Trong tuần từ ngày 7 đến 14-6, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng. Ngoài ra, kết quả giám sát chỉ số côn trùng nhiều nơi cao trên ngưỡng nguy cơ.
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 7 đến 14-6), toàn thành phố ghi nhận 38 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4 ca so với tuần trước đó). Đây là tuần thứ hai liên tiếp có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 783 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023).
Ngoài ra, trong tuần ghi nhận 1 ổ dịch tại cụm 10, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 12 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại thôn Bãi Tháp và Đồng Vân, huyện Đan Phượng; cụm 10 và 12, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.
Trong quá trình điều tra, các chỉ số giám sát bọ gậy, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, chỉ số BI (Breteau index) có vai trò quan trọng để xác định tình hình. Riêng tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên.
Trong tuần qua, CDC Hà Nội thực hiện giám sát véc tơ ổ dịch cũ tại 8 xã, phường: Hải Bối, Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh); Quỳnh Lôi, Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng); Tam Hiệp, Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì); Đông Xuân (huyện Quốc Oai); Khương Đình (quận Thanh Xuân). Kết quả, 5/8 xã, phường có chỉ số BI cao trên ngưỡng nguy cơ là: Hải Bối có BI=80, Đông Xuân (BI=70), Ngọc Hồi (BI=60), Vĩnh Ngọc (BI=45), Tam Hiệp (BI=25).
CDC Hà Nội nhận định, điều kiện thời tiết chuyển mùa hè, thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng trong thời gian tới.
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, Hà Nội tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao để triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các biện pháp xử lý ổ dịch tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng đảm bảo hiệu quả, triệt để, sớm kết thúc ổ dịch; giám sát ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Đình, Thường Tín, Đống Đa, Ứng Hòa, Thanh Xuân, Hà Đông.
(Báo Hà nội mới)
Nguy cơ mắc bệnh dại từ chó nhà nuôi
Nhiều người thường có suy nghĩ cho rằng bị chó hoang cắn mới có thể phát bệnh dại còn nếu bị chó nhà nuôi trong môi trường sạch sẽ thì không gây bệnh. Trên thực tế, không ít trường hợp mắc bệnh dại ngay cả khi bị chó nhà nuôi cắn mà chủ quan không đi tiêm phòng dại.
Không chủ quan khi bị chó cắn
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại... Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Ở Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo: 3 - 4%, động vật khác như thỏ, chuột, sóc... chưa phát hiện được.
Mỗi năm, đặc biệt trong giai đoạn mùa hè, Bệnh viện Nhi Trung ương thường tiếp nhận một số trường hợp trẻ mắc bệnh dại đến khám và điều trị. Đa số các trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh dại, có tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn, chó vẫn bình thường, tâm lý e ngại với vắc xin phòng dại, một số trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình...
TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, mới đây, đơn vị này đã tiếp nhận một bé trai 2 tuổi khởi phát bệnh dại, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, trước khi nhập viện 1 tháng, trẻ bị chó của gia đình nuôi (chưa tiêm phòng dại) cắn vào vùng cổ và cằm. Ngay sau khi bị cắn, trẻ chỉ được rửa vết thương bằng xà phòng và không được tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại do tâm lý người nhà chủ quan cho rằng chó nhà nuôi không thể bị mắc bệnh dại. Khoảng 8 ngày trước khi vào viện trẻ lên cơn sốt, biểu hiện bất thường nên được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Tuy nhiên, tình trạng trẻ ngày càng nặng và chuyển biến nhanh nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngày 31-5-2024 tại khoa Điều trị tích cực - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, trẻ có biểu hiện sợ gió, xuất tiết đờm dãi, kích thích, vật vã, hoảng loạn. Trẻ được làm các xét nghiệm nước bọt, dịch não tủy, sinh thiết da gáy, kết quả chẩn đoán xác định mắc bệnh dại. Dù được điều trị tích cực song hiện tại trẻ vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Đề phòng bệnh dại ngay cả với chó nuôi
Nhiều người cho rằng chó nuôi nhốt trong nhà sẽ khó mắc bệnh dại hơn những con chó hoang thả rông ngoài đường, song đây là quan niệm sai lầm. Do đó, kể cả khi bị chó nhà nuôi cắn, người dân cần chú ý cách xử trí để ngừa bệnh.
Thời gian ủ bệnh dại ở người tương đối dài, thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Tuy nhiên, do thời gian ủ bệnh dài nên nhiều người thường chủ quan với bệnh, thậm chí sau khi bị chó cắn đến vài tháng sau vết cắn đã liền sẹo cũng quên mất việc tiêm phòng.
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh dại thường không đặc hiệu như sốt và đau đầu nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Khi bệnh nhân đã lên cơn dại với những biểu hiện rõ rệt là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt... thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Chính vì vậy, khi bị chó nhà cắn, bệnh nhân và người thân cần xử trí vết thương đúng cách, rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong vòng 10 - 15 phút, rồi sát trùng bằng cồn 70 độ, cồn i ốt... Sau đó, gia đình đưa người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế khám, tiêm dự phòng bệnh dại.
Đối với những người nuôi chó hoặc làm nghề chăm sóc, điều trị bệnh cho chó, mèo dù thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo cảnh thì vẫn có nguy cơ bị cắn, cào, nên tiêm phòng chủ động. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
(Báo Hà nội mới)
Triển khai kỹ thuật cao trong điều trị bệnh tại Hà Nội
Ngành y tế Hà Nội đã làm chủ các kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại, cứu sống nhiều ca bệnh.
Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) bị đứt dây chằng chéo trước do chơi thể thao, vừa được kíp phẫu thuật của Khoa chấn thương chỉnh hình chi dưới và chỉnh hình nhi của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng.
Sau ba ngày, bệnh nhân đã vận động tập luyện nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ và sẽ được xuất viện trong hai ngày tới.
Kỹ thuật này chỉ là một trong hàng chục kỹ thuật cao về y học thể thao mà Khoa chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện phẫu thuật nội soi thường quy cho một nghìn ca bệnh mỗi năm.
Không chỉ các bệnh viện đa khoa thực hiện thành công các kỹ thuật cao mà lĩnh vực chuyên khoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang thực hiện nhiều kỹ thuật cao cứu sống sản phụ, thai nhi, trẻ sơ sinh.
Sinh ba con trong lần đầu mang thai, sản phụ Nông Kiều Diễm (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) rất cảm phục các y bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cấp cứu cho cả mẹ và ba con sinh non. Mỗi cháu bé có cân nặng chỉ hơn 1 kg. Cả ba con của chị đang được chăm sóc mạnh khỏe từng ngày.
Đến nay, 100% các bệnh viện tuyến huyện của ngành y tế Hà Nội đã thực hiện thường quy phẫu thuật nội soi, phát triển nhiều kỹ thuật chuyên môn của bệnh viện hạng nhất.
(Báo Hanoionline)
Viêm não Nhật Bản và những triệu chứng ở từng giai đoạn
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay, bệnh nhân là một bé trai 12 tuổi (ở huyện Phúc Thọ).
Viêm não Nhật Bản là một bệnh nguy hiểm, vì các triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh vô cùng nguy hiểm và mùa hè là thời điểm dễ bùng phát thành dịch nhất. Đối tượng nhiễm chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là những bé từ 5 đến 7 tuổi.
Có hơn 30 loài muỗi trung gian truyền bệnh virus viêm não Nhật Bản, đặc biệt là Culex Tritaeniorhynchus. C. Tritaeniorhynchus thường sinh sản trên ruộng lúa, đầm lầy và các vũng nước nông khác. Đây là muỗi cắn vào buổi tối và ban đêm.
Nguy cơ nhiễm virus viêm não Nhật Bản cao nhất là ở các vùng nông thôn, nông nghiệp. Một số trường hợp viêm não Nhật Bản đôi khi được báo cáo từ các khu vực thành thị.
Biểu hiện của viêm não Nhật Bản ở từng giai đoạn
Sau khi virus viêm não Nhật Bản xâm nhập vào cơ thể, thì não và hệ thần kinh trung ương của người bệnh sẽ xuất hiện nhiều tổn thương. Đặc biệt, nhiều triệu chứng không mong muốn có thể xảy ra theo từng giai đoạn như sau:
Giai đoạn ủ bệnh
Sau khi virus viêm não Nhật Bản xâm nhập vào cơ thể, người bệnh sẽ trải qua thời gian ủ bệnh trong khoảng thời gian từ 5 đến 14 ngày. Ở giai đoạn này thường chưa xảy ra bất kỳ triệu chứng nào.
Giai đoạn khởi phát
Sau quá trình ủ bệnh, virus viêm não sẽ bắt đầu tấn công vào mạch máu não, gây ra tình trạng phù não. Những triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện đột ngột như sốt cao trên 39 độ C. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy đau đầu, buồn nôn hoặc nôn.
Trong 1 đến 2 ngày đầu phát bệnh, người mắc viêm não Nhật Bản có thể gặp những triệu chứng điển hình như cứng gáy, mất ý thức, tăng trương lực cơ hoặc vận động của nhãn cầu bị rối loạn… Đặc biệt, ở trẻ nhỏ khi bị mắc bệnh này thường sẽ xuất hiện những triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn với ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn và đi phân lỏng.
Giai đoạn toàn phát
Đây là giai đoạn xuất hiện những triệu chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh viêm não. Đó chính là những tổn thương về não nói chung và thần kinh khu trú nói riêng như bị liệt chi, liệt cơ mặt hoặc lác mắt. Tình trạng bệnh không giảm đi mà càng ngày càng nặng hơn. Bệnh nhân sẽ bị mê sảng rồi dần rơi vào tình trạng hôn mê sâu.
Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện nhiều triệu chứng của thần kinh thực vật như bị tiết mồ hôi rất nhiều, mạch đập nhanh, huyết áp tăng cao và rối loạn nhịp thở. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong của người mắc viêm não Nhật Bản là rất cao nếu như không được điều trị kịp thời, nhất là đối với trẻ em.
Giai đoạn lui bệnh
Sau tầm 7 đến 8 ngày, nếu không xảy ra tình trạng bội nhiễm, nhiệt độ của cơ thể người bệnh sẽ giảm dần và không còn bị sốt cao nữa. Bên cạnh đó, những hội chứng về não cũng như tình trạng rối loạn thần kinh sẽ cải thiện hơn nhiều nếu như nhận được sự điều trị kịp thời và đúng cách.
Tuy nhiên, bệnh lý viêm não này sẽ để lại những di chứng về thần kinh như liệt chi hoặc các dây thần kinh. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Hơn nữa, những biến chứng nguy hiểm cũng là điều không thể tránh khỏi.
Tiên lượng bệnh viêm não Nhật Bản
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm não Nhật Bản và hiện nay chỉ điều trị hỗ trợ. Chính vì vậy, khi bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản thì tỉ lệ tử vong cao và sẽ để lại di chứng về thần kinh sau này.
Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân thể viêm não nhập viện khoảng 20 – 30%, thường xảy ra sau một thời gian hôn mê kéo dài. Trong số những người sống sót, di chứng thần kinh xảy ra trong ít nhất 30 – 50%.
Các di chứng phổ biến nhất bao gồm:
-
Các vấn đề tâm thần và co giật tái phát.
-
Suy giảm nghiêm trọng về nhận thức hoặc ngôn ngữ.
-
Khó khăn trong vấn đề học tập và tiếp xúc với môi trường xã hội khi trở lại với cuộc sống trước khi mắc bệnh.
-
Cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản
Virus lây qua trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex. Vì vậy, mọi người cần làm những điều sau để phòng bệnh:
-
Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
-
Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống chín.
-
Nên ngủ màn cả ban ngày và ban đêm đề phòng muỗi đốt.
-
Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
-
Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
Các biện pháp bảo vệ cá nhân để ngăn ngừa muỗi đốt là rất quan trọng, vì điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Việc tiêm vaccine viêm não Nhật Bản là biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh tốt nhất.
Theo thống kê và nghiên cứu, trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2 – 6 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản cao nhất. Để phòng ngừa một cách tốt nhất thì trẻ nên được tiêm mũi nhắc lại theo định kỳ 3 năm/lần cho đến khi đủ 15 tuổi.
(Báo sức khỏe &đời sống)