Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 2443/SYT-NVY về việc tăng cường, chủ động trong công tác chăm sóc người bệnh, phòng chống sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc, phòng chống dịch và thu dung điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Denuge.
Cơ sở y tế chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống lây nhiễm sốt xuất huyết Dengue trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
Cùng với đó, cơ sở y tế cần phun hóa chất diệt muỗi truyền sốt xuất huyết Dengue, hướng dẫn, giám sát việc phòng muỗi đốt đối với bệnh nhân và người nhà, cung cấp đủ màn cho người nằm điều trị nội trú tại đơn vị...
Đồng thời, cơ sở y tế thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh ở các cấp, lồng ghép, đưa nội dung phòng chống bệnh sốt xuất huyết vào phổ biến cho người bệnh, người nhà người bệnh. Bên cạnh đó, cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt cách phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết khi đang nằm điều trị khoa để chuyển khám và điều trị kịp thời.
(Báo Kinh tế&đô thị)
Hà Nội quyết tâm chặn thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường
Ngày 11/6, Văn phòng UBND TP Hà Nội có thông báo số 241/TB-VP về kết luận của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) TP tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban chỉ đạo công tác ATTP TP với các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, ngày 4/6/2024, tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban chỉ đạo công tác ATTP TP với các quận, huyện, thị xã, sau khi nghe Sở Y tế báo cáo kết quả đánh giá triển khai “Tháng hành động vì ATTP” và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban chỉ đạo công tác ATTP TP kết luận chỉ đạo:
Sở Y tế Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị có liên quan tham mưu, báo cáo UBND TP trình Thành ủy ban hành Chỉ thị của Thành ủy về các biện pháp tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn Hà Nội để từ đó chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào hoạt động bảo đảm ATTP.
Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội chủ trì cùng các cơ quan liên quan tập trung kiểm soát ngăn chặn hạn chế tối đa thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Các đơn vị tăng cường công tác thanh, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người. Đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP và thông tin rộng rãi kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng, người dân được biết.
Sở TT&TT chủ trì tổ chức, chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tuyên truyền về các biện pháp bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm sâu rộng đến từng người dân Thủ đô.
Đơn vị tổ chức tuyên truyền để người tiêu dùng, người lao động thấy sức khỏe là vốn quý, tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về ATTP và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm. Từ đó, người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn.
Sở NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nhà xưởng giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP.
Đơn vị có phương án hỗ trợ trực tiếp khuyến khích hộ gia đình, cá nhân đưa gia súc, gia cầm đến các cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo ATTP trước khi đưa ra thị trường và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trong khu dân cư.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT nghiên cứu, có giải pháp giáo dục, tuyên truyền về đảm bảo ATTP trong trường học để nâng cao nhận thức, thực hành cho học sinh và giáo viên trong hệ thống trường học trên địa bàn TP.
Ngoài ra, UBND TP giao các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, trên cơ sở kết quả đạt được của “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024; tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các giải pháp; chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP để hoàn thành xuất sắc Kế hoạch 319/KH- UBND ngày 26/12/2023 của UBND TP về công tác ATTP TP Hà Nội năm 2024.
(Báo Kinh tế&đô thị)
Hà Nội ký kết phối hợp với TP HCM và Cần Thơ về bảo vệ người lao động ngành y
Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cùng TP HCM và Cần Thơ đã ký kết Quy chế phối hợp hoạt động Công đoàn, nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong ngành y….
Được sự đồng ý của của Liên đoàn Lao động và Sở Y tế 3 thành phố, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội vừa tổ chức ký kết Quy chế phối hợp hoạt động Công đoàn giai đoạn 2024 – 2028 với Công đoàn ngành Y tế TP HCM và Công đoàn ngành Y tế TP Cần Thơ.
Theo đó, Công đoàn ngành Y tế của 3 địa phương sẽ tăng cường phối hợp trao đổi, học tập cách làm hay, mô hình mới về công tác Công đoàn; đổi mới và nâng cao vai trò chức năng đại diện của tổ chức Công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động.
Cùng đó, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động của tổ chức Công đoàn như: “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh”, “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Sáng kiến, sáng tạo”, “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”…
Nhân dịp này, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội trao món quà sửa chữa Nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên công đoàn Lê Thị Kim Chi, thuộc Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 30 triệu đồng.
