Bạn đã hiểu hết về bệnh thủy đậu ở trẻ em?
Mặc dù bệnh thủy đậu ở trẻ em là bệnh khá lành tính nhưng nếu không hiểu rõ để có cách điều trị đúng, trẻ nhỏ vẫn có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể ở gặp mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất vẫn là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn vào mùa xuân. Với những gia đình có con nhỏ, cha mẹ cần trang bị cho bản thân những kiến thức hữu ích trong việc phòng và điều trị thủy đậu ở trẻ nhỏ để có cách xử lý kịp thời khi con có dấu hiệu mắc bệnh.
Thủy đậu – Nỗi lo thường trực của nhiều cha mẹ
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm ở da do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Loại virus này chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc lan truyền thông qua dịch trên nốt phỏng. Cũng giống như các trường hợp nhiễm virus khác, ở giai đoạn đầu, trẻ sẽ có các triệu chứng như:
- Sốt từ 38 – 39°C
- Chán ăn
- Nôn
- Mệt mỏi
- Ngủ nhiều hơn bình thường
Sau 1 – 2 ngày, trên cơ thể trẻ sẽ xuất hiện những “nốt rạ” tròn nhỏ và nhanh chóng tiến triển thành mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt. Thông thường, những mụn nước này sẽ khô đi, đóng vảy và tự khỏi trong 4 – 5 ngày. Bệnh thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày, trong thời gian này, trẻ cần được nghỉ học, cách ly với những trẻ khác và giữ vệ sinh thân thể.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em có rất nhiều biến chứng nguy hiểm
Tuy là bệnh lành tính, có thể khỏi trong vòng 5 – 10 ngày nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, trẻ bị thủy đậu có thể gặp phải các biến chứng như:
- Nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát: Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ do mụn nước bị vỡ, trầy xước, bong tróc dẫn đến nhiễm trùng, tạo mủ, lở loét. Những nốt mụn này sẽ để lại sẹo sâu khó trị khỏi.
- Viêm não, viêm màng não: Xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ, có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời, đi kèm với các dấu hiệu nhận biết như sốt cao, co giật, hôn mê, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu.
- Viêm phổi thủy đậu: Thường xảy ra ở người lớn, ở ngày thứ 3 – 5 của bệnh với các biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, đau tức vùng ngực, khó thở.
Ngoài ra, mụn nước vỡ còn có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… xâm nhập ồ ạt vào máu, gây bệnh ở cơ quan khác, như viêm thận, viêm gan….
Điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em như thế nào?
Hiện chưa có thuốc đặc trị thủy đậu và việc sử dụng kháng sinh cũng không có hiệu quả do nguyên nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ em là virus. Tuy nhiên, đôi khi kháng sinh cũng được sử dụng nếu vi khuẩn xâm nhiễm vào các vết loét. Trường hợp này khá phổ biến ở trẻ em vì chúng thường gãi.
Khi trẻ bị thủy đậu, bố mẹ nên cho bé đi khám ngay. Các bác sĩ sẽ quyết định phác đồ điều trị dựa vào độ tuổi, sức khỏe và mức độ nhiễm trùng của bé. Một loại thuốc kháng virus có thể được kê đơn cho các bé bị thủy đậu có nguy cơ bị biến chứng.
Điều trị bằng thuốc
Đối với các nốt đỏ trên cơ thể, bạn có thể bôi dung dịch thuốc tím để kháng viêm, ngăn ngừa sẹo. Khi mụn nước vỡ, bạn nên dùng dung dịch xanh methylen bôi lên. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicillin, thuốc đỏ. Khi nốt mụn của con đóng vảy, bạn có thể cho bé sử dụng kem trị dị ứng, các loại thuốc bôi trị ngứa. Trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi, tuyệt đối không được sử dụng kem trị ngứa có chứa phenol.
Nếu trẻ bị sốt cao, bạn có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc hạ sốt thông thường nhưng cần phải tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, không cho trẻ dùng thuốc aspirin hay các sản phẩm có chứa thành phần aspirin để hạ sốt vì loại thuốc này có nguy cơ gây ra một bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm gọi là hội chứng Reye, có thể dẫn đến suy gan và thậm chí tử vong.
Chăm sóc tại nhà
Trẻ bị thủy đậu cần được cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác cũng như tránh đến các khu vực công cộng. Bạn nên cho trẻ mặc quần áo rộng, nhẹ và mỏng, thấm hút mồ hôi tốt để tránh làm bong vỡ các mụn nước. Ngoài ra, cũng nên tránh cho trẻ ra gió vì lúc này cơ thể rất dễ nhiễm lạnh, có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Trường hợp bắt buộc phải ra ngoài, bạn nên cho trẻ mặc những bộ quần áo dài tay, kín đáo để tránh gió, đeo khẩu trang đúng cách.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần nhắc bé không gãi để tránh làm vỡ và xước các nốt thủy đậu. Vì khi các nốt da bị vỡ sẽ để lại sẹo, dễ bị nhiễm trùng và khiến bệnh lây lan sang các vùng da khác nhanh hơn.
