Việc quan trọng trong trường mầm non cần làm là giúp trẻ trước khi vào lớp Một của bậc tiểu học phát triển tốt ngôn ngữ, phù hợp với từng lứa tuổi và sự phát triển chung của trẻ. Việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ khi bắt đầu tới trường, lớp là vô cùng quan trọng bởi ngôn ngữ có chức năng làm công cụ tư duy, công cụ biểu đạt tư tưởng, tình cảm; công cụ giao tiếp giữa các thành viên trong xã hội.
Các bé lớp mẫu giáo ghép điểm trường Huổi Đá, Trường Mầm non Nậm Kè, huyện Mường Nhé
Thực tế cho thấy đối với những trẻ thành thạo tiếng phổ thôngviệc giao tiếp và thu nhận tri thức cũng như thực hiện những yêu cầu của giáo viên khá thuận lợi, song đối với trẻ dân tộc thiểu số đây là cả một vấn đề khó khăn, đòi hỏi nhà giáo dục cần phải có những biện pháp phù hợp. Đặc biệt ở các trường mầm non miền núi, đa số trẻ em là người dân tộc thiểu số, việc nghe và nói tiếng Việt còn hạn chế, mặc dù cô giáo cố gắng hướng trẻ nói bằng tiếng Việt song trẻ vẫn nói bằng hai thứ tiếng, mà chủ yếu là tiếng mẹ đẻ, nhất là khi trẻ ra khỏi lớp học. Sở dĩ như vậy là do tiếng Việt không phải là một phương tiện sử dụng thường xuyên đối với trẻ dân tộc thiểu số. Ở đây trẻ chỉ dùng tiếng Việt giao tiếp với giáo viên khi cần thiết, còn ngoài ra trẻ vẫn thường xuyên sử dụng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Chính vì vậy việc tăng cường tiếng Việt gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp trẻ tăng khả năng nghe hiểu và thực hành tiếng Việt một cách tốt nhất, xin chia sẻ với các bạn đồng nghiệp một số biện pháp sau:
1. Dạy trẻ học tiếng Việt theo trình tự nghe - hiểu - thực hành
Trẻ học hiểu nghĩa của từ và câu trước khi nói chính xác từ và câu đó
Bước vào ngưỡng cửa trường mầm non trẻ bắt đầu làm quen với ngôn ngữ thứ hai và đây cũng là thời kỳ đầu tiên trong quá trình trẻ học nói tiếng Việt, tiếp thu kiến thức bằng tiếng Việt. Mọi lời nói hướng dẫn, cách truyền đạt của cô đều thật khó đối với trẻ.
Với mục đích trẻ hiểu “nghĩa” của từ ngữ rồi trẻ thực hành tiếng Việt. Yêu cầu đối với giáo viên không cấm trẻ nói tiếng mẹ đẻ và cần tránh dạy trẻ nói mà không hiểu nghĩa. Ở đây giáo viên thường xuyên sử dụng đồ dùng trực quan, hành động với đồ vật, bằng ngôn ngữ hình thể để diễn đạt một cách cụ thể dễ hiểu nhất giúp trẻ một phần nắm bắt dễ dàng và hiểu một cách chính xác vấn đề.
Ví dụ: Trẻ làm quen với tên gọi các bạn: đây là bạn Páo, đây là bạn Lầu… cô dắt từng trẻ lên và giới thiệu cho cả lớp nghe, lần lượt các bạn trong lớp. Hoặc cho trẻ làm quen với tên gọi và đồ dùng đồ chơi ở các góc trong lớp học: Đây là hòn đá, đây là quả chuối… Sau khi cô giới thiệu cho trẻ nghe cô hỏi lại để kiểm tra các trẻ. Cô giới thiệu và làm mẫu một số hành động cụ thể: đứng lên, ngồi xuống, đi ra ngoài… kết hợp sử dụng tiếng mẹ đẻ để giải thích nghĩa của từ và câu, nhất là những từ trừu tượng, khó hiểu. Giáo viên cần thường xuyên dùng những từ ngữ khen ngợi trẻ, nêu những điểm nổi bật làm trẻ thích thú và chăm chú nghe cô nói.
Sử dụng đồ dùng cho trẻ tiếp cận theo nhóm đối tượng giúp trẻ dễ xâu chuỗi được vấn đề hơn
Ví dụ: Cho trẻ quan sát tranh các con vật, cô hỏi “con gì đây” và “đây là con gì”. Đầu tiên trẻ chưa biết, cô giáo hướng dẫn trả lời rồi cho trẻ bắt chước, sau đó trẻ tự trả lời và cứ như vậy trẻ sẽ tự hiểu đó là những con vật. Khi cho trẻ tiếp xúc với đối tượng giáo viên cần đưa ra các đối tượng có cùng chủng loại: các loại quả, các đồ chơi...
