Dạy trẻ chăm sóc răng miệng là một trong những việc các bậc cha mẹ không nên lơ là. Vì sức khỏe răng miệng của trẻ cũng là một phần quan trọng trong quá trình phát triển thể chất. Nó còn có thể ảnh hưởng đến diện mạo cũng như sự tự tin của trẻ sau này. Tuy nhiên trên thực tế, đây là vấn đề không phải bậc phụ huynh nào dành cũng quan tâm đúng mức. Chúng ta hãy tìm hiểu cụ thể về vai trò của việc dạy trẻ trong lĩnh vực này và cách thực hiện nào hiệu quả nhé.
Dạy trẻ chăm sóc răng miệng là một trong những việc các bậc cha mẹ không nên lơ là. Ảnh Raising Children
1. Tâm lý của cha mẹ về việc trẻ bị sâu hoặc sún răng sớm
Hiện nay, tình trạng trẻ bị sâu răng hoặc sún răng sớm khá phổ biến. Trẻ có thể bị sâu răng từ khi 2 tuổi. Phần lớn trẻ 5 tuổi đã bị sún một hoặc nhiều răng.
Rất nhiều cha mẹ cho rằng việc trẻ bị mất răng sữa sớm là không quan trọng. Vì những chiếc răng này đằng nào chẳng rụng đi. Điều này hoàn toàn không đúng. Khi răng sữa của trẻ bị sâu, chúng sẽ ảnh hưởng xấu đến chức năng nhai, sự phát triển của xương hàm và sự định hình của răng vĩnh viễn. Nguy hiểm hơn, chúng còn có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng trong tương lai.
Chính vì vậy, bạn nên chú ý về vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay từ nhỏ. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện sức khỏe răng miệng của con sau này.
Dạy trẻ chăm sóc răng miệng là việc cần thiết các cha mẹ không nên lơ là. Ảnh: Loftin Dental
2. Tầm quan trọng của việc dạy trẻ chăm sóc răng miệng ngay từ nhỏ
Chúng ta đều biết rằng các bé bắt đầu mọc răng khi được 4 – 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nền tảng xây dựng nên những chiếc răng chắc khỏe được hình thành từ rất lâu trước đó, tận lúc mẹ mang thai. Việc bạn giúp và dạy bé chăm sóc răng miệng để có sức khỏe răng miệng tốt có vai trò:
- Giúp bé duy trì hàm răng khỏe mạnh.
- Giúp trẻ ăn uống ngon miệng hơn vì không bị sâu và mất răng sớm, ảnh hưởng đến chức năng nhai.
- Giúp răng vĩnh viễn của trẻ được định hình và phát triển đúng vị trí, không bị lệch lạc.
- Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn vì không bị tình trạng khuyết răng ảnh hưởng đến khả năng phát âm ở giai đoạn khởi đầu, nền tảng.
Sức khỏe răng miệng tốt có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ. Ảnh: Long Island Weekly
3. Dạy trẻ chăm sóc răng miệng
Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ nên bắt đầu ngay từ trước khi trẻ mọc răng sữa. Vì lúc này, bạn chưa thể trông thấy không có nghĩa là chúng không có ở đó. Vì các mầm răng của trẻ đã hình thành từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Khi sinh ra, trẻ đã có 20 chiếc mầm răng được phân bố đều trong hai hàm.
Chính vì thế, bạn hãy lưu ý việc giúp và dạy trẻ chăm sóc răng miệng từ sớm. Bạn cần vừa dạy trẻ vừa hỗ trợ để để việc vệ sinh và chăm sóc răng miệng được thực hiện tốt hơn. Cụ thể như:
3.1. Những việc cụ thể trong việc bạn dạy trẻ chăm sóc răng miệng
Bạn nên dạy trẻ chăm sóc răng miệng từ sớm, bao gồm:
- Cho trẻ tiếp xúc với bàn chải phù hợp với độ tuổi ngay từ khi con bắt đầu mọc răng. Sau đó bạn kiên nhẫn dạy con chải răng đúng cách sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
- Dạy trẻ sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để làm sạch khoang miệng.
- Dạy trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh , tránh hoặc hạn chế đồ ngọt, nước trái cây chế biến sẵn, kẹo (đặc biệt các loại kẻo dẻo). Nếu trẻ rất yêu thích những loại thực phẩm này, bạn hãy dạy trẻ thói quen súc miệng hoặc chải răng sau mỗi lần ăn, kể cả sau khi uống các loại thuốc dạng siro ngọt.
