Viêm tai xương chũm cấp tính thường xuất hiện sau viêm tai giữa, nguyên nhân là do viêm tai không được điều trị triệt để, có thể dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có viêm xương chũm. Nếu không được phát hiện sớm có thể có phản ứng màng não như mê sảng, co giật.
1. Viêm tai xương chũm ở trẻ em là gì?
Xương chũm là loại xương xốp, đây là một bộ phận cấu thành của tai giữa. Chứa nhiều thông bào trong đó có một thông bào lớn nhất, đây là nơi hòm tai thông với xương chũm. Chính vì cấu tạo như vậy, nếu trẻ bị viêm tai giữa không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, hoặc do sức đề kháng của cơ thể quá yếu trong trường hợp sau khi người mắc bệnh sởi, cúm, trẻ suy dinh dưỡng, độc tính của vi khuẩn quá mạnh có thể sẽ gây viêm xương chũm.
Viêm xương chũm là tình trạng tổn thương lan vào xương chũm ở xung quanh sào bào - tai giữa. Viêm xương chũm cấp tính là tình trạng viêm các thông bào xương chũm trong xương thái dương. Tình trạng này luôn kèm theo viêm tai giữa cấp tính và có thể là một bước tiến triển nặng hơn của một viêm tai giữa mạn tính.
Cấu trúc giải phẫu liên quan giữa tai giữa và xương chũm
2. Nguyên nhân viêm tai xương chũm cấp ở trẻ
Nguyên nhân viêm tai xương chũm ở trẻ thường do các loại vi trùng: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và Streptococci nhóm A (GAS). Ngoài ra, có thể còn do Pseudomonas Aeruginosa, vi khuẩn gram âm và kị khí. Các nghiên cứu cho thấy các yếu tố thuận lợi gây tình trạng viêm tai xương chũm ở trẻ là viêm tai giữa cấp ứ mủ không được điều trị đúng, kịp thời hoặc quá trình điều trị muộn, chích nhĩ tháo mủ quá muộn. Các yếu tố như: Lỗ thủng màng nhĩ nhỏ hoặc bị bít tắc không dẫn lưu được mủ. Hoặc trẻ mắc bệnh nhiễm trùng nặng làm mất sức đề kháng như sởi, cúm… Thể trạng suy yếu, người có suy giảm miễn dịch nhất là những trẻ em ốm yếu, suy dinh dưỡng… cũng có thể là yếu tố gây viêm tai xương chũm.
3. Dấu hiệu nhận biết viêm tai xương chũm cấp ở trẻ
Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà viêm tai xương chũm ở trẻ có các biểu hiện khác nhau. Các biểu hiện của bệnh thay đổi theo tuổi và giai đoạn bệnh. Tuy nhiên, có thể có các biểu hiện như:
- Trẻ sốt, có thể sốt cao hoặc không cao
- Trẻ ăn kém, mệt mỏi, bứt rứt hoặc quấy khóc.
- Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện chảy mủ tai; nghe kém; đau tai, sưng nề, viêm tấy đỏ sau tai, đẩy vành tai ra trước, có dấu phập phều sau tai. Khi khám các bác sĩ sẽ thấy màng nhĩ viêm đỏ, phồng, có hình ảnh vú bò.
Viêm xương chũm cấp được chẩn đoán dựa trên khám lâm sàng, xét nghiệm.
4. Chẩn đoán viêm tai xương chũm cấp ở trẻ
Sau khi khám lâm sàng các bác sĩ soi tai sẽ thấy tình trạng viêm tai giữa. Chụp X-quang cho thấy vách thông bào dày không rõ, có chỗ thành những hốc rỗng do mất vách ngăn giữa các thông bào. Chụp CT scan xương thái dương cho thấy hình ảnh đọng dịch và mất các thông bào. Xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu/máu tăng do tình trạng nhiễm trùng, tăng tỉ lệ trung tính.
Các chẩn đoán trên sẽ giúp các bác sĩ phân biệt viêm tai xương chũm ở trẻ với các bệnh như: Viêm tai cấp tính có mủ, viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm, viêm hạch sau tai…
5. Viêm tai xương chũm ở trẻ có nguy hiểm không?
Viêm tai xương chũm cấp tính thường xuất hiện sau viêm tai giữa, nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển thành viêm tai xương chũm mạn tính, khi đó chảy mủ tai thối kéo dài trên 3 tháng. Sức nghe bên tai bệnh giảm, tuy nhiên mức độ giảm khả năng nghe như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ bệnh.
Như vậy, có thể nói viêm tai xương chũm dù cấp tính hay mạn tính đều có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm các xương xung quanh hộp sọ, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch trong sọ, liệt dây thần kinh vận động cơ mặt làm méo mặt, áp-xe cổ hay áp-xe quanh họng rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân gây tử vong tại khoa cấp cứu tai mũi họng.
Để phòng viêm tai xương chũm ở trẻ thì việc phát hiện sớm, điều trị đúng viêm tai giữa là vô cùng quan trọng.
6. Điều trị viêm tai xương chũm cấp ở trẻ
Khi phát hiện trẻ viêm tai xương chũm cấp thì việc điều trị tại cơ sở y tế là chỉ định sử dụng kháng sinh phổ rộng, liều cao ngay từ đầu, kháng viêm, giảm đau. Chỉ định phẫu thuật khi túi mủ đã hình thành, hoặc bệnh tích xương đã nặng (mất vách ngăn tế bào), khi các triệu chứng toàn thân và chức năng kéo dài: Sốt, mệt nhọc, mất ngủ, đau đầu, điếc...
Nhìn chung viêm xương chũm cấp tính được điều trị nội khoa kịp thời hay mổ đúng lúc thì tiên lượng tốt. Nếu được mổ đúng quy cách, thính lực sẽ không giảm hoặc có giảm rất ít không đáng kể.
Nếu không được điều trị, chảy mủ tai kéo dài và thính lực sẽ giảm nhiều. Trong trường hợp có viêm mê nhĩ, tai thường bị điếc đặc. Trường hợp không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng, có thể tử vong.
Tóm lại: Để phòng viêm tai xương chũm ở trẻ thì việc phát hiện sớm, điều trị đúng viêm tai giữa là vô cùng quan trọng. Việc điều trị phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ cần lưu ý vệ sinh mũi họng đúng cách giúp phòng ngừa không bị viêm hô hấp trên, amidan, VA vì các bệnh viêm nhiễm tai mũi họng rất dễ lan sang tai. Việc dùng thuốc khi điều trị cần tuân thủ chỉ định các bác sĩ, không được tự ý thay đổi, dừng thuốc để giúp trẻ được điều trị triệt để. Khi có biểu hiện bất thường cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn