Từ trước đến nay, bệnh quai bị luôn là bệnh phổ biến ở nước ta. Mình còn nhớ hồi nhỏ mình cũng từng bị quai bị rồi, lúc đó bạn bè hầu như đều bị bệnh quai bị cả. Cho đến nay, loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị, khi bị bệnh người bệnh phải kiêng cữ rất nhiều, phải rất cẩn thận vì nếu biến chứng sẽ để lại các di chứng nặng nề cho người bị bệnh quai bị, dù là đối với nam hay với nữ. Do đó, vẫn theo nguyên tắc phòng hơn chữa, các bậc phụ huynh vẫn luôn đề cao việc phòng bệnh quai bị cho con em mình, nếu thực hiện việc phòng bệnh tốt sẽ giúp giảm bớt đi khả năng mắc bệnh và biến chứng của bệnh quai bị. Sau đây mình sẽ đưa ra một số thông tin về loại bệnh này cho mọi người tham khảo nhé.
trẻ bị bệnh quai bị
Mục lục
Nguyên nhân, thời gian xuất hiện của bệnh quai bị
Bệnh quai bị là bệnh rất nguy hiểm
Dấu hiệu và biến chứng của bệnh quai bị
Cách phòng bệnh quai bị
Cách chữa trị bệnh quai bị ở trẻ em:
Nguyên nhân, thời gian xuất hiện của bệnh quai bị
Bệnh quai bị do virút Paramyxovirus (vi rút trng tuyến nước bọt) gây nên. Đây là loại bệnh chỉ xuất hiện ở con người mà thôi, đối tượng dễ bị bệnh quai bị là trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 6 đến 10 tuổi là dễ mắc bệnh này nhất.
Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân, lúc này thời tiết bắt đầu chuyển sang lạnh. Bệnh này sẽ xuất hiện ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, khu tập thể… Con đường lây lan của bệnh này là qua đường hô hấp, khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi kèm theo nước bọt bị nhiễm bệnh ra bên ngoài, người khác tiếp xúc với nước bọt nhiễm bệnh này thì sẽ bị lây bệnh quai bị. Bệnh quai bị có thể lây cho người tiếp xúc với nước bọt nhiễm bệnh một tuần trước khi tuyến mang tai chưa sưng và kéo dài đến tận 2 tuần sau khi tuyến mang tai bị sưng.
Thời gian lây bệnh cho người khác mạnh nhất là khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai. Do đó, chúng ta thường không thể biết được người mình tiếp xúc có mang vi rút nhiễm bệnh trong người hay không để tránh tiếp xúc. Trong cuộc sống chúng ta phải tiếp xúc, phải nói chuyện, trao đổ với người khác. Đồng thời khi đi ngoài đường người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi chúng ta cũng khó tránh được virut nhiễm bệnh trong nước bọt của người bệnh. Nên đây là loại bệnh rất dễ lây nhiễm.
Bệnh quai bị là bệnh rất nguy hiểm
Nếu bị mắc bệnh quai bị trong thời kỳ mang thai thì có thể là mối nguy hiểm cho mẹ bầu, mẹ bầu có thể bị xảy thai, tỉ lệ bị xảy thai cao hơn trong 12 đến 16 tuần đầu. Nên các mẹ bầu cần chú ý bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi nhé.
Trẻ em nam mắc bệnh quai bị nếu không điều trị đúng cách dễ gặp phải biến chứng dẫn đến vô sinh, còn với trẻ em nữ thì ít gây ra hiện tượng vô sinh.
Bệnh quai bị còn để lại những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như: viêm não, viêm màng não, viêm tụy cấp,….
Dấu hiệu và biến chứng của bệnh quai bị
quai bị ở trẻ em
- Bệnh quai bị có thời gian ủ bệnh rất lâu trước khi biểu hiện ra bên ngoài, thời gian ủ bệnh từ 15 đến 21 ngày, virút bệnh sẽ phát triển ở niêm mạc miệng trước rồi sau đó mới xâm nhập vào máu gây nên tình trạng viêm các cơ quan khác.
- Dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh quai bị là viêm tuyến mang tai, kèm theo đó là trẻ sốt từ 38 đến 39 độ C. Trẻ sẽ cảm thấy các triệu chứng khác như: nhức đầu, mệt mỏi, ăn uống không ngon, ngủ ít; bị viêm và sưng tuyến mang tai, da của người bệnh sẽ bị căng phồng lên, nhưng da không đỏ, không đau, miệng sẽ bị khô và cảm thấy khó nuốt thức ăn.
- Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị viêm cả tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi. Người lớn mà bị mắc bệnh quai bị thì thường mức độ sẽ nặng và có nhiều biến chứng hơn khi trẻ em mắc bệnh.
- Đối với nam giới nếu mắc phải bệnh quai bị có thể có các biến chứng như viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, sau đợt viêm tuyến mang tai thì tinh hoàn có hiện tượng sưng to và đau, mào tinh bị căng phù, tình trạng viêm và sốt có thể kéo dài. Có một số trường hợp dẫn đến teo tinh hoàn và có thể dẫn đến vô sinh;
- Đối với bé gái bị bệnh quai bị có thể bị biến chứng viêm buồng trứng, tuy nhiên, bệnh này ít để lại di chứng vô sinh ở bé gái;
- Bệnh quai bị có biến chứng viêm tụy, đây là một biểu hiện nặng của quai bị, bệnh nhân bị đau bụng nhiều, nôn, có khi bị tụt huyết áp.
- Một số biến chứng khác có thể gặp như: người bệnh bị tổn thương thần kinh, bị viêm cơ tim, bị viêm tuyến giáp, bị viêm tuyến lệ, bị viêm thần kinh thị giác, bị viêm phế quản, bị rối loạn chức năng gan,…
Cách phòng bệnh quai bị
Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị cho bé
- Để việc phòng bệnh quai bị hiệu quả hơn thì phụ huynh nên cố gắng đưa con em mình đi tiêm đủ hai liều vắc-xin MMR cho trẻ. Đây là loại vắc-xin tiêm chủng hỗn hợp phòng 3 loại bệnh: sởi-quai bị-rubella. Cơ thể của trẻ miễn dịch với quai bị nếu trước đây bé đã từng mắc bệnh này, hoặc khi đã tiêm chủng bằng vắc-xin MMR. Tuy nhiên, nếu chỉ một liều vắc-xin MMR không thể bảo vệ chúng ta an toàn trong đợt bùng phát bệnh được, mà ai ai cũng cần phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin này thì mới đạt hiệu quả nhất.
- Chú ý là: Vắcxin phòng bệnh quai bị không nên tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, tuy nhiên nếu trẻ sống trong môi trường chứa dịch bệnh hoặc có nguy cơ cao của dịch bệnh lây lan thì có thể tiêm ngừa từ 9 tháng tuổi; không tiêm vắc xin này cho phụ nữ mang thai, người bị dị ứng với thành phần của loại vắcxin này, người đang dùng các loại thuốc gây giảm miễn dịch như corticoid, thuốc điều trị ung thư,…
- Vắcxin phòng bệnh quai bị được tiêm cho trẻ từ đủ 12 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mũi thứ hai tiêm khi trẻ được 4 tuổi. Trường hợp cần thiết phải tiêm vắc xin cho trẻ lúc 9 tháng tuổi thì phải tiêm 3 lần, lần thứ nhất lúc 9 tháng, lần thứ 2 cách sáu tháng và lần thứ 3 tiêm khi trẻ được 4 tuổi.
- Các mẹ cần biết là không phải cứ tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị là sẽ phòng được bệnh 100%. Theo nghiên cứu thì việc tiêm vắc xin chỉ có thể phòng bệnh được khoảng 80% nên sau khi chích ngừa chúng ta cần tự giác phòng bệnh cho mình và người thân nhé.
- Khi bị bệnh quai bị, người bệnh phải được cách ly tại nhà. Người không bị bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Người bệnh bị các ly trong khoảng 10 ngày kể từ khi bắt đầu bị sưng tuyến mang tai.
- Khi chúng ta thấy có dấu hiệu của bệnh thì cần đến khám tại bệnh viện ngay, càng sơm càng tốt.
Cách chữa trị bệnh quai bị ở trẻ em:
Chữa bệnh quai bị
- Khi trẻ bị sốt, cha mẹ dùng khăn ấm lau qua người cho bé để hạ thân nhiệt. Tuyệt đối không được tắm nước lạnh trong khi bị bệnh. Đối với bên má bị đau các mẹ có thể dùng khăn ấm để đắp vào.
- Các mẹ nên cho trẻ ăn những món dễ nuốt như cháo, súp, món ăn nhiều nước… để tránh khi ăn trẻ va chạm vào những vết sưng. Nếu trẻ cảm thấy quá đau không thể nhai được các mẹ có thể cho trẻ ăn bằng ống hút.
- Các mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước để hạ nhiệt độ của trẻ. Khi trẻ bị bệnh, để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho bé thì các mẹ cần bổ sung thêm sữa, nước ép hoa quả…. để bù lượng nước đã mất trong cơ thể của bé. Các mẹ cũng có thể dùng nước muối sinh lý để trẻ súc miệng để tránh tình trạng bị khô miệng.
- Với những trẻ đang bị bệnh quai bị thì phụ huynh tuyệt đối không được cho trẻ đùa nghịch, chạy nhảy vì việc này rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn ở trẻ em nam.
- Phụ huynh cần phải thường xuyên theo dõi biểu hiện của bệnh quai bị ở con em mình. Khi thấy trẻ có những biểu hiện như choáng váng, nôn thì cần cho trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
Tóm lại, bệnh quai bị rất nguy hiểm cho con người, đặc biệt là trẻ em. Nếu không điều trị cẩn thận và kiêng cữ đúng cách người bị bệnh rất dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả nặng nề. Nhất là đối với nam giới hậu quả nặng nề nhất của biến chứng bệnh này là gây vô sinh. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của mình và con em chúng ta,các bậc cha mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về căn bệnh này để phòng tránh, điều trị đúng cách khi bị bệnh. Các mẹ hãy chia sẻ bài viết cho nhiều người đọc được nhé.