8 triệu chứng ở trẻ em không thể coi thường
Trẻ em còn nhỏ thường hay bệnh, biểu hiện qua một số triệu chứng. Có những triệu chứng không nên bỏ qua ở trẻ em vì đó là dấu hiệu của vài vấn đề sức khỏe cần được can thiệp.
Giải mã các triệu chứng của trẻ là một phần không thể thiếu trong cuộc đời làm cha mẹ, giúp giữ cho trẻ được an toàn. Cha mẹ là người hiểu trẻ nhất nên hãy mạnh dạn hỏi, trao đổi với bác sĩ, hoặc thậm chí là đổi sang khám bác sĩ khác khi cảm thấy cần. Bạn cũng đừng quên rằng chẳng có đứa trẻ nào lớn lên mà không bị bệnh, dù là bệnh vặt hay bệnh nguy hiểm. Vậy nên, hãy luôn giữ đầu óc tỉnh táo để cân nhắc xem khi nào nên bình tĩnh chờ đợi và khi nào cần hành động. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh hãy dõi theo con trẻ, đừng bỏ lỡ hay làm ngơ khi thấy các triệu chứng dưới đây:
Không phản hồi
Nếu trẻ không thể thức dậy hoặc trở nên thụ động một cách bất thường, không tỏ ra hứng thú với điều gì (chẳng hạn như món đồ chơi mà thường ngày trẻ yêu thích) thì bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Không phản hồi là một triệu chứng đáng lo ngại.
Những thay đổi về khả năng phản hồi, tương tác với thế giới xung quanh, đặc biệt là sau lúc té ngã hay bị va đập phần đầu là dấu hiệu cho thấy trẻ cần nhập viện ngay lập tức hoặc sau đó vài giờ (khi người xung quanh bắt đầu nhận thấy những bất thường ở trẻ).
Khó thở
Hãy gọi cấp cứu nếu trẻ không thở được. Trong trường hợp trẻ thở dốc, thở hổn hển, khò khè, bạn cần đưa trẻ đi bác sĩ. Khó thở hay ho một cách kỳ lạ là triệu chứng không nên bỏ qua ở trẻ, chứng tỏ trẻ gặp vấn đề về hô hấp và cần được can thiệp càng sớm càng tốt.
Nếu trẻ bị ho quá mức thì có thể là do:
- Mắc bệnh suyễn. Đây là căn bệnh nghiêm trọng mà phụ huynh cần lưu ý chăm sóc trẻ cẩn thận
- Có vật gì đó chặn ở thực quản, khí quản của trẻ. Hãy kiểm tra lồng ngực trẻ có đang phập phồng theo nhịp thở không, có luồng khí lưu thông ở khu vực lỗ mũi không, và xem quanh vùng miệng, móng tay, môi trẻ, xem làn da có tái nhợt đi hay không.
Mất nước
Cơ thể phải đủ nước thì mới hoạt động bình thường được. Mất nước là do trẻ uống không đủ nước, hoặc do nôn mửa, tiêu chảy, tập thể dục nhiều mà không bù nước. Trẻ có biểu hiện lờ đờ, thờ ơ, cáu kỉnh, không đi tiểu được hoặc nước tiểu sẫm màu. Khi trẻ khóc thì mắt ráo hoảnh, không ra nước mắt, da hoặc môi khô.
Trong khi bạn gọi bác sĩ, hãy tranh thủ cho trẻ uống nước để bù lại lượng nước đã hao hụt.
Sốt
sốt” width=”750″ height=”498″ />
Sốt đôi khi rất đáng sợ, nhưng đó cũng là một phản ứng bình thường của hệ thống miễn dịch. Nếu em bé bị sốt kèm theo co giật, hãy gọi cấp cứu. Gọi bác sĩ ngay nếu con bạn bị sốt như các trường hợp bên dưới đây:
- Trẻ sơ sinh – 3 tháng tuổi: 38°C
- Trẻ từ 3-6 tháng: 39℃
- Trẻ từ 6-24 tháng: 39℃ (kéo dài từ 24 tiếng đồng hồ mà chưa hạ sốt)
- Trẻ lớn hơn: 39℃ (kéo dài từ 72 tiếng đồng hồ mà chưa hạ sốt)
- Thanh thiếu niên: 39,5℃ (kéo dài 3 ngày trở lên mà chưa hạ sốt)
Nếu con bạn bị sốt nhưng vẫn hoạt động và biểu hiện bình thường thì đừng lo lắng. Chi khi sốt đi kèm với ho và các triệu chứng khác thì mới cần quan sát và theo dõi trẻ kỹ hơn.
