6 cách đơn giản giúp ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em khi có dịch
Sốt xuất huyết là căn bệnh thường gặp nhiều vào mùa mưa và xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất. Hiện bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa nên việc hiểu rõ các biện pháp phòng bệnh là cách đơn giản nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cả gia đình.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng ba triệu người mắc sốt xuất huyết, 20% trong số đó là trẻ nhỏ. Sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề do hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn rất non nớt. Hiểu rõ nỗi lo của bậc cha mẹ mỗi khi mùa mưa đến, Hello Bacsi sẽ cung cấp cho bạn một số bí quyết giúp phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thông qua những chia sẻ dưới đây.
Sốt xuất huyết – Nỗi lo thường trực của các bậc cha mẹ
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là vật chủ lây truyền virus này. Loài muỗi Aedes Aegypti thường xuất hiện nhiều ở những nơi có khí hậu ẩm ướt, đặc biệt chúng sẽ sinh sôi rất nhanh ở những vùng có nước tù đọng. Không giống như những loài muỗi mang mầm bệnh khác, muỗi Aedes thường tấn công người vào ban ngày, hoạt động cao điểm trong ngày của loài muỗi này là vào sáng sớm và chiều tà, trước khi mặt trời lặn. Đây là 2 thời điểm mà trẻ nhỏ rất thường hay vui đùa, đặc biệt ở những nơi thiếu ánh sáng nên rất dễ bị muỗi đốt mà không hề hay biết.
Các triệu chứng của bệnh thường khởi phát sau 4 – 6 ngày kể từ khi trẻ bị nhiễm virus. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:
- Sốt cao, có thể đạt đến 40 độ C hoặc cao hơn
- Đau đầu dữ dội
- Đau phía sau mắt
- Đau cơ và khớp
- Cơ thể suy nhược
- Ban đỏ lan rộng
- Ăn mất ngon
- Mệt mỏi
- Buồn nôn, ói mửa
- Phát ban trên da, xuất hiện từ hai đến năm ngày sau khi bắt đầu sốt
- Xuất huyết nhẹ (chảy máu mũi, chảy máu nướu hoặc dễ bầm tím).
Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Khi trẻ bị bệnh, bạn nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cho trẻ uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây để mau hồi phục. Các triệu chứng sẽ dịu đi trong khoảng một tuần và trẻ sẽ cần đến khoảng vài tuần để có thể hồi phục hoàn toàn.
Bí quyết phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động nhiều vào ban ngày và chủ yếu trú ẩn ở những nơi như góc khuất cầu thang, gầm giường, gầm tủ, tủ quần áo… Đây là những nơi mà bạn ít khi để ý. Chính vì vậy, để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bạn cần chú ý một số điều sau:
1. Giữ môi trường sống sạch sẽ
Theo nghiên cứu, muỗi thường sinh sản nhiều ở những nơi mất vệ sinh, đặc biệt là ở nơi nước ứ đọng như chum, vại, bể chứa nước…. Do đó, để ngăn không cho muỗi sinh sôi và phát triển, bạn cần:
- Đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng
- Với những vật dụng chứa nước chưa dùng đến, hãy lật úp chúng lại để đảm bảo không có nước dư thừa
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà
- Thay nước bình hoa thường xuyên
- Đậy nắp thùng rác khi không sử dụng
- Đổ rác mỗi ngày và vệ sinh thùng rác mỗi tuần để tránh tình trạng rác bị đọng lại ở đáy thùng
- Tránh để trẻ chạm vào thùng rác.
2. Mặc quần áo dài tay và sáng màu để tránh muỗi đốt
Để tránh bị muỗi đốt, bạn nên cho trẻ mặc quần áo dài tay ngay cả khi chơi bên ngoài. Khi chọn quần áo cho trẻ, bạn nên chọn bộ có màu sáng thay vì màu tối bởi màu tối sẽ thu hút muỗi nhiều hơn. Ngoài ra, hãy chọn những bộ quần áo được làm từ cotton, dễ thấm hút mồ hôi để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
3. Sử dụng thuốc chống muỗi đúng cách
Theo các chuyên gia, để phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ, cha mẹ nên chủ động phun thuốc chống muỗi trong nhà. Bạn có thể sử dụng các loại bình xịt hoặc nhang muỗi, tuy nhiên khi sử dụng cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ và cả gia đình.
Bên cạnh việc phun thuốc chống muỗi, bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm chống muỗi cho trẻ. Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chống muỗi với nhiều nhãn hiệu và cách dùng khác nhau. Để biết loại nào phù hợp với trẻ, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ và hỏi xem những loại thuốc chống muỗi nào an toàn và nên thoa như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất.
4. Lắp đặt lưới chống muỗi
Bạn có thể lắp đặt lưới chống muỗi vào các ô thoáng, cửa sổ và cửa ra vào để ngăn không cho muỗi bay vào nhà. Tuy nhiên, khi sử dụng, bạn cần lưu ý việc vệ sinh thường xuyên để tránh bụi bẩn bám vào. Đóng cửa ra vào và cửa sổ trong mùa dịch vì muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện nhiều vào ban ngày. Ngoài ra, bạn nên cho trẻ ngủ màn, bất kể ngày hay đêm để ngăn việc bị muỗi đốt.
5. Sử dụng các phương pháp chống muỗi tự nhiên
Long não có tác dụng như một loại thuốc chống muỗi kỳ diệu. Đốt dầu long não trong phòng và đóng kín tất cả các cửa ra vào và cửa sổ khoảng 15 – 20 phút là cách tốt nhất để loại bỏ muỗi trong nhà một cách triệt để. Ngoài ra, bạn cũng có thể đuổi muỗi bằng cách sử dụng hỗn hợp bạch đàn, dầu chanh và dầu cây trà hoặc dùng vợt điện để diệt muỗi trú ẩn trong nhà.
6. Giữ vệ sinh cá nhân
Mồ hôi và độ ẩm chính là những thứ thu hút muỗi. Vì vậy, hãy chú ý nhắc nhở trẻ vệ sinh cơ thể sạch sẽ và đúng cách bằng các sản phẩm với công thức ion bạc + để ngăn không bị muỗi đốt và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh cho trẻ ra ngoài chơi vào lúc bình minh và hoàng hôn vì đây là thời điểm mà muỗi hoạt động mạnh nhất.
Những bí quyết này chắc chắn sẽ rất hữu ích trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ và gia đình. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn hãy sớm thực hiện các phương pháp này để đảm bảo sức khỏe cho trẻ và cả gia đình nhé.