Hà Nội liên tục tăng số ca mắc sốt xuất huyết. Trời mưa nhiều, muỗi truyền bệnh sinh sôi, dịch sốt xuất huyết càng dễ lây lan mạnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã ghi nhận thêm 34 trường hợp mắc sốt xuất huyết; tăng 13 trường hợp so với tuần trước đó.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng số 745 ca mắc sốt xuất huyết, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Đại diện CDC Hà Nội cũng dự báo, hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn nhiệt độ cao, mưa nhiều,; đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Dự báo, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá: Tình hình dịch sốt xuất huyết năm 2024 tại Hà Nội vẫn có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do điều kiện khí hậu nắng nóng, mưa nhiều, vệ sinh môi trường chưa tốt; đặc biệt ở một số khu vực có nhiều người dân ngoại tỉnh thuê trọ, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, không chú trọng việc thu gom phế thải... khiến nguy cơ dịch rất cao, nhiều người có khả năng mắc bệnh.
Hiện việc huy động cộng đồng, nhân lực cho các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất tại nhiều nơi cũng còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc xử lý ổ dịch còn chưa triệt để, khiến dịch diễn biến phức tạp, kéo dài”.
Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị, các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động người dân tạo thói quen diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà, tại cơ quan, trường học...
Người dân cũng chú ý, khi bị sốt cao liên tục trên 2 ngày, cần thông báo ngay với trạm y tế địa phương để được hướng dẫn, khám, điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng; tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
(Báo TTXVN)
Ghi nhận thêm 34 trường hợp mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 31/5 đến 6/6), trên địa bàn thành phố ghi nhận 34 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 13 trường hợp so với tuần trước.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay là 745 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng so với cùng kỳ 2023. Hiện nay, điều kiện thời tiết mùa hè kèm mưa nhiều, thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh, dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.
Cùng với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng và ho gà cũng ghi nhận gia tăng trong tuần. Cụ thể, bệnh tay chân miệng ghi nhận 80 trường hợp mắc, tăng 8 trường hợp so với tuần trước Bệnh nhân phân bố tại 19 quận, huyện, một số đơn vị có nhiều bệnh nhân như: Mê Linh (11), Nam Từ Liêm (10), Hà Đông (8), Bắc Từ Liêm (7). Hầu hết là ca tản phát, không ghi nhận ổ dịch. Cộng dồn đến nay là 1.472 trường hợp; tăng so với cùng kỳ 2023.
Bệnh ho gà ghi nhận 18 trường hợp, tăng 2 trường hợp so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 11 quận, huyện: Hoài Đức (4); Hoàng Mai (3); Thạch Thất và Thanh Trì đều ghi nhận 2 ca; Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn, Thường Tín, Ứng Hòa mỗi nơi 1 ca mắc. Các ca bệnh rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin, hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Ngoài ra, bệnh liên cầu lợn ghi nhận 2 trường hợp. Các dịch bệnh khác như: Uốn ván, não mô cầu, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản không ghi nhận trong tuần.
Trong tuần qua, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch bệnh. Điển hình như Thành phố đã phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2024. Ngành Y tế Hà Nội tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cập nhật tình hình dịch bệnh để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Tổ chức giám sát, điều tra, xử lý dịch với ca bệnh, ổ dịch phát hiện tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân cấp.
Trong tuần tới, trung tâm y tế các quận huyện thị xã đẩy mạnh triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2024, tham mưu Ủy ban nhân dân tổ chức phát động hưởng ứng cấp các quận, huyện, thị xã. Chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trên địa bàn, nhất là tại các khu vực nguy cơ cao, khu vực ổ dịch cũ diễn biến phức tạp.
Chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp, nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bùng phát rộng.
(Báo Lao động Thủ đô)
Hà Nội: Ăn tiết canh tại đám cỗ, người đàn ông bị cứng gáy, rối loạn ý thức
Trên địa bàn Hà Nội vừa ghi nhận 2 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có nam bệnh nhân khởi phát các triệu chứng sốt cao, đau đầu, cứng gáy, rối loạn ý thức sau khi ăn tiết canh tại đám cỗ.
