1.1. Lý do chọn đề tài:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, là nhờ một phần lớn vào công học tập của các cháu”.
Đúng vậy, trẻ em là mầm xanh là tương lai của đất nước. Đất nước có lớn mạnh hay không là nhờ vào thế hệ trẻ em hôm nay. Vì vậy để làm được điều đó, chúng tôi những giáo viên mầm non luôn cố gắng, phấn đấu trong việc dạy và học. Chúng tôi luôn quan tâm đến sự phát triển toàn diện của các cháu và đặc biệt là sự phát triển của những đứa con dân tộc Vân Kiều.
Giáo dục mầm non là mắt xích đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, chịu trách nhiệm chăm sóc - giáo dục trẻ từ 0 - 6 tuổi. Đây là giai đoạn đặt nền móng đầu tiên quan trọng của nhân cách con người. Nếu không làm tốt việc chăm sóc - giáo dục trẻ trong những năm đầu ở trường mầm non, thì việc giáo dục lại hết sức khó khăn, phức tạp. Vì vậy, Nghị quyết TW2, khoá VIII của Đảng cộng sản Việt Nam về "Định hướng chiến lược giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đề ra mục tiêu giáo dục Mầm non phải trang bị cho trẻ những gì tốt nhất kể cả về mặt vật chất và tinh thần một cách toàn diện.
Như chúng ta đã biết, trong điều kiện kinh tế phát triển, đang trên con đường hội nhập, đất nước chúng ta phải giao lưu với nhiều nền văn hoá khác nhau. Làm thế nào để cho thế hệ trẻ của chúng ta "Hoà nhập mà không hoà tan" và trong mỗi chúng ta vẫn giữ được những gì gọi là "Vốn văn hoá của dân tộc Việt” trong thời đại mới thì việc giáo dục cho trẻ phát triển về trí tuệ thôi là chưa đủ mà phải giáo dục trẻ biết giữ được truyền thống văn hoá vốn có của cha ông ta từ ngàn xưa. Đó chính là nhiệm vụ cần và quan trọng nhất trong các mục tiêu phát triển con người toàn diện hiện nay.
Từ ngàn xưa, kinh nghiệm của cha ông ta đã đúc kết nhiệm vụ học đầu tiên của mỗi con người phải là "Tiên học lễ, hậu học văn" lễ phép là nét đẹp văn hoá được đặt lên hàng đầu khi nhìn nhận và đánh giá về một ai đó mà chúng ta thường bàn luận. Trong thời đại hiện nay, tiếp thu nhiều nền văn hoá khác nhau nên đâu đó vẫn còn nhiều câu chuyện thương tâm về đạo đức lễ giáo của con người, việc mà tôi và các bạn đã nghe và thấy trên thông tin đại chúng, trong cuộc sống hằng ngày.
Trăn trở với mục tiêu chung của giáo dục, là người giáo viên Mầm non tôi nguyện góp sức một phần nhỏ bé của mình vào việc giáo dục lễ giáo cho trẻ ở lứa
tuổi mẫu giáo, nhằm góp phần hình thành nhân cách ban đầu cho trẻ. Bên cạnh đó vì mục tiêu của giảm tỷ lệ sinh con nên số con trong mỗi gia đình giảm ít đi, thì trẻ ngày càng được nuông chiều thái quá. Một số phụ huynh chưa hiểu tầm quan trọng của giáo dục lễ giáo cho con em ở lứa tuổi mầm non, nên thường khoán trắng cho giáo viên.
Thời gian đầu trẻ đến lớp với thói quen tự do, còn sử dụng tiếng mẹ đẻ nhiều, ít nói tiếng Việt, hay nói leo, trả lời có những câu cọc lóc, ra vào lớp tự nhiên...
Đứng trước tình hình như vậy, tôi rất lo lắng và băn khoăn phải dạy trẻ như thế nào và bằng những biện pháp gì để tất cả trẻ lớp tôi phụ trách có những thói quen và hành vi đạo đức phù hợp với chuẩn mực xã hội.
Đầu tiên cô giáo cần giáo dục trẻ những hành vi văn hoá trong cuộc sống hằng ngày có thái độ đúng với cô giáo và người lớn, bạn bè, có tình yêu đối với mọi sự vật, hiện tượng xung quanh. Giáo dục lễ giáo nhằm hình thành cho trẻ cơ sở ban đầu về nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì thế mỗi cô giáo chúng ta có trách nhiệm góp phần đào tạo thế hệ trẻ những con người phát triển toàn diện về nhân cách - trí tuệ.
