Bệnh viêm VA rất dễ tái đi tái lại khi thời tiết thay đổi khiến trẻ luôn mệt mỏi, khó thở, bỏ bú, biếng ăn, quấy khóc… và có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.
Viêm VA là bệnh lý đường hô hấp thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi và trẻ có bệnh lý viêm đường hô hấp trên.
Thông tin chia sẻ uy tín, chuẩn xác của TS. BS. Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về căn bệnh này ở trẻ.
1. VA là gì?
VA là khối bạch huyết nằm ở vòm mũi họng phía trên của lưỡi gà và cửa mũi sau. Bằng mắt thường và các dụng cụ thông thường như đèn pin hay nhìn phía ngoài sẽ không thấy được tổ chức VA. VA chỉ được nhìn thấy khi nội soi qua optic hoặc nội soi ống mềm hoặc qua gương đặc biệt.
VA được hình thành từ khi mang thai phát triển tiếp tục khi chào đời. VA phát triển nhanh trong giai đoạn trẻ 1 đến 2 tuổi, hoàn thiện đầy đủ rồi teo đi khi trẻ khoảng 5 tuổi. Tuy nhiên có những trẻ 15 tuổi vẫn có thể soi thấy VA do tổ chức VA phát triển quá phát và không tự teo đi.
VA có vai trò như một chú lính giúp bảo vệ cơ thể khi có vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào cơ thể theo con đường mũi họng. VA cũng là nơi sản sinh ra IgG là một Globulin miễn dịch cần thiết trong cơ thể. Tuy nhiên, khi VA bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus tái đi tái lại nhiều lần, không được điều trị đúng cách thì nó lại là một ổ vi khuẩn gây bệnh cho trẻ.
TS. BS. Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương
2. Nguyên nhân gây viêm VA ở trẻ
Tuy có vai trò bảo vệ như vậy, nhưng khi VA bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus tái đi tái lại nhiều lần, không được điều trị đúng cách thì VA lại là một ổ vi khuẩn gây bệnh làm cho trẻ hay bị viêm đường hô hấp dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm khí phế quản... gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân gây viêm VA là do tiếp xúc với vi khuẩn, virus.
- Vi khuẩn và virus khi xâm nhập vào cơ thể sẽ qua đường mũi gây viêm VA. Khi cơ thể yếu làm cho sức đề kháng yếu đi, bạch cầu cùng hệ thống miễn dịch không đủ sức chống chọi lại với vi khuẩn hoặc virus tạo điều kiện cho chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở và gây bệnh.
- Ở một số trẻ bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, béo phì là những yếu tố cơ địa khiến VA dễ bị viêm hơn các trẻ bình thường khác.
- Các virus đường hô hấp là nguyên nhân chính gây viêm VA ở trẻ em. Vi khuẩn có thể gặp nhưng hiếm hơn hoặc là do bội nhiễm sau khi bị viêm VA do virus.
Hình ảnh viêm VA ở trẻ
3. Triệu chứng viêm VA ở trẻ
Các triệu chứng thường gặp trong viêm VA cấp ở trẻ là:
- Sốt cao, có khi trên 39 hoặc 40 độ.
- Mệt mỏi kèm chảy mũi, ngạt mũi. Lúc đầu mũi trong về sau mũi đặc vàng hôi.
- Ho, lúc đầu ho vài tiếng do nước mũi chảy xuống họng. Về sau ho liên tục do biến chứng viêm họng.
- Trẻ có thể xuất hiện khó thở, ngủ ngáy, bỏ bú hoặc bú không liên tục do ngạt mũi.
- Khi nội soi hoặc nội soi ống mềm VA thấy tổ chức VA viêm đỏ đọng mủ.
Triệu chứng viêm VA mạn tính:
Viêm VA mạn tính là hiện tượng xơ hóa hoặc quá phát tổ chức VA do viêm VA cấp tái phát nhiều lần điều trị không triệt để.
Các triệu chứng hay gặp trong viêm VA mạn tính là:
- Trẻ thường không sốt.
