Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép từ 2 - 4 tháng của 3 cơ sở hành nghề y.
Theo đó, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép 2 tháng và xử phạt 7,5 triệu đồng đối với phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt - nha khoa T-SMILE (số 30 Vũ Trọng Khánh, tổ 6, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) do cơ sở này thực hiện không đầy đủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền trực thuộc Công ty TNHH Y học cổ truyền Việt Đức Clinic (số 232 Thuỵ Khuê, phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ) bị xử phạt 35 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép 3 tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 2 tháng. Lý do, người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật không có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật. Biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật, không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động, không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật.
Hộ kinh doanh Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức (số 156 phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình) bị xử phạt 108 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép 4 tháng. Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 3 tháng. Thanh tra Y tế Hà Nội yêu cầu tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo nội dung quảng cáo trên Internet. Lý do là người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật không có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật, không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép, sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề. Không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề, quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Thanh tra Sở Y tế cũng xử phạt 4 triệu đồng đối với phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt trực thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Diamond Elite (số 200 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa) do không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Xử phạt mức 7,5 triệu đồng đối với nhà thuốc Toàn Thắng (thôn Khê Nữ, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh); nhà thuốc Hiếu Lê (số 72 ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật.
Không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật, Công ty TNHH dịch vụ thương mại dược phẩm Đại Phát (số 76 ngõ 93/20 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) và Công ty TNHH dược phẩm Hải An (số 10 ngách 2 ngõ 5 xóm Phủ, đường Chiến Thắng, phường La Khê, quận Hà Đông) cùng bị xử phạt mức 15 triệu đồng.
(Báo Sức khỏe& đời sống)
Tăng cường phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 2471/SYT-NVY yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) Hà Nội là đơn vị thường trực, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Cụ thể, CDC Hà Nội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị động vật cắn, viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm tại các cơ sở y tế trên địa bàn để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh dại, cúm gia cầm. Tham gia điều tra giám sát ổ dịch, hướng dẫn xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, kịp thời thông tin với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khi phát hiện hoặc nhận thông tin về các trường hợp bệnh lây truyền từ động vật sang người để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên người theo quy định. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người trên người.
CDC Hà Nội củng cố, rà soát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, nâng cao chất lượng tư vấn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vaccine phòng bệnh cho người. Quản lý, hướng dẫn cơ sở y tế, các điểm tiêm vắc xin phòng trên địa bàn thực hiện và báo cáo thông tin về bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, Sở Y tế đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng khi người bị động vật cắn phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị.
Cần công khai các điểm tiêm vaccine phòng dại trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, bệnh dại, viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Cùng với đó, kịp thời báo cáo với CDC Hà Nội, UBND quận huyện thị xã và các đơn vị liên quan khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân, xử lý và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên người theo quy định.
Trung tâm y tế tham mưu UBND quận, huyện, thị xã bố trí đủ lực lượng, trang thiết bị, hóa chất, vật tư để xử lý ổ dịch khi có dịch bệnh xảy ra trên người và động vật; tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, đảm bảo công tác khử khuẩn và vệ sinh môi trường; bố trí kinh phí tiêm vaccine dự phòng sau phơi nhiễm bệnh Dại cho các đối tượng ưu tiên theo Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 4/4/2022 về thực hiện chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2030.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về thuốc, vật tư, trang thiết bị… để tiếp nhận, cách ly, điều trị ca bệnh, thực hiện hội chẩn với các bệnh viện tuyến Trung ương khi có bệnh nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Phối hợp chặt chẽ với CDC Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người để chủ động giám sát, xử lý, phòng chống dịch tại cộng đồng.
(Báo Pháp luật xã hội)
Phòng chống bệnh viêm não mô cầu lây lan nhanh
Ngày 13/6/2024, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có Công văn số 517/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, tổ chức triển khai tăng cường phòng, chống bệnh do não mô cầu. Ngày 13/6/2024, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có Công văn số 517/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, tổ chức triển khai tăng cường phòng, chống bệnh do não mô cầu.
Theo thông tin giám sát, ngày 12/6/20241, tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do não mô cầu; đồng thời trên cùng địa bàn cũng ghi nhận trường hợp tử vong có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chủ động, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới bệnh do não mô cầu tại cộng đồng trong khu vực xảy ra ổ dịch;
Theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, sử dụng thuốc điều trị dự phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đảm bảo tổ chức tốt thu dung, chẩn đoán sớm, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm; cung cấp thông tin về các biện pháp phòng lây nhiễm cho người chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh do não mô cầu (khi tiếp xúc với người bệnh và ở tại ổ dịch cần đeo khẩu trang; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…).
Rà soát, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng thuốc, thiết bị y tế để hỗ trợ triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế và các đơn vị liên quan về giám sát, phát hiện, điều tra ca bệnh, hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực.
Cũng về bệnh viêm não mô cầu, Theo Sở Y tế Hà Nội, vừa qua Hà Nội ghi nhận một ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2024. Đó là nam bệnh nhân (22 tuổi, địa chỉ thị xã Sơn Tây), khởi phát bệnh ngày 3/5 với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt (không rõ nhiệt độ), có cơn rét run.
Ngày 5/5, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, cơn 1-2 phút, trong cơn mất ý thức, tiểu không tự chủ. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105, chẩn đoán theo dõi viêm não, màng não chưa loại trừ não mô cầu, được thở oxy, chống co giật, kháng sinh, sau đó chuyển Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng sốt cao 39 độ, lơ mơ, Kernig+, cứng gáy.
Xét nghiệm Realtime PCR dịch não tủy, máu và nhày họng cho kết quả dương tính với não mô cầu. Theo các bác sĩ, vi khuẩn não mô cầu nhóm B là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất tại Việt Nam trong vòng 15 năm qua, gây ra các bệnh cảnh như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi và để lại nhiều di chứng nặng nề như liệt, điếc, cắt cụt chi, thiểu năng trí tuệ…
Hệ thống giám sát trọng điểm viêm màng não do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương điều hành thu thập dữ liệu từ Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 (TP.HCM) và Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) từ năm 2012 cho thấy, hầu hết các trường hợp viêm màng não mô cầu xâm lấn đều do não mô cầu nhóm B gây ra.
Báo cáo 15 trường hợp có biến chứng nặng tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ 2016-2020 đều do nhóm huyết thanh B.
Đặc biệt đáng chú ý, tỷ lệ người lành mang vi khuẩn não mô cầu nhóm B, nhất là nhóm thanh, thiếu niên chiếm đa số. Kết quả theo dõi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát hiện, khoảng 25% tân binh ở độ tuổi 18-25 mang vi khuẩn não mô cầu không có triệu chứng, chiếm 53,19% trường hợp (từ năm 2012-2014).
Theo dữ liệu giám sát của Bộ Y tế Công cộng Anh, khoảng 9/10 trẻ em và thanh thiếu niên tử vong do bệnh viêm màng não mô cầu xâm lấn không qua khỏi trong khung 24 giờ, kể từ khi được chẩn đoán.
Trẻ mắc não mô cầu vẫn có thể tử vong trước cả 24 giờ khiến người nhà rất sốc vì buổi sáng trẻ còn đến trường khỏe mạnh nhưng tối đã rơi vào nguy kịch.
Chi phí điều trị một ca bệnh do não mô cầu rất tốn kém, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng, phải huy động nhiều thiết bị, nhân lực, chưa kể gánh nặng chăm sóc người tàn tật về sau.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó 5 nhóm thường gặp ở Việt Nam là A, B, C, Y, W-135.
Theo bác sĩ Hải, trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tháng tuổi có nguy cơ mắc não mô cầu nhóm B cao nhất. Ở trẻ dưới 1 tuổi, tỷ lệ mắc viêm màng não mô cầu xâm lấn cao gấp 10 lần (3,6/100.000) so với tỷ lệ dân số (0,28/100.000) và nhóm huyết thanh B chiếm 65% số trường hợp.
