Thời tiết miền Bắc đang bước vào những ngày nắng nóng gay gắt và có mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi, vi rút, vi khuẩn truyền bệnh, tấn công sức khỏe con người.
Tại các bệnh viện, số ca mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: Viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết… đang “tăng nhiệt”. Do đó, người dân cần chủ động phòng bệnh, không để bệnh lây lan thành dịch.
Cảnh giác những di chứng nguy hiểm
Mới đây, vụ việc 4 người trong một gia đình ở tỉnh Bắc Kạn mắc viêm màng não do não mô cầu, trong đó 2 người đã tử vong khiến dư luận lo lắng. Trước đó, Hà Nội cũng ghi nhận ca nhiễm viêm não mô cầu đầu tiên trong năm nay là nam bệnh nhân 22 tuổi ở thị xã Sơn Tây.
Theo các chuyên gia y tế, viêm màng não do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu ở nước ta. Đây cũng là bệnh dễ mắc phải vào mùa hè, có thể cướp đi mạng sống chỉ trong 24 giờ đồng hồ kể từ khi khởi phát triệu chứng. Thậm chí, cứ 2 trong số 10 người mắc bệnh sẽ gặp các di chứng, như: Liệt, điếc, thiểu năng trí tuệ…
Ngoài viêm não mô cầu, mùa hè còn là mùa của viêm não Nhật Bản. Ngay đầu tháng 6-2024, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm là bé trai 12 tuổi (ở huyện Phúc Thọ). Bệnh nhi khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau đó, bệnh nhi xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận hơn 50 ca viêm não, 10 ca viêm não Nhật Bản và hàng trăm ca viêm màng não do vi rút, vi khuẩn. Bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện bày tỏ lo ngại, với các bệnh viêm não, điển hình là viêm não Nhật Bản, hầu hết trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, sốt cao liên tục, co giật. Thậm chí, nhiều trường hợp rơi vào trạng thái hôn mê, phải điều trị tăng áp nội sọ...
Tương tự, tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, bác sĩ Phùng Thị Phương Ngọc, Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, chỉ riêng tuần đầu của tháng 6-2024, tỷ lệ bệnh nhi nhập viện vì mắc viêm màng não đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa xen kẽ tạo thuận lợi cho các vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh, tấn công và gây hại cho sức khỏe con người, nhất là trẻ nhỏ.
Thời tiết nắng nóng kèm theo mưa cũng tạo thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh sốt xuất huyết. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 5-2024, số ca mắc sốt xuất huyết vào khoảng 20 ca/tuần thì đến 2 tuần đầu tháng 6-2024 đã tăng lên 34-38 ca/tuần. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 783 ca sốt xuất huyết (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023).
Chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cho biết, tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết thường có số mắc tăng cao từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm và hiện không còn tuân theo chu kỳ 3-4 năm lại bùng phát. Minh chứng là năm 2023 tuy không phải năm chu kỳ của dịch nhưng toàn thành phố có hơn 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước tới nay. Do đó, năm nay, theo quan sát các điều kiện khí hậu, thời tiết mưa nắng thất thường, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ khó có thể giảm hơn so với năm 2023.
Trước thực tế đó, CDC Hà Nội đã đề nghị các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực ổ dịch, khu vực nguy cơ cao... Tháng 5-2024, lần đầu tiên vắc xin phòng sốt xuất huyết được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Để đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết, CDC Hà Nội cũng sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tiếp nhận và triển khai dự án tiêm chủng vắc xin phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân.
Còn với bệnh viêm màng não cũng rất nguy hiểm, do có thể lây qua đường hô hấp và các triệu chứng lâm sàng ban đầu rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Chẳng hạn, trẻ thường khởi phát bệnh với các triệu chứng, như: Sốt, nôn ói, đau đầu… khiến phụ huynh chủ quan. Khi đưa tới bệnh viện, bệnh nhi đã rơi vào tình trạng nặng nề.
Do đó, các chuyên gia y tế lưu ý, việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị bệnh. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng, như: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, nôn trớ, cứng gáy, ù tai, sợ ánh sáng…, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Ngoài ra, trước đây, khi chưa triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B, tỷ lệ trẻ mắc bệnh này chiếm đến 50% các ca viêm não. Hiện, nhờ có tiêm chủng mà tỷ lệ này giảm còn khoảng 5-15%.
Để bảo vệ trẻ em trước bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các gia đình cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và tiêm bù mũi nếu đã hoãn tiêm.
(Báo Hà nội mới)
Chương Mỹ kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc
Hằng năm, huyện chỉ đạo các đơn vị: Phòng Y tế, Phòng Kinh tế phối hợp Trung tâm Y tế huyện và các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin phục vụ quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn...
Thời gian qua, Chương Mỹ triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng; tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về an toàn thực phẩm, đặc biệt trong các dịp cao điểm, lễ hội tập trung đông người. Công tác kiểm tra, hậu kiểm, giám sát an toàn thực phẩm từ sản xuất, sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm được quản lý chặt chẽ, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Quản lý chặt chẽ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Theo thống kê, trên địa bàn Chương Mỹ có hơn 3.840 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, 3 siêu thị và 23 chợ truyền thống. Trong đó, lĩnh vực công thương 1.448 cơ sở, 1.065 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực y tế hơn 1.300 cơ sở; khoảng 5.500 cơ sở, hộ trồng trọt theo các mô hình VietGAP, hữu cơ, rau an toàn; hơn 7.000 cơ sở, hộ chăn nuôi...
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Hà, từ đầu năm đến nay, huyện phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn các văn bản quản lý nhà nước đối với thành viên Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm từ huyện đến xã, thị trấn với 128 người tham dự.
Huyện đã chỉ đạo các đơn vị, 32/32 xã, thị trấn tổ chức phổ biến quy định về an toàn thực phẩm trên cổng thông tin điện tử huyện, qua hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn; tuyên truyền trong quá trình kiểm tra, lồng ghép hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt chuyên đề tại các thôn, tổ dân phố…
Hằng năm, huyện chỉ đạo các đơn vị: Phòng Y tế, Phòng Kinh tế phối hợp Trung tâm Y tế huyện và các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin phục vụ quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn bảo đảm hiệu quả; thực hiện công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, hậu kiểm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, vật tư nông nghiệp, chợ, hệ thống phân phối, làng nghề. Thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm cũng được triển khai hiệu quả, đúng quy định.
Bên cạnh đó, huyện thành lập các đoàn kiểm tra để giám sát chất lượng. Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã, thị trấn đã kiểm tra 429 cơ sở trên địa bàn, phát hiện 37 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt hơn 33,1 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là người sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay; thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, sai nhãn mác sản phẩm.
Tiếp tục duy trì mô hình điểm về an toàn thực phẩm
Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Chương Mỹ còn khó khăn do cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số nhỏ lẻ, phân tán, thường biến động; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ do kinh tế suy thoái; nhân lực tại huyện và các xã, thị trấn được phân công theo dõi về an toàn thực phẩm đa số kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác...
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho hay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được huyện thực hiện thường xuyên, liên tục, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Thời gian tới, huyện đưa mục tiêu, chỉ tiêu an toàn thực phẩm vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, huyện chú trọng công tác truyền thông giáo dục an toàn thực phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm từ huyện đến thôn, xóm, trường học; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; duy trì các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, thực hiện hiệu quả các đề án an toàn thực phẩm trên địa bàn...
Ngoài ra, huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, chủ cơ sở ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Các xã thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân...
Huyện đề nghị các sở: Y tế, Công Thương, NN&PTNT tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tuyến huyện, xã. Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn phát triển các chuỗi cung cấp nông sản an toàn trên địa bàn.
(Báo Hà nội mới)
Người phụ nữ cổ xúy sinh con tại nhà nhận lỗi
Sau khi tiếp nhận thông tin tài khoản N.M có địa chỉ tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) xác minh thông tin.
Liên quan đến vụ tài khoản N.M đăng thông tin cổ xúy việc sinh con tại nhà lên mạng xã hội Facebook gần đây, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, Vụ đã chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC Hà Nội) xác minh thông tin. Ngay lập tức, CDC Hà Nội đã chỉ đạo trung tâm y tế huyện Chương Mỹ đến tận nhà chị N.M có địa chỉ tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội để làm rõ thực hư.
Kết quả xác minh, chị N.M cho biết có 2 con và đã sinh từ rất lâu. Câu chuyện chị chia sẻ là của một người quen tại Đắk Nông. Ngoài ra, chị N.M cũng nhận lỗi với cơ quan chức năng vì tuyên truyền hủ tục, đồng thời viết cam kết không tái phạm và gỡ bài đăng.
Từ thông tin này, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã yêu cầu CDC Đắk Nông rà soát, tiếp tục tìm hiểu, xác minh thông tin.
Theo ông Đinh Anh Tuấn, dưới góc độ quản lý của Bộ Y tế, hiện hoạt động điều tra vẫn đang dừng ở đây, chưa thể có các biện pháp như phạt, chế tài. Bởi hành vi này đúng là có ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, nhưng có vi phạm mang tính chất hình sự hay không thì chưa thể xác định.
Ông Tuấn cho hay, trào lưu sinh con thuận tự nhiên đã xuất hiện từ nhiều năm nay, đặc biệt nổi lên vào năm 2019. Trào lưu này cổ xúy cho những hành vi phản khoa học như vận động không khám thai, không cắt rốn trẻ sau sinh, tự sinh con tại nhà, không tiêm chủng vaccine cho trẻ...
Ông Tuấn cũng khẳng định trào lưu sinh con thuận tự nhiên có rất nhiều tác hại đến sức khỏe của mẹ và bé, cần phải chấm dứt. Hiện, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em vẫn theo dõi sát sao, phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan để có giải pháp, hướng xử lý phù hợp trong vụ việc này.
Liên quan đến vấn đề này, BS. Diêm Thanh Thủy - BV Phụ sản Hà Nội nhận định, việc sinh thuận theo tự nhiên như trên mạng internet đang lan truyền là một hình thức đưa con người về thời kỳ mông muội. Những tai biến sản khoa luôn rình rập và có thể cướp đi sinh mạng của mẹ và con bất cứ lúc nào nếu chúng ta sơ xuất chứ chưa nói đến việc không được kiểm soát.
Còn TS.BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung Ương cũng khẳng định: "Tự đẻ tại nhà thì cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt với những trường hợp đã từng có vết mổ đẻ cũ, ngôi thai không thuận, thai quá to… thì càng nguy hiểm hơn… Đẻ tại nhà dù được người có kinh nghiệm đến hỗ trợ thì vẫn có nguy cơ tử vong thai nhi, tăng nguy cơ suy thai và bại não. Vậy nên, trong trường hợp "bất đắc dĩ" thai phụ đẻ tại nhà vẫn cần được nhân viên y tế hỗ trợ, trong suốt quá trình mang thai cũng cần được đi khám thai định kỳ".
Trước đó, mạng xã hội xôn xao sau khi tài khoản Facebook có tên N.M đăng tải những hình ảnh một người phụ nữ sinh con tại nhà. Nội dung của bài viết mang tính chất cổ xúy và tán thưởng hành động sinh con thuận tự nhiên tại nhà và không tiêm vaccine.
Người này ước từ nay tất cả các mẹ đều sinh con giống tổ tiên khi chưa xuất hiện bệnh viện, để những đứa trẻ không phải ra đời trong vòng tay của người xa lạ…. Cả mẹ và con không một giọt sữa công thức, không một mũi vaccine…
Kèm theo bài viết nói trên là nhiều hình ảnh một phụ nữ ngồi trong bồn gỗ có nước màu đỏ tay bế trẻ sơ sinh, bên cạnh có 2 người phụ nữ tay không đeo găng đang trợ giúp.
(Báo Sức khỏe& đời sống)
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để hạn chế bán lòng vòng, đẩy giá lên cao
Việc sửa đổi quy định về kê khai giá thuốc theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa bảo đảm kế thừa quy định hiện hành về việc kê khai giá bán buôn dự kiến để kiểm soát giá bán và hạn chế việc bán lòng vòng qua các khâu trung gian, đẩy giá lên cao...
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, chiều nay -18/6 Bộ trưởng Bộ Y tế thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 44 Điều của 08 Chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016.
Dự thảo Luật bổ sung "điều kiện lưu hành oxy y tế" vào phạm vi điều chỉnh và sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược; quy định về hành nghề dược; kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đăng ký, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thu hồi thuốc; thông tin, quảng cáo thuốc; thử thuốc trên lâm sàng; quản lý chất lượng thuốc và quản lý giá thuốc.
Quản lý giá thuốc thông qua đấu thầu mua thuốc đã giúp tiết kiệm hơn 35% chi phí mua thuốc tại các cơ sở y tế
Liên quan đến công tác quản lý giá thuốc, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sửa đổi, bổ sung một số quy định về kê khai giá thuốc để thống nhất với Luật Giá 2023 và quy định rõ đặc thù về kê khai giá thuốc (kê khai giá bán buôn dự kiến) khác với quy định về kê khai giá hàng hóa thông thường quy định tại Luật Giá.
Thông tin về công tác quản lý giá thuốc hiện nay, ThS Lê Xuân Hoành, Trưởng phòng Quản lý giá (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) cho biết, triển khai các biện pháp quản lý giá thuốc quy định tại Điều 107 Luật Dược 2016 đã giúp kiểm soát tốt giá thuốc, giúp thị trường dược phẩm cơ bản được bình ổn qua các năm.
Giá thuốc cả nhóm thuốc biệt dược gốc và nhóm thuốc generic đối với các thuốc sử dụng nhiều nhất của Việt Nam đều ở mức thấp so các nước Đông Nam Á ở hầu hết các nhóm tác dụng điều trị (thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, kháng sinh, ung thư…)
Triển khai các quy định về kê khai giá thuốc tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP), việc kê khai giá thuốc và công khai minh bạch giá thuốc kê khai trên trang thông tin của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế (tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn) đã giúp cho giá thuốc được công khai, minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho các bên.
Giá thuốc kê khai được công khai giúp cơ quản quản lý giá tăng cường hơn nữa công tác quản lý giá, giúp Sở Y tế, Bệnh viện trong công tác đấu thầu.
Các doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin giá thuốc do đơn vị mình cung cấp đồng thời so sánh đối chiếu với các doanh nghiệp khác để từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp, nâng cao chất lượng cạnh tranh. Người dân được biết chính xác thông tin giá thuốc và qua đó so sánh đối chiếu để mua được thuốc tốt với chi phí hợp lý. Đến thời điểm hiện tại, có hơn 76.000 lượt mặt hàng thuốc kê khai, kê khai lại được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược.
Bộ Y tế ban hành các Thông tư hướng dẫn hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc góp phần bảo đảm mua thuốc và thanh toán chi phí sử dụng thuốc bằng nguồn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế đúng quy định với giá mua thuốc đã được lựa chọn trên cơ sở cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch.
Với việc triển khai quản lý giá thuốc tại các cơ sở y tế thông qua đấu thầu mua thuốc đã giúp giảm giá thuốc tại các cơ sở y tế (tiết kiệm được 35,5% chi phí mua thuốc so quy định cũ), người dân được sử dụng thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý. Thông qua đấu thầu tập trung, đàm phán giá các thuốc sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh, giá thuốc được thống nhất trên từng địa phương, nhiều thuốc có giá thống nhất trên toàn quốc.
Quản lý giá thuốc trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đề xuất thế nào?
ThS Lê Xuân Hoành chia sẻ, thuốc là hàng hóa đặc biệt, người bệnh không thể tự ý quyết định sử dụng như các loại hàng hóa khác mà phải có sự kê đơn, hướng dẫn, hoặc do nhân viên y tế quyết định.
Ngoài ra, thuốc có hệ thống phân phối đặc thù với hơn 65.000 cơ sở bán lẻ (bao gồm: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền) trải dài trên khắp cả nước trong đó nhiều cơ sở bán lẻ ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo... trong khi số lượng mặt hàng thuốc rất lớn (khoảng trên 20.000 mặt hàng) đã có sự cạnh tranh cao trên thị trường.
Với sự khác biệt, đặc thù của thuốc so các loại hàng hóa khác nên khoản 2 Điều 3 Luật Giá 2023 đã cho phép được quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá.
Vì vậy, cần thiết phải có cơ chế quản lý giá đặc thù để bảo đảm vừa thống nhất, đồng bộ với quy định về kê khai giá tại Luật Giá 2023 vừa kế thừa các quy định về quản lý giá thuốc có hiệu quả của Luật Dược 2016 hiện hành; phù hợp với nguyên tắc quản lý nhà nước về giá thuốc tại Điều 106 Luật Dược và Điều 4 Luật Giá 2023 và bảo đảm vai trò của quản lý nhà nước trong điều tiết giá khi có biến động giá. Bộ Y tế phối hợp các cơ quan liên quan triển khai dự án Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã đưa ra các quy định đặc thù về kê khai giá thuốc khác với quy định về kê khai giá hàng hóa thông thường theo quy định của Luật Giá.
Theo đó, bổ sung thuật ngữ giá bán buôn thuốc dự kiến tại Điều 2 Luật Dược 2016; sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 107 theo hướng thực hiện kê khai giá đối với danh mục thuốc, nhóm thuốc do Chính phủ ban hành; bổ sung quy định việc kê khai giá thuốc theo đúng quy định về kê khai giá tại Luật Giá 2023 và quy định rõ kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến theo quy định tại Luật Dược.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số điều để quy định rõ trách nhiệm quản lý giá thuốc của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về kê khai giá thuốc.
Theo Cục Quản lý Dược, việc sửa đổi quy định về kê khai giá thuốc nêu trên vừa bảo đảm kế thừa quy định hiện hành về việc kê khai giá bán buôn dự kiến để kiểm soát giá bán và hạn chế việc bán lòng vòng qua các khâu trung gian, đẩy giá lên cao.
Mặt khác bảo đảm đúng quy định về kê khai tại Luật Giá, kê khai giá bán cho tất cả các thuốc (bao gồm cả kê khai giá bán buôn, bán lẻ), qua đó, Cơ quan quản lý Nhà nước về giá có thông tin về giá để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, bình ổn giá.
(Báo Sức khỏe& đời sống)