Ngành y tế đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và Chỉ thị số 12/CT-BYT ngày 2/10/2019 của Bộ Y tế về triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các tổ chức trung gian triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, Sở Y tế đã chỉ đạo các Bộ phận Một cửa cũng như các đơn vị y tế trong ngành tăng cường công tác truyền thông về việc thanh toán không dùng tiền mặt khi đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính, khám chữa bệnh.
Phương thức này giúp giảm thao tác cho cán bộ, thuận tiện cho người dân, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán tiền phí, lệ phí và minh bạch hơn trong quá trình giao dịch giữa công dân với cơ quan nhà nước. Đặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp thực hiện mô hình bệnh viện thông minh, hướng đến chuyển đổi số toàn diện trong ngành Y tế.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn thanh toán tiền mặt. Người dân được giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, tiết kiệm thời gian chờ đợi khi đến khám chữa bệnh mà không phải mang theo nhiều tiền mặt.
Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt tại Bộ phận Một cửa kể từ ngày 1/6/2024, phấn đấu 100% các giao dịch không dùng tiền mặt. Phương thức này sẽ góp phần thực hiện mô hình bệnh viện thông minh, chuyển đổi số toàn diện trong ngành y tế.
Đến nay, có 38/43 (đạt 88%) cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố và huyện đã liên kết với các chi nhánh ngân hàng tại địa phương để đặt máy POS, tạo tài khoản có mã QR, hỗ trợ thanh toán qua thẻ ATM, ứng dụng mobile banking, thuận tiện cho người dân lựa chọn hình thức phù hợp. Nhiều bệnh viện như Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Mắt đã triển khai thành công việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn không còn cảnh xếp hàng thanh toán viện phí, hay chờ đóng tiền làm các xét nghiệm, khám lâm sàng, lấy thuốc. Bệnh viện đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều hình thức như quét mã QR, chuyển khoản và quẹt thẻ ngân hàng giúp cho người dân tránh cảnh luôn phải xếp hàng chờ đợi, nỗi lo bị các đối tượng xấu móc túi khi đi khám bệnh.
Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, có hàng nghìn lượt bệnh nhân khám và thực hiện các giao dịch thanh toán viện phí mỗi ngày. Bệnh viện triển khai hình thức thanh toán phí dịch vụ y tế trực tuyến, với dịch vụ này người dân đến khám chữa bệnh có thể thực hiện thanh toán viện phí thông qua tính năng thanh toán QR Code ngay trên ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử đang sử dụng giúp các bệnh nhân và bệnh viện rút ngắn thời gian thanh toán, giảm bớt thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.
(Báo Pháp Luật và xã hội)
Dị ứng thực phẩm nghiêm trọng ra sao?
Dị ứng thực phẩm là một phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể với các thành phần “lạ” có trong thực phẩm, phản ứng này có thể xảy ra ở người lớn cũng như trẻ nhỏ.
Song, không ít người chủ quan với tình trạng dị ứng này mà không biết rằng một số trường hợp dị ứng thực phẩm có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Những biểu hiện nguy hiểm khi dị ứng thức ăn
Thành phần chủ đạo gây ra dị ứng thức ăn, thậm chí dẫn đến tình trạng sốc phản vệ, là các chất protein trong thực phẩm. Đây là những protein không dễ bị phân hủy và không dễ dàng bị biến tính bởi nhiệt độ.
Các phân tử protein này kết hợp với các globulin miễn dịch E (IgE) trong dịch tiết, trong máu... làm vỡ một số lượng những tế bào dưỡng bào, giải phóng ra một nồng độ cao các chất trung gian hóa học. Những chất trung gian này gây ra những biến đổi cơ thể: Giãn mạch khiến sung huyết, phù nề, tiết dịch, nổi mẩn, nổi ban, co thắt cơ trơn khiến đau bụng, buồn nôn, khó thở, kích thích khiến gây ngứa dữ dội...
Tùy cơ địa của mỗi người và cơ chế của dị ứng (dị ứng tức thì hay dị ứng muộn) mà khi bị dị ứng với thức ăn, một số người có thể xuất hiện những biểu hiện khác như viêm da, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho, mất ngủ, mệt mỏi...
Bác sĩ Chuyên khoa I Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: “Đáng lo ngại, vì những biểu hiện dị ứng này cũng giống với những bệnh khác nên đôi khi bị lơ là, bỏ qua. Nhiều người cũng thường chủ quan với căn bệnh dị ứng, cho rằng bệnh chỉ gây mẩn ngứa ngoài da hoặc có thể tự ý dùng thuốc để ngăn ngừa các biểu hiện dị ứng”.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, trong mọi trường hợp, tuyệt đối người dân không tự ý dùng thuốc để chữa dị ứng thực phẩm nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ thăm khám.