(Báo An ninh Thủ đô)
Ba Đình kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn khách sạn
Chiều 11-6, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Ba Đình đã kiểm tra tại bếp ăn tập thể Tập đoàn Dầu khí (số 18 Láng Hạ, phường Thành Công) và bếp ăn Khách sạn Lake Side (số 23 Ngọc Khánh, phường Giảng Võ).
Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Lã Ngọc Sang, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Ba Đình cho biết, các cơ sở đều thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khám sức khỏe và tập huấn kiến thức cho chủ cơ sở và nhân viên đầy đủ và đúng quy đinh...
Sau khi kết thúc “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024, UBND quận tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, đặc biệt chú trọng các bếp ăn khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh thực phẩm online, kho bảo quản thực phẩm.
Hiện, địa bàn quận có 26 bếp ăn khách sạn và các cơ sở lưu trú. Tính từ ngày 20-5 đến 11-6, Đoàn đã kiểm tra tại 19 bếp ăn khách sạn, cơ sở lưu trú và dự kiến hoàn thành công tác kiểm tra 100% bếp ăn khách sạn, cơ sở lưu trú trong tháng 6.
Trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024 vừa qua, toàn quận đã kiểm tra 836 cơ sở, phát hiện và xử lý 61 cơ sở vi phạm, xử phạt 176,3 triệu đồng và tiêu hủy hàng hóa tương đương hơn 14 triệu đồng.
Quận tổ chức 31 buổi hội nghị, tập huấn tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với hơn 2.000 người tham gia, khám sức khỏe cho 1.853 người là chủ cơ sở hoặc người trực tiếp tham gia kinh doanh, chế biến thực phẩm; nâng cao kiến thức, nhận thức tiến tới thay đổi thái độ hành vi của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận.
(Báo Hà nội mới)
Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành gần 700 loại thuốc trong nước
TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ký 2 quyết định công bố cấp mới và gia hạn giấy đăng ký lưu hành gần 700 loại thuốc sản xuất trong nước phục vụ nhu cầu đấu mua sắm, thầu thuốc cho điều trị, phòng chống dịch.
Trong số những thuốc được cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này có 484 loại là gia hạn giấy đăng ký, 187 loại còn lại thuộc về cấp mới.
Theo cục Quản lý Dược cho biết, trong số 484 loại thuốc gia hạn có 362 loại thuốc gia hạn trong 5 năm; 104 loại gia hạn trong 3 năm và 18 loại còn lại gia hạn đến ngày 31/12/2025.
Trong số 187 loại thuốc được cấp mới giấy đăng ký lưu hành có 182 loại được cấp mới giấy đăng ký lưu hành trong 5 năm; 5 loại còn lại có thời hạn 3 năm.
Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc;
Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Cục Quản lý Dược lưu ý, đối với 484 thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành nếu loại nào nhưng chưa nộp hồ sơ cập nhật nội dung nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định của Thông tư 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì phải thực hiện cập nhật theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 37 Thông tư số 01/2018/TT-BYT trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được gia hạn giấy đăng ký lưu hành.
Cục Quản lý Dược yêu cầu sau 12 tháng kể từ ngày ký ban hành Quyết định này, các thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Quyết định này có thay đổi về nội dung hành chính phải sản xuất và lưu hành với các nội dung đã được phê duyệt thay đổi trong hồ sơ gia hạn.
Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động...
Các thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Quyết định này được tiếp tục sử dụng số đăng ký đã cấp trước khi gia hạn trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày được cấp số đăng ký gia hạn theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BYT.
Trước đó khoảng 2 tuần, Cục Quản lý Dược cũng gia hạn 401 loại thuốc sản xuất trong nước; gia hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội đối với hơn 130 loại thuốc (đến nay đã có 14 đợt gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại Nghị quyết 80 với hơn 13.000 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn); gia hạn hàng chục loại thuốc có chứng minh tương đương sinh học; thuốc biệt dược gốc, vaccine và sinh phẩm y tế.
Theo Cục Quản lý Dược, các sản phẩm thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cấp mới số đăng ký lưu hành, gia hạn số đăng ký thời gian qua là những thuốc thiết yếu, khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác...
Đối với các loại vaccine, sinh phẩm y tế được công bố số đăng ký lưu hành thời gian qua của Cục Quản lý Dược đều là những sản phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh...
(Báo Sức khỏe &đời sống)