1. Về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Đau mắt đỏ ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng mắt. Nguyên nhân chính là do virus Adeno hoặc vi khuẩn gây ra với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Một số vi khuẩn thường gây hiện tượng này là vi khuẩn staphylococcus, streptococcus hoặc hemophilus,...
Đau mắt đỏ không phải là bệnh nặng, trẻ có thể tự khỏi trong thời gian 10-15 ngày. Đại đa số lành tính, ít để lại di chứng. Bệnh dễ chữa nếu cha mẹ phát hiện sớm và điều trị cho bé đúng phương pháp, tuy nhiên, nếu bệnh phát hiện muộn và chữa trị sai, dễ để lại hậu quả khó lường như trẻ có thể mù mắt vĩnh viễn.
Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây sau khi đã khỏi bệnh một tuần.
Virus gây bệnh có nhiều trong ghèn mắt và nước mắt của người bệnh, có thể lây qua các đường như:
- Đồ dùng sinh hoạt: Dùng chung gối, chung khăn, chậu rửa mặt, bể bơi… với người bệnh; hoặc người bệnh dụi mắt rồi dùng tay cầm nắm những đồ dùng chung cũng có thể khiến bệnh lây lan.
- Đường nước bọt: Do nước mắt tiết ra thoát xuống mũi họng qua lệ đạo, nên khi hắt hơi, ho, hoặc trò chuyện với nhau thì virus cũng có thể bị phát tán và lây lan qua người khác.
- Ruồi cùng là "phương tiện vận chuyển" virus gây bệnh.
- Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.
Đau mắt đỏ là căn bệnh nhiễm trùng mắt và nếu chữa trị kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng gì cho bé. Ảnh Internet
2. Nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Ngoài nguyên nhân là do virut Adeno thì còn nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ bị đau mắt đỏ:
- Các tác động từ môi trường như bụi, gió, côn trùng, ánh sáng, dị ứng thuốc…
- Trẻ em mang trong mình hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, nhạy cảm với thời tiết.
- Dùng chung đồ vật với các bạn ở trường lớp.
- Mắt trẻ dễ bị kích ứng từ khói thuốc, lượng clo có trong nước của bể bơi…
Diễn biến của bệnh
Bệnh đau mắt đỏ có thời gian ủ bệnh khoảng 3 ngày. Trẻ bị đỏ 1 mắt, hai đến ba ngày sau đỏ tiếp mắt thứ hai, thường thì nhẹ hơn mắt trước. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện mạnh khoảng 3 ngày đầu sau đó giảm dần và hết sau khoảng 10 ngày.
Một số ít có thể có giả mạc ở kết mạc mi (mắt thường sưng khó mở, có dịch màu hồng…) đau kéo dài có khi hàng tháng nếu không được bóc giả mạc. Một số có thể có biến chứng viêm giác mạc chấm khi đó sẽ có ảnh hưởng đến thị lực. Trẻ bị bệnh mạn tính khác về mắt như: mắt hột, sẹo giác mạc cũ, tắc lệ đạo…Nếu bị thêm viêm kết mạc cấp sẽ làm cho bệnh tiến triển nặng thêm.
Trẻ bị đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Ngay khi trẻ đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Ngoài nguyên nhân là do virut Adeno thì còn nhiều nguyên nhân khác khiển trẻ bị bệnh đau mắt đỏ. Ảnh Internet
3. Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
- Cộm, ngứa, đau nhức, chói mắt, sợ ánh sáng, ra nhiều ghèn và thường xuyên chảy nước mắt. Trong đó, ghèn mắt thường có màu xanh hoặc vàng, kết thành từng cục, có độ dính cao nên nhiều bệnh nhi có biểu hiện hai mi mắt dính vào nhau khi vừa ngủ dậy.
- Kết mạc phù nề, mí mắt sưng, xuất huyết dưới kết mạc.
- Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện ở một bên mắt, sau vài ngày thì lan sang mắt còn lại.
- Khó nhìn (nhưng thị lực không suy giảm).
- Có thể bị sốt nghẹ, họng đỏ, sưng hạch sau tai hoặc hạch góc hàm.
- Trẻ bị đau mắt đỏ kèm theo các dấu hiệu của bệnh cảm lạnh .
- Mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc…
- Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể kèm theo hiện tượng viêm họng hạch hoặc đôi khi có hạch ở tay.
- Khi bệnh có xu hướng nặng hơn sẽ xuất hiện phản ứng hột ở kết mạc mi dưới, có thể nổi hạch trước tai; phù mí; kết mạc.
- Ở vành mi, đặc biệt là mi dưới, xuất hiện nhiều hột to mọc thành dây, xuất hiện nhanh và thoái hóa nhanh trong vòng 6 ngày.
- Đôi khi bệnh còn tấn công làm ảnh hưởng tới đường tiết niệu gây tiểu rắt, buốt.