1.2. Điểm mới của đề tài:
Điểm mới của đề tài là giáo dục lễ giáo cho trẻ 3-4 tuổi vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều qua các hoạt động hằng ngày của trẻ. Tuỳ theo tình hình đặc điểm của lớp, của nhà trường, của trẻ để giáo viên lồng ghép giáo dục lễ giáo cho trẻ một cách phù hợp, nhằm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non nói chung và giáo dục lễ giáo nói riêng.
*Phạm vi áp dụng:
Đề tài “Một số biện pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ 3-4 tuổi” Trong khuôn khổ kinh nghiệm này bản thân tôi chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình về giáo dục lễ giáo cho trẻ 3-4 tuổi mà tôi đang đảm nhận. Nhưng đề tài thành công phạm vi áp dụng của nó sẽ được mở rộng ra ở trường chúng tôi, các trường bạn. Và ở cấp độ lớn hơn, ở các địa phương khác cũng có thể áp dụng…
2. Néi dung
2.1. Thực trạng nội dung cần nghiên cứu:
Năm học 2016 – 2017 bản thân tôi được nhà trường phân công đứng lớp mẫu giáo bé 3 tuổi, tổng số 20 cháu hầu hết các cháu chưa làm quen với môi trường ở lớp, một số cháu chưa học qua lớp nhà trẻ nên có phần ảnh hưởng đến việc học và giao tiếp của trẻ. Phần lớn bố mẹ của các cháu là dân tộc BruVân Kiều, công việc chủ yếu là làm nương rẫy nên việc quan tâm đến con em còn hạn chế.
* Đặc điểm tình hình của lớp
- Thực hiện kế hoạch huy động số lượng của nhà trường giao, lớp tôi là 20 cháu, tôi đã huy động đạt 100% số trẻ ngay từ đầu năm học. Trong đó trẻ dân tộc Vân Kiều là 18 cháu, trẻ người kinh là 2 cháu. Vì vậy, nhận thức của trẻ còn hạn chế, trẻ còn sử dụng nhiều ngôn ngữ Vân Kiều, hạn chế sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.
- Hơn nữa, trường mầm non chúng tôi là một trường thuộc xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thuỷ, điều kiện cơ cở vật chất thiếu thốn, trường lớp chật hẹp, phần lớn là sự trông chờ đầu tư hỗ trợ của cấp trên.
Trong quá trình nghiên cứu đề tài bản thân gặp một số thuận lợi và khó khăn sau:
* Thuận lợi
- Được sự quan tâm giúp đỡ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thuỷ, của Ban giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như tài liệu, trang thiết bị phục vụ giảng dạy.
- Giáo viên nhiệt tình, yêu nghề mến trẻ, năng động sáng tạo, có trình độ trên chuẩn, có ý thức học hỏi đồng nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tất cả số trẻ đều cùng chung một độ tuổi.
- Một số phụ huynh của lớp rất nhiệt tình, luôn quan tâm giúp đỡ và phối kết hợp với cô giáo trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ.
* Khó khăn
- Phần lớn trẻ là con em người dân tộc BruVân Kiều, khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt còn hạn chế, nên bản thân gặp không ít khó khăn trong việc giao tiếp với trẻ hàng ngày.
- Phòng học chật hẹp, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
- Nhận thức của trẻ chưa đồng đều nên việc truyền thụ kiến thức đến trẻ còn gặp rất nhiều khó khăn.
- Trẻ chưa mạnh dạn và tự tin tham gia các hoạt động của lớp.