Các triệu chứng của tình trạng dị ứng xuất hiện từ nhẹ đến nặng và có thể diễn biến rất nhanh. Triệu chứng nặng nhất chính là sốc phản vệ, nếu không được xử trí kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy khi cơ thể xuất hiện những thay đổi bất thường sau khi tiếp xúc với một tác nhân lạ cần đến trung tâm y tế để được thăm khám và điều trị sớm, tránh để tình trạng bệnh nặng dẫn đến sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Một số triệu chứng của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay bao gồm: Người bệnh xuất hiện tình trạng khó thở hoặc thở khó chịu; đau ngực hoặc tức; huyết áp thấp; mạch yếu và nhanh, chóng mặt; người bệnh lú lẫn, lơ mơ... Lúc đó, người bệnh cần được điều trị trong vòng 30 - 60 phút vì các triệu chứng đôi khi có thể gây tử vong.
Mức độ nặng nhẹ của sốc phản vệ phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng, tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể và phụ thuộc vào thời gian xử lý điều trị. Do đó, chúng ta cần lưu ý những dấu hiệu sớm để cấp cứu điều trị kịp thời.
Phòng tránh dị ứng thực phẩm
Bên cạnh đó, để phòng tránh nguy cơ dị ứng thực phẩm, theo Bác sĩ Chuyên khoa I Dương Ngọc Vân, với trẻ em - đối tượng bị dị ứng thức ăn cao hơn người lớn - nên ba mẹ cần cẩn thận, kỹ lưỡng trong khâu chọn và chế biến thức ăn. Đồng thời, dụng cụ ăn uống của các bé cũng được vệ sinh tỉ mỉ, phòng tránh chất dị ứng dính vào chén, dĩa, muỗng, đũa... và gây dị ứng cho bé.
Đối với người lớn, nên tìm hiểu từng loại thực phẩm, nếu nghi ngờ thực phẩm đó có thể gây dị ứng thì hạn chế sử dụng. Còn những loại thực phẩm đã từng gây dị ứng thì tốt nhất không dùng.
Khi sử dụng thực phẩm đóng hộp, chúng ta nên xem thành phần bao gồm những gì, đảm bảo không chứa những chất có thể gây dị ứng. Bên cạnh đó, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm hết hạn, bởi chúng không chỉ gây dị ứng mà còn có nguy cơ gây ngộ độc.
Khi xuất hiện các biểu hiện, triệu chứng như đã nói (ngứa, phát ban, khó thở, đau bụng, đi ngoài...) sau khi ăn, đặc biệt là ăn thức ăn lạ thì cần đi khám ngay để xác định nguyên nhân và cách điều trị.
Để có thể biết mình bị dị ứng cụ thể với các loại thực phẩm nào, chúng ta có thể thực hiện các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán dị ứng tại các cơ sở y tế.
(Báo Hà nội mới)
9 điểm mới để ngành dược Việt Nam hội nhập, người dân tiếp cận thuốc tốt, giá hợp lý
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ban soạn thảo để xuất sửa đổi, bổ sung 44 điều của 8 chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương tại Luật Dược năm 2016. Việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào 9 điểm mới.
Đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc
Thứ nhất: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù mà Luật Dược 2016 chưa có quy định hoặc có nhưng không phù hợp đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho phép thực hiện để kịp thời giải quyết thuốc, vaccine cho công tác phòng, điều trị bệnh trong đại dịch dịch COVID-19 vừa qua để đảm bảo khả thi, ổn định trong trường hợp phát sinh đại dịch
Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược nhằm bổ sung các chính sách phù hợp, mang tính đột phá hơn so với Luật Dược 2016 để thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị...
Thứ ba: Đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội và tăng nguồn cung ứng thuốc cho người dân, cụ thể:
Bổ sung một số loại hình kinh doanh và phương thức kinh doanh mới như loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử nhằm tạo hành lanh pháp lý để quản lý các loại hình kinh doanh mới phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.
Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với các cơ sở hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong trường hợp có triển khai thực hiện các hoạt động thương mại liên quan đến lĩnh vực dược để tạo điều kiện cho các cơ sở này có đủ điều kiện tham gia hệ thống cung ứng thuốc, tăng đầu mối cung ứng cho hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh.
Mở rộng quyền kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) tại Việt Nam theo hướng cho phép các doanh nghiệp FIE tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thuốc của Việt Nam.