Giáo viên thường xuyên trao đổi với trẻ bằng cách chọn từ ngữ sao cho ngắn gọn, dễ hiểu kết hợp hướng dẫn giúp trẻ hiểu những vấn đề, nhiệm vụ gần gũi đối với trẻ. Ví dụ: Khi trẻ đến lớp, cô nhắc “con chào cô nào” và cô hướng dẫn cho trẻ thực hiện nói “ cháu chào cô”. Thường xuyên nhắc lại các khái niệm, các từ chỉ tên người, đồ vật ví dụ: Tên từng bạn trong lớp, quần áo, bát đĩa, tên đồ dùng đồ chơi trong lớp, một số hoạt động hàng ngày trẻ phải thực hiện, ví dụ: con hát nào, con hãy đọc thơ, con thực hiện cùng cô nào…
Cô giáo luôn chú ý phát rõ âm để trẻ dễ tiếp thu, chú ý kèm tranh minh họa, vật thật đôi khi cần có cả sự giải thích, khi sử dụng từ ngữ cô lựa chọn câu từ ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với trẻ. Chú ý cung cấp từ mới cho trẻ phải nhắc đi nhắc lại giúp trẻ nghe rõ và hiểu nghĩa của từ.
Tạo cho trẻ năng lực bắt chước kết hợp âm thanh, trẻ thường xuyên học nhắc lại những gì nghe được từ cô và các bạn, đây cũng là một trong những biện pháp trẻ dễ học dễ hiểu nhất. Ví dụ: Trong giờ học cô giáo đưa một bức tranh và hỏi trẻ cô có gì đây? Một số trẻ trả lời “Tranh con vịt” cô khẳng định là đúng và cho cả lớp và cá nhân bắt chước nói giống cô và các bạn cứ như vậy trẻ học rất nhanh và hiệu quả cũng rất cao.
Nghe với những hình ảnh động: Các hình ảnh đính kèm những ngôn ngữ làm cho trẻ “hiểu” được ít nhiều nội dung của vấn đề, mà không cần phải “dịch” từng câu.
Ví dụ: Thường xuyên mở các bài hát, đoạn video về các con vật, các hiện tượng tự nhiên hay các sự kiện… cho trẻ xem, trẻ chăm chú phán đoán và trẻ cũng dần hiểu một số câu từ trong những đoạn video, clip đó.
Luyện nghe cho trẻ cũng rất quan trọng, luyện cho trẻ nghe được các âm vị cấu trúc âm tiết khác nhau, nghe biểu cảm về phương diện âm thanh.
Mặc dù có thể hơi khó với trẻ nhưng đọc hay kể chuyện cho trẻ nghe ngay từ những ngày đầu tới lớp của trẻ là một trong những cách tốt nhất giúp trẻ làm quen với ngôn ngữ tiếng Việt. Thông qua việc dành thời gian đọc, kể cho trẻ nghe từ đó giúp trẻ nhận biết những điều kỳ diệu mà ngôn ngữ đem lại và sự thích thú của trẻ đối với những điều kỳ diệu đó sẽ biến trẻ thành người ham học.
Yêu cầu ở nội dung này cô cần phải kiên trì, thường xuyên trò chuyện giao tiếp cùng trẻ có nhiều biện pháp giúp trẻ nghe hiểu một cách chính xác nội dung cô cần truyền đạt. Do vậy giáo viên cần chú ý đến lời nói phải chính xác, rõ ràng, mạch lạc, tránh nói lắp, nói ngọng.
Lựa chọn nội dung giáo dục và hoạt động phù hợp với khả năng của trẻ.
Ví dụ: Lựa chọn những bài thơ, bài hát ngắn gọn dễ hiểu, tìm những bài thơ, ca dao, đồng dao giúp trẻ dễ đọc dễ nhớ và cũng thuận lợi trong việc khai thác nội dung.
Luôn chú ý hệ thống câu hỏi đàm thoại với trẻ để đảm bảo tình phù hợp, chính xác và có tính mở chú trọng lấy trẻ làm trung tâm. Đặc biệt khi lựa chọn đề tài này cần phải chú trọng hơn khi xây dựng nội dung giáo dục để đảm bảo tính hiệu quả phù hợp với nội dung và đối tượng vùng miền.
