Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc cấp và các màng mắt. Đau mắt đỏ gây khó chịu cho người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ do hệ thống miễn dịch ở trẻ chưa hoàn thiện, nhạy cảm với thời tiết cũng như các yếu tố môi trường nên rất dễ mắc bệnh đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ khiến trẻ rất khó chịu
Mục lục
Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Cách điều trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ
Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Bệnh đau mắt đỏ là một loại bệnh dễ lây lan và có thể lan rộng thành dịch vào mùa xuân-hè, nhất là khi bạn tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Bệnh lây qua đường hô hấp, nước bọt hoặc các đồ dùng của người bệnh. Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ thường là do:
- Virus: khiến trẻ bị đau mắt đỏ kèm theo các dấu hiệu của bệnh cảm lạnh. Phổ biến là loại vi rút Andenol. Chỉ tính riêng loại vi rút Andenol cũng đã có nhiều tuýp khác nhau. Do đó, có thể năm nay người bệnh mắc phải một loại vi rút tuýp này nhưng năm sau có thể mắc phải vi rút tuýp khác.
- Vi khuẩn: mắt trẻ có một chất xám vàng, dày khiến cho mí mắt sưng lên hoặc dính lại với nhau. Một số vi khuẩn thường gây hiện tượng này là vi khuẩn staphylococcus, streptococcus hoặc hemophilus;
- Dị ứng: mắt trẻ có cảm giác bị đau và sưng lên như có nước bên trong và đỏ ngầu kèm theo các hiện tượng chảy nước mũi. Một số chất có thể gây dị ứng cho trẻ như bụi, phấn hoa, khói…
- Một số chất kích thích khác: mắt trẻ dễ bị kích ứng từ khói thuốc, lượng clo có trong nước của bể bơi…
Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Triệu chứng dễ thấy của đau mắt đỏ là mắt chảy ghèn vàng và đỏ mắt
Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ thường nặng khoảng 3 ngày đầu rồi sẽ giảm những ngày sau đó. Thời gian đầu khi bị bệnh trẻ chỉ đau một bên mắt, 2 đến 3 ngày sau thì sẽ đỏ mắt thứ 2. Thường có các triệu chứng sau:
- Đau rát mắt;
- Sưng mắt;
- Ngứa mắt;
- Mắt đỏ;
- Mắt chảy ghèn (thường có màu vàng hoặc xanh);
- Một số trường hợp có thể bị sốt nhẹ, viêm mũi họng hoặc sưng các hạch bạch huyết ở trước tai.
Cách điều trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Khi trẻ bị đau mắt 2- 3 ngày nên dùng nước muối (nồng độ 0,9%) để nhỏ, rửa mắt hoặc nước mắt nhân tạo, kháng viêm để làm giảm triệu chứng khó chịu cho trẻ.
- Nếu là đau mắt đỏ do virus thì sẽ đỡ sau 3 đến 5 ngày. Thông thường, loại đau mắt đỏ này không nhất thiết phải sử dụng thuốc, tuy nhiên, việc ngăn ngừa bệnh lây lan lại rất quan trọng. Điều trị bệnh tại nhà sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và bệnh sẽ từ từ khỏi.
- Nếu bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra, trẻ có thể đi học sau khi được điều trị 24 giờ với thuốc kháng sinh và các triệu chứng sau đó sẽ từ từ cải thiện. Việc điều trị kháng sinh theo toa thường nhanh chóng giết chết vi khuẩn gây ra bệnh; toa thuốc có thể bao gồm thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ bôi vùng quanh mắt.
- Đối với bệnh đau mắt đỏ liên quan đến dị ứng, thuốc kháng histamine như Loratadine (Claritin) hoặc Cetirizine (Zyrtec) có thể giúp làm dịu các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, bạn không được dùng thuốc kháng histamine cho trẻ em nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ
- Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
- Nếu quá 3 ngày mà mắt trẻ không đỡ thì bạn nên đưa trẻ đi tái khám
- Nên rửa mặt cho trẻ 3 lần/ngày bằng nước ấm, lau rửa mắt bằng thuốc nhỏ mắt hoặc nước muối sinh lý 2 lần một ngày bằng tăm bông
- Khi nhỏ thuốc cho trẻ bạn cần nên sửa tay thật sạch với nước ấm và xà phòng diệt khuẩn, cả trước và sau khi dùng thuốc nhỏ mắt.
- Cho trẻ nằm nghiêng rồi nhỏ thuốc vào mắt, sau đó lấy gạc y tế lau ghèn, sử dụng hai miếng gạc cho mỗi mắt và chỉ dùng một lần duy nhất để tránh lây từ mắt này sang mắt kia, lau từ khu vực trong (bên cạnh mũi) ra phía bên ngoài. Đồng thời sử dụng một bề mặt gạc cho mỗi lần lau để ghèn không bị sót lại trên mắt.
- Nên dùng khăn, gối và chậu rửa mặt riêng cho trẻ, giặt và rửa sạch chúng ngay sau khi dùng để không ai tiếp xúc hoặc sử dụng chúng.
- Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ.
- Cho bé uống nhiều nước để đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố.
- Tuyệt đối không được nhỏ thuốc có Corticoid cho trẻ.
- Đeo kính không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh.
- Bệnh nếu được chữa trị kịp thời sẽ không để lại biến chứng nhưng nếu tự ý dùng thuốc hay điều trị không dứt điểm sẽ bị viêm, loét giác mạc.
Không để trẻ dụi mắt ngay cả khi trẻ không bị đau mắt đỏ
Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
- Không để cho trẻ dụi mắt
- Không nên ôm ấp khi trẻ đang bị bệnh
- Không đến những nơi nhiều khói bụi
- Không nên đắp các loại lá như: lá trầu và lá dâu cho trẻ (không nên tự chữa theo cách dân gian vì dễ gây biến chứng dẫn đến mù vĩnh viễn)
- Trẻ bị bệnh nên cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi nhiều, không nên đi học vì có thể lây đến những bạn khác.
- Khi thời tiết chuyển mùa, hãy nhớ vệ sinh cơ thể sạch sẽ và không sử dụng chung đồ đạc cá nhân với người khác.
- Duy trì chế độ ăn uống hợp lý cho người đau mắt đỏ và tiếp nhận điều trị nghiêm túc.
Đau mắt đỏ không phải là bệnh nặng, không gây suy giảm thị lực, trẻ có thể tự khỏi trong thời gian 10-15 ngày. Đây là bệnh lành tính và dễ điều trị nhưng lại lây lan rất nhanh. Khi phát hiện trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc mà nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị.