Đứng cong người, ưỡn căng, đi nhón chân, cơ mông thít chặt, toát mồ hôi… cho thấy trẻ đang cố nhịn tiêu lâu ngày dễ gây táo bón.
Trẻ nhịn đại tiện là tình trạng khá phổ biến, xảy ra gần như ở mọi bé, tùy mức độ. Đặc biệt, những trẻ mầm non đang độ tuổi đi học rất dễ gặp phải tình trạng này vì mê chơi, lười xin phép cô đi ngoài...
Chị Hà Kim Hoa (Gò Vấp, TP HCM) đưa con đến Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome Hoàng Văn Thụ khám vì bệnh táo bón triền miên. Chị Hoa cho biết, mấy tháng nay rất lo lắng vì con gái chị hơn 3 tuổi, học mầm non, cứ 4, 5 ngày hay thậm chí cả tuần cháu mới đi đại tiện một lần.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha - Giám đốc Y khoa Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết, trẻ nhịn đi tiêu nhiều lần có thể dẫn đến táo bón. Khi đó, các dây thần kinh ở trực tràng có thể bị tổn hại, phản ứng kém đi. Nói cách khác, não có thể sẽ trở nên khó nhận biết khi nào ruột cần tống phân ra ngoài. Điều này có nghĩa là để cảm nhận được cảm giác muốn đi tiêu, phân phải tích nhiều hơn ở trực tràng để tạo đủ kích thích lên dây thần kinh
Nếu tình trạng táo bón kéo dài sẽ hình thành khối phân rắn (rất nhiều phân tích tụ và nén chặt tại đại tràng, trực tràng). Trẻ càng nhịn đi tiêu lâu thì phân tích tụ càng nhiều, trực tràng giãn căng, cảm giác đại tiện giảm dần, táo bón ngày càng trở nên trầm trọng. Nhiều lần nín nhịn, phân nằm lại trong ruột, trở nên khô và rắn hơn, gây đau đớn khi đi vệ sinh.
Táo bón không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh kéo dài có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, làm hạn chế sự phát triển của trẻ, nhất là phát triển chiều cao, cân nặng, trí não. Táo bón cũng ảnh hưởng đến trí thông minh của bé. Trục não - ruột có mối quan hệ mật thiết và được ví như bộ não thứ hai của con người. Trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh thì trí não mới hoạt động tốt và ngược lại.
Cha mẹ nên theo dõi những dấu hiệu nín đại tiện của trẻ để đưa trẻ đi khám.
Ảnh: Shutterstock
Tần suất đi đại tiện của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, lượng thức ăn... Tuy nhiên, ba mẹ có thể theo dõi số lần đi đại tiện mỗi ngày của con, nếu ở lứa tuổi đi học, mỗi tuần trẻ đi đại tiện dưới 2 lần thì có thể đang bị táo bón.
Các biểu hiện cho thấy bé đang nín nhịn đại tiện, dẫn đến táo bón bao gồm: Trẻ đứng cong người hoặc người cứng đơ, rướn căng; đứng - đi nhón chân, cơ mông thít chặt, cong người; đột nhiên ngồi xuống sàn hoặc ngồi chồm hổm; nhăn mặt hoặc thay đổi giọng nói; toát mồ hôi hoặc trở nên nhợt nhạt; không có khả năng chú ý tới người xung quanh; đột nhiên rùng mình, nổi da gà; đột nhiên ngừng mọi hoạt động; trốn vào một chỗ hoặc đi ra khỏi phòng...
Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể theo dõi xem trẻ có sợ đi vệ sinh vì phải rặn nhiều, đau hậu môn, mặt đỏ bừng, người vã mồ hôi, thậm chí khóc lóc, la hét. Khi đi cầu phân có khô cứng, vón cục như phân dê, thậm chí có lẫn máu tươi hoặc trẻ có bị đầy hơi, trướng bụng và bụng căng cứng không...
Theo bác sĩ An Pha, trẻ nhịn tiêu, bị táo bón kéo dài sẽ có nguy cơ mắc bệnh trĩ do phân ứ đọng dài ngày bên trong trực tràng, cản trở sự lưu thông, tuần hoàn máu. Tình trạng này kết hợp việc rặn quá sức khi đi đại tiện khiến tĩnh mạch hậu môn trực tràng căng giãn, từ đó hình thành các búi trĩ. Việc rặn mạnh có thể làm hậu môn bị nứt rách, đau rát. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, vị trí này có thể dễ dàng bị viêm nhiễm, áp xe hậu môn. Chất thải tích tụ lâu ngày sẽ tạo thành chất độc, gây hại cho hệ thần kinh khiến trẻ khó chịu, cáu kỉnh, chán ăn, mệt mỏi. Nếu không điều trị táo bón cho trẻ kịp thời, bé có thể bị giãn đại tràng, làm giảm cảm nhận của trực tràng và gây mất phản xạ buồn đi vệ sinh.
Cần duy trì cho trẻ chế độ dinh dưỡng khoa học và thói quen đi tiêu đều đặn.
Ảnh: Shutterstock
Để giải quyết tình trạng nín nhịn đi vệ sinh, táo bón kéo dài, ba mẹ nên kiên trì giải thích cho trẻ hiểu vì sao bé cần phải đi vệ sinh đều đặn. Phân là chất độc cần phải tống ra ngoài. Khi bé đến trường ba mẹ cần nhờ thầy cô phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện để bé đi đại tiện dễ dàng và thường xuyên mang tính định kỳ. Thầy cô có thể trò chuyện, giải thích để trẻ hiểu và vui khi "thải chất độc" ra ngoài.
Theo bác sĩ An Pha, ba mẹ cũng cần phải quan tâm hơn đến thực đơn dinh dưỡng của con với chế độ ăn nhiều rau, củ, trái cây, uống nhiều nước... Phụ huynh nên chọn thức ăn mềm, dễ nhai sau đó điều chỉnh độ đặc của thức ăn theo sự phát triển của bé, hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm quá đặc cứng, giàu chất đạm khó tiêu hóa. Để điều trị táo bón cho con, ba mẹ cần tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, tập cho con thói quen đi vệ sinh hàng ngày, tốt nhất là mỗi sáng thức dậy. Người lớn cần đưa trẻ đi khám sớm nếu bé bị táo bón lâu ngày kèm những dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, tiêu ra máu, sốt cao...
Ngoài ra, phụ huynh cần khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn bằng cách cho bé tham gia các trò chơi hoặc tập thể dục, thể thao. Thói quen vận động giúp cải thiện thể lực, tăng khả năng phát triển cho trẻ nhỏ mà còn giúp kích thích cơ bụng, cơ hậu môn vận động tốt hơn, giúp cải thiện tình trạng táo bón.
Minh Anh
Nguồn: https://vnexpress.net/dau-hieu-tre-nhin-tieu-gay-tao-bon-4496538.html