Nhức đầu, chóng mặt hoặc ngất xỉu
Cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ sau khi trẻ bị va đập vào vùng đầu mà có một trong những triệu chứng dưới đây:
- Nôn mửa
- Thay đổi thị lực hoặc tâm trạng
- Hay nhầm lẫn, bối rối hoặc nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn
Những biểu hiện vừa nêu cho thấy vùng não trẻ đã bị chấn động hoặc tổn thương nhẹ.
Các bậc phụ huynh cũng hãy thận trọng với những cơn nhức đầu dai dẳng ở trẻ nhỏ, hay cơn đau đầu kèm nôn mửa. Nếu trẻ bị đau đầu kèm theo sốt và cổ bị cứng đơ, cần đưa đi cấp cứu ngay lập tức.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: “Chấn động não ở trẻ: Bố mẹ đã biết làm gì để bảo vệ con?”
Khóc mãi không dứt
Nếu em bé của bạn khóc mãi không nín mà không chịu cho ai bế, hay tiếng khóc của bé nghe có vẻ không ổn, nhất là khi đang bị sốt thì bạn cần đưa bé đi bác sĩ.
Trong thời gian chờ đợi, hãy kiểm tra xem ngón tay, ngón chân bé có bị thứ gì như mác quần áo, chỉ thừa… quấn quanh hay không. Đồng thời, cần xem trên da trẻ có vết như phát ban không.
Thường xuyên đi tiểu kèm theo sụt cân, hay khát nước và lờ đờ
Thường xuyên đi vệ sinh, khát khô cổ, sụt cân và lờ đờ uể oải là các triệu chứng không nên bỏ qua ở trẻ vì đây là những dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 1. Vấn đề này có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Những triệu chứng nêu trên cũng là dấu hiệu của rối loạn ăn uống. Số lượng trẻ em bị rối loạn ăn uống có sự gia tăng, ở cả bé trai và bé gái. Chứng rối loạn ăn uống có hậu quả lâu dài, vì vậy phụ huynh không nên phớt lờ mà cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ.
Tiêu chảy mãn tính và nôn mửa
Tiêu chảy và nôn mửa là cách để cơ thể tự nó loại bỏ những thực phẩm “xấu” và các chất độc hại khác. Bị tiêu chảy/nôn mửa một hoặc hai lần là bình thường, trong khi tiêu chảy/nôn mửa mãn tính là triệu chứng đáng lo, báo hiệu cơ thể đang bị nhiễm trùng nghiêm trọng và dẫn đến mất nước. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh nên phải đưa trẻ đi bác sĩ.
Sau khi trẻ tiêu chảy hay nôn mửa, bạn cần xem xét “sản phẩm” đầu ra. Nếu phân có vẻ bất thường, có máu (trông như nhựa màu đen, vệt đỏ, đốm màu) hoặc mật (chất nhờn màu xanh lá cây), hoặc chất nhầy (chất nhờn màu trắng) thì hãy đưa con đi khám.
Bạn có thể tham khảo thêm: “Phương pháp điều trị nôn mửa tại nhà cho bé”
Làm cha mẹ chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là làm cha mẹ của một em bé nhỏ. Có biết bao nhiêu điều từng khiến bạn lo lắng dẫn tới kiệt quệ. Bằng việc để tâm theo dõi những triệu chứng, biểu hiện nhỏ ở trẻ, bạn có thể hiểu được trẻ cảm thấy thế nào, biết rằng khi nào cần và không cần gọi cấp cứu.