Chữa và phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ mà cha mẹ nên biết
Trẻ thường không chú ý khi vui chơi nên tay bẩn hay đưa lên dụi mắt. Đây cũng là một nguyên nhân bên cạnh dịch đau mắt gây nên bệnh đau mắt đỏ ở trẻ. Cha mẹ cần chú ý về cách phòng chống và chữa nhé!
Triệu chứng nhận biết bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
- Thông thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, mắt nhiều dử.
- Trẻ sẽ bị đau nhức, chảy nước mắt.
- Một số trường hợp viêm kết mạc có giả thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Trẻ thường có xu hướng mắc kèm theo một số triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.
- Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… lúc đó sẽ khó chữa.
Cách điều trị và đề phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Đau mắt đỏ là một bệnh rất dễ lây lan do lây qua đường hô hấp. Ngoài ra việc dùng chung khăn mặt cũng khiến việc bị lây đau mắt đỏ trở nên nhanh chóng. Bệnh dễ chữa nếu cha mẹ phát hiện sớm và điều trị cho bé đúng phương pháp, tuy nhiên, nếu bệnh phát hiện muộn và chữa trị sai, dễ để lại hậu quả khó lường như trẻ có thể mù mắt vĩnh viễn.
– Dùng nước muối khi trẻ mới bị bệnh đau mắt đỏ
Khi trẻ bị đau mắt đỏ, một hay hai ngày đầu, cha mẹ có thể nhỏ dung dịch nước muối đẳng trương (NaCl 0,9%) hoặc nước mắt nhân tạo, kháng viêm cho trẻ để giảm triệu chứng khó chịu, đồng thời giúp trẻ mau lành bệnh.
Nếu bước sang ngày thứ 3 không thuyên giảm thì phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ xử lý. Nếu quá muộn và lạm dụng các phương pháp tại nhà sẽ gây nên các biến chứng và ảnh hưởng đến thị lực của trẻ sau này.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid (dexa) để nhỏ cho trẻ. Hoặc không áp dụng các bài thuốc dân gian đắp lá lên mắt của trẻ vì dễ gây nhiễm trùng.
Cần cho trẻ dùng chai thuốc nhỏ mắt riêng, mọi người trong gia đình một chai riêng. Dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân riêng, rửa tay thường xuyên với xà phòng sát khuẩn để hạn chế lây bệnh cho người khác. Cần bảo vệ mắt cho bé bằng cách đeo kính râm.
Cần vệ sinh mắt thường xuyên bằng bông gạc, không đi bơi, hạn chế tiếp xúc với người lạ để bệnh không lây rộng.
– Các cách xử lý khi trẻ có dấu hiệu đau mắt đỏ
- Vệ sinh các đồ dùng cá nhân, ga giường, gối của trẻ
- Chuẩn bị 3 loại khăn lau mắt, lau tay, lau người dùng riêng
- Chăm sóc kỹ khi trẻ bị một bên mắt tránh bị lây sang mắt thứ 2
- Nếu bé đang đi học, ngay lập tức xin phép nghỉ học cho con để tránh lây nhiễm chéo. Tránh việc tiếp xúc với ánh nắng và bụi ngoài đường.
- Mua bông gòn và nước muối sinh lý để vệ sinh mắt cho trẻ
- Nên lấy gỉ mắt cho trẻ ngay lúc ướt, tránh để khô vì như thế khi lấy ghèn mắt sẽ gây đau
- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, mẹ cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Tăng cường cho trẻ uống nước cam, ăn sữa chua để tăng sức đề kháng.
- Hạn chế không có con xem tivi, ipad, iphone, điện thoại, máy tính, sách truyện…
- Tuyệt đối không chữa mẹo bằng lá trầu hay xông hơi…