Viêm họng là bệnh lý đường hô hấp phổ biến có thể xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau. Các dạng bệnh này đều có những đặc điểm hoặc triệu chứng khá giống nhau, do đó người bệnh rất khó phân biệt rõ được loại bệnh viêm họng mình đang mắc phải.
Những thông tin tổng quan nhất của các dạng viêm họng thường gặp sẽ được tổng hợp trong bài viết sau đây. Bạn đọc có thể dễ dàng nhận biết được dạng viêm họng mình đang gặp phải, từ đó tìm ra phương pháp điều trị kịp thời, dứt điểm.
Viêm họng cấp tính là tình trạng viêm cấp tính niêm mạc họng, thường xuất hiện vào mùa lạnh. Bệnh có thể do virus hoặc vi khuẩn, và thường xuất hiện cùng với các bệnh như viêm amidan, phát ban, viêm VA, cúm, sởi…
Viêm họng cấp thường do virus, vi khuẩn gây ra.
Viêm họng cấp do virus thường chỉ kéo dài trong 1 tuần với các triệu chứng như ớn lạnh toàn thân kèm theo đau mỏi người. Viêm họng do virus thường sẽ tự khỏi trong vòng 1 tuần điều trị bằng thuốc và nghỉ ngơi hợp lý.
Viêm họng cấp do vi khuẩn thường sẽ đi kèm với các triệu chứng nặng nề hơn như sốt cao, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, ngoài ra có thể xuất hiện tình trạng hạch góc hàm sưng to gây đau hoặc viêm tấy hạch vùng cổ…
Các triệu chứng khác cũng thường xuất hiện ở bệnh viêm họng cấp bao gồm: viêm họng cấp khởi phát đột ngột khiến người bệnh sốt cao 39-40 độ C đi kèm với cảm giác khô rát họng, khó nuốt và nuốt gây đau đớn, ho khan và khàn tiếng…
Viêm họng cấp tính nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm sẽ dễ tái phát nhiều lần và phát triển thành viêm họng mãn tính với mức độ nghiêm trọng hơn.
2. Viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm lan tỏa ở họng, thường đi kèm với các bệnh đường hô hấp như viêm xoang mãn tính, viêm thanh, khí phế quản mãn tính hoặc viêm mũi. Bệnh được thể hiện dưới 3 hình thức: xuất tiết, quá phát, teo.
Các thể viêm họng mãn tính thường gặp là: viêm họng mãn tính tỏa lan; viêm họng mạn tính khu trú gồm có viêm viêm amidan mạn tính và VA mạn tính.
Viêm họng mãn tính hệ quả của của các đợt viêm họng cấp tính tái phát nhiều lần do không điều trị dứt điểm hoặc cơ thể không đáp ứng thuốc điều trị khiến cho viêm nhiễm ở niêm mạc họng dai dẳng mãi không khỏi. Ngoài ra, bệnh cũng có thể do một số các yếu tố bên ngoài như môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi, hơi hóa học…
Các triệu chứng đặc trưng của viêm họng mãn tính bao gồm:
- Đau họng dai dẳng trong nhiều tuần liền.
- Khó nuốt, nuốt có cảm giác đau
- Cổ họng nóng rát, ngứa.
- Có cảm giác vướng họng.
- Họng có đờm;
- Ho húng hắng và khàn giọng…
- Ngoài ra bệnh nhân bị viêm họng mãn tính thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi, sốt, đau đầu và đau nhức toàn thân.
3. Viêm họng hạt
Viêm họng hạt là một dạng tiêu biểu của viêm họng mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm kéo dài liên tục khiến niêm mạc bị sung huyết và xuất tiết liên tục từ đó hình thành các hạt màu đỏ hoặc hồng ở thành sau họng. Bệnh phát triển ở những người bị viêm họng tái phát nhiều lần, dai dẳng.
Viêm họng hạt.
Nguyên nhân hình thành các hạt này là do cơ thể bị nhiễm trùng trong thời gian dài khiến cho các nang lympho - có vai trò bảo vệ cơ thể và các cơ quan hô hấp khỏi virus, vi khuẩn - phải hoạt động quá mức từ đó dẫn đến tình trạng tăng sản, hình thành các hạt nổi cộm phía trong niêm mạc họng.
Các triệu chứng đặc trưng của viêm họng hạt bao gồm:
- Thành họng xuất hiện các hạt đỏ, hồng lồi cao hơn so với niêm mạc xung quanh.
- Luôn có cảm giác vướng víu, ngứa và khô họng, đặc biệt sau khi ngủ dậy.
- Có cảm giác đau khi nuốt thức ăn, uống nước hoặc thậm chí là nuốt nước bọt.
- Bệnh nhân thường phải đằng hắng hoặc cố gắng khạc đờm, đờm đặc quánh, màu trắng đục.
- Cổ nổi hạch, sờ thấy cứng, đau khiến cho bệnh nhân sốt, đau đầu…
4. Viêm họng do liên cầu khuẩn
Viêm họng do liên cầu khuẩn là tình trạng viêm nhiễm ở cổ họng do nhiễm vi khuẩn Streptococcus. Đây là dạng viêm họng thường gặp, có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ từ 5 đến 15 tuổi và những người có hệ miễn dịch bị suy yếu.
Các triệu chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn thường rất nguy hiểm như:
- Đặc biệt đau rát cổ họng.
- Sốt cao 39 - 40 độ C.
- Đau đầu, toàn thân mệt mỏi, đau cứng các cơ.
- Amidan bị viêm, sưng to.
- Nôn mửa, khó nuốt, nuốt thấy đau.
Viêm họng do liên cầu khuẩn cần phải được điều trị kịp thời bằng kháng sinh, nếu không sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm thận, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết, áp xe amidan, sốt thấp khớp
5. Viêm họng giả mạc
Viêm họng giả mạc hay còn được gọi là viêm họng bạch hầu, là một dạng bệnh viêm họng hiếm gặp hơn so với các dạng viêm họng ở trên, có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau, đặc biệt ở nhóm trẻ em từ 2-7 tuổi. Nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm họng giả mạc là cơ thể bị tấn công bởi trực khuẩn Klebs – Loeffler.
Viêm họng giả mạc.
Khi mắc bệnh này, phía trong cổ họng của người bệnh sẽ xuất hiện màng giả mạc màu trắng xám, dày, bám chắc vào niêm mạc họng. Màng giả mạc này rất khó bóc, có thể lan rộng xuống thanh quản, dễ gây biến chứng đường hô hấp.
Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm học giả mạc gồm:
- Xuất hiện giả mạc màu trắng xám, dày, bám chắc vào niêm mạc họng.
- Đau rát họng.
- Ngạt mũi.
- Cơ thể mệt mỏi, đau nhức.
- Sốt cao trên 38,5 độ C, chân tay lạnh, da tái xanh.
Đây là một dạng bệnh viêm họng rất nguy hiểm, cần điều trị kịp thời nếu không rất dễ phát sinh các biến chứng như viêm phế quản, viêm xoang, thấp ti, viêm tai, bệnh Osler…
Trên đây là thông tin tổng quan về một số dạng bệnh viêm họng thường gặp. Do các triệu chứng và biểu hiện của các loại bệnh này có nhiều điểm giống nhau, khó phân biệt nên nếu người bệnh thấy rằng bệnh viêm họng của mình kéo dài hơn 1 tuần chưa khỏi thì hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh viêm họng, tránh tình trạng để bệnh quá lâu không khỏi mà dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.