- Một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm tới trẻ và còn xem nhẹ việc học của trẻ
- Một số cháu chưa được học qua lớp Nhà trẻ nên chưa có thói quen nề nếp trong các giờ hoạt động, có cháu tự do đi lại, trả lời câu hỏi còn trống không…
Vào đầu tháng 9, tôi tiến hành khảo sát để đánh giá về chất lượng giáo dục lễ giáo của trẻ MG Bé. Tôi đánh giá mức độ: Đạt, không đạt, để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng cụ thể :
Các chỉ số |
Đạt |
Không đạt |
Sè lîng |
% |
Sè lîng |
% |
- Trẻ biết chào hỏi lễ phép |
12 |
60 |
8 |
40 |
- Biết cảm ơn, xin lỗi |
11 |
55 |
9 |
45 |
- Biết giữ gìn, cất, sắp xếp đồ chơi theo quy định |
10 |
50 |
10 |
50 |
- Biết giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường |
11 |
55 |
9 |
45 |
- Biết nhường nhịn giúp đỡ bạn |
12 |
60 |
8 |
40 |
- Trẻ mạnh dạn trong giao tiếp |
10 |
50 |
10 |
50 |
2.2. Một số biện pháp:
Qua quá trình giảng dạy và khảo sát trẻ đầu năm học, bản thân tôi tìm tòi nghiên cứu và đã tìm ra một số giải pháp để áp dụng vào “ Một số biện pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ 3 - 4 tuổi”.
* Biện pháp 1: Giáo dục lễ giáo thông qua tiết học.
Trẻ mầm non “học mà chơi, chơi mà học”, chúng hiểu và tiếp thu mọi điều về thế giới xung quanh thông qua việc tìm hiểu, khám phá các sự vật, hiện tượng…Chúng học cách làm người qua việc thể hiện tình cảm, thái độ đối với các đồ vật, đồ dùng, đồ chơi…Vì vậy, để làm tốt việc giáo dục lễ giáo cho trẻ, tôi lồng ghép nội dung giáo dục lễ giáo vào các môn học có nhiều ưu thế nhằm hình thành cho trẻ những thói quen, hành vi có văn hoá.
Ví dụ:
+ Đối với giờ học phát triển thể chất:
Cô giáo dục trẻ siêng năng thể dục, tập luyện đều đặn giúp cơ thể khoẻ mạnh, trong lúc tập các con không chen lấn, không xô đẩy nhau.
* Đối với giờ học tạo hình: "Tô màu người thân trong gia đình".
Cô có thể đàm thoại.
Gia đình cháu gồm có những ai?
Mọi người sống trong gia đình phải như thế nào với nhau?
Giáo dục trẻ biết yêu thương, kính trọng đối với ông bà, cha mẹ, anh chị, biết nhường nhịn em bé.
Qua giờ khám phá khoa học "Cây xanh và môi trường sống".
Cô giáo có thể đàm thoại:
Cây xanh để làm gì?
Cây xanh có ích lợi như thế nào?
Muốn có nhiều cây xanh chúng ta phải làm gì?
Qua lợi ích của cây xanh, cô giáo dục cháu không ngắt lá bẻ cành, mà phải biết bảo vệ chăm sóc cây xanh để cây cho ta nhiều lợi ích.
+ Giờ học văn học : Bài thơ "Cô giáo của con".
Đàm thoại:
Đối với cô giáo các con phải như thế nào?
Khi tặng hoa cho cô, các con tặng bằng mấy tay?
Thông qua đó giáo dục trẻ khi nhận hoặc trao vật gì với người lớn nên trao hoặc nhận phải bằng hai tay, khi nhận các con nói lời cảm ơn.
Sau một thời gian thực hiện những thói quen về lễ giáo chất lượng lớp tôi tăng lên rõ rệt, trẻ biết chào hỏi, thưa trình, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, yêu mến cô giáo, đoàn kết với bạn bè, tôi thấy vui mừng và tiếp tục áp dụng.
* Biện pháp 2: Giáo dục lễ giáo vào hoạt động vui chơi:
Đối với trẻ lứa tuổi này trẻ học mà chơi, chơi mà học, trong giờ vui chơi trẻ được thực hành trải nghiệm nhiều vai chơi khác nhau trong cuộc sống của người lớn, tôi tiến hành lồng ghép giáo dục lễ giáo vào hoạt động vui chơi, qua đó trẻ được đối thoại những câu chào hỏi lễ phép, câu cảm ơn, xin lỗi, trao nhận bằng hai tay, tôi theo dõi quan sát lắng nghe để kịp thời uốn nắn cho trẻ khi có biểu hiện chưa chuẩn mực. Qua đó giúp trẻ hình thành thói quen hành vi văn minh trong giao tiếp.
Ví dụ
: Qua trò chơi phân vai: Trẻ đóng vai “y tá - bác sĩ”
Bác sĩ biết thăm hỏi bệnh nhân ân cần, xưng hô, cô, chú, bác, cháu đau chỗ nào? Đau ra sao? Cháu ngồi yên để Bác khám bệnh nhé.
Cứ thế y tá phát thuốc dặn bệnh nhân uống thuốc ngày mấy lần, bệnh nhân nhận thuốc, nhận đơn thuốc bằng hai tay và nói lời “cảm ơn” đối với cô y tá, bác sĩ.
+ Trẻ chơi góc “bán hàng”
Người bán hàng hỏi: Cô, chú mua gì ạ?
Người mua hàng trả lời: Bao nhiêu một cân cá vậy cô?
Qua hoạt động vui chơi cháu mạnh dạn dần, thành thạo dần trong giao tiếp, trong ứng xử, chào hỏi đối với mọi người xung quanh mình.
Từ đây, trẻ lớp tôi đã hết trả lời các câu cụt, câu trống... Trẻ biết nói và trả lời đầy đủ câu, biết xưng hô chuẩn mực hơn.
Từ kết quả có được như vậy tôi tiếp tục áp dụng.
* Biện pháp 3: Giáo dục lễ giáo ở mọi lúc mọi nơi.
Trong những giờ đón trẻ hoặc trả trẻ tôi rất ân cần và chuẩn mực trong xưng hô với bố mẹ trẻ, tôi tập cho trẻ có thói quen đến lớp biết chào cô, sau đó chào tạm biệt bố mẹ để vào lớp học. Đến giờ trả trẻ tôi trao đổi niềm nở với phụ huynh và dặn dò trẻ chào bố mẹ, chào cô khi ra về.
Trong giờ hoạt động ngoài trời, chơi tự do, hay hoạt động lao động, nếu cháu làm việc gì sai đối với bạn bè, với cô thì phải biết xin lỗi cô, xin lỗi bạn, ai cho gì thì nhận quà bằng hai tay và nói lời cảm ơn.
Giáo dục cháu trong giờ chơi cháu đoàn kết với bạn bè, không tranh giành đồ chơi.
Giờ dạo chơi ngoài trời, tôi cho trẻ dạo chơi đồng thời lồng ghép giáo dục trẻ không ngắt lá bẻ cành trên sân trường, không vẽ bậy lên tường, không đập phá đồ chơi trên sân trường…
Thông qua các hoạt động quan sát tôi lồng ghép giáo dục cháu biết kính trọng, yêu những người lao động, khi ăn trái cây cũng phải biết từ tốn, chậm rãi không vứt vỏ và hạt bừa bãi. Giáo dục cháu giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp, biết đoàn kết, giúp đỡ bạn bè, mọi người xung quanh, qua nhiều lần như vậy, cháu lớp tôi có những thói quen và hành vi văn hoá rất tốt.
* Biện pháp 4: Giáo dục lễ giáo qua góc tuyên truyền.
Trong trường mầm non góc lễ giáo của lớp không thể thiếu, đây là biện pháp rất hữu hiệu đối với chuyên đề lễ giáo bởi lẽ trẻ có đặc điểm dễ nhớ nhưng lại mau quên. Song, trẻ được trực quan bằng hình ảnh những gương tốt hoặc qua thơ, chuyện thì trẻ dễ tiếp thu, dễ phân biệt việc làm nào tốt, việc làm nào xấu.
Để có một kết quả tốt về giáo dục lễ giáo cho trẻ, đầu năm học tôi đã lên kế hoạch giáo dục lễ giáo cho trẻ. Từng tháng tôi lên kế hoạch có yêu cầu nội dung cao hơn, góc lễ giáo thường để ngoài cửa sổ để phụ huynh dễ nhìn, biết được kế hoạch chăm sóc của nhà trường để có hướng nhắc nhở con cái thực hiện.
Ví dụ:
+ Ở góc này tôi sưu tầm những tranh ảnh có nội dung giáo dục lễ giáo dán vào cho trẻ xem, kèm theo một bài thơ hay nội dung phù hợp với hình ảnh, thời gian rảnh tôi cho trẻ đến xem và trò chuyện, đàm thoại với trẻ những hành vi văn minh.
+ Hàng tháng tôi lên kế hoạch chủ đề lễ giáo và thay tranh ảnh bài thơ có nội dung phù hợp với chủ đề.