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận hai ca bệnh mắc liên cầu khuẩn lợn. Như vậy, từ đầu năm 2024 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 3 ca mắc (giảm 4 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023).
Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 83 tuổi (ở quận Hà Đông). Sau một ngày khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, cứng gáy, rối loạn ý thức. Xét nghiệm cấy máu của nam bệnh nhân cho kết quả, dương tính với liên cầu lợn (Streptococcus Suis).
Qua khai thác tiền sử dịch tễ của bệnh nhân, cách 5 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn tiết canh tại đám cỗ ở Nam Định.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 56 tuổi (ở huyện Ứng Hòa) khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao kèm theo cơn rét run.
Sau đó một ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn khan, điếc đột ngột và được đưa đến Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, xét nghiệm nuôi cấy dịch não tủy của bệnh nhân cho kết quả, dương tính với liên cầu lợn (Streptococcus Suis).
Theo tiền sử dịch tễ của bệnh nhân, gia đình không chăn nuôi lợn. Trong vòng 2 tuần trước khởi phát bệnh, người bệnh không ăn tiết canh lợn, không tham gia giết mổ lợn.
Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin, ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn đầu tiên tại Hà Nội trong năm 2024 là người đàn ông 67 tuổi, làm bảo vệ (ở huyện Chương Mỹ). Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chậm chạp. Xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho kết quả, dương tính với liên cầu lợn (S.Suis).
Theo CDC Hà Nội, vi khuẩn Streptococcus suis cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Hiện có 2 týp liên cầu lợn. Týp I hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi. Còn týp II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn. Týp II thường gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây sảy thai và đột tử ở lợn. Streptococcus suis týp II gây bệnh chủ yếu cho người.
Hầu hết các ca bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua… Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở nhiều nơi một số người dân vẫn có thói quen ăn tiết canh và những món ăn tái sống chưa được chế biến chín, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiễm liên cầu lợn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong với nhóm bệnh này là rất cao.
Để phòng bệnh, CDC Hà Nội khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. Ngoài ra, có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
(Báo Hà nội mới)
Cùng nội dung thông tin
https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ghi-nhan-2-truong-hop-mac-lien-cau-lon.html
Bộ Y tế nêu 5 hành vi không được làm trong quản lý dữ liệu y tế
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế nhằm tạo hành lang pháp lý cho quản lý, xây dựng dữ liệu về y tế đầy đủ, tập trung, thống nhất; từ đó kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý của ngành và nhu cầu thông tin của người dân...
Bộ Y tế đã xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu y tế, triển khai 5 nền tảng y tế số
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu y tế đặt tại Cục Công nghệ thông tin (nay là Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia), trong đó đã đầu tư hệ thống hạ tầng Trung tâm dữ liệu ở mức cơ bản: hệ thống mạng mạng, mạng lõi, máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị, phần mềm bảo đảm an toàn thông tin. Hiện nay có 39 hệ thống thông tin của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đặt tại Trung tâm này.
Cùng đó, Bộ Y tế và các đơn vị thuộc Bộ có mạng LAN, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, kết nối Internet; Bộ Y tế đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ Y tế.
Các thủ tục hành chính của Bộ Y tế đều được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin một cửa quốc gia (để thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN), Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.
Đồng thời, Bộ Y tế đã kết nối dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Ngoài ra hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai 5 nền tảng số, gồm: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng trạm y tế xã; Nền tảng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện...
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho hay bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng, quản lý dữ liệu y tế còn tồn tại một số bất cập, hạn chế, trong đó phải kể đến là ngành y tế chưa có quy định về danh mục các cơ sở dữ liệu y tế, trong đó được phân loại thành cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chưa phân công các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, quản lý các nhóm dữ liệu này.