Thể hiện cụ thể qua việc cho phép các doanh nghiệp này được trực tiếp phân phối các thuốc do chính doanh nghiệp sản xuất, đặt gia công, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam nhằm thu hút doanh nghiệp FIE đầu tư vào lĩnh vực này để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tạo điều kiện để cơ sở sản xuất thuốc trong nước có điều kiện tiếp cận công nghệ sản xuất thuốc tiên tiến, tăng cường phát triển công nghiệp dược, bảo đảm chủ động việc cung ứng thuốc, an ninh về thuốc cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thứ tư: Đơn giản hóa trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, tăng khả năng sớm tiếp cận thuốc cho người dân nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn và hiệu quả cũng như phù hợp thông lệ quốc tế, cụ thể:
Đơn giản hóa hồ sơ gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; quy định các trường hợp gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành không phải thông qua Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc hoặc không phải chờ Bộ Y tế phê duyệt để đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm thời gian giải quyết hồ sơ thay đổi, bổ sung chỉ cần công bố từ 3 tháng xuống còn 15 ngày làm việc; giảm thời hạn cấp giấy đăng ký lưu hành từ 12 tháng xuống còn 9 tháng trong trường hợp thừa nhận, tham chiếu nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép, bảo đảm quyền tiếp cận thuốc sớm của người dân.
Cho phép cơ sở được tiếp tục sử dụng Giấy đăng ký lưu hành sau khi hết hiệu lực và đã nộp hồ sơ gia hạn theo quy định đến khi được gia hạn hoặc có văn bản của Bộ Y tế để bảo đảm việc lưu hành liên tục của thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy nguồn cung thị trường.
Không tiếp tục gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành nhưng không lưu hành trên thị trường trong thời hạn hiệu lực 5 năm kể từ ngày được cấp, trừ thuốc hiếm, thuốc điều trị các bệnh hiếm gặp hoặc thuốc có không quá 3 giấy đăng ký lưu hành của cùng hoạt chất, hàm lượng và dạng bào chế còn hiệu lực.
Việc này nhằm hạn chế tình trạng nộp hồ sơ không dựa trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, giảm tải giải quyết hồ sơ của cơ quan quản lý cũng như kiểm soát được số lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc thực sự đang lưu thông, phân phối trên thị trường, từ đó có cái nhìn rõ nét về năng lực cung ứng thuốc, hỗ trợ cho công tác hoạch định, dự báo.
Phân cấp, phân quyền thu hồi thuốc vi phạm chất lượng; Tăng cường quản lý chặt chẽ giá thuốc
Thứ sáu: Phân cấp thẩm quyền thu hồi thuốc cho Sở Y tế trong trường hợp thu hồi bắt buộc đối với thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng ở mức độ 2 hoặc ở mức độ 3 được phát hiện trên địa bàn nhằm thời xử lý và thu hồi thuốc vi phạm chất lượng trên địa bàn quản lý, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và đồng bộ với các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó có cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thứ bảy: Mở rộng việc thừa nhận, công nhận, áp dụng bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các nước trên Thế giới làm cơ sở đánh giá đáp ứng điều kiện của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nước ngoài nhằm bảo đảm nguồn cung nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất thuốc của Việt Nam, tránh đứt gãy nguồn cung ứng thuốc phục vụ điều trị.
Thứ tám: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm một số điều kiện kinh doanh theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện thông thoáng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể:
Bãi bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin thuốc và yêu cầu xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc để triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế
Cho phép các cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc được phép áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng phù hợp theo nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc để thay thế một hoặc một số thử nghiệm đối với việc kiểm tra xác định chất lượng thuốc và các trường hợp miễn một hoặc một số hoặc toàn bộ thử nghiệm đối với vaccine, sinh phẩm là huyết thanh có chứa kháng thể phải kiểm nghiệm nhằm giảm thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm, tiết kiệm chi phí bảo quản thuốc và tăng khả năng cung ứng thuốc.
Quy định lại một số nhóm thuốc kê đơn theo đúng mục đích, vai trò trong công tác phòng, điều trị bệnh để đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thứ chín: Tăng cường quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và phải đảm bảo tính đặc thù đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh là mặt hàng mà người dân không có sự lựa chọn thông qua việc quản lý giá kê khai thuốc giá bán buôn thuốc dự kiến nhằm hạn chế tối đa tầng nấc trung gian đã được quản lý có hiệu quả theo quy định tại Luật Dược.
Theo ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, với những điểm mới nêu trên tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược trên cơ sở 5 chính sách lớn trong sửa đổi, bổ sung Luật Dược hy vọng sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, giúp cho ngành dược tiếp tục phát triển mạnh mẽ cũng như công tác đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý cho người dân trong thời gian tới.
(Báo Sức khỏe &đời sống)