Theo các bác sĩ, việc phòng bệnh viêm màng não mô cầu nhóm B cho trẻ từ sớm là rất quan trọng.
Ngoài ra, người dân cần tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh về não khác như vắc-xin phế cầu, vắc-xin sởi, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản… tránh nguy cơ bệnh chồng bệnh hoặc sức khỏe suy yếu, dễ bị vi khuẩn não mô cầu tấn công trong bối cảnh thời tiết phức tạp và nhiều bệnh dịch có nguy cơ bùng phát như hiện nay.
(Báo Đầu tư)
Người phụ nữ bị sét đánh khiến hôn mê sâu, ngừng tim, phổi đã hồi phục kỳ diệu
Sau gần 1 tuần điều trị tích cực, sức khỏe người phụ nữ bị ngừng tuần hoàn do sét đánh tại Hà Nội đang dần hồi phục gần về bình thường.
Ngày 11/6, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, sức khỏe người phụ nữ bị ngừng tuần hoàn do sét đánh tại Hà Nội đang dần hồi phục gần về bình thường sau gần 1 tuần điều trị tích cực.
Trước đó, vào sáng sớm ngày 5/6, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tiếp nhận một ca cấp cứu khẩn cấp, hôn mê sâu, ngừng tim phổi do sét đánh khi đi làm đồng.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch và đã được các bác sĩ cấp cứu hồi sức tim phổi, chuyển khoa Hồi sức tích cực để điều trị chuyên sâu.
Nhận định đây là ca bệnh vô cùng phức tạp và nguy hiểm, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đã hội chẩn khẩn cấp. Bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy tiên tiến nhằm kiểm soát nhiệt độ cơ thể và kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực khác như thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, lọc máu, bù nước, điện giải… để điều chỉnh các rối loạn do ngừng tuần hoàn gây ra.
Sau nhiều ngày điều trị khẩn trương và không ngừng nghỉ, tình trạng của bệnh nhân dần chuyển biến tích cực. Từng dấu hiệu hồi phục dù nhỏ bé cũng mang đến niềm hy vọng to lớn cho gia đình và ê-kíp điều trị.
Sau 4 ngày đêm kiên trì chiến đấu, điều kỳ diệu đã xảy ra, bệnh nhân dần tỉnh táo, các chức năng cơ thể dần hồi phục về mức bình thường. Niềm vui vỡ òa đến với gia đình bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ.
(Báo Sức khỏe& đời sống)
Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo cấp cứu, phòng chống dịch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành xây dựng Kế hoạch cụ thể về công tác y tế phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024, đảm bảo cấp cứu y tế, cấp cứu thảm họa, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa hè, đảm bảo an toàn thực phẩm...
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc đảm bảo công tác y tế phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
Theo Bộ Y tế, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024, để đảm bảo sức khỏe cho các thí sinh và gia đình, người giám sát thi và ban tổ chức Kỳ thi, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm tổ chức Kỳ thi, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai đảm bảo công tác y tế phục vụ kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế xây dựng Kế hoạch cụ thể về công tác y tế phục vụ Kỳ thi đảm bảo cấp cứu y tế, cấp cứu thảm họa (cháy nổ, tai nạn giao thông, bão, lũ lụt), đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa hè, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chủ động trong thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024 tại khu vực tổ chức thi và trên địa bàn tỉnh, thành phố; thành lập các đội cơ động chống dịch và sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng từ 5 - 10 giường bệnh và đảm bảo cơ số thuốc và trang thiết bị thiết yếu sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu người bệnh.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện của các cơ sở y tế tham gia công tác bảo đảm y tế phục vụ Kỳ thi. Cử cán bộ đầu mối (ghi rõ họ tên, điện thoại di động, email) duy trì thông tin liên lạc 24/24 giờ với Hội đồng thi của địa phương.
(Báo Sức khỏe& đời sống)