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em có nhiều triệu chứng để mẹ phát hiện được tình trạng của bé. Ảnh Internet
4. Cách chữa bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
- Đến cách cơ sở y tế chuyên khoa để khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh.
- Tuyệt đối không tự mua thuốc nhỏ mắt. Không được nhỏ thuốc có Corticoid cho trẻ.
- Dùng khăn ấm đắp lên mắt để làm dịu mắt và giảm ngứa.
- Cho bé uống nhiều nước để đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố.
- Bổ sung vitamin C, vitamin nhóm B, ăn uống đủ dinh dưỡng bổ sung các thực phẩm tốt cho mắt trẻ và dùng thuốc điều trị theo toa được bác sĩ kê.
- Các mẹ phải yêu cầu trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng.
- Rửa mắt cho bé bằng nước muối sinh lý và không dùng chung thuốc nhỏ mắt hay đồ đạc với người khác, không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu…
- Nếu bé đang đi học, ngay lập tức xin phép nghỉ học cho con để tránh lây nhiễm chéo. Đồng thời tránh khói bụi ngoài đường khi di chuyển tiếp xúc với mắt bé.
- Khi trẻ bị bệnh, các mẹ cần chú ý tránh đưa trẻ tới nơi đông người, nếu bắt buộc thì dùng kính, khẩu trang che chắn cẩn thận nhằm tránh phát tán virus gây bệnh và cũng để bệnh không nặng lên. Cha mẹ nên lựa chọn kính phù hợp, đảm bảo an toàn cho mắt của trẻ.
- Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay dử và nước mắt chảy ra. Các mẹ có thể giữ vệ sinh cho mắt bé bằng cách sử dụng 2 lo thuốc cho 2 mắt, 1 mắt bị đau và 1 mắt bình thường.
- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt cho trẻ cha mẹ cần rửa tay thật sạch với xà phòng hoặc dung dịch xác khuẩn.
4.1. Trường hợp bệnh do virut
- Sử dụng thuốc kháng sinh tra mắt trẻ để phòng ngừa bội nhiễm (tuyệt đối không tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ).
- Nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm sau 5 – 7 ngày, mẹ nên đưa trẻ đi tái khám.
- Không nên cho bé nhỏ thuốc kháng sinh kéo dài.
- Nếu trẻ bị đau mắt đỏ có thể nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc dinh dưỡng giác mạc: Sanlein, acid amin Taurin, CB2…
4.2. Bệnh do vi khuẩn
- Mẹ có thể dùng nước muối có nồng độ 0,9% để rửa mắt cho bé.
- Sau đó có thể tiếp tục cho bé dùng thuốc kháng sinh như tobramyxin, ofloxaxin… có thể uống thêm thuốc giảm phù.
4.3. Trường hợp do dị ứng
Trẻ sẽ được nhỏ thuốc giảm dị ứng.
Khi thấy những dấu hiệu của bệnh thì mẹ nên để trẻ đến bác sĩ để có cách điều trị phù hợp. Ảnh Internet
5. Cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, không dùng chung đồ sinh hoạt hay thuốc nhỏ mắt với người khác.
- Đeo kinh mắt khi đi đường và vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý (đúng cách và không lạm dụng). Không dùng tay dụi mắt.
- Rửa tay thường xuyên với xà bông diệt khuẩn, đặc biệt là trước và sau khi sờ vào mắt, mũi.
- Khi trong nhà có người bị bệnh, cần cách ly người bệnh ngay.
- Giặt sạch, phơi nắng một loại khăn xô, gối, chăn, vải trải giường của bé.
- Chuẩn bị 3 loại khăn lau mắt, lau tay, lau người dùng riêng không lẫn lộn. Rửa mặt cho trẻ ít nhất 3 ngày/ lần.
- Hạn chế không có con xem tivi, ipad, iphone, điện thoại, máy tính, sách truyện…
- Hạn chế cho trẻ đi bơi trong mùa dịch đau mắt đỏ. Tập thói quen dùng kính bơi khi đi bơi.
- Cho trẻ tập luyện thể thao và ăn đầy đủ vitamin để tăng cường khả năng miễn dịch.
- Nếu ở trường lớp hay xung quanh khu nhà ở có trẻ bị đau mắt đỏ bạn nên dặn trẻ không nên nhìn nhiều vào mắt hay chạm tay vào các đồ vật như đồ chơi, bàn ghế trong lớp học… rất dễ bị lây bệnh.