Ngoài ra, tôi còn sưu tầm tranh truyện, sách báo nhi đồng có hình ảnh và nội dung về lễ giáo làm một album có nội dung và hình ảnh phù hợp với trẻ, đến giờ hoạt động góc trẻ về góc học tập có thể mở ra xem.
Đối với góc tuyên truyền tôi cũng dành một góc để tuyên truyền giáo dục lễ giáo cho phụ huynh nắm, phụ huynh sẽ chú trọng đến việc giáo dục lễ giáo cho trẻ lúc ở nhà.
Từ đó việc áp dụng với biện pháp này trẻ lớp tôi phụ trách trở nên ngoan hơn và thực hiện một cách tự tin mạnh dạn hơn.
* Biện pháp 5: Trang trí xây dựng môi trường gần gũi trong lớp học.
Cùng với toàn ngành tiếp tục thực hiện chủ đề năm học “xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”. Thì việc tạo cảnh quan sư phạm trong phòng học, môi trường xung quanh cũng là một vấn đề mà tôi chú trọng trong năm học này. Tôi luôn chú ý tạo cảnh quan sự phạm trong phòng học, đồ dùng đồ chơi được sắp xếp, gọn gàng, ngăn nắp, từng góc riêng biệt mỗi kệ góc tôi đều làm mới, để hấp dẫn lôi cuốn trẻ, tạo cảm giác thích thú luôn mong muốn được sắp xếp ngăn nắp.
Ví dụ:
+ Góc thiên nhiên được trang trí và trồng nhiều cây cảnh để tạo cho trẻ một không gian xanh, để mỗi ngày trẻ có thể tự mình chăm sóc cây xanh, giáo dục trẻ biết yêu cái đẹp. Qua hoạt động này kích thích trẻ yêu lao động, tạo tình cảm của trẻ với thế giới tự nhiên, gần gũi và thân mật, đã trở thành thói quen ở trẻ.
+ Để tạo cảnh quan sân trường, trước giờ học tôi thường cho trẻ nhặt rác, lá cây để tạo môi trường sạch đẹp.
+ Còn đối với kệ góc đồ chơi đầu tuần tôi thường tổ chức cho trẻ thi đua lau dọn, sắp xếp đồ chơi gọn gàng.
Nhờ vậy, qua mỗi lần tổ chức hoạt động vui chơi trẻ chơi xong thu dọn đồ chơi gọn gàng và ngăn nắp.
+ Khuyến khích động viên trẻ cùng cô tạo ra những sản phẩm mới và cùng trang trí cho lớp học…
Trong lớp tôi có sọt rác, để vào góc lớp, tôi thường lồng ghép vào tất cả các hoạt động và mọi lúc mọi nơi để nhắc nhở trẻ sau khi ăn quà vặt, uống sữa thì phải biết vứt rác vào giỏ để giữ vệ sinh chung và trẻ thực hiện tốt, nhất là sau hoạt động tạo hình cắt, xé, dán trong lớp trẻ biết nhặt không còn mảnh giấy vụn nào rơi xuống sàn và bỏ vào sọt rác.
Ở lớp trong các giờ vệ sinh, tôi cũng lồng ghép giáo dục cho các cháu đi tiêu tiểu tiện đúng nơi quy định, biết rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…. Qua đó trẻ có thói quen vệ sinh văn minh hơn.
*Biện pháp 6: Phối hợp với các bậc phụ huynh.
Đa số phụ huynh lớp tôi nhận thức còn hạn chế nên họ còn xem nhẹ đến việc học và chơi của con em mình, qua các cuộc họp phụ huynh hoặc những buổi truyền thông tôi luôn phổ biến và tuyên truyền cách nuôi dạy con theo khoa học và cách giáo dục lễ giáo đối với trẻ lúc ở nhà. Phụ huynh giành thời gian chăm sóc con cái như vệ sinh thân thể, chải răng đúng cách, phụ huynh phải luôn mẫu mực trong giao tiếp ở nhà để trẻ noi theo. Đồng thời chú ý sửa sai trẻ kịp thời những thiếu sót trong giao tiếp đối với bạn bè, đối với người lớn.