Trẻ học tiếng Việt gắn với những tình huống thực tế
Hình ảnh, trò chơi, nhạc họa, diễn kịch… nói chung là các hoạt động nhằm giúp trẻ tham gia vào môi trường sử dụng tiếng Việt một cách tự nhiên, không gượng ép. Các hoạt động đa dạng sẽ giúp trẻ từng bước hình thành phong cách riêng trong học tập và sử dụng tiếng Việt. Phong cách riêng chính là nền tảng của chất lượng và hiệu quả học tập tiếng Việt cho trẻ em. Nắm bắt được đặc điểm này cô giáo cần sưu tầm những trò chơi hay, mới lạ trên báo chí, thông tin đại chúng để tạo các tình huống và đưa vào dạy trẻ phù hợp theo nội dung từng chủ điểm.
Ví dụ: Tổ chức các trò chơi cho trẻ như:
Trò chơi những chiếc thuyền: Cô đổ nước vào chậu hoặc bát to. Để 3 cái hộp rỗng vào. Cần thổi chúng chuyển động từ bờ bên này sang bờ khác. Cô nói với Trẻ: “Con tưởng tượng xem, đây là biển nhé. Để cho tàu ra khơi, cần có gió đẩy thuyền đi. Con hít sâu vào rồi thổi mạnh đi!”. Điều quan trọng là theo dõi việc thở ra và khuyến khích trẻ thực hiện theo yêu cầu của cô. Để kích thích khẩu ngữ của bé, cô đặt những câu hỏi: “Thời tiết trên biển thế nào con nhỉ?”, “Con thấy mặt nước trông như thế nào?”… Cô cho trẻ chơi theo nhóm nhỏ các trẻ khác quan sát và nhận xét về các con thuyền, nhận xét cách chơi của các bạn cùng với những lời tán thưởng của cô trẻ rất thích thú cổ vũ cho những con thuyền, đây cũng là một hình thức trẻ được chơi một cách thoải mái nhất nhưng trẻ lại nhớ lâu những từ mới như “con thuyền”, “mặt nước”, “thổi mạnh”, “thuyền đi nhanh, thuyền đi chậm”… bởi qua lúc chơi trẻ hò reo cổ vũ theo cô và các bạn.
Trò chơi dàn nhạc đặc biệt: Cần 6 cái hộp và 3 kiểu vật liệu hạt rời (ngũ cốc, đường, bột, hạt cườm…). Điều quan trọng là đổ từng đôi hộp số lượng vật liệu như nhau để âm thanh trùng nhau chính xác. Nhưng âm thanh của đôi hộp này cần khác biệt với đôi khác. Một bộ đưa cho trẻ, còn bộ kia cô giữ. Cô lắc “Hộp” bất kì, còn trẻ cần tìm trong bộ của mình cái thùng có âm thanh y như thế. Cô tăng dần số lượng hộp. Cô nghĩ ra những tên gọi lí thú cho những dụng cụ đó: Tiếng ồn, quả bom, lúc lắc, lạo xạo… trẻ được chơi cả lớp , sau đó cô yêu cầu cá nhân lên chọn “Hộp” cả lớp cùng nhắc giúp bạn với sự gợi ý của cô. Cô nói các con chú ý xem chiếc “Hộp” này có tiếng kêu thế nào ? ai giỏi lên tìm hộp có tiếng kêu giống hộp của cô nào. Trẻ sẽ phải lắc các hộp để tìm cùng với sự chỉ dẫn của các bạn “ Hộp này, hộp kia, đúng rồi, sai rồi, tìm đi, lắc hộp đi…” đó là những từ được nhắc nhiều trong trò chơi, trẻ cổ vũ, chỉ dẫn cho bạn, đây cũng là cách trẻ được học những từ mới mà không cần cô chỉ dẫn song vẫn đạt yêu cầu… trẻ em rất thích điều đó.
Các tình huống gắn liền với hoạt động trong ngày cũng là những cơ hội để giáo viên giúp trẻ tăng cường tiếng Việt. Giáo viên giúp trẻ làm giàu thêm vốn từ vựng của mình và giúp trẻ phát triển khả năng nghe, phản xạ bằng cách yêu cầu trẻ nêu tên tất cả những đồ vật mà trẻ biết bắt đầu bằng những tên bạn trong lớp, tên cô, tên các đồ dùng đồ chơi.
