1. Nguyên nhân gây ra bệnh mùa đông ở trẻ em thường gặp
Những bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa đông chủ yếu là nhóm bệnh về đường hô hấp. Theo các số liệu báo cáo hằng năm, số bệnh Nhi đến khám vì bệnh đường hô hấp tăng khoảng 30 - 40% so với ngày thường. Nguyên nhân chủ yếu là do:
- Nhiệt độ: Với khí hậu đặc trưng của mùa Đông là độ ẩm trong không khí thấp, nhiệt độ môi trường không cao. Tất cả tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn, virus thường trú trong cơ thể có dịp bùng phát.
- Sức đề kháng của trẻ: Sức đề kháng của trẻ em rất kém do hệ miễn dịch của con vẫn chưa được hoàn thiện và khả năng chống chọi với các nguy cơ lây nhiễm còn rất thấp. Và đặc biệt ở những trẻ có thể chất vốn yếu ớt, suy dinh dưỡng hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh mãn tính thì nguy cơ con sẽ bị những bệnh hô hấp vào mùa đông là rất cao.
- Cách chăm sóc của gia đình: Những chăm sóc thiết yếu cho trẻ trong khoảng thời gian giao mùa, thời tiết lạnh đột ngột đặc biệt vào ban đêm vẫn chưa phù hợp. Chẳng hạn như: Trẻ mặc quần áo phong phanh, mặc đồ ướt hoặc ẩm, trẻ ra nhiều mồ hôi mà chưa thay đồ kịp,... Điều này vô tình làm cho trẻ dễ bị nhiễm lạnh, viêm họng, viêm phổi,...
- Các loại vi khuẩn phát triển vào mùa đông: Một số loại vi khuẩn, virus như H.influenzae, S.pneumoniae, vi-rút cúm, vi-rút sởi, vi-rút H5N1,... thường phát triển mạnh vào mùa lạnh. Một mặt khác, chúng cũng rất dễ lây lan từ người bệnh sang người lành khi không được cách ly an toàn.
- Môi trường sống: Môi trường sống xung quanh trẻ không được vệ sinh, trong gia đình có người hút thuốc, không gian sống chật hẹp, ẩm thấp,... cũng là những nguyên nhân gián tiếp tăng nguy cơ mắc bệnh mùa đông ở trẻ em.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh mùa đông ở trẻ em. Ảnh Internet
2. Một số bệnh mùa đông ở trẻ em phổ biến bố mẹ cần nắm rõ
2.1. Cảm cúm
Cảm cúm là một trong những bệnh đặc trưng về hô hấp mà trẻ em hay mắc phải nhất vào mùa đông. Bệnh tuy không nguy hiểm, có khả năng tự phục hồi nhanh. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh cũng sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Cảm cúm vào mùa đông hay còn gọi là cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh cảm cúm sẽ lây lan từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt nhỏ khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc virus bị phát tán vào các vật dụng xung quanh. Sau đó lây lan cho trẻ. Tại Việt Nam, những loại virus gây cúm mùa thường gặp nhất là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Khi trẻ bị cúm có thể kèm theo sốt cao gây nên tình trạng co giật mà nếu không xử lý sớm sẽ dẫn tới tổn thương về thần kinh không phục hồi.
2.1.1. Các triệu chứng điển hình của bệnh
- Trẻ bị sốt cao, trên 38 độ C kèm theo ớn lạnh và đổ mồ hôi nhiều.
- Ho khan, nghẹt mũi và chảy nước mũi liên tục.
- Thường xuyên cảm thấy nhức đầu, đau nhức các cơ. Đặc biệt là ở lưng, tay và chân.
- Trẻ biếng ăn có cảm giác mệt và yếu.
- Những ngày đầu bị cúm, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác khô và đau rát họng.
Cảm cúm là một trong những bệnh đặc trưng về hô hấp mà trẻ em hay mắc phải nhất vào mùa đông. Ảnh Internet
2.1.2. Chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà
- Trẻ bị cúm cần được cách ly tại nhà để nghỉ ngơi. Chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ và không nên cho trẻ đến những nơi công cộng như trường học, công viên...
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng cách súc miệng nước muối và cần có chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng.
- Đối với trường hợp trẻ bị cúm nặng thì cần phải cách ly ở cơ sở y tế để cúm không lan rộng.
- Lúc này, trẻ sẽ được chỉ định thuốc điều trị cúm khi nhập viện. Việc điều trị bằng thuốc sẽ giúp làm giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian nằm viện cũng như phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra.
- Ba mẹ cần đưa trẻ dưới 5 tuổi đi tiêm tiêm ngừa vắc xin cúm hằng năm trước khi bước vào mùa cúm. Và sau khi tiêm từ 2 - 4 tuần thì mới đáp ứng miễn dịch phòng bệnh được.
2.2. Quai bị
Quai bị là một loại bệnh gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus), thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh gây sưng đau ở tuyến nước bọt, còn gọi là tuyến mang tai. Và thường lây qua đường tiếp xúc thông thường khi trong không khí có virus gây bệnh. Thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện, khạc nhổ...
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh quay bị sẽ có những biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Nếu trẻ mắc bệnh khi còn quá nhỏ, trẻ có thể bị điếc. Quai bị có thể gây biến chứng đến hệ thống thần kinh trung ương và tăng nguy cơ bị viêm màng não, viêm não hoặc dị tật ở tiểu não. Ở những bé trai mắc quai bị rất có thể gây ra viêm tinh hoàn và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Quai bị là một loại bệnh gây sưng đau ở tuyến nước bọt, còn gọi là tuyến mang tai. Ảnh Internet
2.2.1. Các triệu chứng phổ biến khi trẻ bị quai bị
Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em thường xuất hiện trong khoảng 2 tuần sau khi trẻ nhiễm virus.
- Sốt cao đột ngột, đau đầu, chán ăn.
- Sau khi sốt từ 1 - 3 ngày, tuyến nước bọt có biểu hiện đau nhức, sưng to. Lúc này, trẻ có thể sưng ở một hoặc cả hai bên, khiến khuôn mặtbị biến dạng, khó nhai, khó nuốt.
- Buồn nôn, nôn, luôn cảm thấy mệt mỏi và uể oải.
- Đau cơ, nhức mỏi toàn thân.
- Ở những bé trai có thể xuất hiện sưng bìu và đau tinh hoàn.
- Khoảng một phần ba trẻ sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng biểu hiện bệnh rất nhẹ. Do đó, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý để phát hiện bệnh kịp thời và nhanh chóng chữa trị để hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra.
2.2.2. Chăm sóc trẻ khi bị quai bị
Cũng giống như bệnh cúm, quai bị sẽ rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiêu, chủ yếu là điều trị theo triệu chứng, chăm sóc và phòng ngừa những biến chứng. Lúc này, ba mẹ cần:
- Khi thấy trẻ có dấu hiệu đau ở vùng mang tai, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chuẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
- Hạn chế tối đa việc cho bé tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là trẻ em và trẻ sơ sinh.
- Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ để giảm nhẹ những triệu chứng.
- Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ khi mệt, uống nhiều nước và chất điện giải để bù nước.
- Ăn thức ăn nhẹ như cháo, súp, sữa chua và những loại thực phẩm không cần nhai (Vì động tác nhai có thể khiến bé thấy đau)
- Tuyệt đối không cho bé ăn những thực phẩm cứng, nhiều gia vị, cay nóng hoặc có tính acid.
- Chỉ dùng kháng sinh cho trẻ khi nghi ngờ bị bột nhiễm vầ phải tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ.
Trẻ bị quai bị cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt. Ảnh Internet
2.3. Tiêu chảy
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tiêu chảy là nguyên nhân rất phổ biến dẫn đến tử vong cho trẻ em tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiễm trùng ở đường ruột. Những virus, vi khuẩn có trong thức ăn ôi thiu, thực phẩm hoặc môi trường xung quanh không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, trẻ bị tiêu chảy còn có thể là do chứng kích thích ruột, bệnh Crohn, Celiac, dị ứng với thức ăn hay sử dụng kháng sinh kéo dài. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là mất nhiều nước, muối trong cơ thể dẫ đến truy tim, thậm chí là tử vong.
2.3.1. Bệnh tiêu chảy được chia thành 3 loại phổ biến
- Tiêu chảy nước cấp
- Tiêu chảy xâm lấn có máu
- Tiêu chảy trên 14 ngày
Đối với những bé bị tiêu chảy, ngoài việc theo dõi ở nhà, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị kịp thời.
2.3.2. Triệu chứng khi trẻ bị tiêu chảy
Những trẻ đi phân lỏng tư 3 ngày trở lên được cho là triệu chứng phổ biến đầu tiên của bệnh tiêu chảy. Tuy nhiên, bệnh này còn phụ thuộc từ những nguyên nhân khác nhau mà có những triệu chứng khác nhau. Cụ thể:
- Trẻ thường đi tiêu phân lỏng như nước, có mùi hôi tanh.
- Đôi khi phân của trẻ có lẫn kèm theo máu.
- Có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc và nôn ói.
