Từ đầu tháng 4-2023, trước tình hình dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã kích hoạt lại hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Bảo đảm an toàn cho học sinh, tận dụng tối đa hiệu quả thời gian học tập trực tiếp để hoàn thành chương trình năm học đúng tiến độ, chất lượng là quyết tâm của toàn ngành.
Các trường học trên địa bàn thành phố đang bước vào những tuần cuối của năm học 2022-2023 với việc tổ chức kiểm tra định kỳ học kỳ II. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa) Nguyễn Cao Cường cho biết, học sinh lớp 9 đã hoàn thành các bài kiểm tra học kỳ. Lịch kiểm tra học kỳ đối với các khối lớp còn lại cũng được điều chỉnh sớm hơn dự kiến nhằm đề phòng tình huống dịch bệnh có chiều hướng phức tạp hơn sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Tuy nhiên, nội dung chương trình vẫn bảo đảm đầy đủ, không bị cắt xén.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Hồng Thúy, công tác phòng, chống dịch bệnh được nhà trường duy trì nghiêm túc từ đầu năm học đến nay.
Để bảo đảm sức khỏe của học sinh cũng như kế hoạch dạy học, nhà trường tuyên truyền đến phụ huynh học sinh nhắc nhở con thực hiện nghiêm quy tắc “2K” gồm khẩu trang, khử khuẩn, cùng với đó là sử dụng bình nước cá nhân. Việc giám sát sĩ số và tình hình sức khỏe của học sinh ở từng lớp cũng được đặc biệt quan tâm nhằm kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh...
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Đinh Thị Hương thông tin, để bảo đảm an toàn cho học sinh, Phòng đã yêu cầu tất cả các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, nhóm lớp mầm non độc lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hạn chế tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại, trải nghiệm. Dù dịch bệnh hiện đang được kiểm soát tốt nhưng các đơn vị không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Bên cạnh việc đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch tại trường, Trường Trung học cơ sở Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) đề nghị phụ huynh học sinh lớp 9 quan tâm chăm sóc sức khỏe của con và tăng cường hỗ trợ học sinh ôn tập qua các kênh trực tuyến, đặc biệt là ở hệ thống học và thi trực tuyến https://study.hanoi.edu.vn của thành phố. “Việc học trực tuyến giúp chúng em tiết kiệm thời gian, công sức và đặc biệt là có thể tự học bất cứ lúc nào. Hệ thống còn có chức năng đánh giá bài làm, giúp chúng em biết được mức độ đáp ứng của mình so với mặt bằng chung để nhờ sự hỗ trợ của thầy, cô giáo”, em Nguyễn Ngọc Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Phúc Thọ bày tỏ.
Nhằm hỗ trợ học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngoài việc cung cấp các bài giảng trực tuyến, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn triển khai ôn tập qua truyền hình với thời lượng 3 buổi/tuần (thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần) trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Dự kiến, chương trình ôn tập kéo dài từ nay đến ngày 11-6.
Ghi nhận chung, các trường học trên địa bàn thành phố đều chủ động xây dựng phương án dự phòng trường hợp dịch bệnh phức tạp hơn. Kinh nghiệm ứng phó với các cấp độ của dịch Covid-19 trong gần 2 năm vừa qua giúp ban giám hiệu, giáo viên, học sinh, phụ huynh bình tĩnh, tự tin và ý thức trách nhiệm hơn trong phòng, chống dịch bệnh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các nhà trường tăng cường phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong trường học.
“Sắp tới là kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các nhà trường cần lưu ý phụ huynh học sinh nếu cho con đi du lịch thì cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong trường hợp có học sinh ốm, sốt hoặc có biểu hiện bất thường, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe cho học sinh để hoàn thành chương trình năm học an toàn”, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Hoàng Hữu Trung lưu ý.
Báo Hà nội mới
Người Hà Nội thực hiện thông điệp '2k' tại nơi công cộng thế nào khi số ca COVID-19 tăng?
Ghi nhận của Báo Sức khỏe và Đời sống tại một số địa điểm công cộng cho thấy, hầu hết người dân đã thực hiện thông điệp "2K" là "khẩu trang, khử khuẩn" để phòng, chống dịch COVID-19.
Mới đây, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (thuộc UBND TP. Hà Nội) có Công văn về việc tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày Giải phóng miền Nam (30/4) và ngày Quốc tế Lao động (1/5); chú trọng tuyên truyền chính xác tình hình dịch bệnh đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn.
Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện thông điệp 2K "khẩu trang, khử khuẩn"; lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền quy định thực hiện đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Nơi công cộng được hiểu là nơi phục vụ chung cho nhiều người tại những địa điểm có không gian kín như: rạp hát, rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng... hoặc các địa điểm có không gian mở như sân vận động, công viên, đường phố, bến xe...
Ghi nhận tại một số địa điểm công cộng tại Hà Nội trước dịp lễ 30/4 – 1/5, việc đeo khẩu trang và khử khuẩn cơ bản đã được thực hiện. Qua khảo sát tại một vài trung tâm thương mại thuộc địa bàn Hà Nội, tất cả các người phục vụ, người quản lý và thu ngân trực tiếp thanh toán cho khách hàng tại quầy đều đã được nhắc nhở đeo khẩu trang. Ngoài ra tại khu vực cửa ra vào hoặc nơi giao dịch mua hàng, các nhân viên đều có nước rửa tay khử khuẩn.
