Hẳn bậc bố mẹ nào cũng thấy bất an khi thấy con bị chứng ho. Và nếu kèm theo xổ mũi, chảy nước mũi thì nỗi lo lắng càng tăng. Ngoài các loại siro ho thông dụng mà chẳng phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả như mong đợi, bạn còn có thể làm gì?
Kiểm tra xem có đúng cảm lạnh
Thật dễ để phân loại các cơn ho ngắn, chảy nước mũi và hắt hơi là dấu hiệu của cảm lạnh. Nhưng trước khi làm bất cứ việc gì, hãy chắc chắn rằng chẩn đoán của bạn là đúng.
Các triệu chứng của cảm lạnh bao gồm: chảy nước mũi, viêm họng, chứng ho và có lẽ là cả đau nhức. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh khác như dị ứng. Vì thế, nếu thở khò khè xuất hiện hoặc hơi thở của bé trở nên nông, gấp thì cần đưa bé đi khám.
Chỉ cần 1 thìa… đầy
Kinh nghiệm của ông bố Nicholas Brown (Anh) cho thấy, thay vì cho uống siro ho, anh sẽ cho cô con gái 4 tuổi của mình uống 1 hoặc 2 thìa mật ong nguyên chất, không thêm bạc hà hay trà hoa cúc.
Đối với Kay Odell (Anh), nước mật ong ngâm chanh tươi mới là tốt nhất và muốn giảm chứng ho đêm thì cần đảm bảo đây là loại nước uống cuối cùng khi lên giường.
Những liệu pháp tự nhiên
Bà mẹ của 5 cậu con trai tuổi từ 3-12, Andrea Schumann cho biết, chị chưa bao giờ là một “fan” của các đơn thuốc. Chị thường dùng dầu khuynh diệp nguyên chất, lấy 2-3 giọt thoa vào ngực, vùng cổ và thoa gan bàn chân mỗi khi bé đi ngủ. Theo chị điều này rất có hiệu quả, giấc ngủ của trẻ không bị quấy rầy do các chứng ho.
Sạch mũi, thông mũi
Hầu hết những người dị ứng đều phải dùng nước muối để rửa mũi. Dung dịch nước muối sẽ rửa trôi mọi chất bẩn, tống khứ các chất nhầy làm thông thoáng mũi.
Ngoài ra, khi thời tiết hanh khô, việc xịt nước muối sinh lý vào mũi lại có tác dụng làm tăng độ ẩm cho mũi, giúp mũi duy trì được chức năng hô hấp thông thường.
Giảm đường, sữa
Theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nếu bé bị chứng ho có đờm thì cần tạm thời loại bỏ đường và các sản phẩm từ sữa ra khỏi chế độ ăn của trẻ. Trà với một chút gừng và món súp gà sẽ tốt cho bé