Mẹ nên giữ cơ thể luôn sạch sẽ, rửa tay thường xuyên và vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý. Ảnh Internet
6. Các bài thuốc dân gian chữa đau mắt đỏ ở trẻ
6.1. Bằng nước muối
Muối có tính sát khuẩn rất tốt nên có thể hỗ trợ chữa mắt đỏ cho bé. Cách thực hiện như sau:
Lấy 1 thìa canh muối bột, loại muối tinh không có i-ốt. Sau đó, đun sôi cùng 1 lít nước và để nguội, cho vào chai sạch dùng dần. Mỗi ngày, bạn rửa khoảng 4 - 5 lần cho bé và yêu cầu bé nhấp nháy máy để nước muối có thể vào được bên trong mắt và làm sạch mắt.
6.2. Bồ ngót
Rau bồ ngót lành tính và có tính sát khuẩn cao. Công thức như sau: 50g bồ ngót tươi + 30g cà gai + 30g rau má + 10g lá chanh + 30g cỏ xước. Mỗi thứ đem rửa sạch và nấu với nước sôi sắc lại, rồi mẹ cho trẻ uống hàng ngày cho đến khi hết bệnh. Đây là một trong những bài thuốc dân gian chữa bệnh đau mắt đỏ cho trẻ cực hiệu quả.
6.3. Cây sống đời
Cây sống đời như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn rộng và hoàn toàn không có một tác dụng phụ nào. Khi trẻ bị đau mắt, các mẹ lấy lá cây sống đời giã nhỏ, sau đó cho lá giã nhỏ vào một miếng gạc đã được tẩy trùng và đắp lên mắt trẻ. Mẹ nên làm vào buổi tối, lúc bé đang ngủ để đạt hiệu quả cao nhất.
6.4. Rau diếp cá
Rau diếp cá là thần dược trong việc điều trị nhiều bệnh như viêm âm đạo, sốt, ho, trĩ và đau mắt. Với đau mắt đỏ, mẹ lấy khoảng 35g rau diếp cá, rửa sạch, tráng qua nước đun sôi để nguội rồi giã nát, ép vào hai miếng gạc sạch đắp lên mắt sưng đau khi đi ngủ. Mẹ thực hiện cho trẻ 3 - 5 lần trong ngày để bệnh mau thuyên giảm.
Mẹ có thể áp dụng những phương pháp dân gian để điều trị bệnh đau mắt đỏ cho trẻ. Ảnh Internet
Lưu ý : Việc sử dụng các bài thuốc dân gian để chữa bệnh đau mắt đỏ cho trẻ phải rất cẩn thận. Trong trường hợp trẻ bị nhẹ, mẹ có thể áp dụng một số bài thuốc an toàn cho con. Nếu bệnh mắt đỏ có trẻ có khuynh hướng nặng, mẹ nên mang con đi bác sỹ để có thể điều trị bằng thuốc cho kết quả nhanh hơn.
7. Dinh dưỡng cho trẻ khi bị đau mắt đỏ
- Đối với trẻ đang bú mẹ, khi con bị đau mắt đỏ hay các bệnh do virus thì mẹ nên cho con bú càng nhiều càng tốt. Mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giúp gia tăng sức đề kháng cho bản thân. Qua đó gián tiếp tăng sức đề kháng cho bé qua sữa mẹ.
- Bổ sung cho bé các thực phẩm tốt cho sức khỏe, tăng hệ thống miễn dịch như vitamin C, sữa, sữa chua,….
- Vitamin C có nhiều trong quả dâu tây, cam và hạnh nhân.
- Các thực phẩm bổ sung vitamin A, B12, D cũng rất tốt cho bé bị đau mắt đỏ như rau cải xanh, rau bina, …
- Những thực phẩm chứa beta-carotene như đu đủ, bí đỏ…cũng rất tốt cho bé đau mắt đỏ.
- Thịt nạc, lòng đỏ trứng gà, gan đều là những chất bổ sung vitamin cho mắt.
7.1. Những thực phẩm cần tránh khi trẻ bị đau mắt đỏ
- Không sử dụng nhiều gia vị cay nóng có thể gây kích thích mắt khiến mắt có xu hướng đau và gây khó chịu cho trẻ.
- Những thực phẩm tanh như tôm cá…sẽ tạo điều kiện cho virut phát triển mạnh hơn, khiến bệnh nặng hơn. Vì thế nếu bị đau mắt đỏ thì không nên ăn đồ tanh để giảm bớt sự khó chịu cũng như giúp bệnh nhanh khỏi.
- Rau muống là loại rau kiêng kỵ với người đau mắt đỏ . Chất nhựa trong rau muống sẽ khiến bệnh khó chịu hơn. Rau muống sẽ làm mắt sản sinh ghèn nhiều, khiến những người đau mắt đỏ khỏ chịu và làm cho bệnh lâu khỏi.
- Trong mỡ động vật có rất nhiều chất béo không tốt cho thể trạng của bé khi đang bệnh. Khi trẻ đang bị đau mắt đỏ nên dùng dầu thực vật thay thế.