- Trẻ thường xuyên cảm thấy đau thắt, chuột rút ở bụng, khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Trẻ có thể bị sốt, ớn lạnh, mất nước khi đi tiêu quá nhiều.
- Tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa còn khiến cho trẻ biếng ăn, quấy khóc,...
Những trẻ đi phân lỏng tư 3 ngày trở lên được cho là triệu chứng phổ biến đầu tiên của bệnh tiêu chảy. Ảnh Internet
2.3.3. Chăm sóc trẻ khi bị tiêu chảy
Việc điều trị tiêu chảy do virus gây ra có thể kéo dài từ 1 - 2 tuần. Trong đó, điều quan trọng nhất chính là bù lại lượng nước, điện giải và ngăn ngừa mất nước. Cụ thể:
- Khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy , việc trước tiên là bố mẹ cần bổ sung nước đầy đủ cho trẻ để nhanh chóng lấy lại sức và giảm những triệu chứng của bệnh.
- Mặc dù trẻ sẽ biếng ăn khi bị tiêu chảy, nhưng bố mẹ vẫn phải đảm bảo lượng thức ăn mỗi ngày cho con.
- Bổ sung thêm vitamin và kẽm theo chỉ định của bác sĩ để cơ thể con khỏe mạnh hơn sau bệnh.
- Vẫn duy trì cho bé bú sữa mẹ và bổ sung thêm dung dịch bù nước bằng đường uống.
- Các nghiên cứu cho thấy, trong sữa chua có chứa vi khuẩn sống và probiotic. Chúng sẽ giúp đẩy lùi những triệu chứng của tiêu chảy.
2.4. Một số bệnh về da
Làn da của trẻ vốn rất mỏng manh và khả năng chống chịu với những tác nhân gây kích ứng từ môi trường còn non yếu. Bên cạnh đó, thời tiết hanh khô của mùa đông sẽ khiến trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về da. Vì thế, ba mẹ cần hết sức lưu ý và nắm rõ những triệu chứng của bệnh để phòng ngừa và điều trị cho trẻ đúng cách. Một số bệnh về da ở trẻ nhỏ vào mùa đông có thể kể đến như là:
2.4.1. Chàm sữa do khí hậu hanh khô
Bệnh chàm sữa hay còn gọi là lác sữa thường xuất hiện ở trẻ nhỏ từ 2 - 24 tháng. Mùa đông đến, nếu không được phòng bệnh cẩn thận, chàm sữa rất dễ tái phát và trở nên nghiêm trọng hơn. Khi bị bệnh này, trẻ sẽ có biểu hiện ban đầu là những mảng hồng ban, sẩn, có mụn nước li ti, đóng vảy,... Vị trí thường thấy nhất là ở hai má, sau đó lan đến mặt, da đầu và trán, nhưng không xuất hiện ở mắt và mũi. Nếu chàm sữa trở nặng, những vết này có thể lan đến cánh tay, chân và thân mình. Nếu để tái diễn nhiều lần, bệnh sẽ trở thành chàm thể tạng. Nguyên nhân là do da bé nghèo lipid, cấu trúc da quá khít và thường gặp nhất ở những trẻ da khô có màu đỏ.
Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa thường xuất hiện ở trẻ nhỏ từ 2 - 24 tháng. Ảnh Internet
Để hạn chế bệnh chàm sữa vào mùa đông, bố mẹ cần:
- Giữ ấm cho cơ thể bé đủ tốt, không mặc đồ quá chật, không mặc đồ bằng sợi len hay sợi tổng hợp.
- Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với những chất tẩy rửa mạnh.
- Cắt ngắn móng tay để tránh tình trạng gãi ngứa gây lỡ loét, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là những loại thuốc bôi có chứa corticosteroids.
2.4.2. Hăm tã vào mùa lạnh
Tâm lý của nhiều bậc phụ huynh vào mùa đông là chọn những loại tã dày cho trẻ để vừa có thể giữ ấm và hạn chế việc thay nhiều tã. Khi mẹ lâu thay tã và sử dụng những loại tã thô ráp sẽ rất dễ gây trầy xước, các enzyme có trong phân, nước tiểu nếu tiếp xúc lâu sẽ khiến bé bị kích ứng da. Bên cạnh đó, thói quen mặc tã liền sau khi tắm xong mà cơ thể của bé vẫn chưa được lau khô đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn tấn công và khiến cho tình trạng hăm tã trở nên trầm trọng hơn. Vùng da của trẻ khi bị hăm sẽ trở nên đỏ, bỏng, tiết dịch và đóng vảy. Nếu chủ quan, bệnh sẽ lan rộng ra các vùng khác, nặng hơn là khiến bộ phận sinh dục của con bị tổn thương.
