Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 2476/SYT-NVY về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024 trong ngành Y tế.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm về triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, tăng dung lượng và thời lượng đăng bài tuyên truyền, chuyển tải thông điệp phòng, chống ma túy bằng các hình thức sinh động, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Trong đó, đổi mới về phương thức, biện pháp và đa dạng hóa nội dung tuyên truyền, tập trung nội dung phổ biến Luật phòng, chống ma túy, các quy định hiện hành về công tác phòng chống ma túy, chủ trương, chính sách của Thành phố đang triển khai, thực hiện công tác phòng chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai, Ngày Quốc tế và Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy 26/6, Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024; tác hại của ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp (ma túy đá, thuốc lắc, cỏ Mỹ...), cần sa, “bóng cười”, “tem giấy”, “bùa lưỡi”, các phương thức, biện pháp để phòng ngừa số đối tượng tâm thần có xu hướng bạo lực, số đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” gây án.
Các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống ma túy, cổ vũ động viên gương người cai nghiện ma túy thành công, tập trung vào các mô hình hỗ trợ người nghiện có hiệu quả tại cộng đồng. Lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy thông qua các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, tọa đàm, tập huấn…
Cùng với đó, thực hiện cấp phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn xã hội; tăng cường chỉ đạo cơ sở điều trị methadone tiếp tục thực hiện điều trị methadone điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone.
CDC Hà Nội phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp về số lượng bệnh nhân tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone, kịp thời thông tin về bệnh nhân không tuân thủ điều trị, bỏ điều trị... để có biện pháp xử lý theo quy định. Thực hiện tiếp nhận, tổng hợp và báo cáo kết quả hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy của các đơn vị gửi về Sở Y tế trước ngày 4/7/2024 để báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về phòng, chống ma túy do Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tổ chức. Tiếp tục thực hiện điều trị methadone cho người nghiện tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, kịp thời thông tin về bệnh nhân không tuân thủ điều trị, bỏ điều trị... để có biện pháp xử lý theo quy định, đồng thời tích cực phối hợp với lực lượng Công an và cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy.
Bên cạnh đó, phối hợp đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia phong trào phòng chống ma túy, đấu tranh, phát hiện tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy; tăng cường các hoạt động tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy trên địa bàn.
Các đơn vị khác trong ngành thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, nâng cao công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo công tác phòng, chống HIV/AIDS; tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về phòng, chống ma túy do Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tổ chức; tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy, phòng chống ma túy thông qua các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, tập huấn, tọa đàm và hoạt động chuyên môn tại đơn vị.
Bệnh viện Tâm thần Hà Nội hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn đối với công tác xác định tình trạng nghiện, sử dụng các phác đồ, các thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện ma túy, thuốc hỗ trợ điều trị chống tái nghiện được phép lưu hành của Bộ Y tế, cách lập hồ sơ bệnh án cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn và trung tâm y tế quận, huyện.
Sở Y tế tăng cường công tác quản lý, sử dụng, cấp phát các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại đơn vị trong ngành; phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh tân dược, quản lý sử dụng cấp phát các loại thuốc tân dược gây nghiện, thuốc hướng thần, các loại tiền chất dùng trong y học tại các cơ sở y tế, các nhà thuốc... nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm.
(Báo Lao động Thủ đô)
Quan niệm sai lầm về ăn tiết canh
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, mới đây 2 bệnh nhân ở quận Hà Đông và huyện Ứng Hòa bị mắc liên cầu lợn phải nhập viện cấp cứu do ăn tiết canh trước đó.
Mặc dù các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo nguy cơ mắc bệnh liên cầu, sán… khi ăn tiết canh nhưng nhiều người dân vẫn mắc phải vì có những quan niệm sai lầm.
Một quan niệm sai lầm rất nhiều người mắc phải là cho rằng, ăn tiết canh tự làm tại nhà và chế biến từ con vật nhà nuôi sẽ an toàn. Họ chủ quan vì nghĩ, lợn, dê, ngan, vịt… do gia đình tự chăn nuôi dân dã, thả rông là “sạch”, không bị bệnh thì có thể ăn tiết canh mà không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành thú y, bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào, vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn rất nguy hiểm, điều trị bệnh tốn kém và tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Quan niệm sai lầm khác mà nhiều người mắc phải còn là, chỉ ăn tiết canh lợn mới bị bệnh và mắc liên cầu khuẩn mới nguy hiểm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khẳng định, tất cả các loại tiết canh, dù là dê, vịt, ngan… đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Ăn tiết canh lợn, ngoài nguy cơ mắc bệnh liên cầu thì người ăn có thể mắc bệnh giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể tử vong. Đặc biệt, ăn tiết canh lợn rất dễ nhiễm bệnh ấu trùng sán lợn. Sán lợn có thể ký sinh trong não, gây mất trí nhớ, đau đầu, co giật, nặng hơn có thể đột tử.
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, dù là tiết canh lợn, dê hay vịt, ngan… và không ăn các sản phẩm làm từ thịt chưa được nấu chín.
(Báo Hà nội mới)
Covid-19 thuộc 10 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vaccine
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT về danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc. Trong đó, Covid-19 thuộc 10 bệnh truyền nhiễm bắt buộc tiêm vaccine. Thông tư có hiệu lực từ 1/8/2024.
Theo Thông tư số 10/2024/TT-BYT, danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vaccine và lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm 11 bệnh: viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae tuýp b (nguyên nhân gây bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, gồm: viêm phổi, viêm màng não…), sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella, tiêu chảy do virus Rota.
Các vaccine bắt buộc nếu chưa tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm chủng đủ liều thì tiêm bù càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất.
Vaccine phòng 11 bệnh truyền nhiễm nêu trên có lịch tiêm cụ thể cho các trẻ từ sơ sinh đến đủ 7 tuổi. Riêng vaccine uốn ván còn có chỉ định tiêm cho phụ nữ mang thai (trong đó, đối với người chưa tiêm, chưa tiêm đủ 3 lần vaccine có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản, hoặc không rõ tiền sử tiêm vaccine cần tiêm đủ 5 mũi trước, trong thai kỳ và trong lần mang thai lần sau), theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Vaccine thuộc danh mục quy định này được triển khai trên toàn quốc cho trẻ em, phụ nữ có thai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước tổ chức, tiêm miễn phí đối với các vaccine bắt buộc sử dụng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai.
Ngoài ra, Bộ Y tế quy định danh mục 10 bệnh truyền nhiễm và sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch.
Trong đó, ngoài vaccine Covid-19, có 9 bệnh khác thuộc danh sách này là: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả, viêm não Nhật Bản B, dại, cúm.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận.
Trước đó, tháng 11/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo cập nhật về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.
Trên cơ sở khuyến cáo của nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO và Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm và tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 cho 5 đối tượng gồm: cán bộ y tế, người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào, phụ nữ có thai.
(Báo Kinh tế &đô thị)
Đề phòng khi viêm não Nhật Bản vào mùa
Tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là quãng thời gian cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm với trẻ nhỏ, do tỉ lệ tử vong cao và những di chứng nặng nề mà nó có thể mang lại.
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản là bé trai 12 tuổi (ở huyện Phúc Thọ). Cụ thể, bệnh nhi khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu. 1 ngày sau đó, bệnh nhi xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Tại đây, kết quả xét nghiệm Mac-Elisa dịch não tủy của bệnh nhi cho thấy dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội trong năm nay. Được biết, bệnh nhi này đã tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản (mũi cuối cùng vào ngày 15/6/2019).
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiêt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên, đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi.
Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3 - 5 năm một lần đến năm 15 tuổi” - BS Lâm nhấn mạnh.
Đáng lo ngại hơn, từ thực tế điều trị, chuyên gia cho hay, đa phần các ca viêm não Nhật Bản đều trong tình trạng nặng, thậm chí có những trẻ bị biến chứng vận động, biến chứng thần kinh mất ý thức hoàn toàn.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) là do viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như: Sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp.
“Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong” – BS Hải cho hay.
Để có thể đưa trẻ đến viện kịp thời thì phụ huynh cần phải biết được những triệu chứng, dấu hiệu nhận biết sớm khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản. Theo đó, khi trong 1 đến 2 ngày đầu mắc viêm não Nhật Bản thường có các dấu hiệu như sốt, đau đầu tăng dần, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan. Trong các biểu hiện trên thì sốt và nôn khan thường các bậc phụ huynh hay bị nhầm lẫn nhất.
Khi trẻ bị sốt các phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Tuy nhiên, nếu bị sốt virus thông thường thì sau khi uống thuốc hạ được sốt, trẻ sẽ hoạt động và chơi bình thường. Khi trẻ bị nôn khan kèm theo sốt, đau đầu tăng dần thì đó chính là triệu chứng của viêm não.
BS Hải khuyến cáo khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, đau đầu, nôn khan thì hãy nghĩ ngay đến viêm não và đưa trẻ đến khám. Trong trường hợp để trẻ xuất hiện các biểu hiện nặng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và rất khó khăn trong quá trình điều trị.
Các bậc phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
(Báo Đại đoàn kết)