Trẻ mẫu giáo là nhóm thường bị tiêu chảy. Nhiều nghiên cứu đã xác định, vệ sinh kém là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy.
Trẻ mầm non là lứa tuổi có nguy cơ cao mắc tiêu chảy. Ảnh minh họa
Do đó, điều quan trọng là cần giáo dục cho trẻ em những hành vi lành mạnh để phòng ngừa tiêu chảy.
Yếu tố chính gây tiêu chảy
Việc giữ vệ sinh tốt có thể làm giảm nguy cơ tiêu chảy từ 36 - 48%. Thật không may, giáo dục sức khỏe thường được cung cấp cho các phụ huynh, nhưng còn hạn chế đối với trẻ em.
Việc áp dụng một khái niệm quan trọng về hành vi lành mạnh trong giai đoạn mầm non sẽ giúp phát triển tư duy trong tương lai để ngăn ngừa tiêu chảy. Giáo dục sức khỏe phòng chống tiêu chảy là điều cốt lõi để xác định hành vi sức khỏe của trẻ mẫu giáo.
Năm 2015, có khoảng 5,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được. Đông Nam Á là nơi ghi nhận số trẻ em tử vong cao thứ ba trên thế giới, sau châu Phi cận Sahara và Nam Á. Trong số các nước ASEAN, Indonesia đứng thứ tư về tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong. Nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới là viêm phổi (chiếm 18%) và tiêu chảy (15%).
Yếu tố chính gây ra bệnh tiêu chảy là ảnh hưởng của lối sống mất vệ sinh trong cộng đồng. Các nhà khoa học tại Brazl đã thực hiện nghiên cứu ở trẻ em mẫu giáo bị tiêu chảy. Họ phát hiện, yếu tố gây tiêu chảy là điều kiện môi trường và hành vi giữ vệ sinh của trẻ.
Hơn nữa, để giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy, một phương pháp hiệu quả là bảo đảm an toàn thực phẩm và giữ gìn vệ sinh cá nhân. Trong khi đó, một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Kariuki ở huyện Turkana (Kenya) phát hiện, các can thiệp vệ sinh có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 91,3% xuống 78,3%.
Một số hành vi có thể góp phần vào tỷ lệ cao mắc bệnh tiêu chảy, bao gồm: Rửa tay không sạch, ăn vặt không lành mạnh và thói quen cắn móng tay, mút tay. Những hành vi đó có thể góp phần làm nhiễm trùng đường ruột - một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy.
Tay cũng là con đường chính để vi trùng xâm nhập vào cơ thể. Bởi, tay là bộ phận cơ thể liên quan nhiều nhất đến miệng và mũi. Thói quen rửa tay với xà phòng có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy tới 50%.
Trẻ cần có chế độ ăn uống hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Ảnh minh họa.
5 yếu tố “then chốt”
Để tạo ra hành vi lành mạnh, trẻ cần được thấm nhuần sớm về quan điểm giữ vệ sinh. Việc gieo trồng quan niệm về hành vi lành mạnh ở lứa tuổi này sẽ giúp trẻ hình thành lối sống khoa học sau này.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Penalvo chỉ ra rằng, việc nâng cao sức khỏe cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi bằng cách lồng ghép các can thiệp vào chương trình giảng dạy ở trường học tại Tây Ban Nha đã có hiệu quả trong việc cải thiện hành vi lành mạnh.
Việc giáo dục hành vi lành mạnh cho trẻ trong giai đoạn đầu đời cần có chiến lược phù hợp. Vì vậy, điều cần thiết là hiểu rõ hành vi của người dân để có thể dạy cho trẻ em ở trường, biết đâu là mô hình giáo dục sức khỏe có thể áp dụng cho trẻ em, hiệu quả của mô hình giáo dục có thể cải thiện việc sử dụng các hành vi trong phòng chống tiêu chảy, các thành phần của mô hình đó phải được xem xét trong việc cung cấp giáo dục sức khỏe.
Trẻ em sẽ học được hành vi lành mạnh từ những gì chúng nhìn thấy, nghe và trải nghiệm. Đối với trẻ ở lứa tuổi này, phương pháp hiệu quả nhất là vui chơi. Đây là cách để trẻ hiểu, điều chỉnh và phát triển kinh nghiệm sống.
8 yếu tố về hành vi sống lành mạnh và sạch sẽ ở trường học có thể áp dụng cho các học sinh bao gồm: Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, ăn nhẹ trong căng tin trường học, sử dụng nhà vệ sinh sạch, diệt lăng quăng, tránh xa thuốc lá trong trường học, thường xuyên tập thể dục, kiểm tra cân nặng và chiều cao mỗi tháng, vứt rác đúng nơi quy định.
Trong đó, có 5 hành vi lành mạnh mà trẻ mẫu giáo cần thực hiện. Vi trùng và virus có thể tồn tại đến 2 giờ trên bề mặt da, bàn, tay nắm cửa, đồ chơi... Vì vậy, việc vệ sinh tay không đúng cách có thể gây ra các bệnh như tiêu chảy, ho, sổ mũi và sốt. Điều quan trọng là trẻ phải biết rửa tay sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn, sau khi chơi và đi vệ sinh.
Ngoài ra, trẻ cần tiêu thụ thực phẩm giàu dinh dưỡng. Cha mẹ nên cho trẻ ăn những thực phẩm cân bằng dinh dưỡng, bao gồm tinh bột (cơm, mì, bún), protein (thịt, cá, gà), cũng như chất xơ (rau và trái cây) mỗi ngày. Cha mẹ hãy khiến các hoạt động ăn uống trở thành thời gian vui vẻ với trẻ. Phụ huynh không nên ép trẻ ăn. Bởi, điều quan trọng nhất đối với trẻ không phải là số lượng thức ăn mà là chất lượng.
Cha mẹ cũng cần khuyến khích trẻ giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ. Một số hoạt động mà trẻ có thể thực hiện bao gồm: Bỏ rác đúng nơi quy định, để giày dép, dụng cụ ăn uống bẩn vào đúng chỗ, sử dụng giày dép riêng khi ra ngoài, che miệng khi ho và hắt hơi, tránh xa thuốc lá, khói bếp, khói đốt rác và khói xe cơ giới, thường xuyên lau chùi đồ chơi, đi đại tiện, tiểu tiện trong nhà vệ sinh.
Sử dụng nước và nhà tiêu sạch cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để phòng tiêu chảy. Khuyến khích trẻ sử dụng nước sạch để tắm, gội đầu, đánh răng ít nhất 2 lần / ngày, vệ sinh tai mỗi khi tắm, rửa chân sau mỗi lần đi chơi và trước khi ngủ.
Kim Dung
(Theo Intechopen)
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/cach-phong-ngua-benh-tieu-chay-o-tre-mau-giao-post609187.html