Chứng ngạt tắc mũi là một hội chứng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ duới 1 tuổi. Hàng năm tại PKCK Viện Nhi chúng tôi tiếp đón khoảng trên 55.000 cháu tới khám chữa bệnh trong đó có khoảng từ 40-45% số cháu bị bệnh về đường hô hấp cấp tính mà một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh là hiện tượng chứng ngạt tắc mũi và chảy mũi.
Nguyên nhân
Tuy không phải là một bệnh nặng, nghiêm trọng nhưng chứng ngạt tắc mũi và chảy mũi lại thường lặp đi lặp lại nên ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của đứa trẻ, trẻ quấy khóc, ăn ngủ kém... khiến các bậc cha mẹ lo lắng.
Bình thường nếu trẻ thở được qua đường mũi, không khí sẽ được lọc sạch, sưởi ấm và tăng độ ẩm; bụi, vi trùng cũng như các dị vật nhỏ bị chặn lại ở tiền đình mũi, bởi lông mũi và niêm mạc mũi. Như vậy, khi không khí vào đến phổi nó đã được thanh lọc ở mức đáng kể.
Nếu trẻ không thở được bằng mũi do ngạt, tắc mũi, trẻ phải thở bằng miệng thì tất cả vi trùng, bụi bậm trong không khí... sẽ đi theo vào họng thanh, khí, phế quản. Hơn nữa, tắc mũi còn làm cho thông khí ở phổi kém do thở nông, dẫn đến thiếu oxy.
Thở bằng mũi có lợi hơn thở bằng miệng, vì những vi khuẩn bụi khí khi đi qua mũi sẽ bị chất nhày của mũi làm mất độc lực hoặc bị hủy diệt. Chất nhày của mũi còn có khả năng trung hòa tác hại của khói, chất hóa học... Sự tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần của mũi có thể dẫn đến một số bệnh của đường hô hấp như V.A, viêm họng, VTG cấp, viêm phế quản...
Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ do đặc điểm giải phẫu của hố mũi hẹp nên dễ bị ngạt, tắc mũi và rất nhanh chóng chuyển thành viêm mũi do chứng ngạt tắc mũi, viêm V.A (Végetation Adenoide) hay đi cùng viêm mũi.
Biểu hiện của bệnh
2 lỗ mũi trẻ bị tắc vì xung huyết, vì tiết nhày làm trẻ thở khó khăn phải thở bằng miệng, có tiếng khò khè khi thở. Trẻ khó bú, mỗi lần ngậm vú thì bị ngạt thở vì thế trẻ phải bỏ bú, quấy khóc, ngủ không yên giấc, ảnh hưởng toàn thân, gầy sút...
Có thể sốt 38-39oC, nhiều khi cao hơn nữa, có khi gây co giật.
Đôi lúc có thể nôn hoặc rối loạn tiêu hóa. Bệnh kéo dài vài ba ngày, sau đó nhiệt độ giảm, mũi bớt chảy.
Bệnh hay gây ra các biến chứng: VTG cấp, viêm phế quản... Nếu kéo dài có thể gây rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng.
Điều trị
- Việc cần thiết là làm thông 2 lỗ mũi. Mũi có thở thông thì sức đề kháng của niêm mạc mũi mới hồi phục và trẻ mới bú được (hút tiết nhày bằng quả bóng cao su có ống hút hiện nay loại này có bán rộng rãi ở nhiều cơ sở bán dụng cụ y tế.
- Nếu có máy hút dịch chuyên dụng của y tế là lý tưởng nhất, nhưng điều này chỉ thực hiện được ở cơ sở y tế.
- Ngoài ra, trong dân gian có nơi vẫn áp dụng phương pháp dùng miệng bà mẹ hút dịch mũi cho con, điều này áp dụng được nhưng với điều kiện bà mẹ không có bệnh về đường hô hấp và truyền nhiễm.
Nhỏ mũi bằng các loại thuốc thông thường sau:
- Efedrin 1%.
- Aogyrol 1%
- Otrivin 0,05%
Nếu có nhiều dịch tiết nhày có thể dùng Narivion 0,025%, Pivalon.
Nếu dịch tiết có nhày, đục là có bội nhiễm có thể dùng Pivalondomyxin nếu trẻ hơn 6 tháng tuổi.
(Tuyệt đối không dùng các loại thuốc nhỏ mũi mà thành phần có chất cacain hay menthol cho bé.
Kháng sinh chỉ nên dùng khi có chỉ dẫn của y bác sĩ sau khi đã khám và xác định có VA, VTG, VP quản...)
Phòng bệnh
- Không nên để người lạ bế bồng, hôn hít trẻ.
- Ở các vườn trẻ, mẫu giáo, khi có trẻ bị cảm mạo nên nhất loạt nhỏ mũi tất cả các cháu bằng 1 trong các loại thuốc trên ngày 2-3 lần.
- Trẻ bị chứng ngạt tắc mũi, nếu có điều kiện nên đến khám tại các cơ sở y tế để đề phòng các biến chứng.
Khuyến cáo
Để bảo vệ chức năng sinh lý của mũi, tuyệt đối các bà mẹ không nên tự ý nhỏ thuốc mũi cho con những thuốc có nồng độ hoặc thành phần không thích hợp như đã nói trên. Và tuyệt đối không tự pha lấy thuốc nhỏ mũi để dùng cho trẻ.
Cho trẻ đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa khi trẻ bị chứng ngạt tắc mũi vài ba ngày mà không thuyên giảm. Đó là cách để phòng biến chứng nặng một cách hiệu quả nhất.