôn lên rất nhiều, biết mở lòng mình yêu thương mọi người, mọi vật xung quanh. Tình yêu thương ấy đã lan tỏa tới bố mẹ, các bạn bè của bé.
* Bài học kinh nghiệm
- Từ những kết quả đạt được trên tôi rút ra 1 số bài học kinh nghiệm sau:
- Việc dạy bé biết yêu thương chia sẻ giống như ta chắt lọc nguồn nước tinh khiết từ mạch nguồn yêu thương tưới cho những chồi non mới nhú -Việc làm này đòi hỏi giáo viên phải tận tâm tận lực:
- Không ngừng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện bản thân trở thành tấm gương cho trẻ noi theo học tập.
- Phối hợp tốt với phụ huynh, tạo mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa phụ huynh và nhà trường, đồng tâm hướng tới mục tiêu chung.
- Tạo môi trường lớp học thân thiện, có nhiều cơ hội cho trẻ vui chơi, sinh hoạt và học tập cùng nhau, để trẻ trải nghiệm kỹ năng chia sẻ.
- Thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động ngoại khoá, tham quan, lễ hội với các hình thức phong phú sinh động hấp dẫn tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm một cách tích cực kỹ năng quan tâm chia sẻ tới người thân, bạn bè, những cô bác trong trường, những bạn nhỏ cô đơn tàn tật, chăm sóc cây cối và các con vật nuôi.
- Muốn trẻ nên người và đạt hiệu quả giáo dục như mong muốn cô giáo phải dành nhiều thời gian thường xuyên dạy trẻ biết ‘ yêu thương chia sẻ”, sử dụng nhiều hình thức khác nhau và ở mọi lúc mọi nơi.
- Xây dựng một số giáo án, tổ chức các trò chơi để củng cố hiểu biết, kĩ năng cho trẻ.
Trên đây là một số kinh nghiệm tôi đã áp dụng thành công khi dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ.
II. ĐỀ XUẤT - KIẾN NGHỊ
- Nhà trường cần tổ chức nhiều các hoạt động về kỹ năng sống, kỹ năng yêu thương chia sẻ thông qua các chương trình ngày lễ ngày hội để cho trẻ được tham gia - Cần tổ chức cho giáo viên tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp ở các trường điểm, được tham gia nhiều lớp tập huấn về dạy kĩ năng sống cho trẻ… để củng cố về phương pháp, hình thức tổ chức lồng ghép các hoạt động giáo dục kỹ năng yêu thương chia sẻ cho trẻ ở trường mầm non.
Xin chân thành cảm ơn!
Một số hình ảnh minh chứng
Hình ảnh 1: Bé được thăm quan dã ngoại tại công viên Yên Sở
Hình ảnh 2: Ông già Noen tặng quà cho các bé.
Hình ảnh 3: Bé chăm sóc vườn rau của trường
Hình ảnh 4: Bé chăm sóc cây xanh
Hình ảnh 5: Bé chia sẻ niềm vui với bạn trong ngày sinh nhật
Hình ảnh 6: Bé làm thiệp chúc mừng bà và mẹ trong ngày 20/10
Hình ảnh 7: Bé tập gói bánh trưng
Hình ảnh 8: Bé tập làm bánh trung thu
Hình ảnh 9: Cô trao đổi với phụ huynh
Hình ảnh 10: Họp phụ huynh học sinh
Hình ảnh 11: Bé tìm hiểu về ngày tết Nguyên Đán
Hình ảnh 12: Học sinh mang quà tặng các bạn nhỏ vùng khó khăn