Một số cơ sở dữ liệu hiện có của Bộ Y tế chưa kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các thông tin, dữ liệu để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước nói chung trong ngành y tế, cũng như yêu cầu quản lý đối với từng lĩnh vực chuyên ngành y tế. Số liệu, dữ liệu và các thông tin thống kê manh mún, thiếu tập trung và nhiều thông tin bị trùng lặp do có sự giao thoa về đối tượng quản lý.
Theo Bộ Y tế, hiện nay chưa có quy định đầy đủ về thẩm quyền, yêu cầu tính chính xác và an toàn thông tin đối với dữ liệu y tế; phương pháp thống kê và định dạng thông tin chi tiết không đồng nhất ở các lĩnh vực của ngành y tế dẫn đến không mô tả đúng thực trạng; nhiều lĩnh vực phải thực hiện việc thống kê nhiều lần đối với cùng một đối tượng.
Nhiều lĩnh vực trong ngành y tế chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý như dữ liệu về cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe (cơ sở đào tạo để cấp văn bằng, cơ sở đào tạo để cấp chứng chỉ, chứng nhận…); dữ liệu về ngân hàng mô; dữ liệu về cơ sở sản xuất mỹ phẩm; cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế; dữ liệu về giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần…
Dữ liệu y tế đang dàn trải ở nhiều Bộ, Ngành, cơ quan đơn vị; chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc quản lý, sử dụng dữ liệu y tế để bảo đảm chia sẻ và liên thông dữ liệu.
Thiết lập hành lang pháp lý quản lý, xây dựng hệ dữ liệu về y tế đầy đủ, tập trung
Bộ Y tế cho biết, thực tiễn hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn vừa qua cho thấy do thiếu quy định về cung cấp dữ liệu từ các cơ quan, đơn vị nên các cơ quan ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế gặp khó khăn trong việc điều động nhân lực, trang thiết bị,… phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như việc thống kê, xử lý số liệu, phân tích, báo cáo tình hình, xu hướng dịch hay các hoạt động liên quan đến khai báo, kiểm soát dịch.
Trong quá trình triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, việc kết nối, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu sức khỏe cá nhân với hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư, ứng dụng VNeID là rất cần thiết để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Y tế, xuất phát từ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực tiễn công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển dữ liệu y tế cho thấy việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định quản lý dữ liệu về y tế là rất cần thiết, để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, xây dựng hệ dữ liệu về y tế đầy đủ, tập trung, thống nhất, từ đó kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành y tế và nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu y tế của tổ chức, cá nhân.
Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế gồm 4 chương, 29 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất quy định cụ thể về quản lý dữ liệu y tế như: Dữ liệu y tế; cơ sở dữ liệu về y tế; cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; tạo lập, thu thập dữ liệu y tế; yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, thu thập dữ liệu y tế; thẩm quyền đối với dữ liệu y tế; cập nhật, điều chỉnh, hủy dữ liệu y tế; kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế; khai thác và sử dụng dữ liệu y tế cũng như trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân…
5 hành vi không được làm trong quản lý dữ liệu y tế
Theo Bộ Y tế, Nghị định được xây dựng nhằm các mục tiêu chính như sau:
Thứ nhất, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm nội dung về quy định việc quản lý các dữ liệu y tế, cơ sở dữ liệu y tế, trong đó quy định rõ việc tạo lập, thu thập, cập nhật, điều chỉnh, duy trì, khai thác, sử dụng, kết nối và chia sẻ dữ liệu y tế điện tử; quy định về thẩm quyền, tính riêng tư và các phương thức quản lý dữ liệu y tế đối với các chủ thể liên quan khi tạo lập, sử dụng các dữ liệu y tế.
Thứ hai, Nghị định quy định đầy đủ cho việc xây dựng, quản lý, chia sẻ khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Y tế để nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử; được chia sẻ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là lĩnh vực y tế.
Thứ ba, quy định việc triển khai hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử để phục vụ thiết thực công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, tạo thuận lơi để người dân có thể quản lý sức khỏe bản thân
(Báo Sức khỏe &đời sống)