Ví dụ: Cô hướng trẻ với những sự vật hiện tượng xung quanh để trò chuyện và mở rộng ngôn ngữ cho trẻ, gợi ý tạo sự tò mò của trẻ vào những thay đổi khác thường chẳng hạn: Cây đào sân trường ra hoa, trời mưa rất to, bạn Lan có váy mới…
Hoạt động ngoài trời của các bé mẫu giáo 5 tuổi, Trường Mầm non xã Núa Ngam, huyện Điện Biên
2. Sử dụng phương pháp trực quan hành động
Phương pháp này rất hiệu quả đối với người bắt đầu học một ngôn ngữ mới (ngoài tiếng mẹ đẻ), cho phép người học tiếp thu ngôn ngữ mới một cách dễ dàng và tự nhiên mà không bắt buộc phải quá tập trung hay căng thẳng. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi và hiệu quả ở nhiều hình thức khác nhau. Với phương pháp này, người học được sử dụng tích cực các giác quan và vận động của cơ thể trong suốt quá trình tham gia vào hoạt động học tập và thực hành ngôn ngữ mới. Các kỹ năng nghe - quan sát - phản hồi (bằng hành động của cơ thể) được sử dụng hiệu quả trong quá trình học tập. Phương pháp này giúp giáo viên và trẻ có thể áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các hoạt động dạy và học để đạt được những giờ học thực sự tích cực. Sử dụng đồ dùng trực quan đẹp, bắt mắt đó cũng là cách làm trẻ tò mò xem đó là gì, thích được tham gia vào hoạt động với đồ dùng đó.
Chẳng hạn, các giờ hoạt động khám phá môi trường, ngoài việc cung cấp kiến thức cho trẻ cô cũng đồng thời tăng cường tiếng Việt cho trẻ một cách rất hiệu quả thông qua những hình ảnh, mô hình, vật thật trẻ được sờ, được nếm, được ngửi, được nghe cùng với những từ ngữ có chọn lọc cô cung cấp kiến thức và từ mới cho trẻ . Với hoạt động làm quen các loại quả, trẻ biết tên quả, quả có màu gì, ăn có vị gì, con thích quả gì. Cô nhắc lại những đặc điểm rồi cho trẻ nhắc lại cứ như vậy trẻ học từ mới một cách tự nhiên theo nhiều hướng khác nhau. Chương trình giáo dục mầm non thực hiện chủ đề nhánh theo tuần vậy nên trong tuần trẻ được tiếp xúc làm quen nhiều loại quả với nhiều hình thức khác nhau như: xem tranh, xem hình ảnh trên video, quả thật và qua sự miêu tả của cô…. ở các hoạt động vui chơi và hoạt động khác nữa, nhờ đó trẻ dần khắc sâu ngôn ngữ tiếng Việt vào tư duy của mình.
Giáo viên sử dụng các đồ vật/đồ chơi gần gũi, quen thuộc với trẻ để dạy tiếng Việt cho trẻ. Với trẻ lớp bé, trẻ mới ra lớp nên lựa chọn các vật thật hoặc các đồ dùng, đồ chơi sẵn có trong lớp và trẻ thường được chơi và sử dụng để cho trẻ học. Giáo viên không chụp ảnh các đồ vật sẵn có trong lớp, những đồ vật giáo viên có thể chuẩn bị được để đưa vào máy tính và trình chiếu cho trẻ quan sát mà sử dụng các đồ vật/đồ chơi thật giúp trẻ vừa được học từ, học câu và vừa được thao tác với đồ vật/đồ chơi có kết hợp sử dụng ngôn ngữ, ngôn ngữ thứ hai sẽ trở nên gần gũi hơn với đời sống hàng ngày của trẻ.
Đối với trẻ nhà trẻ và mẫu giáo 3 – 4 tuổi giáo viên tiến hành trò chuyện kết hợp với trực quan, hướng chú ý của trẻ lên đối tượng, sau đó gợi cho trẻ nhớ lại bằng những câu hỏi đơn giản...
Ví dụ: Khi trò chuyện về con mèo, cô giáo có thể cho trẻ xem tranh hoặc quan sát con mèo thật, cô giáo yêu cầu trẻ quan sát thật kỹ về con mèo để biết con mèo có đặc điểm gì, hoạt động như thế nào…, sau đó cô đặt câu hỏi cho trẻ trả lời. Cần lưu ý đến khả năng ngôn ngữ của trẻ trong quá trình trò chuyện nhằm phát triển, tăng cường ngôn ngữ dưới hình thức.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và phát triển ngôn ngữ cho trẻ
Những hình ảnh đẹp những hiệu ứng của hình ảnh có tình huống biến hóa, những vi deo sôi động là cách lôi cuốn trẻ, giáo viên để ý sưu tầm những nội dung phù hợp với chủ đề cho trẻ khám phá. Ví dụ: Những bài học luyện phát âm và hay từ mới cho trẻ, với chủ đề giao thông có những loại phương tiện giao thông hình ảnh kèm lời đọc loại phương tiện đó , trẻ được tri giác và phát âm theo, hay chủ đề động vật cũng có rất nhiều bài dạy trẻ phát âm tên và vận động của các con vật.