Bên cạnh đó, tại các địa điểm như nhà ga, bến xe, bến chờ, trên các phương tiện công cộng là nơi có nguy cơ lây lan dịch cao. Vì vậy tại các nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông luôn có nhân viên túc trực nhắc nhở và xử lý các vi phạm về an toàn phòng chống dịch.
Tại một một số Trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, khu vui chơi hầu hết nhân viên, người dân cũng thực hiện nguyên tắc "2K" nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, nhiều địa điểm công cộng trên cũng đã triển khai việc phát loa, âm thanh nhắc nhở người dân, du khách, khách hàng thực hiện.
Báo Sức khỏe & đời sống
Bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ, Xuyên tâm liên Phạm Gia… quảng cáo vi phạm
Qua hậu kiểm, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm như Bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ, Xuyên tâm liên Phạm Gia… đang quảng cáo vi phạm.
Ngày 27-4, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế phát đi cảnh báo về việc các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia đang được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Theo đó, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục ATTP phát hiện trên các trang: https://phamgiadongy.vn, https://truemart.vn đang quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nguyên Hà – Phạm Gia (địa chỉ: Số 8A đường Đông Quan, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nguyên Hà – Phạm Gia không thừa nhận việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia trên các website này.
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe dựa theo các quảng cáo nêu trên.
Báo An ninh thủ đô
Mỗi năm, cả nước phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm
Trung bình mỗi năm, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm.
Ngày 27/4, tại Hà Nội, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam phối hợp cùng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Ba Đình tổ chức Hội thảo “Giải pháp quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm và hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2023”.
Theo thông tin được đưa ra tại Hội thảo, trung bình mỗi năm, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm. Đồng thời tiêu hủy sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm phụ gia, thực phẩm hết hạn, không bảo đảm an toàn của gần 4.000 cơ sở, nộp ngân sách nhà nước lên đến 50 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 - 2022.
Đánh giá tổng thể trong các báo cáo về vệ sinh, an toàn thực phẩm hằng năm của Bộ Y tế cho thấy, nhìn chung, tình trạng sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp. Việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm “bẩn” không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng mà còn có tác động rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, việc sản xuất thực phẩm “bẩn” sẽ khiến cho ngành công nghiệp thực phẩm gặp khó khăn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ra sự bất công đối với các nhà sản xuất uy tín, trách nhiệm…
Để ngăn chặn thực trạng này, theo TS. Lê Văn Giang, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cần phải có những giải pháp phù hợp để quản lý. Thời gian qua, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam đã xây dựng các luận cứ, đưa ra các chỉ tiêu kỹ thuật để khẳng định và công bố những sản phẩm thực sự an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
"Chúng ta cần phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để chỉ ra các mức độ giới hạn an toàn tuyệt đối cho phép của thực phẩm đối với sức khỏe con người. Khoa học kỹ thuật ứng dụng trong thực phẩm phải bước vào các quy trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, của cơ sở đề phòng ngừa, gạt bỏ các mối nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm", TS. Lê Văn Giang đề xuất.
Còn theo Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam Nguyễn Văn Nhiên, an toàn thực phẩm là vấn đề y tế cộng đồng nổi cộm trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam đang hòa nhập với khu vực và thế giới.
Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong tất cả các công đoạn ngày càng được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ. Các nguy cơ an toàn thực phẩm điển hình đã được Quốc hội quy định trong Luật An toàn thực phẩm (Điều 5).
Các yếu tố pháp lý về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng được quy định cụ thể như điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; quy định về quảng cáo, kiểm nghiệm; quy định về phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn… cũng như quy định xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Chia sẻ về vai trò của kiểm nghiệm trong kiểm soát an toàn thực phẩm, TS. Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết, kiểm nghiệm là một trong ba yếu tố nền tảng của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, cung cấp bằng chứng về các mối nguy an toàn thực phẩm.
Đảm bảo chất lượng kết quả kiểm nghiệm có ý nghĩa quan trọng và cần được thực hiện tốt ở tất cả các bước của quá trình kiểm nghiệm. Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm có thể xuất hiện tại mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm và kiểm nghiệm thực phẩm giúp đánh giá chất lượng và an toàn thực phẩm.
Các tham luận tại Hội thảo đã đề cập nguy cơ và quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm; trách nhiệm của doanh nghiệp về bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và giống nòi; vai trò của kiểm nghiệm trong kiểm soát nguy cơ an toàn thực phẩm; một số quy định mới về quản lý phụ gia thực phẩm tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp nước ngoài về nhận diện và quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm...
Báo Thế giới và Việt Nam
Hà Nội bắt buộc đeo khẩu trang phòng COVID-19 nơi công cộng
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt trong thời gian sắp tới, khi cả nước sẽ bước vào kỳ lễ hội dài ngày. Do đó, các địa phương yêu cầu cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng.
Trước tình hình số ca mắc mới, ca nhập viện do COVID-19 tăng nhẹ trở lại, TP. Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày Giải phóng miền Nam (30/4) và ngày Quốc tế Lao động (1/5).
Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc-xin tại những nơi công cộng những địa điểm có không gian kín như: rạp hát, rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hang, các cơ sở khám chữa bệnh... hoặc các địa điểm có không gian mở như sân vận động, công viên, đường phố, bến xe...
Bên cạnh đó, văn bản của TP. Hà Nội cũng nêu rõ những trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19.
Cụ thể, bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với hành khách, người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng; nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu điện, phà, xe khách, xe buýt, taxi...).
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối.
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay).
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người (các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; khu du lịch, khu vui chơi, giải trí; sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao; lễ cưới, lễ tang, lễ hội, hội chợ).
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế.
Báo Công luận