Bạn nên dạy trẻ chăm sóc răng miệng ngay từ sớm. Ảnh: Little Critter Pediatric Dentistry
3.2. Những việc bạn cần hỗ trợ khi dạy trẻ chăm sóc răng miệng
Bên cạnh việc dạy trẻ, bạn cũng cần hỗ trợ về vấn đề chăm sóc răng miệng cho con. Cụ thể như:
- Khi bé chưa mọc răng, bạn hãy dùng khăn sạch để lau lợi cho bé để loại bỏ vi khuẩn có hại.
- Khi bé bắt đầu mọc răng, hãy chải răng cho bé bằng bàn chải mềm và kem dành cho trẻ sơ sinh.
- Khi răng bé đã mọc liền nhau, bạn có thể dùng chỉ nha khoa để vệ sinh kẽ răng cho con.
- Khi được hai tuổi, trẻ bắt đầu học cách nhổ ra khi đánh răng. Lúc này, bạn nên tránh cho trẻ uống nước để súc miệng và nhổ ra ngoài. Vì việc này có thể khiến trẻ dễ dàng nuốt kem đánh răng hơn.
- Bạn chỉ nên lấy cho trẻ một lượng kem đánh răng rất nhỏ mỗi lần bé đánh răng . Lượng kem khoảng bằng hạt gạo là thích hợp cho trẻ dưới 3 tuổi, và bằng hạt đậu cho trẻ trên 3 tuổi.
- Một số trẻ có thể không đủ sự tập trung để vệ sinh răng miệng đúng cách cho đến khi được 6 – 8 tuổi. Vì vậy, bạn nên quan sát để hỗ trợ trẻ nếu cần thiết.
- Đưa trẻ đi kiểm tra răng định kỳ để phát hiện kịp thời các vấn đề về răng miệng nếu có. Đồng thời đảm bảo quá trình phát triển răng của con diễn ra bình thường.
Bạn nên chăm sóc răng miệng cho bé ngay từ sớm. Ảnh Internet
3.3. Dạy trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách
Dạy trẻ vệ sinh răng miệng không chỉ đơn giản là kĩ thuật chải răng. Nó còn bao gồm làm sạch lưỡi, dùng chỉ nha khoa và súc miệng khi cần thiết.
- Dạy trẻ chải răng : bạn hướng dẫn trẻ cầm bàn chải nghiêng 45 độ so với nướu và di chuyển bàn chải lên xuống để chải sạch răng một cách nhẹ nhàng cả mặt trong và ngoài.
- Dạy trẻ làm sạch lưỡi : bạn hướng dẫn trẻ dùng dụng cụ vệ sinh lưỡi để làm sạch lưỡi nhẹ nhàng.
- Dạy trẻ dùng chỉ nha khoa : bạn hướng dẫn trẻ dùng chỉ nha khoa để thường xuyên làm sạch kẽ răng. Chỉ sẽ được quấn vào hai ngón tay trỏ hoặc giữa và chừa lại một đoạn khoảng 2 – 2.5 cm để đưa vào kẽ răng và làm sạch thức ăn thừa.
Bạn hãy hướng dẫn, quan sát và hỗ trợ để giúp trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách. Ảnh: Royal Examiner
4. Khi nào bạn nên đưa trẻ đến gặp nha sĩ
Các chuyên gia khuyên chúng ta nên đưa trẻ đến gặp nha sĩ lần đầu tiên khi được 1 tuổi. Bạn hãy xem xét hẹn gặp nha sĩ nhi vì họ được đào tạo để chuyên “đối phó” với các bệnh nhân nhí.
Tại buổi hẹn này, bạn sẽ được hướng dẫn các kĩ thuật chăm sóc răng miệng cho trẻ . Trẻ cũng được kiểm tra răng miệng để đảm bảo sự phát triển răng diễn ra bình thường. Đồng thời phát hiện kịp thời các vấn đề về răng miệng nếu có và can thiệp kịp thời.
Trẻ nên được đưa đến nha sĩ khi được khoảng 1 tuổi. Ảnh: Harriman Family Dental
Dạy trẻ chăm sóc răng miệng là một việc vô cùng cần thiết mà bạn nên thực hiện từ sớm. Trẻ càng nhận thức sớm được về sức khỏe răng miệng thì sẽ càng có ý thức chủ động hơn về vấn đề này. Một hàm răng khỏe mạnh, được chăm sóc đúng cách ngay từ đầu sẽ phát triển tốt và hạn chế được các nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai hơn.
Theo Kid's Health
Lily Nguyễn lược dịch