Ngày 1/6, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần, TP ghi nhận 16 ca mắc ho gà, tăng 14 ca so với tuần trước. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 98 ca mắc ho gà tại 25 quận, huyện, thị xã.
Giảm số ca mắc sốt xuất huyết, gia tăng ca mắc ho gà
Theo đó, từ ngày 24/5 đến 31/5, toàn TP ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết, 72 ca mắc tay chân miệng, số mắc giảm so với tuần trước đó.
Đáng chú ý, trong tuần ghi nhận 16 ca mắc ho gà, tăng 14 ca so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 14 quận, huyện gồm: Hoài Đức, Hoàng Mai, Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Xuân, Ứng Hòa.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 98 ca mắc tại 25 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.
CDC Hà Nội nhận định, thời tiết hiện nay tạo điều kiện thuật lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết; kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc, xử lý ổ dịch nhanh chóng, không để phát sinh ổ dịch trong trường học tư thục, các nhóm trẻ nhận trông trẻ trong dịp Hè.
Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục giám sát vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn TP; tăng cường kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhằm phát hiện sớm ca mắc/nghi mắc để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà
Liên quan đến bệnh ho gà, CDC Hà Nội đánh giá, các ca mắc ho gà ghi nhận từ đầu năm đến nay đều là ca bệnh tản phát, không phát sinh ổ dịch; thời gian tới tiếp tục xuất hiện rải rác ca bệnh, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và có thể có cả người lớn khi chưa có miễn dịch phòng bệnh. Do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức, nhất là ở trẻ sơ sinh bởi sức đề kháng còn yếu chưa đủ để chống lại bệnh. Bệnh thường gây ra tình trạng thiếu ôxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu ôxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Thiếu niên và người lớn cũng có thể bị biến chứng do bệnh ho gà. Biến chứng thường ít nghiêm trọng hơn ở những lứa tuổi này, đặc biệt với những người đã được tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Biến chứng ở thiếu niên và người lớn thường gây ra bởi bản thân các cơn ho.
Điều dưỡng trưởng Đỗ Thị Thuý Hậu –Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh ho gà có các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, xẹp phổi, suy hô hấp; viêm não khiến trẻ co giật: Biến chứng cơ học như lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng, trường hợp nặng có thể vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc màng phổi.
Ngoài ra còn có các biến chứng khác như xuất huyết, kết mạc mắt, bầm tím dưới mí mắt và nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có các triệu chứng: cơn ho kéo dài, trong các cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, ăn kém, nôn trở nhiều, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở.
Theo thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hậu, trẻ bị bệnh ho gà nếu có các cơn ho ít, thời gian ho ngắn, trong cơn ho không tím mắt có thể chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý cách ly trẻ bị bệnh với trẻ lành để tránh lây nhiễm, cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh kích thích; đảm bảo môi trường sống tránh khói thuốc lá, bụi, hóa chât; vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; tiếp tục cho bú mẹ, trẻ lớn ăn lỏng dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa; cho trẻ uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Về cách phòng bệnh ho gà, chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng bệnh ho gà đầy đủ và đúng lịch; rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; vệ sinh thân thể, mũi họng hàng ngày; đảm bảo nhà ở, lớp học thông thoáng, sạch sẽ. Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế và cách ly với những trẻ khác.
(Báo Kinh tế&đô thị)
Cùng nội dung thông tin:
Báo Lao động: https://laodong.vn/suc-khoe/ha-noi-tang-vot-so-ca-mac-ho-ga-Báo Tin tức: so-voi-nam-2023
Báo Tin tức: https://baotintuc.vn/y-te/ha-noi-lai-tang-so-ca-mac-ho-ga 20240601164807825.htm
Hà Nội: Đồng loạt cho trẻ 6-35 tháng tuổi uống vitamin A
Sáng 1-6, Hà Nội đồng loạt triển khai cho trẻ 6-35 tháng tuổi uống vitamin A trong chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng” năm 2024, tại 1.665 điểm trên toàn thành phố.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, ngay từ sáng sớm nay, nhiều phụ huynh đã đưa con đến các trạm y tế, điểm uống vitamin A.
Tại Nhà văn hóa khu dân cư Trường Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên), các bàn đón tiếp uống vitamin được bố trí hợp lý, tạo thuận tiện cho người dân. Bà Giáp Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng cho biết: Phường bố trí 3 điểm uống vitamin A, trong đó có 2 điểm chính diễn ra trong 2 ngày 1 và 2-6 và 1 điểm uống vét vào ngày 3 và 4-6, tại Trạm Y tế phường.
Theo số liệu điều tra, trên địa phường Việt Hưng có hơn 1.000 trẻ 6-35 tháng tuổi được uống vitamin A và 1.700 trẻ trong độ tuổi cần được cân, đo để đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
“Trước khi triển khai chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng”, chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình có con trong độ tuổi được uống vitamin A nhận thức được tầm quan trọng của việc bổ sung vitamin A để đưa trẻ đi uống và cân, đo dinh dưỡng đầy đủ. Từ đó, kịp thời phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi để có hướng dẫn can thiệp”, bà Nhàn nói.
Đưa con gái hơn 24 tháng tuổi đi uống vitamin A, chị Hoàng Thị Ngọc Diệp (ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) cho biết: “Tôi đưa con đi uống từ sớm. Địa điểm uống vitamin A được bố trí thông thoáng, sạch sẽ, nhân viên y tế cũng hướng dẫn người dân rất tận tình”.
Tại phường Xuân La (quận Tây Hồ), Trạm Y tế đã sắp xếp điểm uống, cân đo theo hướng 1 chiều, phân bổ số trẻ hợp lý; đồng thời bố trí khu vực rửa tay để nhân viên y tế, người đưa trẻ đến uống sử dụng để phòng lây nhiễm dịch bệnh.
Đại diện Trạm Y tế phường Xuân La cho biết, phường tổ chức 4 điểm uống vitamin A và cân đo cho trẻ. Dịp này, có hơn 1.600 trẻ từ 6-35 tháng tuổi được uống vitamin A và hơn 2.000 trẻ được cân, đo để đánh giá thể trạng.
Kiểm tra tại địa bàn Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Trì trong sáng 1-6, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng chiến dịch bổ sung vitamin A tại các điểm uống.
“Trong những ngày tiếp theo triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ, các điểm uống, cân đo cần tiếp tục duy trì vệ sinh sạch sẽ, bố trí đủ nước uống, quạt mát, chỗ ngồi thông thoáng cho trẻ và phụ huynh... Đặc biệt, phân bổ số trẻ hợp lý, cho trẻ uống theo giờ, tránh ùn tắc, quá tải”, ông Nguyễn Đình Hưng lưu ý.
Cùng với chiến dịch bổ sung vitamin A, từ ngày 1 đến 7-6, thành phố cũng triển khai chiến dịch cân đo để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thiếu cân (cân nặng/tuổi), thể thấp còi (chiều cao/tuổi), thể suy dinh dưỡng gầy còm, cấp tính (cân nặng/chiều cao) và tỷ lệ thừa cân, béo phì (cân nặng/tuổi).
Để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, theo các chuyên gia y tế, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…); giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.
Do đó, các địa phương cần tăng cường truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của Bộ Y tế.
(Báo Hà nội mới)
Cùng nội dung thông tin:
Báo Nhân dân: https://nhandan.vn/gan-382-nghin-tre-em-tren-dia-ban-ha-noi-duoc-uong-bo-sung-vitamin-a-post812216.html
Báo An ninh Thủ đô: https://www.anninhthudo.vn/hon-380000-tre-tu-6-den-35-thang-tuoi-o-ha-noi-duoc-uong-vitamin-a-post578317.antd
Hà Nội yêu cầu không để người dân bức xúc về chất lượng nước sinh hoạt
Hà Nội yêu cầu sử dụng thiết bị tân tiến để khắc phục nhanh sự cố mất nước; thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, không để người dân bức xúc...
Đó là nội dung đáng chú ý trong kế hoạch mới được UBND TP Hà Nội ban hành về việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 của Ban cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo UBND TP đối với nội dung: “Còn để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số quận, huyện, nguồn nước không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc cho người dân”.
Theo kế hoạch, UBND TP yêu cầu các đơn vị đảm bảo duy trì sản xuất, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, các trạm cấp nước, đáp ứng với khả năng cao nhất về nhu cầu sử dụng nước của người dân, duy trì tối đa lưu lượng, áp lực cho toàn bộ hệ thống với chất lượng nước đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Phân bổ điều tiết nguồn nước đảm bảo hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận nguồn nước của từng khu vực, ưu tiên nguồn cấp cho khu vực chỉ có 1 nguồn cấp, không để xảy ra mất nước kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Sử dụng các thiết bị tân tiến phát hiện kịp thời và khắc phục những điểm rò rỉ, vỡ ống gây mất nước, thất thoát nước sạch.
Vận hành van, điều tiết cấp nước, lắp đặt bơm tăng áp di động, vận hành mạng lưới cấp nước phân khu theo giờ, huy động các xe stec hỗ trợ cấp nước cho những đối tượng ưu tiên như: bệnh viện, trường học…
Đối với các khu vực cuối nguồn bất lợi về nguồn nước: Các đơn vị cấp nước xây dựng phương án giải pháp cấp nước chi tiết cho từng khu vực (bổ sung bơm tăng áp di động vận hành van cấp nước theo giờ…) để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn nước cấp an toàn, liên tục với chất lượng theo quy chuẩn.
UBND TP cũng yêu cầu tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai các Dự án phát triển nguồn cấp nước đã được UBND TP giao. Trong đó, Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa Nhà máy vào vận hành quý IV/2024 để bổ sung nguồn cấp cho khu vực các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Đan Phượng…
Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà tập trung nguồn lực sớm hoàn thành nâng công suất nhà máy lên 600.000m3 /ngày đêm trong giai đoạn 2024-2025;
Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư và giải pháp kỹ thuật để nâng công suất nhà máy từ 150.000m3 /ngày đêm hiện nay lên 200.000m3 /ngày đêm trên cơ sở các hạng mục công trình hiện có, hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025.
Nhà máy nước Xuân Mai tại Hòa Bình tập trung hoàn thành xây dựng nhà máy với công suất giai đoạn 1 là 150.000m3/ngày đêm để bổ sung nguồn nước cho khu vực Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức trong giai đoạn 2024-2025.
UBND TP giao Sở Xây dựng tăng cường phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch đô thị đặc biệt tại các cơ sở sản xuất lớn, các khu đô thị mới, khu chung cư…
Ngoài ra, các dịch bệnh sởi, liên cầu lợn, rubella, viêm não Nhật Bản, não mô cầu không ghi nhận trong tuần.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, thời tiết hiện nay tạo điều kiện thuật lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết.
Tăng cường chỉ đạo các đơn vị y tế và giáo dục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc, xử lý ổ dịch nhanh chóng, không để phát sinh ổ dịch trong trường học tư thục, các nhóm trẻ nhận trông trẻ trong dịp hè.
(Báo An ninh Thủ đô)