Về chế độ dinh dưỡng, bạn nên:
- Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin và khoáng chất như cà rốt, dưa chuột, bông cải…
- Thực phẩm giàu kẽm, magie, canxi như ngũ cốc nguyên hạt, cải bó xôi, nấm, các loại hạt, yến mạch, hạt bí ngô, socola đen…
- Nên ăn các món ăn thanh đạm, thức ăn dạng lỏng, mềm dễ tiêu hóa như cháo, súp…
- Uống đủ nước mỗi ngày và đừng quên uống bổ sung thêm các loại nước ép trái cây để tăng cường sức đề kháng.
Lưu ý cần nhớ khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu
Trong dân gian lưu truyền rất nhiều cách để điều trị thủy đậu. Tuy nhiên, không phải cái nào cũng đúng, có một số quan niệm sai lầm mà bạn nên tránh làm theo:
Kiêng tắm
Nhiều người cho rằng trẻ bị thủy đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, lau rửa cho trẻ. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Theo các chuyên gia y tế, điều quan trọng nhất trong điều trị, chăm sóc trẻ thủy đậu là làm sạch da và vệ sinh thân thể bởi nếu không giữ vệ sinh tốt, trẻ có thể bị viêm da bội nhiễm, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Mỗi ngày, bạn nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, không tắm quá lâu. Ngoài ra, chú ý giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay cho trẻ. Với trẻ nhỏ, bạn nên cho trẻ mang bao tay, xoa bột talc hoặc phấn rôm vô khuẩn khắp người để trẻ đỡ ngứa. Tránh để trẻ gãi vì gãi làm nốt phỏng bị vỡ, có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn.
Tắm lá
Theo các chuyên gia, cha mẹ cũng không nên mua các loại lá về tắm để cho trẻ nhanh khỏi. Da trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng, cấu trúc chưa ổn định, chỉ bằng 1/2 da người lớn nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Trong khi đó các loại lá rất hay bị nhiễm khuẩn, thậm chí là có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi nên nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn, kích ứng là rất cao.
Tiêm vắc xin đúng lịch để bảo vệ bé yêu
Hiện nay, việc tiêm vắc xin thủy đậu là phương pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh hiệu quả và lâu dài. Đối với trẻ em, việc này vô cùng quan trọng và cần thiết:
- Lịch tiêm cho trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi: Tiêm 2 mũi, mũi thứ 2 cách mũi tiêm đầu tiên ít nhất 3 tháng.
- Lịch tiêm cho trẻ từ 13 tuổi và người trưởng thành: Tiêm 2 mũi, mũi thứ 2 cách mũi tiêm đầu tiên ít nhất 1 tháng.
- Phụ nữ có dự định mang thai nên chủng ngừa thủy đậu tối thiểu 3 tháng trước khi thụ thai.
Nếu trẻ tiếp xúc với người mắc thủy đậu mà chưa tiêm ngừa vắc xin, bạn cần cho đi trẻ chủng ngừa trong vòng 3 ngày sau đó.
Dạy trẻ rửa tay thường xuyên để phòng ngừa thủy đậu
Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng da lây lan rất nhanh, nguyên nhân là do virus varicella zoster gây ra, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Trẻ nhỏ có thể mắc bệnh do tiếp xúc với người bị thủy đậu thông qua không khí như hít phải nước bọt khi người bị thủy đậu ho, hắt xì hay tiếp xúc với chất dịch bên trong mụn nước. Ngoài ra, những dịch tiết này cũng có thể bám vào các vật dụng như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, thanh vịn cầu thang… Trẻ nhỏ nếu vô tình chạm phải mà không rửa tay đúng cách ngay bằng nước rửa tay sạch khuẩn, virus này sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Rửa tay thường xuyên, kỹ lưỡng là một trong những biện pháp phòng bệnh thủy đậu cực hữu hiệu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phần lớn cha mẹ vẫn chưa có thói quen này cũng như chưa ưu tiên giáo dục kỹ năng này cho con. Đây là lý do khiến số ca mắc thủy đậu ngày một tăng và bệnh cũng trở nên khó phòng ngừa hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, để bảo vệ con yêu, ngoài việc cho bé chủng ngừa vắc xin đầy đủ, bạn cũng cần chú ý dạy và nhắc trẻ vệ sinh tay thường xuyên