- Hay chảy mũi ngạt mũi, ngủ ngáy kéo dài. Nghẹt mũi trong viêm VA mạn tính thường nghẹt cả ngày lẫn đêm, làm cho trẻ khó thở, vì vậy trẻ thường thở bằng miệng kèm theo ngủ ngáy to và thỉnh thoảng có cơn ngừng thở khi ngủ.
- Tinh thần trẻ mệt mỏi, không tập trung.
- Trẻ kém phát triển, kém nhanh nhẹn, tư duy chậm chạp hơn so với trẻ cùng lứa do hiện tượng thiếu oxy não kéo dài.
- Khám nội soi ống cứng hoặc nội soi ống mềm có thể thấy tổ chức VA sùi như hình quả dâu to quá phát.
- Có thể gặp trẻ có bộ mặt VA. Do trẻ thường xuyên thở bằng miệng sẽ làm cho biến dạng một số bộ phận làm cho bộ mặt của trẻ thay đổi như răng bị vẩu, hàm trên vẩu, hàm dưới hẹp, luôn hở miệng, mũi tẹt, trán dô, vẻ mặt kém nhanh nhẹn...
Các biểu hiện viêm VA
4. Biến chứng do viêm VA
Những biến chứng hay gặp trong viêm VA là: viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm họng, viêm thanh khí phế quản. Đây là những biến chứng hay gặp do các cơ quan lân cận của VA bị viêm gây nên.
- Viêm tai giữa: Do VA nằm ở vòm mũi họng nên khi VA viêm thì vi khuẩn theo vòi nhĩ lên tai giữa gây viêm tai giữa cấp. Biểu hiện là: trẻ chảy mũi, ngạt mũi, sau đó kêu đau chói ở 1 bên hoặc cả 2 bên tai. Đây là dấu hiệu quan trọng nhận biết viêm VA đã biến chứng viêm tai giữa cấp. Khám nội soi tai mũi họng thấy màng nhĩ sung huyết đỏ rực, mũi ứ đọng nhiều dịch hoặc mủ vàng, xanh.
Quá trình viêm VA nhiều làm cho VA quá phát gây tắc vòi nhĩ làm mất cân bằng áp lực giữa tai giữa và bên ngoài gây nên ứ dịch trong tai giữa. Trẻ chảy mũi, ngạt mũi sau đó thấy ù tai, nghễnh ngãng, sức nghe giảm đường khí thính lực đồ nghe kém kiểu dẫn truyền. Thường trẻ không kêu đau tai mà chỉ ù tai. Đôi khi trẻ không để ý tới nên bệnh có thể khó phát hiện hơn khiến bố mẹ lầm tưởng con chỉ bị viêm mũi họng thông thường. Khám nội soi tai mũi họng thấy màng nhĩ ứ dịch 1 bên hoặc 2 bên. Sức nghe giảm gây ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt, giao tiếp của trẻ.
- Viêm mũi xoang: Viêm VA gây viêm mũi xoang cấp hoặc mạn tính ở trẻ. Nhiều bố mẹ lầm tưởng trẻ em không có viêm xoang. Tuy nhiên đây là quan điểm sai lầm vì xoang sàng có từ trong bào thai. VA to làm bít tắc dẫn lưu từ xoang chảy ra hốc mũi gây viêm xoang. Ngoài ra, những viêm nhiễm phù nề niêm mạc mũi khi VA viêm gây ứ mủ ở hốc mũi cũng gây viêm xoang ở trẻ em.
- Viêm thanh khí phế quản: Viêm VA gây biến chứng viêm thanh khí phế quản do mủ từ VA ở vòm mũi họng là vị trí trên cao của đường hô hấp chảy xuống phía dưới gây nên làm trẻ ho, sốt, khó thở, khàn tiếng, hay khạc đờm. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm phổi rất nguy hiểm.
- Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa cũng là biến chứng hay gặp trong viêm VA do mủ chảy từ vòm mũi họng VA viêm mủ xuống họng làm trẻ nuốt dẫn đến những rối loạn tiêu hóa như hay nôn trớ, đau bụng, ỉa chảy.