Ví dụ:
+ Tuyên truyền cho phụ huynh biết trẻ học rất nhanh thông qua người lớn. Vì vậy, cha mẹ phải luôn là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Cha mẹ phải luôn giao tiếp với nhau và với trẻ một cách lịch sự, đúng mực, sử dụng câu “xin lỗi” “cảm ơn” đúng lúc.
+ Khích lệ trẻ làm những công việc phù hợp, động viên khen ngợi trẻ khi trẻ làm tốt một việc gì đó, uốn nắn trẻ kịp thời khi trẻ làm một việc gì đó chưa đúng và giải thích cho trẻ hiểu.
+ Trong lúc ăn cơm ở nhà, phụ huynh cần tập cho trẻ thói quen mời người lớn trước khi ăn. Khi ăn phải xúc cẩn thận không làm rơi vãi, không nhai nhồm nhoàm trong miệng…
Tôi luôn trao đổi với phụ huynh hằng tháng thông qua sổ liên lạc về sự tiến bộ của mỗi cháu để phụ huynh kịp thời nắm bắt tình hình. Qua một thời gian trẻ lớp tôi có nhiều tiến bộ rõ rệt như xưng hô lễ phép, lịch sự trong giao tiếp nhờ sự giáo dục bằng phương châm "Trường học là nhà, nhà là trường học".
* Biện pháp 7: Giáo dục lễ giáo thông qua ngày hội, ngày lễ.
Như chúng ta đã biết truyền thống của người Việt thật thiêng liêng và cao quý như “tôn sư trọng đạo”, “ uống nước nhớ nguồn”.... Vì vậy thông qua các ng ày lễ , hội : ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 30/4, ngày quốc khánh 2/9, ngày 20/11, ngày quốc tế phụ nữ 8/3... thường tổ chức các hoạt động:
Ví dụ:
+ Tổ chức các buổi văn nghệ, thi đọc thơ, hát…
+ Tổ chức các hội thi tài năng: làm thiệp, hoa… vào các dịp ngày hội ngày lễ của bà, mẹ, cô giáo để trẻ hiểu và tỏ lòng yêu quý bà, mẹ, cô giáo hơn.
+ Cho trẻ cùng tham gia các buổi lao động, vệ sinh… để tỏ lòng biết ơn đối với những người có công cho tổ quốc.
Từ ý nghĩa của những ngày lễ lớn đó giúp trẻ biết được truyền thống của dân tộc để giáo dục trẻ lòng tự hào dân tộc, biết kính trọng những người đã hy sinh cho lợi ích dân tộc, lợi ích trồng người. Nhằm hình thành cho trẻ lòng tự hào, kính yêu đối với người lớn tuổi, thông qua đó khuyến khích trẻ học tập và phấn đấu thành con người có ích cho xã hội.
*Biện pháp 8: Khích lệ nêu gương.
Tâm lý của con người thích được khen hơn là chê. Nhất là đối với trẻ lúc nào cũng muốn được khen và khen nhiều. Vì vậy là một giáo viên mầm non cần biết động viên khen ngợi trẻ khi cần thiết và phải kịp thời uốn nắn những sai phạm cho trẻ.
Ví dụ:
+ Vào giờ đón trẻ, khi trẻ đến lớp trẻ biết chào cô, chào bố mẹ, giáo viên cần khen ngợi khích lệ trẻ để trẻ cảm thấy mình ngoan mình làm như vậy là đúng và lần sau trẻ phát huy.
+ Vào giờ chơi, trẻ giành đồ chơi của bạn hay xưng hô và nói chuyện với bạn một cách thô lỗ giáo viên cần phê bình và uốn nắn kịp thời cho trẻ.
+ Qua những lúc cùng trò chuyện với trẻ, giáo cần động viên trẻ giao tiếp, biết sử dụng câu “xin lỗi” “cảm ơn” đúng lúc, nhắc nhỡ trẻ ngay nếu trẻ nói gì đó chưa đúng. Tất cả những hành vi từ nhỏ đến lớn giáo viên đều phải theo dõi uốn nắn, giúp đỡ trẻ đần dần trẻ sẽ có cử chỉ hành vi lễ giáo tốt.
+ Hàng ngày vào giờ nêu gương cuối ngày trước khi cắm cờ, tôi cho trẻ tự nhận xét về mình trong ngày đó có bạn nào có hành vi lời nói hay tôi nêu gương ra cho cả lớp và tặng trẻ một bông hoa. Cuối tuần bao giờ cũng có tiết mục kể chuyện về gương tốt để trẻ noi theo.