Để hạn chế tình trạng này thì ngoài việc chọn lựa những loại tã tốt, mềm mại, bố mẹ cũng cần thay tã thưởng xuyên. Nhất là sau khi con vừa đi vệ sinh. Khi thay, bố mẹ nên vệ sinh sạch sẽ vùng mặc tã, tránh cọ xát mạnh và nhớ thấm nước, lau khô trước khi mặc bỉm mới cho con.
Do sự chủ quan của ba mẹ mà vào mua đông, trẻ rất dễ bị hăm tã. Ảnh Internet
2.4.3. Bệnh mày đay
Bệnh mày đay hay còn gọi là mề đay là bệnh cấp tính thường xảy ra khi thời tiết trở lạnh đột ngột. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh là các nốt dẩn, phù nề với cảm giác ngứa dữ dội xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ rồi biến mất hoặc có thể xảy ra từng đợt liên tiếp nhau. Những trường hợp bị mày đay mạn tính kéo dài trên 8 tuần và trẻ có thể gặp theo nhiều dạng khác nhau.
Những người có cơ địa nhạy cảm thường rất dễ bị nổi mày đay. Do đó, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý những điều này khi đề phòng bệnh cho trẻ:
- Luôn cho trẻ mặc đủ ấm, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường lạnh.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh cho con ăn những thức ăn, đồ uống dễ gây dị ứng.
- Thận trọng khi cho con sử dụng những loại xà phòng có chất tẩy rửa mạnh.
- Chỉ nên điều trị và bôi cho trẻ những loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ
2.5. Hen suyễn
Hen suyễn là một trong những bệnh mùa đông ở trẻ em hay gặp nhất. Lý do là vì không khí lạnh khô sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn được hô hấp và làm trầm trọng hơn triệu chứng hen suyễn ở trẻ . Hen suyễn ở trẻ hay còn được gọi là viêm phế quản thể hen là một bệnh mãn tính ở đường hô hấp. Bệnh gây nên các triệu chứng như phù nề, chít hẹp đường thở dẫn tới tình trạng khó thở, thở khò khè. Bệnh hen suyễn ở trẻ khi vào mùa lạnh thường được biểu hiện ở 3 cấp độ.
Hen suyễn ở trẻ hay còn được gọi là viêm phế quản thể hen là một bệnh mãn tính ở đường hô hấp. Ảnh Internet
- Ở cấp độ nhẹ: Trẻ sẽ có những cơn ho gà, ho ngắt quãng và khò khè ki hít thở.
- Hen suyễn ở cấp độ nặng: Trẻ sẽ trở nên khó thở dữ dội, nói, khóc trở nên khó khăn, môi tím tái và lồng ngực đau tức.
- Bệnh hen suyễn ở mức độ nặng: Trẻ sẽ khó thở dữ dội, không thể khóc hoặc nói thành tiếng, cơn hen suyễn diễn ra liên tục và kèm theo sốt cao.
Điều trị hen suyễn ở trẻ
Hen suyễn được coi là một căn bệnh không ổn định và có thể tự khỏi sau một thời gian hoặc có thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, cách điều trị tốt nhất đó chính là phòng bệnh và có những phương pháp giảm triệu chứng cho trẻ ngay từ đầu. Cụ thể:
- Mặc đủ ấm cho trẻ khi ra khỏi nhà, chỉ tắm khi trẻ không có cơn hen.
- Hạn chế tối đa việc làm trẻ bị lạnh đột ngột để giảm nguy cơ xuất hiện các cơn hen khi trẻ có tiền sử bị bệnh.
- Tăng cường cho con ăn những thực phẩm tự nhiên giàu vitamin C, beta-carotene, omega 3.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày và tập luyện thể dục thường xuyên.
- Tiên phòng vắc-xin cúm hằng năm để giúp cho các triệu chứng hen không trở nặng.
- Tránh khói thuốc lá, mùi dầu hỏa, nến thơm, hương và các chất hóa học tạo mùi.
Cho trẻ tập luyện thể thao thường xuyên để giảm các triệu chứng của hen suyễn. Ảnh Internet
Trên đây là 5 bệnh mùa đông ở trẻ em thường gặp nhất. Yeutre.vn hi vọng rằng bài viết có thể giúp bố mẹ phần nào trong việc chủ động phòng bệnh và có cái nhìn khách quan hơn trong việc điều trị bệnh mùa đông cho trẻ. Thêm vào đó, cách phòng bệnh chủ động và tốt nhất đó chính là thực hiện tốt việc tiêm chủng vắc-xin để nâng cao sức đề kháng của con trước những tác động xấu từ thời tiế và môi trường.