Hen phế quản (suyễn) là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Các biến chứng của bệnh có thể gây nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt khi trời lạnh.
Hen là tình trạng viêm mạn tính đường thở với sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nền, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí thở làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm.
Hen trẻ em đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi thường khó chẩn đoán xác định và việc điều trị bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.
Trời rét làm trẻ bị hen tăng nguy cơ tái phát cơn hen. Mùa đông ở nước ta thường lạnh và ẩm khiến trẻ bị hen dễ gia tăng các triệu chứng như: ho, khò khè, khó thở, tức ngực...
Những trẻ này vốn đường thở luôn ở trong tình trạng viêm mạn tính, thời tiết lạnh càng tạo điều kiện cho các bào tử nấm mốc xuất hiện nhiều ở trong không khí, đây là yếu tố có thể gây ra tình trạng hen phế quản.
Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng làm tăng nguy cơ trẻ dễ bị cảm cúm, cảm do virus, cảm lạnh... Điều này càng khiến trẻ gặp khó khăn trong việc thở.
Thời tiết lạnh ẩm dễ khiến trẻ dễ khởi phát cơn hen. (Ảnh: theasianparent)
Tránh những tác động gây ra những cơn hen
Điều cần nhất để phòng ngừa cơn hen cấp và giảm triệu chứng bệnh hen cho trẻ là cần tránh những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen: không nuôi thú vật (chó, mèo,…) trong nhà, thường xuyên diệt gián.
Cho trẻ đeo khẩu trang, đeo khăn trước khi ra ngoài trời lạnh để tránh trẻ hít trực tiếp không khí lạnh vào phổi dẫn đến tình trạng xuất hiện cơn hen.
Cần tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho trẻ bằng các chế độ dinh dưỡng phù hợp như bổ sung nhiều vitamin C, vitamin E từ các loại thực phẩm tốt như rau xanh, cà rốt, cam, bưởi... để tăng cường chức năng hô hấp.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc, những chất tẩy rửa nặng mùi. Tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nhang khói.
Nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn màn bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng.
Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ. Dùng cửa sổ (đóng hay mở) để duy trì không khí sạch và trong lành.
Hàng ngày nên cho trẻ vui chơi nơi thoáng khí. Cần hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm dễ gây dị ứng có thể làm khởi phát cơn hen như: hải sản, cua, ốc, thịt thú rừng…
Cha mẹ và người chăm sóc cần lưu ý, khi trẻ có các dấu hiệu bệnh hen hoặc nghi ngờ mắc hen cần được đưa đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn và không bao giờ được tự ý ngưng thuốc ngay cả khi trẻ có vẻ đã tốt hơn.
Các dấu hiệu nhận biết chuẩn bị trẻ lên cơn hen là: ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm.
Trong trường hợp này, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông) theo hướng dẫn của bác sĩ. Cho trẻ nghỉ ngơi trong 1 giờ.
Trẻ bị hen cần được đưa đi cấp cứu trong trường hợp nào?
Thông thường việc điều trị hen cho trẻ thường được thực hiện tại nhà, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, khi trẻ liên tục có cơn hen cấp, gây khó thở nặng nề, nên cho trẻ đi cấp cứu.
Trường hợp trẻ đã dùng thuốc cắt cơn mà không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở, nói năng khó nhọc cũng cần sự hỗ trợ của bác sĩ càng sớm càng tốt
Dấu hiệu trẻ gặp nguy hiểm, cần cấp cứu ngay là trẻ phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, cánh mũi phập phồng, tím tái môi hay đầu ngón tay.
Cha mẹ, người chăm sóc cần chú ý những điều sau:
Luôn giữ các thông tin quan trọng để có thể tìm kiếm hỗ trợ cấp cứu.
Hãy gọi ngay cho người thân, bạn bè, hàng xóm để giúp đỡ nếu cần.
Gọi ngay lập tức đến bác sĩ, phòng khám hoặc bệnh viện để nhờ sự trợ giúp nếu cần.
Cần nhớ và thông báo với bác sĩ loại thuốc trẻ đang dùng và thời điểm dùng thuốc gần nhất.
Những điều các bệnh nhi bị hen không được làm
Không cho trẻ uống quá nhiều nước, chỉ được uống lượng nước vừa phải. Không để trẻ hít thở không khí ẩm ấm từ vòi tắm. Không được thở lại vào túi giấy vòng qua mũi. Không được tự ý cho con dùng thuốc cảm cúm mà không hỏi bác sĩ.