- Dị dạng sọ mặt: Do VA quá phát lâu ngày làm tắc nghẽn đường thở khiến trẻ thường xuyên phải há miệng thở cùng với việc thiếu oxy lâu ngày dẫn đến hậu quả xương hàm trên không phát triển, xương hàm dưới bị đẩy ra trước, lưỡi tụt ra sau, vẻ mặt ngờ nghệch, gọi là bộ mặt VA.
- Ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ: Đây cũng là biến chứng nguy hiểm do VA quá phát gây ra.
- Những biến chứng đặc biệt nguy hiểm: Những biến chứng đặc biệt nguy hiểm của viêm VA là viêm do liên cầu, gây tổn hại tim, thận, khớp.
- Ảnh hưởng về thể chất và trí tuệ: VA mạn tính ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của trẻ. Trẻ luôn ngạt mũi, khó thở, ăn hay nôn trớ, tiêu chảy, biếng ăn, mệt mỏi, khó tập trung, khó nghe nên giao tiếp hạn chế, học tập cho kết quả kém.
Trẻ có dấu hiệu viêm VA cần được bác sĩ chuyên khoa khám và hướng dẫn điều trị đúng cách
5. Chẩn đoán viêm VA
Có thể chẩn đoán trẻ viêm VA qua các triệu chứng như:
- Trẻ hay chảy mũi, ngạt mũi, hay chảy mũi xanh vàng kéo dài, ho vặt, có thể sốt cao trong trường hợp viêm VA cấp, bộ mặt VA.
- Trẻ thường ngủ ngáy, hay bỏ bú, biếng ăn, có những cơn ngừng thở kéo dài.
- Trẻ tư duy chậm chạp, kém phát triển hơn so với trẻ cùng lứa.
- Khám nội soi tai mũi họng bằng ống cứng hoặc ống mềm có thể thấy hình ảnh VA viêm đọng mủ hoặc VA quá phát sùi như quả dâu.
6. Các phương pháp điều trị viêm VA
*Dùng thuốc trong trường hợp nào?
- Điều trị viêm VA cấp bằng cách nhỏ mũi bằng các dung dịch thuốc có chứa thuốc sát khuẩn nhẹ, kháng viêm.
- Hạ sốt, an thần khi trẻ sốt cao.
- Không dùng kháng sinh trong trường hợp viêm VA cấp chưa có biến chứng. Chỉ sử dụng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm hoặc đe dọa biến chứng.
* Khi nào cần nạo VA?
- VA là một hàng rào có chức năng bảo vệ cho cơ thể. Do đó, chỉ khi nào VA mất đi chức năng bảo vệ cơ thể, trở thành ổ viêm và là nguyên nhân gây nên những biến chứng nguy hiểm thì mới có chỉ định phẫu thuật nạo VA.
- Nạo VA chỉ được chỉ định khi các phương pháp điều trị nội khoa không còn hiệu quả, là biện pháp được xem như là lựa chọn cuối cùng trong điều trị VA.
- Trong trường hợp viêm VA nhiều lần trong 1 năm, thường trên 5 - 6 lần, trong 2 năm liên tiếp điều trị thuốc không có hiệu quả thì mới có chỉ định nạo VA.
- Ngoài ra, chi phí phẫu thuật đắt đỏ, tốn kém cùng với những biến chứng nguy hiểm khi phẫu thuật cũng là những cân nhắc khi bố mẹ quyết định nạo VA cho con mình.
Phẫu thuật nội soi nạo VA
7. Phòng bệnh viêm VA ở trẻ em
Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi họng cho trẻ.
Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa. Mùa lạnh cần cho trẻ mặc đủ ấm, đặc biệt phải giữ ấm vùng cổ và bàn chân.
Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá.
Tiêm chủng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
Khi trẻ có biểu hiện viêm nhiễm đường hô hấp, cần cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để điều trị dứt điểm.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn