Ngày 14/6, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết công tác y tế cơ sở 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý III năm 2024.
Triển khai hiệu quả các hoạt động, chương trình y tế
Theo báo cáo của Sở Y tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố ghi nhận 745 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; không ghi nhận ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (360/0). Ghi nhận 11 ổ dịch, hiện còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại thôn Bãi Tháp, Đồng Vân, Tân Hội (huyện Đan Phượng) và phố Huế (quận Hai Bà Trưng).
Dịch tay chân miệng ghi nhận 1.472 ca mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã, số mắc tăng so với cùng kỳ 2023; ghi nhận 37 ổ dịch và hiện tại tất cả đã kết thúc hoạt động. Thành phố ghi nhận 116 ca mắc ho gà tại 25/30 quận, huyện, thị xã, số mắc tăng so với cùng kỳ 2023.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố cũng ghi nhận 3 ca mắc liên cầu lợn, 627 ca thủy đậu, 8 ca uốn ván, 1 ca sởi, 1 ca mắc rubella, 1 ca não mô cầu...
Trước tình hình một số dịch bệnh có xu hướng gia tăng, Sở Y tế đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là đối với công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, phòng, chống dại, tay chân miệng, các bệnh dịch lây từ động vật sang người.
Tại 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã có 55 phòng khám đa khoa, 485/579 (chiếm 83,7%) trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tổng số lượt khám bệnh 6 tháng đầu năm 2024 là 1.312.976 lượt, trong đó phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh là 614.549 lượt; trạm y tế là 698.427 lượt.
Thực hiện khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại tại các trạm y tế và phòng khám đa khoa trực thuộc các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Kết quả, có tổng số 212.488 lượt khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Các trung tâm y tế tăng cường công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
Về công tác an toàn thực phẩm, toàn Thành phố có 72.671 cơ sở, trong đó ngành Y tế quản lý 39.882 cơ sở. Duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn Thành phố tại 100% các xã, phường, thị trấn, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã; duy trì 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện.
Cùng với đó, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2024, trong đó tiếp tục duy trì 488 xã, phường, thị trấn đã được công nhận công nhận đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2023 và xây dựng kế hoạch thực hiện phấn đấu đạt 100% các xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2024.
Về công tác triển khai thực hiện Đề án 06, Sở Y tế phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố, Tập đoàn Viettel nghiên cứu, hiệu chỉnh hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử do Tập đoàn Viettel cung cấp. Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội đã được đánh giá đảm bảo về an ninh mạng, an toàn thông tin (hạ tầng, ứng dụng) theo quy định, đáp ứng yêu cầu kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư và VNeID do Bộ Công an quản lý...
Tại hội nghị, các Trung tâm Y tế đã báo cáo về kết quả thực hiện hoạt động y tế trong những tháng đầu năm 2024; những vướng mắc khó khăn tại đơn vị.
Tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đạt được. Trong thời gian tới, các quận, huyện, thị xã tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, cần đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để triển khai một cách hiệu quả nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng lưu ý, đối với dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện một số ổ dịch phức tạp, kéo dài, kết quả giám sát tại các ổ dịch cũ vẫn ghi nhận chỉ số nguy cơ, thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa rào là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát dịch, thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết. Tiếp tục phối hợp giám sát công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh tại các trường học, khu vực trọng điểm, khu vực nguy cơ cao dịch bệnh.
Triển khai thực hiện công tác dân số và phát triển thành phố Hà Nội năm 2024 và các đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng dân số của Thành phố, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện hoạt động nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học.
Cùng với đó, các quận, huyện cần làm tốt công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn.
(Báo Lao động Thủ đô)
Tập đoàn GELEX tài trợ trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Nhi Hà Nội
Biên bản ghi nhớ giữa các bên là bước đầu tiên để hiện thực hóa gói tài trợ của Tập đoàn GELEX đối với ngành y tế Hà Nội.
Ngày 12/6 tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã chủ trì Lễ ký Biên bản ghi nhớ về việc tài trợ, tặng cho trang thiết bị y tế giữa CTCP Tập đoàn GELEX và Sở Y tế Hà Nội – Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Theo nội dung biên bản ghi nhớ, Tập đoàn GELEX sẽ tài trợ mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Nhi Hà Nội – giai đoạn 1, đang triển khai xây dựng tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Tổng giá trị tài trợ dự kiến tối đa 130 tỷ đồng.
Bệnh viện Nhi Hà Nội được khởi công đầu năm 2023, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 10/2024. Bệnh viện có quy mô 200 giường nội trú trong giai đoạn I (2021-2024).
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Biên bản ghi nhớ giữa các bên là bước đầu tiên để hiện thực hóa gói tài trợ của Tập đoàn GELEX đối với ngành y tế Hà Nội. Trong bối cảnh các doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, chúng tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của Tập đoàn GELEX với cộng đồng, xã hội. Những giá trị cả về tinh thần và vật chất này sẽ tạo thuận lợi cho việc giảm tải số giường bệnh nhi khoa ở các bệnh viện đa khoa trong nội thành, tăng cường khả năng phục vụ y tế cho cộng đồng”.
Về phía đơn vị tài trợ, ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEX khẳng định: “Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, Tập đoàn GELEX luôn dành sự quan tâm cho công tác an sinh xã hội, nhất là trong hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Thông qua việc tài trợ, trao tặng lần này, chúng tôi muốn góp phần tiếp sức cùng ngành y tế Hà Nội và cụ thể là Bệnh viện Nhi Hà Nội, trong việc nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe thiết thực đối với nhân dân…”.
(Tạp chí Công thương)
Ngành y tế Hà Nội thực hiện 5 hoạt động đối ngoại
6 tháng đầu năm 2024, ngành Y tế Hà Nội đã tiếp đón 46 đoàn chuyên gia y tế nước ngoài đến thăm, làm việc và chia sẻ kinh nghiệm.
Ngành y tế Hà Nội đã thực hiện 5 hoạt động chính trong công tác đối ngoại 6 tháng đầu năm, gồm: tổ chức và quản lý đoàn ra, đoàn vào thuộc phạm vi phụ trách của Sở; hợp tác quốc tế; tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế; vận động, tiếp nhận và sử dụng viện trợ nước ngoài, nhân lực làm công tác đối ngoại ngành y tế.
23 lượt người của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế được UBND thành phố xem xét, quyết định cử đi công tác nước ngoài với mục đích đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, tham dự hội nghị, hội thảo khoa học.
Ngành Y tế Hà Nội đã tiếp đón 46 đoàn chuyên gia y tế nước ngoài đến thăm, làm việc và chia sẻ kinh nghiệm.
Sở Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu thành phố ký kết, mở rộng quan hệ hợp tác, trong đó có nội dung y tế với các địa phương của các quốc gia phát triển.
Trong thẩm quyền được phân cấp, Sở Y tế Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan xem xét, cho phép các bệnh viện như Phụ sản Hà Nội, Tim, Ung bướu Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác với các bệnh viện của Đại học Y Havard, Đại học New Mexico (Hoa Kỳ) phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân Thủ đô.
(Hanoionline)
Quận Ba Đình phát động ‘Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết’
Sáng ngày 13/6, UBND quận Ba Đình tổ chức lễ phát động hưởng ứng “Ngày Asean phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 14 năm 2024”.
Lễ phát động hưởng ứng "Ngày Asean phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 14 năm 2024" của quận Ba Đình được tổ chức tại trường Tiểu học Vạn Phúc (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) với sự than gia của ông Bùi Văn Hào - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, bà Phạm Thị Diễm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cùng các lãnh đạo Phòng, Ban, đơn vị và đại diện UBND 14 phường thuộc quận Ba Đình.
Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Lã Ngọc Sang - Trưởng phòng y tế quận Ba Đình cho biết: "Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn quận có 27 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 tăng 20 ca bệnh, phân bố tại 11/14 phường trên địa bàn quận; 3/14 phường chưa ghi nhận ca mắc (Điện Biên, Giảng Võ, Thành Công)".
Ông Sang nhận định, tình hình dịch sốt xuất huyết trên toàn thành phố Hà Nội cũng như trên địa bàn quận Ba Đình có xu hướng tăng nhanh về số ca mắc trong 3 năm gần đây. Để đảm bảo an toàn, khống chế dịch bệnh lây lan, quận Ba Đình đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên người tại 14/14 phường. Đồng thời kiện toàn 141 Tổ giám sát với 428 thành viên tham gia, 784 Đội xung kích với 1.826 người tham gia và mạng lưới 310 cộng tác viên tại cơ sở.
Cũng đánh giá về tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Bùi Văn Hào, Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng tình hình sốt xuất huyết năm nay vẫn có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn. Đặc biệt trong các tháng tới số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng.
Theo ông Hào, để phòng ngừa dịch sốt xuất huyết, quận Ba Đình nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung cần chủ động trong công tác diệt bọ gậy, không để ao tù, nước đọng, thay nước định kỳ, ngăn chặn muỗi đẻ trứng. "Thậm chí việc này phải tiến hành thường xuyên, trở thành công việc thường ngày và thói quen của người dân mới mong công tác phòng chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả", ông Hào khẳng định.
Kết thúc buổi lễ, bà Phạm Thị Diễm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình phát biểu hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2024. Theo đó, lãnh đạo quận Ba Đình khuyến cáo mỗi hộ dân dành ít nhất 10 phút mỗi ngày, mỗi tuần để tự tìm, phát hiện và xử lý ổ bọ gậy tại chính hộ gia đình mình. Bên cạnh đó, phải ngăn muỗi đẻ trứng bằng cách dọn sạch sẽ các dụng cụ chứa nước hoặc đậy kín khi không sử dụng.
Ngoài ra, khi bị sốt cao liên tục trên 2 ngày, người dân cần thông báo ngay với trạm y tế địa phương để được hướng dẫn, khám, điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Trước đó, vào ngày 6/6, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đan Phượng tổ chức phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2024.
Tại buổi phát động, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Vũ Cao Cương nhận định nhiều năm nay, Hà Nội luôn là địa phương có dịch sốt xuất huyết lưu hành cao. Các địa phương là "điểm nóng" về sốt xuất huyết của thành phố có nhiều yếu tố nguy cơ như: Các công trình xây dựng nhiều, các khu nhà trọ, lán trại tập trung khó kiểm soát, nhiều khu đất bỏ hoang chứa phế thải đọng nước không được xử lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, các khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết hằng năm diễn biến phức tạp cả ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành. Đặc biệt, các huyện vùng ven tiếp giáp như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai… đều ghi nhận số mắc cao. Riêng năm 2023 toàn thành phố có hơn 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước tới nay. Từ đầu năm 2024 đến ngày 24-5, thành phố đã ghi nhận 690 ca bệnh tại 30/30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
(Báo Sức khỏe& đời sống)