Hen suyễn là căn bệnh mạn tính, diễn biến âm thầm nhưng để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho người bệnh. Nhất là ở trẻ nhỏ, vì trẻ chưa ý thức được việc chăm sóc bản thân.
Khi được chẩn đoán hen, nhiều người băn khoăn bệnh hen suyễn có nguy hiểm không, cần làm gì để thoát khỏi căn bệnh dai dẳng này?
Đối với trẻ mắc hen, làm thế nào để giúp trẻ kiểm soát bệnh hen suyễn tốt và không để các cơn hen suyễn cấp xảy ra thường xuyên. Vì nếu cơn hen suyễn xảy ra nhiều, sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần cũng như việc học hành của trẻ.
Dưới đây là những điều cha mẹ cần nhớ để giúp trẻ hen suyễn tránh được yếu tố khởi phát, kiểm soát bệnh tốt hơn.
1. Để kiểm soát cơn hen cấp cần phải chú ý các điều sau đây
- Cần tránh những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen suyễn cấp, gia đình nên hạn chế các yếu tố nguy cơ bao gồm: Không nuôi các loại thú cưng có lông như chó, mèo, chim... trong nhà.
- Không cho thú cưng lên giường hoặc vào nơi trẻ ngủ, phòng ngủ hoặc nơi trẻ hay vui chơi. Hiện nay, nhiều gia đình nuôi thú cưng và xem thú cưng là người bạn thân thiết của trẻ, nhưng khi trẻ mắc bệnh hen thì việc gần gũi, tiếp xúc với thú cưng có thể sẽ là nguyên nhân gây khởi phát cơn hen suyễn.
Phụ huynh cần nhận biết tác nhân gây bệnh hen suyễn ở trẻ
Việc bỏ không nuôi thú cưng một cách đường đột sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ, thậm chí có thể gây stress cho trẻ. Vì vậy, gia đình cần lưu ý giải thích, tìm những giải pháp động viên tinh thần, khuyên bảo và từng bước một để trẻ có thể vui vẻ chấp nhận.
Ngoài ra, có nhiều trẻ rất thích chơi thú nhồi bông và thân thiết không rời một bước kể cả khi ngủ. Các bậc phụ huynh nên lưu ý chọn lựa loại ít gây kích ứng nhất và có thể giặt rửa thường xuyên.
- Khói thuốc lá, thuốc lào cũng ảnh hưởng đến việc kịch phát cơn hen, nên trong gia đình bố mẹ, người lớn không nên hút thuốc trong nhà và ở nơi gần trẻ.
- Trong nhà các đồ chơi, đồ đạc dễ bám bụi cần được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên giặt khăn trải giường rồi phơi khô ngoài nắng.
- Tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa, phấn rôm (talc), xịt tóc, xịt phòng, bình phun sơn, thuốc diệt côn trùng…
- Cơn hen suyễn có thể khởi phát do bụi, mạt… do vậy cần duy trì không khí sạch và trong lành. Cần vệ sinh nhà ở, mở rộng cửa sổ khi trời nóng ngột ngạt, khi có khói bếp hoặc trong phòng có mùi khó chịu.
- Đối với không khí bụi cần đóng cửa sổ nếu không khí bên ngoài nhiều khói xe, khói nhà máy, bụi phấn hoa.
- Khi thời tiết lạnh, chuyển mùa cần giữ ấm cho trẻ, tránh bế trẻ hoặc cho trẻ chơi ở nơi có gió lùa sẽ làm cho trẻ bị lạnh đột ngột.
- Đối với chế độ ăn của trẻ cần lưu ý tránh những loại thức ăn mà trẻ bị dị ứng, đặc biệt lưu ý sữa bò, đậu phộng, các loại thức ăn chứa chất bảo quản…
Cần tránh những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen suyễn cấp ở trẻ
- Một số trẻ có thể lên cơn hen suyễn cấp khi gắng sức, chính vì vậy nhiều bậc cha mẹ lo lắng quá mức thường không cho trẻ hoạt động thể thao, vui chơi... điều này không hẳn đúng.
Trên thực tế, nhiều vận động viên thể thao bị hen suyễn vẫn thi đấu và đạt được thành tích đáng kể. Do đó, cha mẹ hãy để trẻ phát triển như bao trẻ khác, cần lưu ý trước khi thể thao, luyện tập cần cho trẻ khởi động kỹ trước khi vận động và dùng các thuốc giãn phế quản dạng hít.
Với trẻ nhỏ nếu hạn chế các hoạt động vui chơi sẽ để lại nhiều hậu quả không tốt cho sự phát triển thể chất, đồng thời tâm sinh lý của trẻ cũng bị ảnh hưởng vì trẻ dễ tự ti mặc cảm vì bệnh.
Nếu cơn hen suyễn xảy ra nhiều, sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ
2. Cách xử trí đúng tại nhà khi trẻ có cơn hen suyễn cấp
Sau khi trẻ xuất hiện các triệu chứng gợi ý cơn suyễn như: Trẻ ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm… cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh.
- Ventolin MDI 100mcg xịt 2 lần nếu không dùng buồng đệm hoặc 4 - 6 lần nếu có buồng đệm.
- Hoặc phun khí dung với Ventolin: Trẻ < 5 tuổi: 2.5ml; trẻ > 5 tuổi: 5ml.
Trẻ cần được cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ theo dõi. Nếu chưa thấy tốt hơn có thể lặp lại sau 20 phút, nhưng chỉ tối đa 3 lần.
Nếu trẻ cải thiện nhiều, hết khó thở, hết khò khè tiếp tục duy trì xịt hay phun khí dung Ventolin mỗi 4 - 6 giờ trong 1 - 2 ngày. Và đừng quên phải cho trẻ đi tái khám trong vòng 24 - 48 giờ.
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng gợi ý cơn hen suyễn, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh
3. Khi nào trẻ cần được đưa đến bệnh viện?
- Trẻ không giảm triệu chứng còn thở nhanh, khó thở khi sử dụng thuốc giãn phế quản hoặc thuốc chỉ có tác dụng ngắn. Trẻ nói chuyện khó khăn, đứt đoạn từng từ.
- Trẻ phải ngồi thở, co kéo các cơ hô hấp phụ (giữa các xương sườn, vùng cổ, cánh mũi phập phồng).
- Trẻ lơ mơ, tím tái môi hay đầu ngón tay là dấu hiệu nguy kịch.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn