Viêm phổi là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Mỗi năm, trên thế giới, có hơn một triệu ca nhập viện và hơn 50.000 ca tử vong do viêm phổi. Đặc biệt, tại Việt Nam với tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức đáng báo động như hiện nay, căn bệnh này lại càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Thời gian gần đây, chỉ số chất lượng không khí ở các thành phố lớn tại Việt Nam đang ở mức cảnh báo nguy hại cho sức khỏe, cùng với đó chỉ số bụi PM 2.5 luôn liên tục cao hơn ngưỡng an toàn. Bụi PM 2.5 là loại bụi có kích thước siêu nhỏ, chỉ 1/100 lỗ chân lông, do đó, chúng sẽ dễ dàng “luồn lách” vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và gây viêm.
Viêm phổi là một trong những hậu quả đáng sợ của tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là đối với những gia đình có trẻ nhỏ. Theo thống kê, năm 2016, tại Việt Nam, hơn 60.000 ca tử vong do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến ô nhiễm không khí. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về căn bệnh này để có cách phòng tránh kịp thời nhé.
Viêm phổi – Sát thủ “vô hình” trong thời đại ô nhiễm
Viêm phổi là tình trạng viêm, nhiễm trùng ở phổi, khiến các túi khí ở phổi bị tổn thương. Khi bị viêm, các túi khí này chứa đầy những chất lỏng, dịch mủ làm cho người bệnh bị sốt, khó thở, ho có đờm.
Theo thống kê trong những năm gần đây, viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.
Các chuyên gia y tế đã tìm thấy có đến hơn 30 nguyên nhân khác nhau gây viêm phổi, trong đó virus là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng cũng có thể là thủ phạm gây ra căn bệnh này. Không những vậy, trẻ cũng có thể bị viêm phổi do hít phải khói bụi ô nhiễm hoặc ăn phải những thực phẩm có tác nhân gây bệnh. Thực tế, rất khó để nhận biết được tác nhân nào gây viêm phổi. Thông thường, các bác sĩ sẽ dựa theo kinh nghiệm, các triệu chứng của trẻ để điều trị.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi
Các triệu chứng của viêm phổi thường diễn tiến từ nhẹ đến nặng tùy vào tác nhân gây viêm nhiễm, độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Ở giai đoạn sớm, trẻ sẽ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên với các triệu chứng thường gặp như khi bị đau họng hoặc cảm lạnh:
- Ho, ban đầu có thể ho ít, sau tăng lên, có đờm và kèm theo sốt từ vừa đến sốt cao
- Chảy nước mũi từ ít đến nhiều
- Thở khò khè hoặc thở rít
- Mệt mỏi, quấy khóc có thể bỏ ăn, bỏ bú.
Sau đó, các tác nhân gây hại sẽ tấn công đến phổi. Do dịch nhầy, bạch cầu… tập hợp trong các phế nang khiến cơ thể khó hấp thu được oxy, từ đó dẫn đến tình trạng thở nhanh để phổi có thể cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể.
Thở nhanh là một trong những triệu chứng quan trọng nhất để xác định viêm phổi. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thở nhanh được định nghĩa là khi trẻ nằm im, không quấy khóc, không sốt, đếm nhịp thở trong vòng 1 phút, gọi là nhanh khi: thở trên 60 lần trở lên với trẻ dưới 2 tháng; trên 50 lần với trẻ 2 – 12 tháng; trên 40 lần với trẻ 1 – 5 tuổi… Ngoài ra, còn một số dấu hiệu khác như: khò khè, bú kém, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, tím quanh môi…
Viêm phổi có thể gây chết người?
Với người trưởng thành có sức khỏe tốt, viêm phổi có thể được điều trị khỏi trong vòng 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, những người đang mắc phải các căn bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, những người có hệ miễn dịch kém thì viêm phổi thật sự là một căn bệnh rất nguy hiểm.
Người bệnh viêm phổi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết và áp xe phổi. Do đó, nếu thấy trẻ có các triệu chứng sau, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay:
- Sốt cao trên 38,5 độ C
- Nhịp thở trung bình trên 70 lần ở trẻ dưới 1 tuổi, trên 50 lần với trẻ lớn
- Co lõm lồng ngực
- Khó thở nặng, thở rên
- Cánh mũi phập phồng, ngưng thở
- Tím tái, li bì, bỏ bú, mất nước (mắt trũng, tiểu ít, thậm chí là không tiểu)…
Phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ không khó như bạn nghĩ
Để phòng ngừa viêm phổi, bạn cần tìm cách nâng cao sức đề kháng thông qua việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và khuyến khích trẻ tập thể dục thường xuyên. Ngoài ra, bạn cần chú ý giữ vệ sinh môi trường sống, giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc. Chú ý giữ vệ sinh mũi họng cho trẻ, nếu trẻ đã biết súc miệng, bạn nên nhắc nhở trẻ súc họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ nước muối sinh lý sau khi đi ngoài đường tiếp xúc với khói bụi, cần mang khẩu trang cho trẻ để tránh hít phải bụi đường. Bên cạnh đó, bạn nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm để ngăn ngừa cúm theo mùa bởi cúm là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi.
Ngoài những phương pháp trên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vệ sinh tay được coi là liều vắc xin tự chế rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả trong việc phòng ngừa viêm phổi nói riêng và các bệnh về đường hô hấp nói chung. Chỉ một động tác rửa tay với xà phòng diệt khuẩn có thể giúp giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 – 45%.
Chính vì vậy, để bảo vệ bé yêu khỏi căn bệnh nguy hiểm này, bạn cần chú ý đến việc rửa tay của trẻ, của người chăm sóc và của chính bạn. Với trẻ nhỏ, bạn cần hướng dẫn, nhắc nhở trẻ rửa tay với xà phòng hoặc nước rửa tay sạch khuẩn có Ion Bạc bởi trẻ nhỏ thường có thói quen rửa tay vội vàng, nếu dùng các loại xà phòng thông thường, nhiều khả năng vi khuẩn vẫn còn bám trên tay. Với cha mẹ và người chăm sóc, cần rửa tay sạch trước khi chăm bé, khi đi ra ngoài về, khi chế biến thức ăn để tránh vi khuẩn từ tay người lớn lây nhiễm sang cho bé và gây bệnh.