* Kết quả đạt được
Sau những biện pháp tôi nghiên cứu và thực hiện chất lượng giáo dục về lễ giáo tăng lên rõ rệt đó là điều làm tôi phấn khởi, yêu nghề, yêu trẻ càng nhiều. Giúp tôi có nghị lực trong công tác, lớp tôi đạt được kết quả như sau:
Trước hết giáo viên nắm chắc được nội dung, phương pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ và nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non.
Trẻ ngoan hơn, lễ phép hơn, trẻ được hình thành những thói quen vệ sinh văn minh, biết chào hỏi khi có khách đến, biết trao nhận bằng hai tay, biết quan tâm giúp đỡ bạn bè, cô giáo, ba mẹ, không nói tục, đánh bạn, kính trọng cô giáo và người lớn.
Các bậc phụ huynh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục lễ giáo cho trẻ và có những chuyển biến rõ rệt về lời ăn tiếng nói, về phong cách và quan tâm ngày càng nhiều đến con em mình.
Phụ huynh ngày càng tin tưởng giáo viên, biết quan tâm chăm lo đến việc học tập và các hành vi ứng xử của con em mình khi ở lớp cũng như lúc ở nhà. Một số phụ hunh đã mạnh dạn trao đổi với giáo viên về nội dung và phương pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ.
Sau một thời gian thực nghiệm, tôi nhận thấy kết quả lễ giáo của trẻ có sự chuyển biến rõ rệt :
Các chỉ số |
Đạt |
Không đạt |
Sè lîng |
% |
Sè lîng |
% |
- Trẻ biết chào hỏi lễ phép |
18 |
90 |
2 |
10 |
- Biết cảm ơn, xin lỗi |
19 |
95 |
1 |
5 |
- Biết giữ gìn, cất, sắp xếp đồ chơi theo quy định |
18 |
90 |
2 |
10 |
- Biết giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường |
18 |
90 |
2 |
10 |
- Biết nhường nhịn giúp đỡ bạn |
17 |
85 |
3 |
15 |
- Trẻ mạnh dạn trong giao tiếp |
17 |
85 |
3 |
15 |
3. KẾT LUẬN
3.1. Ý nghĩa của đề tài:
Việc giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non nói chung và trẻ 3-4 tuổi nói riêng ở vùng dân tộc Vân Kiều có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về “đức - trí - thể - mĩ”, hình hành cho trẻ nhân cách con người, tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ.
Qua thực hiện đề tài:
“Một số biện pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ 3-4 tuổi”. Bản thân tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:
- Bản thân tôi là một giáo viên lâu năm tôi luôn tìm tòi sáng tạo, sưu tầm tranh ảnh, thơ ca, hò vè để góc lễ giáo ngày càng phong phú hơn, tôi thay đổi theo từng chủ đề để tạo sự mới lạ hấp dẫn trẻ.
- Các tiết học có lồng ghép nội dung giáo dục lễ giáo dưới hình thức khác nhau để giáo dục trẻ, tạo hứng thú cho trẻ.
- Phải thường xuyên thực hiện giờ nêu gương và kể chuyện hàng tuần hoặc tổ chức văn nghệ để động viên tinh thần trẻ.
- Cô giáo phải chuẩn bị nhiều nội dung, hình ảnh về lễ giáo để trẻ tri giác trực quan hằng ngày.
- Góc âm nhạc có những bài hát về lễ giáo phù hợp.
- Các góc tuyên truyền của lớp có nhiều bài viết và hình ảnh cho phụ huynh tham khảo.
- Gia đình của trẻ thật sự là mái ấm đầy tình thương, bố mẹ là những tấm gương sáng và mẫu mực về hành vi ứng xử, chăm sóc, tinh thần trách nhiệm đối với trẻ.
Trên đây
“Một số biện pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ 3-4 tuổi” trong trường Mầm non mà tôi đã áp dụng thành công trên trẻ của lớp tôi. Tôi rất mong được sự quan tâm, chỉ đạo phòng, BGH nhà trường và hội đồng khoa học cũng như sự góp ý của bạn bè, đồng nghiệp giúp tôi có những giải pháp hiệu quả và sáng tạo hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!