Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tiêu chảy liệu có phải chỉ ở chế độ ăn uống hay còn bởi các yếu tố khác trong môi trường sống? Hãy tìm hiểu về vấn đề này để có cách chăm sóc trẻ tốt nhất bạn nhé.
Hầu hết trẻ em đều bị tiêu chảy ít nhất một lần. Đó là tình trạng phân lỏng khi trẻ đi tiêu. May mắn là bệnh thường không kéo dài và có thể chữa trị. Hiểu biết về cách chữa trị và ngăn ngừa tiêu chảy rất quan trọng. Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh tiêu chảy ở trẻ qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy thường do nhiễm trùng dạ dày – ruột, tình trạng xuất hiện do vi trùng, virus hoặc ký sinh trùng.
Virus
Viêm dạ dày – ruột do virus là nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy cùng các triệu chứng kèm theo như buồn nôn và ói mửa. Bệnh có nguy cơ lây lan giữa những người sống chung nhà, học chung trường… Các triệu chứng thường chỉ kéo dài vài ngày, nhưng ở trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh) có thể gặp phải tình trạng mất nước do tiêu chảy.
Nhiễm trùng Rotavirus, nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy ở trẻ em, dẫn đến mất rất nhiều nước. Bệnh tiêu chảy thường bùng phát vào mùa đông và những tháng đầu xuân, đặc biệt là ở các nhà trẻ. Vắc xin ngừa tiêu chảy rotavirus hiện nay đã có mặt trên thị trường và được khuyến cáo dùng cho trẻ sơ sinh.
Loại entero virus, đặc biệt là coxsackie virus, cũng có nguy cơ gây tiêu chảy ở trẻ em, đặc biệt là trong những tháng mùa hè.
Vi khuẩn và ký sinh trùng
Nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng khác nhau có thể gây ra viêm dạ dày – ruột và tiêu chảy, bao gồm: E.coli, Salmonella, Campylobacter, Shigellabacteria, Giardia và Cryptosporidium.
Trong nhiều trường hợp, tiêu chảy có thể xuất hiện khi bạn dị ứng thực phẩm, không dung nạp lactose hoặc các bệnh về đường tiêu hóa khác như bệnh Celiac và bệnh viêm ruột.
Các triệu chứng khi trẻ mắc bệnh tiêu chảy
Các triệu chứng thường bắt đầu với tình trạng đau bụng từng cơn, sau đó là tiêu chảy, chúng thường kéo dài không quá vài ngày. Nhiễm trùng virus, vi khuẩn và ký sinh trùng còn gây ra các triệu chứng khác ngoài tiêu chảy, như:
- Sốt;
- Ăn mất ngon;
- Buồn nôn;
- Ói mửa;
- Sụt cân;
- Mất nước.
Trong trường hợp mắc bệnh viêm dạ dày ruột, trẻ em thường bị sốt và nôn mửa đầu tiên, tiếp theo là tiêu chảy.
Làm thế nào để chăm sóc trẻ mắc bệnh tiêu chảy?
Tiêu chảy nhẹ thường không gây lo ngại nếu con bạn hoạt động bình thường và ăn uống đầy đủ. Bệnh thường tự khỏi trong một vài ngày và trẻ có thể phục hồi hoàn toàn bằng cách chăm sóc tại nhà, nghỉ ngơi, uống nhiều nước để bổ sung lượng nước mà cơ thể mất đi.
Mục tiêu khi điều trị tiêu chảy là cung cấp đủ chất lỏng và chất điện giải bị mất (muối và khoáng chất).
- Trẻ mắc bệnh tiêu chảy nhưng không bị mất nước hoặc nôn có thể tiếp tục ăn uống như thường lệ. Thậm chí, chế độ ăn uống bình thường có thể rút ngắn được thời gian tiêu chảy. Bạn có thể cho trẻ ăn ít hơn bình thường cho đến khi trẻ hết bệnh.
- Bạn không nên sử dụng thuốc cho trẻ mắc bệnh tiêu chảy trừ khi được sự cho phép của bác sĩ.
Đối với những trẻ mắc bệnh tiêu chảy có biểu hiện mất nước nhẹ, bạn nên bù nước cho trẻ bằng uống dung dịch bù nước (ORS). Các loại thuốc này có ở hầu hết các nhà thuốc và không cần toa của bác sĩ. Những chất lỏng này có thể nhanh chóng bù lại lượng dịch bị mất cho bé.
Bác sĩ sẽ cho bạn biết nên cho trẻ ăn loại thức ăn nào với lượng bao nhiêu và ăn trong bao lâu là phù hợp.
Trong một số trường hợp, trẻ bị tiêu chảy nặng cần phải truyền dịch đường tĩnh mạch tại bệnh viện trong vài giờ để giúp bồi hoàn lượng nước đã mất.
Có thể phòng tránh tiêu chảy ở trẻ?
Hầu như không thể ngăn ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ. Tuy nhiên, có một số cách để hạn chế tiêu chảy, bao gồm:
- Đảm bảo trẻ rửa tay sạch sẽ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Rửa tay là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh tiêu chảy lây truyền từ người sang người. Tay bẩn có thể mang vi trùng vào cơ thể khi trẻ cắn móng, mút ngón tay, ăn bằng tay,…;
- Giữ cho phòng tắm sạch sẽ;
- Rửa trái cây và rau củ kỹ trước khi ăn;
- Rửa quầy bếp và dụng cụ nấu ăn thật sạch sẽ sau khi tiếp xúc với thịt sống, đặc biệt là gia cầm;
- Làm lạnh thịt càng sớm càng tốt sau khi mua về nhà từ cửa hàng và nấu chín thịt trước khi ăn;
- Không nên uống nước lã từ sông, suối, ao, hồ;
- Tránh rửa lồng nuôi hoặc đồ dùng của thú cưng trong cùng bồn rửa mà bạn sử dụng để chuẩn bị thức ăn cho cả nhà.
- Giữ vệ sinh các khu vực ăn của thú nuôi tách biệt với khu vực ăn uống gia đình.
Các bậc phụ huynh nên quan tâm đến tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như giáo dục trẻ nhỏ tự biết giữ gìn vệ sinh cá nhân. Từ những việc làm nhỏ như rửa tay trước và sau khi ăn, không mút tay, không ăn các thứ bẩn,… cũng phần nào hạn chế đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.