- Những chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá rất có hại cho cơ thể. Các chất này sẽ gây tác động xấu cho sự phát triển của bệnh, dễ gây những biến chứng nguy hiểm.
- Đồ uống có ga làm tăng lượng đường trong máu, có thể khiến bạn hoa mắt, chóng mặt gây ảnh hưởng xấu đến việc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Mẹ nên hạn chế cho bé ăn những đồ hải sản, gia vị cay nóng để không làm tình trạng đau mắt đỏ của trẻ nặng hơn. Ảnh Internet
7.2. Những thực phẩm tốt cho mắt
7.2.1. Cà rốt
Loại củ chứa nhiều vitamin A sẽ giúp cho võng mạc mắt được điều tiết tốt, chống khô mắt và giảm lão hóa ở mắt một cách tốt nhất, giúp cải thiện tình trạng đau mắt đỏ.
7.2.2. Các loại rau xanh
Rau xanh lá là thực phẩm không chỉ giàu vitamin, chất xơ, tốt cho sức khỏe mà còn cực kỳ tốt cho đôi mắt của trẻ. Các loại rau xanh lá như cải xoăn, rau bina, súp lơ xanh… giàu zeaxanthin và lutein giúp cải thiện tối đa thị lực ở trẻ.
7.2.3. Cá hồi
Cá hồi rất giàu axit béo omega 3 sẽ giúp mắt không bị khô và giảm nguy cơ thái hóa điểm vàng ở mắt. Mẹ cũng nhớ không nên nấu cá hồi quá kỹ, có thể khiến chất dinh dưỡng trong cá bị mất đi.
7.2.4. Ngô/ khoai lang
Với ngô, mẹ chỉ cần nấu chín 1/2 chén ngô, cho con dùng 3 lần/tuần có thể giúp trẻ cải thiện thị lực, giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể. Khoai lang cũng là thực phẩm giàu vitamin C, chất xơ và dĩ nhiên không thể thiếu vitamin A. Khoai lang không chỉ giúp đôi mắt sáng mà còn giúp trẻ có hệ tiêu hóa tốt, chống táo bón. Do đó mẹ có thể cho con dùng khoai lang thường xuyên.
7.2.5. Cà chua
Giàu vitamin C giúp làm lành tổn thương ở mắt nhanh chóng và bảo vệ mắt bởi tác hại của gốc tự do.
7.2.6. Ớt chuông cam
Trong ớt chuông cam có hàm lượng zeaxanthin cao nhất so với 32 loại quả và rau củ khác. Zeaxanthin giúp hạn chế tốc độ nhiễm khuẩn trong mắt, rất có lợi cho những người bị đau mắt đỏ.
7.2.7. Quả việt quất
Việt quất chứa hàm lượng anthocyanin cao. Theo nghiên của các nhà khoa học, anthocyanin giúp hạn chế tình trạng viêm ở mắt, giúp người đau mắt đỏ nhanh lành bệnh và giảm tình trạng khó chịu.
Thực phẩm tốt cho mắt mẹ nên bổ sung để bé nhanh hết bệnh và sức khỏe mắt được cải thiện hơn. Ảnh Internet
8. Những lưu ý về bệnh đau mắt đỏ
- Bệnh rất dễ mắc, dễ lây cho cả nhà và cộng đồng.
- Nếu có tiếp xúc bụi mắt, sau khi cha mẹ nên rửa mặt sạch cho con rồi tra vào mắt một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch.
- Người chưa mắc bệnh không nên nhỏ kháng sinh phòng ngừa vì có thể làm cơ thể kháng thuốc.
- Cần cách ly trẻ bị đau mắt đỏ với trẻ lành. Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
- Bệnh viện, công sở, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng, trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay…, những nơi có mật độ người đông, cự ly gần rất dễ lây bệnh.
- Sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhờn thuốc gây nhiễm độc thuốc trên mắt hoặc khô mắt.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
- Nên lấy ghèn lúc ướt, tránh để ghèn khô mới lấy sẽ gây khó chịu và đau rát cho bé.
Cách vệ sinh mắt cho trẻ
- Bước 1 : Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi vệ sinh mắt cho trẻ.
- Bước 2 : Chuẩn bị 2 miếng gạc vô khuẩn sử dụng cho 2 mắt, nước muối sinh lý.
- Bước 3 : Dùng nước muối sinh lý thấm ướt gạc vô trùng, lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu đến đuôi mắt.
Giữ gìn mắt bé khỏe mạnh và phòng tránh những nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Ảnh Internet
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em tuy lành tính nhưng cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nếu không được điều trị kịp thời. Hiểu về nguyên nhân, các triệu chứng và các biến chứng mà bệnh có thể gây ra thì các mẹ hãy lên kế hoạch phòng bệnh cho trẻ, để bé luôn có được đôi mắt sáng và khỏe mạnh nhé.