Bệnh viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xuất hiện khi vi khuẩn hoặc virus mắc kẹt trong cơ quan này, chúng sinh sôi nảy nở và tạo ra các ổ nhiễm trùng. Các túi khí trong phổi (gọi là phế nang) chứa đầy mủ và dịch khiến cơ thể không hấp thụ được lượng oxy cần thiết. Vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, và các loại virus khác.
Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em
Bệnh xảy ra quanh năm nhưng hay gặp là mùa xuân và mùa đông. Theo đánh giá chung, viêm phổi ở trẻ em trên 5 tuổi thường là do vi khuẩn, ngược lại dưới 5 tuổi thường là do virus. Tuy nhiên trên thực tế, các bác sĩ chuyên khoa cần phải thăm khám trực tiếp, kết hợp với các xét nghiệm lâm sàng thì mới kết luận chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh viêm phổi ở trẻ em là bệnh đường hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra - Ảnh minh họa: Internet
Ngoài ra một số yếu tố khác cũng là tác nhân gây bệnh như trẻ sống ở khu vực ô nhiễm cao, thường xuyên tiếp xúc với thuốc lá, vệ sinh kém…
Viêm phổi ở trẻ em có thể lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn, virus trú ngụ ở mũi họng sẽ bị phát tán khi trẻ hắt hơi, sổ mũi. Trẻ sơ sinh có thể bị lây qua đường máu trước hoặc sau khi sinh.
Dấu hiệu bệnh viêm phổi ở trẻ em
Bệnh viêm phổi ở trẻ em có nguy hiểm không? Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nên các biến chứng như viêm màng não, nhiễm trùng máu, tràn mủ màng phổi, tràn dịch màng tim, truỵ tim, kháng kháng sinh, còi xương, suy dinh dưỡng.
Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu trẻ em mắc bệnh viêm phổi và nước ta được xem là 1 trong 15 quốc gia có số lượng trẻ em mắc bệnh viêm phổi cao nhất thế giới. Hàng năm, có khoảng 4000 trẻ em chết vì viêm phổi.
Tuỳ vào từng độ tuổi và nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng viêm phổi ở trẻ em là khác nhau. Tuy nhiên, các dấu hiệu cơ bản của bệnh cha mẹ cần lưu ý như sau:
- Sốt vừa đến sốt cao
- Ho nặng tiếng
- Thở nhanh liên tục (khác với biểu hiện thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt). Trẻ được coi là thở nhanh nếu thở trên 60 lần/ phút (đối với trẻ dưới hai tháng tuổi), trên 50 lần/ phút (đối với trẻ từ 2 tháng – 1 tuổi), hoặc trên 40 lần/ phút (đối với trẻ trên 1 tuổi).
- Thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (vị trí phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ngực, rút lõm lồng ngực.
Thở nhanh và thở gắng sức là phản ứng bù trừ do cơ thể trẻ không tiếp nhận đủ oxy. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại rồi ngưng thở.
- Đau ngực trong lúc ho và giữa cơn ho.
- Môi, đầu móng tay xanh hoặc xám
- Trẻ nôn ói, mệt mỏi, ít vận động.
Nếu trẻ có tất cả những biểu hiện trên thì có khả năng cao trẻ đã bị viêm phổi, đặc biệt là triệu chứng sốt, ho, thở nhanh và thở liên tục. Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị bệnh kịp thời.
Cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm phổi ở trẻ để kịp thời điều trị - Ảnh minh họa: Internet
Điều trị viêm phổi ở trẻ em
Tuỳ vào từng nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ chuyên môn sẽ có cách điều trị khác nhau, cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua kháng sinh để điều trị tại nhà.
Điều trị bệnh do virus gây ra: Đối với trường hợp này trẻ không cần phải sử dụng kháng sinh. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị tại nhà đối với trường hợp bệnh nhẹ.
Điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra: Trường hợp này sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ kê đơn thuốc và liều lượng tuỳ vào tình trạng bệnh của trẻ.
Đối với trường hợp bệnh trở nặng bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ nhập viện. Phương pháp điều trị ở bệnh viện bao gồm thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch và liệu pháp hô hấp, trường hợp nặng hơn sẽ được điều trị ở đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU).
Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
Đa số các trường hợp mắc bệnh có thể điều trị tại nhà. Khi này có 4 công việc mà cha mẹ cần phải làm:
Cho trẻ uống kháng sinh phù hợp: Cha mẹ cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, số lần uống trong ngày và số ngày cần uống thuốc. Không tự ý ngưng thuốc dù cho trẻ đã có tiến triển tốt hơn.
Điều trị các triệu chứng kèm theo (sốt, ho, khò khè…) theo hướng dẫn của bác sĩ.
Biết cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà: Cần phải cho trẻ ăn uống đủ chất, bú đều đặn khi đang bệnh. Khi trẻ hết bệnh, cần bồi bổ để trẻ lấy lại sức. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, phụ huynh có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa và vệ sinh sạch sẽ cho trẻ ăn, bú dễ dàng hơn.
Cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng cường cho trẻ bú. Cung cấp nhiều nước sẽ giúp trẻ loãng đàm, dịu họng, giảm ho và cơ thể không bị mất nước.
Ho là vấn đề cha mẹ quan tâm và lo ngại nhất. Tuy nhiên đây lại là phản xạ tốt để trẻ tống đờm dãi ra ngoài, làm thông thoáng đường thở để trẻ có thể hít thở dễ dàng hơn. Vì vậy, nếu như trẻ ho mà không nôn ói, đau ngực, mất ngủ, đau rát họng… thì không nên sử dụng các loại thuốc ho kìm hãm phản xạ có lợi này. Cha mẹ có thể sử dụng các loại thảo dược, bài thuốc dân gian như: tắc chưng đường phèn, rau tần dày lá, mật ong (đối với trẻ trên 1 tuổi)…để an toàn cho trẻ.
Biết khi nào cần đưa trẻ đi khám lại bao gồm lịch tái khám của bác sĩ và khám ngay lập tức khi trẻ trở nặng. Nếu trẻ có các dấu hiệu thở khó khăn hơn, gấp hơn, co lõm lồng ngực, không thể uống nước, mệt hơn thì cần nhập viện ngay.
Cách phòng tránh bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh
Một số cách phòng tránh bệnh viêm phổi để hạn chế trẻ mắc bệnh như sau:
Tiêm chủng vắc xin theo đúng lịch tiêm chủng mở rộng là cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet
- Cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Điều này làm giảm gần ¼ trẻ bị viêm phổi.
- Phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm vắc xin. Trẻ được tiêm vắc xin 5 trong 1 từ lúc 2 tháng tuổi để chống lại bệnh viêm phổi do ho gà và phế cầu khuẩn Haemophilusenzae. Vắc xin cúm được khuyến khích cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 19 tuổi. Trẻ sinh non nên điều trị tạm thời chống lại RSV.
- Đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, tránh tình trạng trẻ phải tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Giữ cho trẻ đủ ấm khi thời tiết thay đổi, khi trời mưa hoặc trở lạnh. Rửa tay sạch sẽ cũng là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả giúp giảm rõ nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.
- Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Bổ sung vitamin A theo khuyến cáo và bổ sung kẽm hằng ngày.
- Cách ly trẻ khỏi những nơi có nguồn bệnh hoặc nghi ngờ có nguồn bệnh tránh tái phát. Nếu trong nhà có người bị nhiễm trùng hô hấp hoặc viêm họng, hãy giữa bàn chải đánh răng, ly uống nước, chén bát riêng biệt với những thành viên khác trong gia đình.
Bệnh viêm phổi là bệnh phổ biến và thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của trẻ cha mẹ cần phải đưa con đến bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.